Nhộn nhịp ‘Siêu thị đồng phục 0 đồng’ tại trường học Hà Nội
Trong lúc nhiều gia đình kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì những bộ đồng phục đến từ Siêu thị 0 đồng trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, Hà Nội là món quà rất thực tế, ý nghĩa.
Siêu thị đồng phục 0 đồng của trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, Ba Đình hoạt động hàng ngày vào giờ tan học
Tận dụng khoảng không gian nhỏ tại sân trường, ngay trước khu vực thư viện trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, những ngăn quần áo đồng phục “0 đồng” sẵn sàng phục vụ nhu cầu của học sinh không có điều kiện kinh tế để mua sắm đầu năm học.
Mỗi ngày, “Siêu thị 0 đồng” này lại mở cửa 30 phút vào giờ tan học để các bậc phụ huynh cùng các bạn học sinh có thể lựa chọn những bộ đồng phục vừa vặn với các em. Quan sát siêu thị đặc biệt này, có thể thấy “mặt hàng” đặc biệt này khá đa dạng. Không chỉ có đồng phục mùa hè mà có cả đồng phục mùa đông, áo khoác, đồng phục thể dục… có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều học sinh.
Siêu thị đồng phục mới chỉ mở cửa phục vụ khoảng 2 tuần nay tại trường tiểu học Nguyễn Tri Phương nhưng đã thu hút được nhiều sự quan tâm của cả người muốn đóng góp lẫn người thụ hưởng.
Cô giáo Tổng phụ trách Nguyễn Thị Hồng Hà cho biết, toàn trường đã thu được khoảng gần 1.000 chiếc áo, quần đồng phục còn sử dụng tốt, làm sạch và được chính các bạn trong Ban Chỉ huy Liên đội sắp xếp, treo lên giá và giới thiệu cách thức nhận đồng phục 0 đồng tới học sinh toàn trường.
“Cụ thể, tính đến nay, chúng tôi đã nhận được 159 bộ sơ mi cộc tay, 114 bộ thể dục cộc tay, 226 bộ sơ mi dài tay 112 bộ thể dục dài tay, 56 chiếc áo sơ mi cộc tay, 78 chiếc áo sơ mi dài tay, 52 chiếc quần dài, 36 chiếc quần soóc, 112 chiếc áo khoác… Con số này vẫn tiếp tục được cập nhật, vì còn nhiều bạn học sinh vẫn tiếp tục gửi tặng đồng phục, cả những học sinh lớp 5 vừa lên lớp 6 cũng rất hào hứng với mô hình này”- cô Hồng Hà cho biết.
Video đang HOT
Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương cho biết, mô hình Siêu thị đồng phục 0 đồng của trường góp phần giải quyết những vấn đề thiết thực của những gia đình còn khó khăn
Cô Phạm Minh Thảo, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương cho biết qua tìm hiểu thực tế, dù ở giữa nội thành nhưng nhà trường vẫn có rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ.
Đặc biệt từ tháng 10-2022, học sinh của trường sẽ đi học nhờ tại 3 điểm khác trong thời gian xây dựng trường, do vậy để nhận diện và đảm bảo an toàn cho học sinh, các em phải mặc đồng phục tất cả các ngày trong tuần.
“Tuy nhiên, việc không ít gia đình không có khả năng tài chính để mua đủ quần áo đồng phục cho con mặc đến trường cả tuần khiến nhà trường băn khoăn và đã đưa ra nhiều phương án. Việc đăng ký trực tiếp trên lớp những bạn cần đồng phục không nhận được nhiều phản hồi, trong khi đó mô hình “Siêu thị đồng phục 0 đồng” lại mang lại hiệu quả bất ngờ khi cả người cho và người nhận đều thấy thoải mái và ủng hộ” – cô Thảo chia sẻ.
Em Nguyễn Khánh Tâm, học sinh lớp 5A cho biết em đã nhận được 3 bộ đồng phục từ “Siêu thị đồng phục 0 đồng”. Các bộ đồng phục đều còn rất mới, được giặt là thơm tho, phẳng phiu.
“Em cảm thấy rất vui vì các bạn và các thầy cô đã tặng cho em những bộ đồng phục đẹp như mới để em tự tin đến trường. Ngoài đồng phục, em còn được các bạn tặng cặp sách, hộp bút, hộp màu…” – Nguyễn Khánh Tâm chia sẻ. Tâm chỉ là một trong không ít học sinh của trường tiểu học Nguyễn Tri Phương có hoàn cảnh gia đình không dư giả về kinh tế. Bố mẹ Tâm đều làm nghề tự do, sống cùng bà nội đã cao tuổi.
Cô Phạm Minh Thảo cho biết, trước đây nhà trường vẫn tổ chức quyên góp để mang quần áo từ thiện đến cho các em học sinh ở những vùng kinh tế khó khăn. Nhưng đến nay, việc học sinh cùng trường giúp đỡ lẫn nhau có được những bộ đồng phục sạch đẹp lại càng mang lại ý nghĩa thiết thực, góp phần gắn bó, hiểu hoàn cảnh nhau hơn.
“Các con giờ đã có ý thức hơn về việc giữ gìn đồng phục, biết chia sẻ với bạn bè còn khó khăn và hoàn toàn có thể giúp đỡ theo năng lực bản thân các em. Tiếp theo mô hình này, nhà trường sẽ mở rộng sang các sản phẩm thiết thực khác như sách giáo khoa, đồ dùng học tập…” – cô Phạm Minh Thảo chia sẻ.
Hà Nội: Đào tạo mũi nhọn vượt rào cản trong giai đoạn học trực tuyến
Giáo dục mũi nhọn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT cả nước nói chung và GD&ĐT Thủ đô nói riêng.
Nhằm thích ứng linh hoạt với dịch bệnh Covid- 19, từ đầu năm học 2021- 2022 đến nay, đa số học sinh phải chuyển hoàn toàn sang học online đã ít nhiều gây khó khăn cho công tác đào tạo mũi nhọn; tuy nhiên lại cũng là động lực cho cả thầy và trò vượt khó đi lên.
Giữ vững chất lượng đào tạo mũi nhọn
Ngay từ đầu năm học, kế hoạch, phương án dạy và học online đã được các trường xây dựng với đầy đủ, chi tiết các nhiệm vụ; trong đó có công tác ôn luyện, bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) và câu lạc bộ (CLB) định hướng hoặc đội tuyển mũi nhọn. Ban đầu, tùy vào năng lực của học sinh, các đội tuyển HSG cấp trường sẽ được thành lập; sau đó nhà trường phân công giáo viên có chuyên môn phụ trách, lên lịch ôn tập và thi sát hạch hàng tháng để chọn lựa được những học sinh thực sự xuất sắc, đại diện nhà trường tham gia đội tuyển tại những kỳ thi HSG cấp quận, huyện/TP hoặc là hạt nhân của các đội tuyển HSG trong những năm học tiếp sau.
Công tác đào tạo mũi nhọn được các trường xây dựng phương án và thực hiện ngay từ đầu năm học qua hình thức online
Theo cô Trần Thị Quỳnh Hương, Phó Hiệu trưởng trường THCS Thành Công (quận Ba Đình): "Dù học online nhưng việc ôn luyện HSG vẫn được nhà trường tổ chức như mọi năm: Giáo viên chọn học sinh có năng lực vào đội tuyển HSG; sau đó nhà trường cử giáo viên chuyên trách ôn luyện cho các em theo hình thức online; có kiểm tra, đánh giá, chọn lọc thường xuyên. Qua thời gian ôn luyện nhất định, phòng GD&ĐT quận Ba Đình tổ chức cho các đội tuyển thi khảo sát lần 1 để mở lớp bồi dưỡng HSG. Cụ thể: Đội tuyển HSG lớp 9 có các môn: Văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Tiếng Nhật, Tin học; lịch học 1-2 buổi/môn/tuần. Với khối 6,7,8 sẽ có các CLB môn Văn- Toán- Tiếng Anh học 1 buổi/tuần. Các CLB này để đào tạo học sinh mũi nhọn từ khối dưới; cung cấp, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho học sinh để lên lớp 9 sẽ tiếp tục học và ôn luyện đội tuyển thi HSG cấp quận và TP.
"Dù học trực tuyến nhưng kế hoạch phân công giáo viên bộ môn trong việc phát hiện, bồi dưỡng HSG được nhà trường thực hiện sớm. Trên cơ sở đội tuyển, các cô giáo sẽ ôn luyện, tổ chức các kỳ thi khảo sát để chọn lọc thành viên xuất sắc nhất tham gia thi HSG cấp huyện. Từ ngày 8/11, học sinh lớp 9 tại địa phương được học trực tiếp, các đội tuyển HSG của trường đều tranh thủ thời cơ vàng để ôn luyện" cô Đặng Thúy Hà- Hiệu trưởng trường THCS thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì cho biết.
Với trường THCS Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), việc ôn tập đội tuyển HSG cấp trường để chuẩn bị kỳ thi HSG cấp quận được tổ chức linh hoạt. Những học sinh xuất sắc nhất của từng bộ môn được chọn lựa, các thầy cô phụ trách sẽ tổ chức ôn tập mỗi cho các em tuần 2 buổi, mỗi buổi 3 tiếng; ngoài ra sẽ dành thời gian tiết 5 hàng ngày hoặc buổi tối để ôn luyện kiến thức, chữa các dạng đề cho các em. Tương tự, trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cũng tiến hành ôn luyện đội tuyển HSG ngay từ đầu năm học; phân công giáo viên có kinh nghiệm trong trường và mời thầy cô giáo giỏi, chuyên gia ngoài trường về dạy cho các em với thời lượng 4 tiết/tuần. Nhìn chung, mọi công tác ôn đội tuyển HSG được tiến hành giống mọi năm; chỉ khác về hình thức ôn luyện.
Chủ động biến rào cản thành động lực
Chia sẻ về khó khăn trong công tác giáo dục mũi nhọn trong giai đoạn dịch bệnh Covid- 19, nhiều thầy cô giáo cùng chung quan điểm cho rằng: Cũng như công tác giáo dục đại trà, học online chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo mũi nhọn bởi học sinh và thầy cô không được tương tác trực tiếp. Trong khoảng thời gian ôn luyện, nếu học trực tiếp, giáo viên sẽ chữa được bài cho từng học sinh còn học online thì việc này không dễ dàng, có nhiều hạn chế; chưa kể đến đường truyền trục trặc, giáo viên bị ngắt mạch giảng, học sinh nghe lúc được lúc mất, ít nhiều mất cảm hứng học tập. Tuy nhiên, hầu hết học sinh được chọn lựa đội tuyển đều là những em có năng lực, tư duy tốt và ham học, do đó, các em sẽ vượt lên được hoàn cảnh, chủ động, quyết tâm và cố gắng ôn luyện để đạt thành tích cao.
Sau khi được mở cửa, các trường sẽ tận dụng thời gian vàng để ôn luyện đội tuyển HSG
Trực tiếp tham gia đội tuyển Vật lý lớp 12 tại trường THPT Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức), học sinh Hoàng Tuấn Anh tâm sự: "Vì học trực tuyến nên em và các bạn trong đội tuyển càng cố gắng ôn luyện, sắp xếp thời gian học hợp lý, chăm chỉ làm bài tập, đọc sách tham khảo để củng cố thêm kiến thức. Chúng em biết đội tuyển ở các trường khác sẽ rất nhiều bạn học giỏi nên ai cũng quyết tâm, ngoài để đạt kết quả cao trong kỳ thi HSG thì còn chuẩn bị chắc chắn hành trang cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi đánh giá năng lực sắp tới".
THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) là ngôi trường đạt thành tích nổi trội suốt 12 năm qua. Chia sẻ về "bí quyết" đào tạo nói chung và công tác giáo dục mũi nhọn của trường trong năm học này, Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy Lê Kim Anh chia sẻ: Dù rằng cả thầy và trò đều gặp nhiều khó khăn do không được tương tác trực tiếp nhưng công tác ôn luyện HSG của trường vẫn vượt mọi rào cản, tiến hành đúng kế hoạch. "Khó khăn tạo ra thách thức; thách thức tạo ra cơ hội. Vấn đề là mình đối diện với khó khăn; tiếp cận và tìm ra giải pháp tự khắc phục như thế nào. Trường THCS Cầu Giấy xác định rõ ràng về những ảnh hưởng của hình dịch bệnh và chủ động phương hướng ôn tập đúng hướng, bài bản ngay từ đầu nên đến nay, mọi công việc diễn ra bình thường, tuyệt đối không có gì đổi khác so với học trực tiếp"- Hiệu trưởng Lê Kim Anh cho biết.
Hiện học sinh lớp 9 THCS các huyện ngoại thành đã được đi học, việc này tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo mũi nhọn, ôn luyện đội tuyển HSG ở giai đoạn nước rút. Tới đây, cấp THPT cũng sẽ được xem xét cho đến trường học trực tiếp; ngoài kế hoạch học tập nói chung, các nhà trường cũng lên phương án riêng đối với nhóm học sinh mũi nhọn. Thực tế cho thấy, các kỳ thi HSG cấp quận (huyện)/ tỉnh (TP)/quốc gia/ quốc tế ở năm học trước đạt kết quả rất cao dù nhiều kỳ cũng diễn ra trong giai đoạn dịch bệnh Covid- 19 phức tạp; trong đó có những thời điểm hoàn toàn học online. Do đó, nhiều thầy cô trực tiếp tham gia dìu dắt tuyển HSG các cấp năm học 2021- 2022 nhận định: Với kế hoạch ôn luyện khoa học, sáng tạo của nhà trường; tinh thần nhiệt huyết của thầy cô; sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của học sinh cùng thái độ ủng hộ hết mực của phụ huynh, các kỳ thi HSG năm nay của Hà Nội cũng hứa hẹn nhiều thành tích cao và những giai điệu tự hào của ngành Giáo dục Thủ đô sẽ tiếp tục được ngân lên.
Phụ huynh như 'ngồi trên đống lửa', chờ đợi công bố môn thi thứ 4 vào lớp 10 THPT Thời gian từ nay đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập của Hà Nội không còn nhiều. Nhiều phụ huynh lo lắng về chất lượng học và ôn tập của con khi vẫn phải học online kéo dài. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của Hà Nội vốn được ví căng thẳng như thi đại học....