Nhóm mafia thâu tóm ngành thu gom rác ở Italy
Camorra, băng đảng tội phạm khét tiếng ở Italy, đã tìm mọi cách kiểm soát việc thu gom rác thải ở Naples khi phát hiện đây chính là “mỏ vàng”.
Naples, thành phố lớn thứ tư Italy ở vùng Campania, từng được xem là “vùng đất hạnh phúc” trong mắt những người La Mã. Nhưng giờ nơi đây nổi tiếng là “mảnh đất lửa” do các vụ đốt, chôn rác và hóa chất độc hại trái phép. Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng đã khiến không ít người, bao gồm cả trẻ em, ở Naples chết vì ung thư hoặc gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, đồng thời gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sản xuất nông nghiệp của vùng.
Nhóm đứng sau các vụ chôn, đốt rác thải trái phép này là Camorra, băng đảng tội phạm có tổ chức khét tiếng ở Naples. Từ giữa những năm 1980, sau trận động đất ở Naples hồi tháng 11/1980, băng đảng Camorra đã chuyển sang vận chuyển rác thải, chủ yếu đổ các loại rác và vật liệu độc hại trực tiếp xuống các mỏ đá và nhiều khu vực khác.
Người mẹ bế con đi qua con phố rác chất đống ở Naples hồi năm 2014. Ảnh: AFP.
Theo Slate , các tổ chức tội phạm đã nhúng tay vào việc thu gom rác ở nhiều nơi trên thế giới vì là đây ngành dễ thâm nhập và kiểm soát. So với việc kiếm tiền từ buôn bán ma túy, buôn người hay hàng giả, việc tạo ra thế độc quyền về thu gom rác có sức hấp dẫn đặc biệt với họ vì đây là kinh doanh hợp pháp và các hợp đồng mang lại lợi nhuận lớn.
“Tôi không buôn ma túy nữa. Giờ tôi đã có ngành kinh doanh khác. Nó có thể kiếm nhiều tiền hơn và ít rủi ro hơn. Đó chính là rác thải. Với chúng tôi, rác là vàng”, một cựu lãnh đạo của băng đảng Camorra từng trả lời các nhà điều tra.
Ước tính chỉ riêng năm 2013, việc xử lý rác thải trái phép đã mang về khoảng 16,3 tỷ euro (tức khoảng 20 tỷ USD) cho các tổ chức tội phạm ở Italy, bao gồm cả Camorra.
Thành công của hoạt động thu gom rác thải này được cho là nhờ nguồn khách hàng ổn định mà Camorra hợp tác. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, Camorra không phải chủ động tìm kiếm đối tác hay các công ty lớn để sử dụng dịch vụ của họ. Bằng cách bỏ qua các quy định về môi trường, thuế và các phương pháp xử lý rác thải hợp pháp có thể rất tốn kém với chất thải độc hại, các công ty do Camorra điều hành có thể cung cấp dịch vụ cho khách hàng với giá thành rẻ hơn nhiều.
Chi phí trung bình để xử lý các vật liệu độc hại theo đúng quy trình ở Italy dao động từ 21-62 cent/kg. Nhưng mạng lưới của Camorra có thể cung cấp dịch vụ đó với giá khoảng 9-10 cent/kg, giúp các công ty tiết kiệm một khoản đáng kể.
Không chỉ ấn định giá thấp, các nhóm mafia như Camorra còn phân bổ địa bàn hoạt động, quấy nhiễu hoặc tống tiền các đối thủ kinh doanh khác, khiến các khách hàng trong khu vực không còn lựa chọn nào khác ngoài họ. Ngoài ra, họ cũng thông đồng với cảnh sát, doanh nhân và chính trị gia, buộc đóng cửa các lò đốt, khiến lượng rác thải phải vận chuyển tăng lên. Bằng những cách như vậy. Camorra có thể kiểm soát toàn bộ việc xử lý rác thải tại khu vực này.
Vùng Campania là trung tâm của cuộc khủng hoảng rác thải. Được mệnh danh là “mảnh đất lửa” do các hoạt động đốt rác thường xuyên, Campania là một trong những vùng ô nhiễm nhất và nghèo nhất ở Italy. GDP năm 2016 của vùng vào khoảng 22.000 USD, tương đương 66% mức trung bình của Italy, theo thống kê của Ủy ban châu Âu năm 2017. Chính phủ Italy đã phát hiện hơn 5.000 bãi rác tập trung trong cùng một khu vực có 55 cộng đồng sinh sống ở Campania.
Video đang HOT
Chôn và đốt rác đã gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng cho người dân trong khu vực. Bắt đầu từ năm 2000, các bác sĩ ở thị trấn Maddaloni, cách Naples khoảng 25 km, chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của bệnh nhân ung thư hiếm gặp, như ung thư xương, bệnh bạch cầu và ung thư vú. Tuổi thọ của bệnh nhân cũng giảm đáng kể so với trước đó.
Không chỉ sức khỏe, nền kinh tế của khu vực cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình trạng ô nhiễm vì chôn, đốt rác thải gây ra. Năm 2014, chính phủ Italy đã cấm bán mozzarella, loại phô mai làm từ sữa trâu và là mặt hàng xuất khẩu chính của vùng, sau khi phát hiện sữa có chứa nồng độ lớn dioxin. Rượu vang và dầu olive cũng bị liệt vào danh mục cấm xuất khẩu trong năm 2014 vì lo ngại nhiễm các hóa chất độc hại.
“Mafia môi trường là loại virus đầu độc môi trường, gây ô nhiễm nền kinh tế và gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân”, người phát ngôn của Legambiente, hiệp hội bảo vệ môi trường Italy, nói năm 2011.
Một bãi rác đốt trái phép ở thành phố Scafati, gần Naples, phía nam Italy hồi tháng 10/2019. Ảnh: La Terra dei Fuochi.
Mafia thao túng các hoạt động liên quan đến môi trường đã trở thành vấn nạn ở Italy trong nhiều năm, đặc biệt là ở miền nam nước này, nơi tội phạm có tổ chức hoạt động mạnh. Năm 2008, Italy từng phải điều động quân đội để dọn dẹp đống rác chất cao như núi ở thành phố Naples. Người dân cho rằng giới chức phải chịu trách nhiệm vì đã không ngăn chặn các băng đảng như Camorra.
Năm 2015, Italy ra luật mới để kiềm chế mafia môi trường. Họ trao cho cảnh sát quyền lực mới để điều tra tội phạm môi trường và tăng hình phạt. Luật này đã khiến lượng tội phạm mafia môi trường giảm 7% trong giai đoạn 2015- 2016. Khi Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nhậm chức vào tháng 6/2018, ông nhấn mạnh ưu tiên của chính phủ là xử lý “mafia môi trường”.
Cho tới nay, các nỗ lực của chính phủ đã phần nào ngăn chặn được sự lộng hành của băng đảng Camorra, khi nhiều thành viên của nhóm đã bị bắt và phải đối mặt với án tù dài hại. Tháng 3/2019, Marco DiLauro, con trai của Paolo Di Lauro, người từng là ông trùm của Camorra, đã bị bắt sau 14 năm lẩn trốn.
Tuy nhiên, tình trạng chôn, đốt rác thải độc hại ở Italy vẫn chưa được giải quyết triệt để. Cho tới tháng 2 năm nay, nhiều vụ đốt rác thải trái phép vẫn xảy ra ở Italy.
Italy: Nguy cơ mafia trỗi dậy từ đại dịch COVID-19
Kiệt quệ bởi đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế, hiện nay Italy đang đối mặt với nguy cơ băng đảng mafia khét tiếng Camorra trỗi dậy
Cũng giống như các nhóm tội phạm khác trên khắp Italy, Camorra đang lợi dụng tình thế khó khăn trong nước sau thời kỳ phong toả.
Khi Italy vẫn đang trong quá trình khôi phục sau đại dịch, các tổ chức tội phạm tại khắp Italy đang cố gắng tận dụng thế mạnh của mình để giành lại sự kiểm soát về lãnh thổ đã mất trong những năm qua.
"Sự ủng hộ của công chúng suy giảm chưa từng thấy vào lúc này", ông Luigi Cuomo, Chủ tịch tổ chức bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Italy - SOS Imprese- thừa nhận.
Tại vùng đông đúc dân cư Campania nằm ở phía Tây Nam Italy, Camorra hiện đang len lỏi vào mọi bộ phận dân cư bằng cách cạnh tranh với các tổ chức xã hội đang nỗ lực hỗ trợ người dân địa phương. Bằng cách phát các khẩu phần ăn hay các tấm phiếu trị giá 50 euro, chúng đang tiệm cận đến những người dễ bị tổn thương nhất đang khẩn thiết cần sự giúp đỡ." Chúng từng vòi vĩnh tiền, nay lại ban phát tiền. Chúng trao những số tiền nhỏ để rồi đòi đổi lại cái gì đó lớn hơn", ông Cuomo chia sẻ.
Vốn có nguồn vốn nhàn rỗi dồi dào, Camorra đang sử dụng mô hình này với ý định tẩy tiền trong các doanh nghiệp đang hoạt động hợp pháp. "Chúng tôi thấy thực trạng này gia tăng do cuộc khủng hoảng COVID-19 kéo dài", ông Cuomo hay , "Hiện nay, chúng không cần đe doạ những người chủ kinh doanh. Các doanh nghiệp đang chủ động tìm kiếm nguồn trợ giúp."
Ông Cuomo đổ lỗi cho chính phủ vì hành động chậm trễ, sai lầm và lúng túng trong việc tháo gỡ khủng hoảng mà theo ông đã làm tăng nhận thức tiền mafia như là một cơ hội và là sự lựa chọn cuối cùng để tránh phá sản. Trong một nỗ lực nhằm kiểm soát lại tình hình, giới chức Italy gần đây đã tịch thu các khối tài sản trị giá khoảng 15 triệu euro trên toàn đất nước.
Luật pháp Italy cho phép tái sử dụng các tài sản trưng thu của các nhóm tội phạm vào các mục đích như các dự án xã hội. Theo số liệu thống kê của ANBSC (Cơ quan Quốc gia về Quản lý và Phân bổ Tài sản Tịch thu từ các nhóm tội phạm có tổ chức), chỉ trên 65.000 tài sản, gồm đất đai, công ty, địa ốc và các công trình xây dựng bị tịch thu trên toàn lãnh thổ Italy trong 20 năm qua.
Ông Renato Natale, thị trưởng thành phố Casal Di Principle thuộc tỉnh Caserta, Campania, địa bàn hoạt động của băng Casalesi mạnh nhất trong nhóm Camorra, đã thành công nhất định trong việc tổ chức tái sử dụng 65% các tài sản tịch thu.
Mô hình kinh tế thị trường xã hội Italy cho phép các công dân và các tổ chức phi chính phủ sử dụng các tài sản trưng thu làm các cơ sở kinh doanh hợp tác xã hội như quán cà phê, nhà hàng, các trung tâm văn hoá và y tế hay các trang trại hữu cơ. "Về góc độ kinh tế, mục tiêu của các hợp tác xã này không nhằm tối đa hoá lợi nhuận mà tạo ra một ảnh hưởng mạnh về văn hoá khi cho thấy việc phá bỏ các mô hình kinh doanh bất hợp pháp dựa trên áp chế là điều có thể", ông Natale diễn giải.
Các gia đình trong thành phố nhỏ của ông đang có gắng tiệm cận các chương trình phát phiếu mua hàng của chính phủ để giảm nhẹ áp lực cuộc sống. "Các ngành phục vụ ăn uống và xây dựng là các hoạt động cơ bản ở đây song mọi thứ đã phải ngừng hoạt động", ông Natale nói. Trên 1200 hộ gia đình đã nộp đơn xin các phiếu mua hàng trị giá 500 euro.
Tuy nhiên, các chương trình này chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu thực tế. "Phần còn lại chúng tôi phải lấy từ ngân sách thành phố", ông nói. Ông Natale hy vọng người dân thành phố sẽ không bị cám dỗ bởi những gì mà Camorra đang ban phát. "Chúng tôi đáng lẽ có thể xây dựng được các cơ cấu chống Camorra và ở thành phố tôi mọi người thiết tha thực hiện điều đó song chúng tôi cần chính phủ hành động bằng cách xây dựng cấu trúc quỹ khắp đất nước để không mất những thành quả chúng tôi đã giành được cho đến nay."
Sự chậm trễ quan liêu
Tình trạng chậm trễ, thiếu vốn và quản lý yếu kém các tài sản đã tịch thu thường là những lý do khiến các tài sản này rơi vào tình trạng lấp lửng. "Khi các băng đảng nhìn thấy các khối tài sản này không được sử dụng, chúng sẽ suy tưởng đó là tài sản của mình và cho thấy sự hiện diện của mình, ông Luigi Cuomo nói. .
Các thủ tục hành chính rườm rà có thể dẫn đến tình trạng phải mất trên 10 năm trước khi các tài sản trưng thu có thể được chuyển giao hợp pháp từ ANBSC đến các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương. Trên hết, các tài sản thường để không và là một gánh nặng đối với ngân sách thành phố.
"Cho đến nay, chúng tôi đã nhận được thêm 22 tài sản từ ANBSC", Thị trưởng Natale nói, "Chúng tôi cần đầu tư tiền của để có thể đưa các tài sản này vào sử dụng song vì cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay chúng tôi cạn kiện nguồn vốn dự trữ."
Đôi khi, sự chậm trễ hành động của chính quyền địa phương đã 'tiếp tay' cho các hoạt động của các băng đảng.
"Chúng tôi cần sự minh bạch hơn", ông Bernardo Diana, chủ tịch tổ chức phi chính phủ RAIN Arcigay tại Caserta, Campania cho hay. Thành phố này có trên 150 tài sản bị tịch biên. "Hầu hết chúng được liệt kê không còn trống, song thực tế không phải vậy."
Theo ông Cuomo, những tài sản này có thể cuối cùng trở thành minh chứng sống về sự bất lực của nhà nước trong việc quản lý tài sản mà có thể đưa trở lại vào thị trường để ngăn chặn sự lan rộng của hoạt động kinh tế bất hợp pháp.
Đoàn kết và đẩy mạnh điều tra là vũ khí hiệu nghiệm
Có thể thấy rõ sự cần thiết có một tầm nhìn chung và thống nhất đối với cuộc đấu tranh chống các tổ chức tội phạm. Tại Italy, trên 17.000 tài sản hiện nay thuộc sự kiểm soát của ANBSC. "Sử dụng các tài sản này vào mục đích khác cần phải được xác định như là một mục tiêu chính trị và chiến lược với sự can thiêp lớn để chống lại hoạt động kinh doanh bất hợp pháp", ông Renato Natale nhận định.
"Điều đem lại hy vọng cho chúng tôi là các nhà điều tra tiếp tục công việc của mình. Chừng nào các hoạt động tịch thu tài sản vẫn diễn ra, thì điều này được minh chứng có ý nghĩa quan trọng trong việc trong việc thâu tóm địa bàn hoạt động của mafia", ông Cuomo nói.
Ông muốn chính quyền trung ương tiến một bước nữa và đưa vấn đề này trên nghị trường châu Âu. "Chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác ở cấp châu Âu vì các tổ chức tội phạm có thể tẩu tán vốn tài chính ra khỏi biên giới."
Hiện nay, hình thức đoàn kết xuyên suốt từ dưới lên dường như hiệu quả hơn các khoản vốn của chính phủ. Tuy nhiên, SOS Impresa chỉ ra những thách thức, khó khăn mà các tổ chức xã hội đang gặp phải, như sự đe doạ của các băng đảng để ngăn chặn các nỗ lực giúp đỡ người dân của các tổ chức này.
"Nhiều linh mục bị hăm doạ", ông Cuomo cho biết. Thậm chí, trụ sở chính của tổ chức phi chính phủ Mani Tese tại Naples đã bị phá hoại có chủ ý. Các tổ chức địa phương đang nỗ lực để đánh bại Camorra trong cuộc chơi này. "Giống như chính phủ, chúng tôi có nhiệm vụ tiếp tục gần gũi và hỗ trợ cộng đồng của mình", ông Bernardo Diana cho biết, "Tuy nhiên, điều chúng tôi cần là chính phủ phải hết sức cảnh giác".
B-52 Mỹ hỏng động cơ, đáp khẩn tại Anh Một oanh tạc cơ B-52 Mỹ gặp sự cố động cơ khi làm nhiệm vụ tại châu Âu, phải hủy nhiệm vụ và hạ cánh khẩn xuống sân bay ở Anh. Sự cố xảy ra khi oanh tạc cơ B-52H số hiệu 61-0001 của không quân Mỹ bay ở khu vực phía nam Italy hôm 3/12. Đây là một hai oanh tạc cơ...