Nhói lòng tục giết hại bé gái sơ sinh ở Ấn Độ
Vì những tập tục lạc hậu và quan niệm của người dân xem con gái là một gánh nặng tài chính với gia đình, nhiều bé gái ở Ấn Độ đã và đang bị chính mẹ đẻ của mình giết hại ngay khi vừa lọt lòng.
Là cô gái duy nhất trong lớp học ồn ào có 22 nam sinh, Padma Kanwar Bhatti (15 tuổi) là một đại diện cho tình trạng mê con trai và sát hại các bé gái sơ sinh ở Ấn Độ. Padma sống với bố mẹ và 2 anh trai ở Devda, một ngôi làng có 2.500 dân ở quận Jaisalmer, bang Rajasthan. Đây là một trong những khu vực có tỷ lệ phụ nữ thấp nhất tại Ấn Độ.
Padma chỉ nhìn chằm chằm vào cuốn sách giáo khoa khi được hỏi tại sao có ít bạn gái và nhiều bạn trai trong ngôi làng của mình, một ngôi làng nằm trên sa mạc Thar – vùng đất cằn cỗi nhất ở Ấn Độ. “Không có nữ sinh nào khác ở trong lớp cháu, còn trong làng hiện cũng có rất ít cô gái. Các bé gái đều đã chết”, Padma ngập ngừng nói bằng tiếng Marwari, ngôn ngữ chính ở Rajasthan.
Padma Kanwar Bhatti là nữ sinh duy nhất trong lớp học ở ngôi làng Devda.
Hầu hết người dân ở Devda và các ngôi làng lân cận khi được hỏi đều thừa nhận về tục giết trẻ sơ sinh nữ. Đó là một tội ác bắt nguồn từ phong tục cổ xưa nhưng vẫn tiếp tục diễn ra ngày nay, kể cả khi phần lớn Ấn Độ đang phát triển nhanh chóng về kinh tế và thay đổi về xã hội.
“Chúng tôi phát điên vì con trai. Chúng tôi xót xa khi các bé gái được sinh ra”, Rajan Singhi, một nông dân có 2 con trai ở Devda chia sẻ. Người đàn ông này luôn tự hào khi có tổ tiên là một chiến binh của bộ tộc Bhatti Rajput.
Hầu hết các vụ giết hại bé gái đều diễn ra trong vòng 24 tiếng sau khi đứa trẻ được sinh ra, và tội ác đó được cả người mẹ và bà đỡ thực hiện. “Người dân thường đánh thuốc phiện hoặc bỏ một bao tải nhét đầy cát hay hạt mù tạt lên mặt đứa bé. Nhiều người mẹ thậm chí không cho con gái bú và bỏ đói đứa trẻ đến chết”, Singhi nói.
Theo các nhà sử học địa phương, nạn giết trẻ sơ sinh trong vùng có thể bắt nguồn từ những cuộc chiến nhiều thế hệ trước. Lúc đó, các trưởng lão của bộ tộc Rajput người Hindu chọn cách sát hại chính con gái của mình, để cứu họ không bị những kẻ xâm lược người Hồi giáo hãm hiếp và ném xuống giếng.
Video đang HOT
“Để tránh bị làm nhục, người Rajput phải chọn cách giết chết con gái của họ”, Umashankar Tyagi, một nhà sử học xã hội ở Jaipur, thủ phủ bang Rajasthan nói với AFP. Theo Tyagi, phong tục này tiếp tục phát triển mạnh trong thời bình. Nhà sử học giải thích rằng, chi phí về của hồi môn, thất học, nghèo đói là sự biện minh mới cho nạn giết hại bé gái sơ sinh.
Các trưởng lão bộ tộc và quan chức địa phương nói rằng, trong suốt 100 năm qua, chỉ có 2 cô gái ở làng Devda kết hôn. Tình trạng này phản ánh cuộc khủng hoảng thiếu hụt nữ giới trên toàn Ấn Độ, nơi bé trai đóng vai trò quan trọng trong đám ma của người Hindu.
Một yếu tố quan trọng khác là vấn đề của hồi môn, mà người cha phải chu cấp cho gia đình mới của con gái trong lễ cưới. Bên cạnh đó, con trai thường được xem là trụ cột trong gia đình và con gái chỉ là gánh nặng tài chính.
Theo một nghiên cứu của tạp chí y khoa Anh, The Lancet, ước tính có đến nửa triệu bào thai nữ bị bỏ đi mỗi năm ở Ấn Độ.
Ở Rajasthan, chính quyền địa phương và các quan chức cao cấp nói rằng, họ biết có tội ác giết hại trẻ sơ sinh nữ, nhưng cơ quan có thẩm quyền dường như không muốn can thiệp vào đời tư của các gia đình.
“Giết bé gái sơ sinh là một bí mật &’mở’, nhưng khó để chứng minh đó là một tộc ác. Các bé gái thường được chôn trong sa mạc và không ai trong bộ tộc quan tâm đến chúng hay thương xót khi chúng mất”, Mamta Bishnoi, một quan chức cảnh sát ở quận Jaisalmer cho biết. Bishnoi thêm rằng cảnh sát không thể đào toàn bộ sa mạc để tìm kiếm các bé gái.
Theo số liệu điều tra dân số năm 2011, quận Jaisalmer là một trong những nơi có tỷ lệ chênh lệch giới tính nghiêm trọng nhất ở Ấn Độ, với tỷ lệ 868 bé gái dưới 6 tuổi/1.000 bé trai, so với tỷ lệ 914 bé gái/1.000 bé trai trên toàn Ấn Độ.
Ở làng Devda, phụ nữ phải ở những căn phòng sâu nhất trong nhà và chỉ được ra ngoài để đến đền thờ. Họ thường phải đi thành cặp, dùng khăn có màu sáng che kín mặt .
“Tôi không cho con gái đến trường vì tôi không thích con gái nói chuyện với giáo viên nam. Chúng tôi phải đưa vàng, bạc, tiền, cốc chén, giường, tivi, điều hòa, quần áo đến nhà chú rể và phải chuẩn bị một bữa tiệc 3 ngày cho dân làng trong lễ cưới”, Bimla Devi Bhatti, một người mẹ có 2 cô con gái chia sẻ. “Chúng tôi phải bắt đầu để dành tiền cho của hồi môn kể từ ngày con gái được sinh ra. Tôi thậm chí sẽ phải bán đất để chúng lấy chồng”.
Bhatti (phải) và cô con gái (trái) ở Dhanana, quận Jaisalmer, bang Rajasthan, một trong những nơi có tỷ lệ nữ giới thấp nhất Ấn Độ.
Trong nỗ lực chấm dứt tình trạng giết hại trẻ sơ sinh nữ, chính quyền bang Rajasthan vừa đề xuất mở một tài khoản ngân hàng cho mỗi bé gái chào đời, cùng số tiền gửi 25.000 rupee (500 USD). Khi bé gái đủ 18 tuổi, chính quyền sẽ tặng lại số tiền này cho gia đình cô gái để hỗ trợ về tài chính.
“Tuy nhiên, đề xuất này chưa được thực hiện. Các bé gái ở đây rất cần sự hỗ trợ về tài chính để sống sót”, Yashveer Pokharan, người làm việc trong một ngôi trường tư ở Devda nói.
Bình An
Theo Infonet.vn
Bé trai suýt bị chôn sống đã có mẹ
Sau khi dành lại sự sống cho cháu bé thoát khỏi tập tục lạc hậu của người dân tộc Xê Đăng, chị Hồ Thị Hiếu người cứu cháu bé đã nhờ cán bộ tư pháp làm thủ tục xin nhận cháu làm con nuôi và đăng ký khai sinh cho cháu với tên Hồ Quốc Khánh.
Như Báo CAND đã đưa tin về vụ việc 1 cháu bé đã bị gia đình và nhiều người dân trong thôn vì mê tín, tuân theo hủ tục lạc hậu đã mang cháu chôn cùng với mẹ là chị Hồ Thị Yên (33 tuổi, thôn 6, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã tử vong do băng huyết khi sinh.
Chiều 22/9, Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My cho biết, sau khi dành lại sự sống cho cháu bé thoát khỏi tập tục lạc hậu của người dân tộc Xê Đăng, chị Hồ Thị Hiếu đã nhờ cán bộ tư pháp xin làm thủ tục nhận con nuôi. Đến nay, mọi thủ tục nhận cháu làm con nuôi của chị Hiếu đã hoàn thành và đã đăng ký khai sinh cho cháu với tên Hồ Quốc Khánh.
Trở lại vụ việc vào rạng sáng ngày 2/9, khi mẹ của bé trai là chị Hồ Thị Yên (33 tuổi, thôn 6, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) sinh bé tại nhà và đã tử vong ngay sau đó do băng huyết.
Tuy nhiên, xét theo tập tục của người dân tộc Xê Đăng thì khi mẹ cháu bé chết thì phải chôn theo con. Vì thế, gia đình và nhiều người dân trong thôn đã tuân theo hủ tục và mang cháu bé chôn cùng với mẹ.
Khi biết tin, chị Hồ Thị Hiếu, cán bộ y tế xã Trà Cang đã đến gia đình động viên, giải thích gia đình cũng như người dân xung quanh đừng chôn cháu bé đang còn sống. Sự việc này bắt gặp sự phản đối quyết liệt từ phía gia đình và người dân. Giải thích một cách khoa học và tình người không được, chị Hiếu đành phải nhảy vào dành cháu bé và đưa về Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My để tiếp tục chăm sóc, theo giõi cho sức khoẻ của bé.
Cháu Hồ Quốc Khánh đã có "mẹ" chính là người đã cứu sống cháu khỏi hủ tục chôn sống theo mẹ ruột đã chết từ tay của những người thân và người dân.
Chị Hiếu cho biết, mặc dù biết việc làm này quá nguy hiểm và có thể sau này nhận được sự dèm pha và xa lánh của nhiều người dân trong thôn do đang mê muội theo hủ tục lạc hậu, nhưng cháu bé là một con người nên chị quyết tâm đưa bé về chăm sóc và đặt tên cho bé là Hồ Quốc Khánh vì bé Khánh sinh vào đúng ngày Quốc khánh.
Được biết, gia đình chị Hiếu rất đông anh chị em, quanh năm làm nương bám rẫy, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không chịu chùn bước, chị Hiếu đã theo học trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam. Năm 2009, chị làm việc không lương tại Trạm Y tế xã Trà Cang, đến năm 2010 thì làm việc theo hợp đồng với mức lương dưới 1 triệu đồng/tháng.
Khi biết tin chị Hiếu cứu sống cháu Khánh, nhiều nhà hảo tâm đã đến thăm hỏi và động viên "2 mẹ con" và đóng góp, hỗ trợ 10 triệu đồng cho chị Hiếu chăm sóc bé Khánh. Sở Y tế Quảng Nam cũng trao phần quà 2 triệu đồng cho chị Hiếu
Theo CAND