Nhớ món cơm nắm mo cau của mẹ
Hôm qua đi ngang một ngã tư đường phố, khi nhìn thấy một người phụ nữ lớn tuổi đang lụi cụi cắt và bán những nắm cơm cho khách qua đường ghé mua, tự dưng trong tôi lại nôn nao sự thèm muốn được ăn cơm nắm mẹ làm ngày xưa.
Chứa đựng tình yêu của mẹ
Đối với những người trẻ tuổi ngày nay thì món cơm nắm là quá xa lạ, thậm chí có người chưa bao giờ từng ăn, bởi khi xã hội phát triển, kinh tế đủ đầy hơn thì đã có vô vàn những món đồ ăn chế biến sẵn được bày bán tiện lợi ở mọi nơi, mọi chỗ. Thế nhưng, với những người sinh ra từ cách đây vài ba thập kỷ trở về trước, nhất là ở thôn quê thì món cơm nắm là thứ đồ ăn rất thân quen.
Tuổi thơ tôi từng “làm bạn” với những nắm cơm gói trong mo cau của mẹ. Mẹ tôi là người phụ nữ khéo léo trong việc bếp núc vì vậy mà hễ trong nhà có ai đi đâu xa là bao giờ mẹ cũng dậy thật sớm để lo sửa soạn cơm nắm. Thậm chí chẳng cần phải đi đâu xa tới vài ngày, mà ngay như những hôm mấy anh chị em chúng tôi phải ở lại trường học cả ngày, mẹ cũng làm cơm nắm bỏ túi để các con ăn trưa. Rồi thì bố tôi có những buổi đi làm thuê ở làng bên, hay cày ruộng nơi xứ đồng xa, trưa không về thì mẹ cũng chu toàn lo cơm nắm để bố không phải lỡ bữa.
Những nắm cơm dẻo thơm….
Có thể nhiều người nghĩ quy trình và cách chế biến nên những nắm cơm là giản đơn, dễ, mà ai cũng có thể làm được, nhưng thực tế thì nó không như vậy, mà phải là người có nghề, có kinh nghiệm mới có thể nấu cơm và nắm được những nắm cơm ngon, đạt tiêu chuẩn. Mẹ từng dạy tôi việc lựa gạo, nấu cơm rồi nắm ra sao để nắm cơm được ngon, để được lâu tới cả 2 ngày mà không bị hỏng. Thế nhưng dù có làm tới nhiều lần thì tôi cũng không thể nấu và nắm được những nắm cơm ngon, đạt tiêu chuẩn như mẹ vẫn làm.
Kỷ niệm gắn với quê nhà
Từ kinh nghiệm của mẹ trong việc làm món cơm nắm thì khâu chọn gạo là khá quan trọng, gạo mang nấu cơm để nắm phải là gạo mùa trước, nghĩa là thóc được thu hoạch từ vụ mùa trước, để gạo ít nhựa, khi nắm cơm sẽ không nhanh bị chua thiu. Khi nấu, cơm cũng không được khô quá, mà phải dẻo dẻo, nhưng cũng không được quá nhão, bởi nếu cơm nhão khi nắm cơm sẽ chẳng khác gì món bánh đúc. Công đoạn nắm cơm cũng rất cầu kỳ, khi cơm chín được dỡ ra cho nguội, rồi sau đó dùng chiếc khăn mặt sạch, hoặc một miếng vải sạch, bỏ cơm vào đó theo định lượng của từng nắm và gói lại. Lúc này dùng hai tay nắm thật chặt, thật đều sao cho khối cơm quyện vào nhau thật chặt. Khi cơm được nắn chặt bàn tay và tạo thành một khối đông đặc, lúc này mẹ mới bỏ vào chiếc mo cau còn tươi rói vừa tách bẹ rụng xuống sân và cuộn tròn lại như kiểu bó giò lụa. Rồi mẹ dùng lạt, dây cuộn thật chặt nắm cơm trong mo cau. Công đoạn cuối cùng là mẹ dùng dao sắc cắt xén sao cho nắm cơm gói trong tàu mo cau được gọn gàng tiện cho việc mang đi.
Với món cơm nếp, khi mang nắm và gói trong mo cau mẹ cũng làm tương tự các công đoạn như nắm cơm tẻ. Chỉ có một chút hơi khác, đó là cơm nếp có độ dính cao nên trước khi bỏ nắm cơm vào mo cau gói cuộn lại mẹ tôi thường bao bên ngoài nắm cơm một lớp nilon mỏng chống dính, để khi tháo lạt nắm cơm không bị dính vào lớp mo cau.
… mang theo tình yêu của mẹ.
Video đang HOT
Ngày ấy, cơm nắm mo cau thường ăn kèm với muối vừng, muối lạc chứ làm gì có mấy ai được ăn kèm với ruốc thịt, chả giò như bây giờ. Nhiều người không có điều kiện làm muối vừng, muối lạc có khi chỉ chấm ăn với chút muối trắng cho thêm phần đậm đà.
Suốt những năm học cấp 1, cấp 2 trường làng, thậm chí sang tới cấp 3 nơi trường huyện mẹ luôn chăm lo phần cơm nắm cho tôi mỗi khi tôi rời nhà chỉ trong khoảng 1 ngày. Những chuyến tham quan, hay đi du lịch, đi cắm trại cùng bạn bè, trường lớp với thời gian vài ngày thì chuyện mẹ làm dăm ba nắm cơm cho tôi mang theo ăn kèm là không thể thiếu được…
Đã xa rồi tuổi thơ, tạm biệt cái thời thiếu đói nghèo khổ và nay sống ở thành phố, dẫu cuộc sống đủ đầy, rồi cơm nắm được các bà, các chị từ một số miền quê chế biến mang lên phục vụ tận nơi, song dù có thỏa ý muốn với vài nắm cơm kèm theo giò chả hảo hạng, nhưng trong tôi vẫn luôn thèm muốn được ăn những nắm cơm gói trong mo cau thấm đượm tình quê của mẹ…
Nguồn: langvietonline.vn
Theo vanwhien.vn
Ngôi làng làm vài nghìn bánh dày, cơm nắm mỗi ngày phục vụ dân Thủ đô
Mỗi ngày, những cơ sở sản xuất bánh dày, cơm nắm lớn nhất ở Lạc Đạo cho ra lò vài nghìn chiếc bánh, cung cấp cho người dân ở mọi ngõ ngách Hà Nội.
Con phố san sát nhà cao tầng trên trục đường chính của xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Nguyễn Thảo
Về thôn Ngọc, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, thuộc tỉnh Hưng Yên, không ai là không biết gia đình anh Sơn nổi tiếng với nghề làm bánh dày hơn 20 năm nay.
Từ cán bộ xã cho tới người dân, ai cũng mách 'cứ thấy cái nhà nào to đẹp nhất làng là nhà anh Sơn'. Gia đình anh Sơn, anh Sên được truyền nghề từ thời mẹ anh, bà Dư - một trong những người làm bánh dày đầu tiên trong xã.
Hiện tại, cơ sở làm bánh dày của anh Sơn cũng là nơi cung cấp bánh dày lớn nhất Lạc Đạo.
Căn nhà khang trang, rộng rãi được anh xây dựng từ năm 2018. Tầng 1 căn nhà được sử dụng làm nơi sản xuất bánh. Gian bên trong là nơi nấu và giã xôi thành một thứ bột bánh dẻo quyện vào nhau. Gian ngoài là khu vực cất trữ gạo và nặn bánh.
Chỉ vào chồng gạo chất cao, anh Sơn bảo 'chỗ này tầm 20 tấn gạo, dùng trong khoảng 2 tháng', tức là mỗi ngày gia đình anh sử dụng khoảng 300 kg gạo để làm ra vài nghìn cặp bánh dày.
Có 2 loại bánh dày mà gia đình anh Sơn đang làm, là bánh dày chay và bánh dày đỗ. Để làm ra những chiếc bánh dày dẻo thơm, cần gạo nếp loại ngon. Sau khi nấu xong, xôi được cho vào máy giã.
'Ngày xưa, bánh được giã hoàn toàn bằng tay. Đến tận năm 2000 mới có máy giã bánh' - anh Sơn chia sẻ và 'khoe' những ngón tay chai sần.
Ông chủ cơ sở bánh dày cũng cho biết, nhiều thứ làm bằng máy có thể không ngon bằng làm tay nhưng riêng bánh dày thì giã máy cho ra thứ bột dẻo đều hơn, ăn ngon hơn hẳn.
Công đoạn sản xuất một mẻ bánh dày bắt đầu từ 1-2 giờ chiều và kéo dài đến nửa đêm tùy theo số lượng bánh và nhân công của mỗi gia đình. Khoảng 3-4 giờ sáng, người làm bánh lại phải dậy để giao bánh cho khách, chủ yếu là bà con trong xã lấy bánh ra Hà Nội bán.
Có một số ngày lễ tết như cúng cơm mới, giỗ Tổ Hùng Vương, đám cưới, đám ma, lượng bánh được tiêu thụ sẽ lớn hơn đáng kể, đòi hòi phải bắt đầu công việc từ buổi sáng. Trong những dịp này, bánh đôi khi được đặt theo kích thước đặc biệt, có thể to bằng một chiếc đĩa để thắp hương.
Sau khi xôi được giã bằng máy, các thợ nặn bánh bắt đầu công việc của mình. Ảnh: Nguyễn Thảo
Đến nhà chị Hằng, anh Hoàng Anh ở xóm Ngọc vào buổi chiều cũng là lúc cả nhà đang làm mẻ cơm nắm, xôi các loại. Anh Hoàng Anh đang lo cho mấy nồi cơm cỡ chừng hơn 20kg gạo/ nồi. Trong khi chị Hằng, chị gái và mẹ chồng chị đang nắm xôi, đóng khuôn thành từng chiếc vuông vức.
Anh Hoàng Anh cho biết, mỗi ngày gia đình anh nấu chừng 5 nồi cơm như thế này, tổng cộng khoảng 100kg gạo để làm món cơm nắm muối vừng. Ngoài ra, chị còn làm thêm xôi trắng, xôi chè - thứ quà vặt được đóng khuôn đẹp đẽ trên chiếc đĩa nhựa dùng một lần. Có loại được lót lá chuối xanh trông rất bắt mắt.
Anh Hoàng Anh đang nấu cơm để làm cơm nắm muối vừng. Ảnh: Nguyễn Thảo
Theo tìm hiểu của PV, mỗi cân gạo sẽ nặn được 15-17 nắm cơm, mỗi chiếc được bán buôn với giá 2,5 nghìn đồng. Mỗi cặp bánh dày cũng được giao buôn với giá 1,5-2 nghìn đồng/cặp tùy theo kích cỡ.
Gia đình anh Sơn, chị Hằng là những cơ sở được cho là sản xuất ra số lượng bánh nhiều nhất nhì xã Lạc Đạo. Họ tận dụng những nhân công trong gia đình và thuê thêm người dân trong xã theo mùa vụ.
Được biết, trong xã hiện có khoảng 3 gia đình làm bánh dày và 5-7 nhà làm cơm nắm với số lượng lớn như nhà anh Sơn, chị Hằng. Còn lại là các hộ làm với quy mô nhỏ lẻ, tự làm tự bán hoặc làm các loại bánh khác như bánh chưng, bánh khúc, bánh khoai, bánh nếp...
Ngoài cơm nắm, nhà chị Hằng còn làm cả các loại xôi. Ảnh: Nguyễn Thảo
Ông Nguyễn Văn Đậu - Phó chủ tịch UBND xã Lạc Đạo cho biết, ngoài nghề làm bánh dày, cơm nắm, người dân trong xã còn nhiều nghề phụ khác như: sản xuất loa thùng, bàn bi-a, nhổ đinh gỗ, nấu rượu, làm nem chua, giò chả...
Những người ở nhà làm ruộng, tranh thủ lúc nông nhàn có thể đi làm thuê cho các hộ làm bánh, tái chế nhựa, làm gỗ với mức thu nhập khoảng 200 nghìn/ngày.
Tất cả những loại thực phẩm mà người dân xã Lạc Đạo sản xuất ra mỗi ngày chủ yếu là phục vụ cho thị trường Hà Nội. Cứ khoảng 3-4 giờ sáng, dọc trục đường chính của xã đi qua thôn Ngọc, những hàng dài xe máy nối đuôi nhau giao hàng, nhận hàng để kịp đưa lên Thủ đô vào sáng sớm.
Với những mặt hàng cồng kềnh khác, người dân trong xã sắm ô tô để vận chuyển. Theo ông Đậu, hiện xã có trên 300 chiếc ô tô vừa phục vụ đi lại của người dân vừa phục vụ chở hàng ra Hà Nội buôn bán.
Nhờ có nhiều nghề phụ mà đời sống kinh tế của người dân xã Lạc Đạo được cải thiện đáng kể. Ảnh: Nguyễn Thảo
'Hiện có tổng cộng 23 công ty đóng trên địa bàn xã, tạo công ăn việc làm cho người dân. Thanh niên trẻ nếu không làm nghề hay buôn bán, dịch vụ thì sẽ đi làm công nhân với mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng tới 8-10 triệu đồng/ tháng. Đời sống kinh tế của người dân tương đối khá giả' - ông Đậu cho hay.
Đi dọc trục đường chính của xã Lạc Đạo cũng dễ dàng nhận thấy những nhà cao tầng, biệt thự nằm san sát nhau, cung cấp đầy đủ các loại dịch vụ không kém gì những khu phố sầm uất của Hà Nội.
Cô Khanh -một người dân Lạc Đạo mỗi ngày đi hơn 30km tới phố Trần Duy Hưng (Hà Nội) để bán bánh - cho biết, để kiếm được đồng tiền, ai cũng phải 'đổ mồ hôi, sôi nước mắt'. Nghề làm bánh phải làm đêm hôm nên sáng sớm hôm sau người dân phải ngủ bù, 9-10 giờ gõ cửa vẫn chưa dậy là chuyện bình thường.
Theo vietnamnet
Bột sắn chấm nước mắm: nghe thấy "kì" mà lại là món tuổi thơ của rất nhiều người Những tưởng tuổi thơ ngày xưa chỉ có món bột sắn nấu với chút đường, ai ngờ đâu ở Bình Định còn có cả bột sắn chấm nước mắm nữa đó. Để mà nói về món ăn tuổi thơ của các thế hệ trước, cũng bởi điều kiện còn khó khăn, đồ ăn chẳng thể nhiều và đa dạng như bây giờ. Hồi...