Nhìn nhận lại môn lịch sử: Nên công bằng với nhà Mạc
Dù vấn đề nhà Mạc đã được giới sử học nước ta đặt ra và giải quyết rõ ràng nhưng vẫn không được phản ánh đầy đủ dù chỉ ít dòng trong sách giáo khoa.
Hết sức sơ sài
Trong sách giáo khoa (SGK) Lịch sử 7 xuất bản năm 2012, phần nhà Mạc được viết ở tiểu mục 1: Chiến tranh Nam – Bắc triều, mục II: Các cuộc chiến tranh Nam – Bắc triều và Trịnh – Nguyễn thuộc Chương V. Đại Việt ở các thế kỷ XVI – XVIII.
Toàn văn nội dung để dạy học sinh về nhà Mạc như sau: “Mạc Đăng Dung vốn là một võ quan. Lợi dụng xung đột giữa các phe phái, Mạc Đăng Dung đã tiêu diệt các thế lực đối lập, thâu tóm mọi quyền hành, cương vị như Tể tướng. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập ra triều Mạc. Năm 1533, một võ quan triều Lê là Nguyễn Kim chạy vào Thanh Hóa, lập một người thuộc dòng nhà Lê lên làm vua, lấy danh nghĩa “phù Lê diệt Mạc”. Sử cũ gọi là Nam triều để phân biệt với Bắc triều (nhà Mạc ở phía Bắc)”. Về nguyên nhân hình thành Nam – Bắc triều, SGK đề cập: “Hai tập đoàn phong kiến này đánh nhau liên miên, dai dẳng hơn 50 năm. Suốt một vùng từ Thanh – Nghệ ra Bắc đều là chiến trường. Làng mạc điêu tàn, xơ xác. Mãi đến năm 1592, Nam triều chiếm được Thăng Long, họ Mạc chạy lên Cao Bằng, chiến tranh Nam – Bắc triều mới chấm dứt” (tr.107).
Đọc xong phần viết về nhà Mạc trong Lịch sử 7, tôi ngạc nhiên đến không hiểu nổi, tại sao nội dung của nó lại sơ sài như vậy và không thấy quan điểm lịch sử của tác giả SGK? Vấn đề nhà Mạc đã được giới sử học nước ta đặt ra và giải quyết rõ ràng rồi, lại không được phản ánh vào đây, dù chỉ ít dòng. Mặc dầu sách đã tái bản lần thứ 9, mỗi lần tái bản, nhóm biên soạn không thể không bổ sung, chỉnh sửa cho hoàn thiện hơn, nhất là để cập nhật những kết quả nghiên cứu mới?
Phải viết lại sách giáo khoa
Video đang HOT
Trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, nhà Mạc là vấn đề khá phức tạp, song đã được giới sử học trong 9 – 10 năm qua thảo luận, làm sáng tỏ tại một số cuộc hội thảo cũng như trong các công trình khoa học. Thí dụ, năm 1996, Viện Sử học xuất bản cuốn Vương triều Mạc (1527-1592). Năm 1996, cuốn Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam – Viện Sử học – Hội đồng Lịch sử TP.Hải Phòng, đồng chủ trì xuất bản. Năm 1996, Đinh Khắc Thuân in cuốn Văn bia thời Mạc và năm 2001, công trình thứ hai của Đinh Khắc Thuân được công bố là Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia. Năm 2007, Viện Sử học cho xuất bản Tập III. Lịch sử Việt Nam thế kỷ XV-XVI, trong đó Chương VIII, Chương IX, Chương X, viết về triều Mạc và cuộc chiến tranh Nam – Bắc triều với một quan điểm mới, khách quan.
Bia khắc lại chiếu vua Lê nhường ngôi cho Mạc Đăng Dung, vị vua mở đầu nhà Mạc tại khu di tích vương triều Mạc tại thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, H.Kiến Thụy, Hải Phòng – nơi phát tích nhà Mạc – Ảnh: Nguyễn Thông
Qua các cuộc hội thảo khoa học, các công trình nghiên cứu về nhà Mạc, giới sử học Việt Nam đã đi tới thống nhất ý kiến đánh giá, khẳng định vai trò tích cực của nhà Mạc trong tiến trình lịch sử dân tộc, sự phát triển khá mạnh mẽ của xã hội Việt Nam.
Trong những năm tháng trước khi cuộc chiến tranh Nam – Bắc triều (tức là chiến tranh giữa nhà Lê và nhà Mạc) diễn ra ngày càng dữ dội (sau 1545), trên các vùng đất nhà Mạc cai quản, do sản xuất nông nghiệp được triều đình chú trọng, nên mùa màng bội thu. Dưới triều Mạc Đăng Doanh (1530 -1540), Phan Huy Chú nhận xét: “Đăng Doanh là ông vua tính khoan hậu, luôn giữ đúng pháp độ, cấm hà khắc, tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khóa. Bấy giờ được mùa, nhà no, người đủ, trong nước gọi là thời trị bình vậy”. Dương Văn An (thế kỷ 16), trong Ô Châu cận lục, viết về vùng đất Thuận Hóa, Quảng Nam dưới thời nhà Mạc cai quản: “Tháng 4, tháng 5 lúa chín đầy đồng, gặt hái không kịp. Tháng 6, tháng 7 thả trâu ngoài đồng, cả tuần không cần chăn dắt”.
Thủ công nghiệp trong dân gian thời Mạc rất thịnh vượng, xuất hiện nhiều làng nghề thủ công, trong đó có nghề làm đồ gốm, nghề chạm khắc đá, nghề dệt tơ lụa… Đặc biệt là nghề làm đồ gốm với những sản phẩm nổi tiếng chân đèn, lư hương… cùng nhiều loại hình phong phú khác, trở thành gốm xuất khẩu được nhiều nước ưa thích.
Tiếp tục truyền thống từ triều Lê coi trọng khoa cử, triều Mạc Đăng Dung chủ trương: “Dùng văn giáo mà rèn luyện nhân tài, sửa trường học để mở rộng nền giáo dục, ban học quy để cổ vũ lòng hăng hái…”. Triều Mạc tổ chức được tất cả 22 khoa thi (khoa thi đầu tiên năm 1529, thời Mạc Đăng Dung, khoa cuối cùng năm 1592, đời Mạc Mậu Hợp), lấy đỗ 485 tiến sĩ, trong đó có 13 trạng nguyên. Xuất thân khoa bảng dưới triều Mạc, có nhiều nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Hà Nhậm Đại, Hoàng Sĩ Khải… Kiến trúc chùa, quán (Đạo giáo), đình và nghệ thuật tạc tượng thời Mạc cũng đạt đến đỉnh cao.
Như vậy rõ ràng nhà Mạc là một vương triều chính thức, tồn tại 65 năm, có vai trò, vị trí lịch sử như các vương triều Lê, Nguyễn… Trị vì đất nước không dài nhưng triều Mạc đã có nhiều chính sách tốt nhằm đưa đất nước phát triển. Chúng ta không thể không khái quát sự thật lịch sử đó trong sách Lịch sử 7. Như vậy phần nhà Mạc trong SGK cần được viết lại.
Theo thanh niên
Tôn vinh những học sinh giỏi nhất môn Sử
Sáng 14/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Bộ GD-ĐT đã tổ chức lễ tuyên dương và trao giải thưởng cho 211 học sinh đoạt giải môn lịch sử chọn học sinh giỏi quốc gia THPT.
Kỳ thi quốc gia môn sử năm nay có 415 học sinh (HS) dự thi, kết quả có 6 em đoạt giải nhất, 31 em giải nhì, 90 em giải ba, 84 em giải khuyến khích, chiếm tỷ lệ 50%.
Lễ trao giải thưởng này là hoạt động khuyến học đầu tiên của Quỹ Phát triển sử học Việt Nam của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - một Quỹ được thành lập với mục đích hướng tới nâng cao ý thức và niềm tự hào của nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử dân tộc. Đây cũng là dấu mốc đầu tiên trong sự hợp tác giữa Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Bộ GD-ĐT nhằm chấn hưng một cách toàn diện và căn bản thực trạng giáo dục môn Sử hiện nay.
6 học sinh đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử. (Ảnh: Bảo Giang)
Xúc động trong buổi lễ nhận giải, em Lê Thiện Anh, HS Trường THPT chuyên Bến Tre là một trong 6 HS đoạt giải nhất kỳ thi HS giỏi quốc gia môn Lịch sử năm nay phát biểu: "Dân ta phải biết sử ta Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Thấm sâu lời dạy đó của Bác, em luôn tâm niệm học Lịch sử không chỉ là học để có kiến thức thuần túy mà là một phần quan trọng trong "học làm người", làm người Việt Nam, làm người dân của một đất nước ngàn năm văn hiến. Không chỉ có vậy, bộ môn Lịch sử còn giúp em hiểu hơn về thế giới ngay từ buổi khai thiên lập địa, trải qua quá trình phấn đấu dài lâu, con người mới được sống cuộc sống văn minh, hiện đại như ngày nay. Thế nhưng hiện nay, cuộc sống hiện đại với sự phát triển đến chóng mặt của khoa học kĩ thuật đã khiến nhiều bạn HS ngại học Lịch sử vì cho rằng đay là một môn về lý thuyết, nặng về sự kiện. Nhiều bạn cho rằng mình có quyền lướt qua lịch sử bởi sự lãng quên chính là quy luật của thời gian... Bản thân em, không phải không có những băn khoăn khi lựa chọn và theo đuổi môn Lịch sử trong suốt quãng thời gian học THPT. Nhưng rồi, những sự kiện, những điểm mốc thời gian cứ như có linh hồn, làm sống dậy trong em không chỉ là ngày tháng mà chính là cuộc đời, là tiếng nói cha ông từ ngàn năm vọng lại. Hôm nay nhận được giải thưởng này em thấy mình trưởng thành hơn trong niềm hạnh phúc lớn lao".
Chúc mừng các em đoạt giải thưởng được tuyên dương và nhận giải thưởng hôm nay, GS.NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vui mừng cho biết: "Kết quả thi cử nhiều năm nay và những điều tra xã hội học cho thấy HS và thế hệ trẻ hiểu biết về lịch sử còn rất hạn chế, có nhiều hẫng hụt, thiếu sót, sai lầm trong nhận thức lịch sử. Chính trong bức tranh toàn cảnh còn nhiều màu xám đó, các em chăm lo học và đoạt giải thi môn Sử là những mảng màu tươi, những gương sáng rất quý, rất đáng biểu dương. Các em cho thấy rằng trong đám đông HS chưa thích môn Sử vẫn có những em tìm ra niềm hứng thú trong học tập môn sử, tìm ra phương pháp hữu hiệu trong học tập, trong cách thức mở mang hiểu biết lịch sử".
GS Phan Huy Lê cho rằng: "Việc tuyên dương và trao phần thưởng hôm nay chưa thể thay đổi được thực trạng giáo dục môn Sử các trường phổ thông mà mới là giải pháp góp phần khuyến khích, cổ vũ tinh thần học Sử của học sinh. Chấn hưng và khôi phục vị thế, phát huy hết chức năng môn Sử, cần nghiên cứu và thực thi một hệ thống giải pháp đồng bộ từ nhận thức vai trò và yêu cầu môn Sử đến chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học liên quan đến cả hệ thống đào tạo giáo viên môn Sử. Cải cách môn Sử lại phải đặt trong cải cách cả nền giáo dục quốc dân, tức phải "đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục".
Tại buổi lễ, đánh giá cao kết quả các em đã đạt được trong kỳ thi HS giỏi Sử vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: "Qua số lượng các em đông đảo giành giải chứng tỏ rằng trong các nhà trường phổ thông hôm nay có nhiều bạn trẻ đam mê môn Sử. Tôi xin cảm ơn Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Quỹ Phát triển sử học Việt Nam đã tổ chức lễ tôn vinh này".
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Sau 2015: Đổi mới toàn diện môn lịch sử Bộ GD&ĐT vừa có thông báo kết quả tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về dạy học lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam. Theo kết luận, sách giáo khoa môn lịch sử đã bám sát mục tiêu, nội dung chương trình, đảm bảo được chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình môn Lịch sử bảo đảm tính chính...