Nhiều người Sri Lanka tìm cơ hội ra nước ngoài sinh sống để tránh khủng hoảng
Trong 5 tháng đầu năm 2022, Sri Lanka đã cấp 288.645 cuốn hộ chiếu, trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này chỉ là 91.331 cuốn.
Người dân ngủ qua đêm xếp hàng bên ngoài cơ quan cấp hộ chiếu tại Sri Lanka. Ảnh: Reuters
Xếp hàng mất 2 ngày bên ngoài trụ sở của Bộ Di trú và Nhập cư Sri Lanka, bà mẹ 33 tuổi Lenora mong mỏi được cấp hộ chiếu và có cơ hội sang nước khác sinh sống trong bối cảnh Sri Lanka đang hứng chịu cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 7 thập kỷ.
Lenora đã quyết định sang Kuwait xin làm người giúp việc sau khi chồng cô – một đầu bếp tại một nhà hàng nhỏ – bị sa thải.
“Chồng tôi thất nghiệp vì không có ga nấu ăn và chi phí thực phẩm tăng cao. Rất khó để tìm việc trong khi đồng lương cũng rất ít ỏi. Với hai đứa con nhỏ thì lương này không đủ”, nữ công nhân may kiếm được 2.500 rupee Sri Lanka (khoảng 6,8 USD)/ngày chia sẻ.
Video đang HOT
Tuần trước, mang theo quần áo và một chiếc ô để có thể chống chọi trước cái nắng nóng cực điểm, Lenora vượt hành trình 170 km từ thị trấn miền trung Nuwara Eliya lên thủ đô Colombo để nộp hồ sơ xin cấp cuốn hộ chiếu đầu tiên.
Nhân viên kiệt sức khi xử lý số hồ sơ khổng lồ. Ảnh: Reuters
Xếp hàng cùng Lenora là người lao động đủ ngành nghề, từ nông dân cho đến công chức, chủ doanh nghiệp và các bà nội trợ. Họ xếp hàng xuyên đêm với niềm hy vọng thoát khỏi khủng hoảng.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, Sri Lanka đã cấp 288.645 hộ chiếu so với 91.331 hộ chiếu cùng kỳ năm ngoái. Quốc đảo 22 triệu dân đang trong tình trạng khan hiếm lương thực, khí đốt, nhiên liệu và thuốc men, sau khi đại dịch COVID-19 cùng cơ chế quản lý kinh tế yếu kém đã thổi bay nguồn dự trữ ngoại hối của quốc gia này.
Đồng tiền mất giá với lạm phát hơn 33% và những lo lắng về bất ổn kinh tế và chính trị kéo dài đang khiến nhiều người dân muốn đi ra khỏi đất nước. Hiện chính phủ Sri Lanka muốn hỗ trợ người dân ra nước ngoài làm việc nhằm thúc đẩy kiều hối.
Người dân xếp hàng chụp ảnh và lấy dấu vân tay. Ảnh: Reuters
Bên trong đơn vị cấp hộ chiếu, người dân xếp hàng hàng giờ để chụp ảnh và lấy dấu vân tay. Một quan chức cấp cao cho biết 160 nhân viên đang kiệt sức khi phải đáp ứng nhu cầu về hộ chiếu tăng cao.
Bộ trên đã siết chặt an ninh, kéo dài thời gian làm việc và tăng số hộ chiếu được cấp lên gấp ba lần. Hệ thống nộp hồ sơ trực tuyến cũng bị tồn đọng trong nhiều tháng và nhiều người thậm chí còn không được đặt lịch xử lý.
“Rất khó để xử lý mọi việc, trong khi người dân tức giận và không hiểu rằng hệ thống của chúng tôi không đủ năng lực để xử lý khối lượng công việc khổng lồ như vậy. Họ tức giận và đổ lỗi cho chúng tôi nhưng chúng tôi không thể làm được gì”, H.P. Chandralal – quan chức quản lý việc tiếp nhận hồ sơ xin hộ chiếu – cho biết.
Một cụ bà mệt mỏi sau hàng giờ chờ đợi. Ảnh: Reuters
Việc nhiều người muốn đi khỏi Sri Lanka đặc biệt tăng cao sau khi Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cảnh báo chỉ còn vài tháng nữa là xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực.
Liên hợp quốc (LHQ) cho biết Sri Lanka đứng trước nguy cơ xảy ra tình trạng khẩn cấp nhân đạo toàn diện. Trong một nỗ lực để giải quyết khủng hoảng, Sri Lanka đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một gói cứu trợ. Chính phủ ước tính sẽ cần ít nhất 5 tỷ USD để đáp ứng các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu cho nửa cuối năm.
G7 ủng hộ nỗ lực xóa nợ với Sri Lanka
Bộ trưởng tài chính các nước thuộc Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã bày tỏ ủng hộ các nỗ lực nhằm xóa nợ cho Sri Lanka, sau khi quốc gia này tuyên bố vỡ nợ do không thể trả lãi trái phiếu khi thời gian ân hạn kết thúc vào ngày 18/5.
Người biểu tình tập trung bên ngoài nhà riêng của Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa ở thủ đô Colombo. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Dự thảo tuyên bố chung của hội nghị G7 diễn ra tại Đức nêu rõ: "G7 sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực của Câu lạc bộ Paris, phù hợp với các nguyên tắc của nhóm, nhằm giải quyết nhu cầu xử lý nợ cho Sri Lanka". Trong dự thảo, G7 cũng kêu gọi các quốc gia chủ nợ khác không thuộc Câu lạc bộ Paris hỗ trợ xóa nợ cho Sri Lanka.
Câu lạc bộ Paris là một nhóm không chính thức của 22 quốc gia chủ nợ, bao gồm các nền kinh tế lớn, mức độ tín nhiệm cao và có tiềm lực tài chính, chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính như cho vay nợ để tái thiết đất nước, nợ ân hạn hoặc hoãn nợ, xoá nợ cho các nước có nợ. Các nước G7 khẳng định cam kết tìm kiếm các giải pháp lâu dài cho quốc gia Nam Á này, đồng thời thúc giục Chính phủ Sri Lanka "đàm phán một cách xây dựng" với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về một khoản vay cứu trợ.
Sri Lanka đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948. Quốc gia Nam Á gặp nhiều khó khăn trong nhập khẩu các nhu yếu phẩm cơ bản cho 22 triệu dân do dự trữ ngoại hối cạn kiệt và nợ công tăng cao. Khó khăn chồng chất đã gây ra làn sóng biểu tình chống chính phủ kéo dài nhiều tuần và có lúc đã biến thành bạo loạn thời gian gần đây.
Sri Lanka áp đặt lệnh giới nghiêm ngăn chặn tình trạng bạo lực Ngày 9/5, cảnh sát Sri Lanka đã áp đặt lệnh giới nghiêm vô thời hạn tại thủ đô Colombo của nước này sau khi xảy ra vụ đụng độ giữa những người ủng hộ chính phủ và nhóm người yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức. Cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và người ủng hộ Chính phủ bên ngoài...