Nhiều địa phương tìm giải pháp gỡ khó cho cô và trò khi học trực tuyến
Mạng rớt, thiếu thiết bị điện tử, chương trình học còn nặng… là những vấn đề đặt ra ngay trong những đầu năm học mới 2021-2022, khi nhiều địa phương tổ chức học trực tuyến.
Lễ khai giảng đặc biệt có thể coi là dấu mốc vượt khó đầu tiên của ngành Giáo dục trong năm học mới
Khó chồng khó
Trong năm học 2021-2022, ngành Giáo dục đã xác định học trực tuyến không phải là giải pháp tình thế mà sẽ là giải pháp lâu dài, ổn định trong dịch bệnh; giảm thiểu tổn thương cho giáo dục luôn được Bộ GD&ĐT xem xét, nhìn nhận thấu đáo, đưa ra nhiều “quyết sách” để ứng phó và tháo gỡ.
Thiếu thiết bị học trực tuyến là vấn đề hiện hữu, dễ nhận thấy nhất. Trước khi bắt đầu năm học, qua rà soát, rất nhiều HS ở các địa phương thiếu thiết bị, phương tiện học. Tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, có trên 11.000 HS tiểu học chưa có thiết bị học trực tuyến; tại TP Hồ Chí Minh có số thiếu thiết bị là khoảng 77.000; trong đó có 51.000 HS tiểu học gặp khó khăn. Tại Hà Nội, số HS thiếu thiết bị học trực tuyến cũng xảy ra ở nhiều trường học; trong đó có không ít trường thuộc địa bàn nông thôn nghèo và miền núi.
Đường truyền mạng là vấn đề tiếp theo được đặt ra bởi gặp hệ thống mạng gặp trục trặc khi học trực tuyến là tình trạng phổ biến ở Hà Nội. Ở buổi học đầu tiên, đồng loạt thầy, trò, phụ huynh phản ánh tình trạng mạng bị rớt, bị chậm, bị đơ dẫn đến tài khoản bị out ra khỏi lớp học; cô nói trò không nghe được hoặc trò nói nhưng cô không nhận tín hiệu trả lời.
Ngoài ra còn nhiều khó khăn, thách thức khác như thiếu SGK, thiếu dụng cụ học tập; cha mẹ bận đi làm, không có thời gian hướng dẫn; HS bị ảnh hưởng tâm lý trước mất mát hoặc ở nhà quá lâu; cha mẹ bị mất việc dẫn đến dinh dưỡng bữa ăn không đảm bảo…
Vướng đâu, gỡ đó
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Ngay ở giai đoạn đầu triển khai học trực tuyến, Sở GD&ĐT đã trao đổi với các đơn vị viễn thông giữ ổn định đường truyền, tạo điều kiện để các em HS học tập cũng như hướng dẫn các trường trong thực hiện nhiệm vụ dạy- học online. Để chủ động khắc phục tình trạng nghẽn mạng, các trường nên chủ động bố trí khung thời gian hợp lý; sắp xếp thời khóa biểu từng khối lớp theo lịch học sáng – chiều khác nhau để giảm mật độ truy cập vào cùng một thời điểm.
Cònông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh thì sắp tới, Sở này sẽ tiếp tục làm việc với Sở TT&TT (TP Hồ Chí Minh) để nâng cấp đường truyền theo hướng lâu dài. Giải pháp đưa ra là mỗi trường học lắp có 2 đường truyền khác nhau để nếu một đường truyền gặp sự cố, sẽ có đường truyền còn lại. Trước tình trạng khó khăn do thiếu thiết bị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ “có hàng loạt biện pháp hỗ trợ, bọc lót lẫn cho nhau”. Và hoạt động bọc lót đó được diễn ra ở khắp nơi. Tại TP Hồ Chí Minh có hình thức DN chung sức với ngành GD&ĐT bằng việc tặng máy tính, điện thoại cho các em HS. Nhiều trường học thực hiện mô hình “ATM điện thoại – máy tính cũ”. Các trường này kêu gọi phụ huynh, giáo viên, nhà hảo tâm đóng góp máy tính, điện thoại cũ hoặc góp tiền mua điện thoại mới cho các em…. Sắp tới, Sở sẽ xin TP chủ trương để các đơn vị giới thiệu các gói giải pháp như thiết bị, đường truyền để cung ứng cho các trường và HS. Trường hợp không mua được, không sửa được máy tính dẫn đến không thể học trên internet, TP Hồ Chí Minh dự kiến xây dựng phiếu học tập rồi thông qua đội ngũ tình nguyện viên giao – nhận phiếu cho giáo viên chấm chữa.
Video đang HOT
Học sinh khó khăn huyện Ba Vì, Hà Nội được tặng máy tính do Phòng GD&ĐT quận Ba Đình kêu gọi hỗ trợ
Với phương châm “không thể HS nào bị bỏ lại phía sau”, Hà Nội là địa phương thực hiện rất tích cực việc trao tặng thiết bị cho HS. Điển hình là chương trình “Máy tính cho em” do Công đoàn ngành Giáo dục Thủ đô phối hợp Sở GĐ&ĐT thực hiện. Nhiều máy tính đã được trao đến các HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để tiếp thêm chí ý, nghị lực cho các em. Nhiều đơn vị, trường học còn thực hiện các cuộc vận động trong và ngoài ngành để quyên góp, ủng hộ HS nghèo. Mới đây, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình phối hợp với Hội Chữ thập đỏ quận kêu gọi hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến cho HS gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của quận, nhất là học sinh lớp 1 năm học 2021-2022.
Các tỉnh khác trên cả nước như Nghệ An, Bắc Ninh, Hưng Yên…, những thiết bị học trực tuyến cũng đã được kịp thời chuyển đến HS đầu năm học mới giúp giảm gánh nặng gia đình, giúp các em thêm động lực để chăm ngoan, học giỏi. Đáng quý hơn, nhiều hoạt động hỗ trợ, quyên góp đó do chính HS khóa cũ của các trường đứng ra thực hiện.
Linh hoạt chương trình
Theo PGS Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT): Thực hiện kế hoạch năm học trong bối cảnh đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cấp học rà roát điều chỉnh nội dung dạy học, đảm bảo chương trình nhưng tinh giản nội dung. Nguyên tắc tinh giản là không vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành, tích hợp một số nội dung thành các chủ đề, điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục; không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn là không dạy, đọc thêm, không làm, không thực hiện, không yêu cầu…. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng thiết thực, giảm và tiến tới bỏ hẳn những nội dung rườm rà, thiếu hiệu quả, đảm bảo phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
Khi học trực tuyến, chương trình sẽ được tinh giản và linh hoạt
Song song với việc này, dạy học trực tuyến làm sao để đảm bảo chất lượng, không quá tải cũng là một yêu cầu. Bộ GD&ĐT đã có văn bản dạy học trực tuyến trên internet và truyền hình và tới đây, Bộ tiếp tục tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến trên tinh thần khắc phục những hạn chế còn tồn tại; đồng thời ban hành hướng dẫn các nội dung học tập cốt lõi để thầy và trò dựa theo đó triển khai. Tinh thần là các nhà trường tổ chức dạy trực tuyến theo cách tăng cường, giao cho HS tự học nhiều hơn; tương tác nhiều hơn, giúp giảm căng thẳng và thời gian ngồi trước màn hình.
PGS Nguyễn Xuân Thành cũng cho hay, trong trường hợp không có internet, có thể phát các tài tiệu trên truyền hình hoặc copy vào USB, VCD để nhờ cộng đồng hỗ trợ, giúp HS tiếp cận các học liệu này. Và một điều rất quan trọng, muốn học trực tuyến đạt hiệu quả, rất cần sự quan tâm, đồng hành của phụ huynh, nhất là phụ huynh có con năm nay bước vào lớp 1; thêm nữa là tinh thần sáng tạo, nỗ lực, tâm huyết của các thầy cô giáo.
Khẳng định bối cảnh hiện tại là “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn các HS cố gắng, biết cách tự học và tự trưởng thành trước thử thách; các thầy cô vững tay chèo lái những chuyến đò nhiều gió lớn; các phụ huynh phối hợp thật tốt cùng thầy cô và nhà trường; cả xã hội chia sẻ cùng ngành giáo dục bằng cả tinh thần và sự hỗ trợ cụ thể nhất.
Và bởi “cuộc sống cứ diễn ra một cách thật diệu kỳ” nên dù khó khăn đến đâu, ngành Giáo dục vẫn quyết tâm học thật, thi thật để hoàn thành thắng lợi mục tiêu kép: An toàn phòng chống dịch; đảm bảo chất lượng và đổi mới.
Học sinh TP.HCM không học online sẽ tiếp nhận kiến thức thế nào?
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM chia sẻ giải đáp về việc tổ chức năm học mới trong điều kiện dịch bệnh.
Chiều 6/9, báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm trực tuyến "Năm học mới trong đại dịch" với sự tham dự của đại diện Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM và NXB Giáo dục Việt Nam.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, đề cập phương án hỗ trợ các học sinh không đủ điều kiện học online.
Ông Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại tọa đàm chiều 6/9. Ảnh: Người Lao Động .
51.000 học sinh tiểu học gặp khó khăn khi học trực tuyến
Ông Hiếu cho biết, số liệu của sở cập nhật hiện nay có khoảng 77.000 học sinh không có điều kiện học trực tuyến. Tuy nhiên, đây là con số bao gồm những học sinh gặp khó khăn về đường truyền, đi lại hoặc không có phụ huynh kèm cặp, hỗ trợ.
Thực tế, khoảng 51.000 học sinh tiểu học tại TP gặp khó khăn khi học online, trong đó có khó khăn về vấn đề đường truyền. Sắp tới, sở sẽ xin UBND thành phố chủ trương để các đơn vị giới thiệu các gói giải pháp như thiết bị, đường truyền để cung ứng cho nhà trường và học sinh.
Với những học sinh không thể học online do thiếu máy móc hoặc Internet, sở xây dựng phương án phát triển phiếu học tập. Ban đầu, thầy cô sẽ giao bài, đội ngũ tình nguyện viên sẽ thu phiếu và gửi lại giáo viên để đánh giá trình độ, năng lực học tập của các em.
Sở cũng chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch học tập riêng cho các đối tượng học sinh này, nhằm giúp các em tiếp cận việc học một cách thuận lợi.
Với các học sinh đang kẹt lại ở các địa phương khác, Sở GD&ĐT TP.HCM đã làm việc với lãnh đạo địa phương để tạo điều kiện thuận lợi, giúp các em được học tập, tiếp cận tri thức đầy đủ.
Về vấn đề cung ứng sách giáo khoa, Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam, cho biết phía nhà xuất bản đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, đề nghị tạo điều kiện phát hành sách giáo khoa. UBND nhiều tỉnh đã có văn bản yêu cầu đơn vị liên quan hỗ trợ, đảm bảo kịp sách giáo khoa kịp ngày khai giảng.
Tuy nhiên, do sách giáo khoa chưa được chính thức công nhận là mặt hàng thiết yếu, một số địa phương vẫn phải trao đổi với cơ quan quản lý để kịp thời chuyển sách đến học sinh. Ông Hiếu nhấn mạnh, sắp tới, việc cung ứng sách giáo khoa cho học sinh sẽ có nhiều thuận lợi hơn.
Giảm tải chương trình để đảm bảo chất lượng dạy học
PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, cho biết bộ đã chỉ đạo các cấp học rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học. Trước đó, bộ đã có công văn về vấn đề này.
Cụ thể, 10 môn học sẽ được điều chỉnh nội dung dạy học, bao gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh Học, Tin học, Công nghệ, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân.
Nguyên tắc là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành, đồng thời tích hợp một số nội dung thành các chủ đề, điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục.
Bộ cũng yêu cầu các trường không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn là không dạy, đọc thêm, không làm, không thực hiện, không yêu cầu.
Sắp tới, TP.HCM sẽ tập huấn cho giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến, đồng thời khắc phục các vấn đề hiện nay. Việc khắc phục sẽ dựa trên tinh thần tăng cường cho học sinh tự học nhiều hơn. Thầy cô chuẩn bị bài và giao bài tập cho học sinh qua các ứng dụng, trang web điện tử, tin nhắn.
"Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã giao chúng tôi biên soạn tài liệu. Trong tuần này hoặc tuần tới, chúng tôi sẽ gửi các thầy cô để lan toả, tổ chức các giờ học trực tuyến nhẹ nhành nhưng hiệu quả. Thay vì ngồi trước màn hình, học sinh có thể tự chủ trong giờ học", ông Nguyễn Xuân Thành nói.
Trẻ học online 2 tiếng nhưng chưa được chữ nào Ngày đầu triển khai học online tại nhiều địa phương chưa được thuận lợi do đường truyền không ổn định, các nền tảng học trực tuyến trục trặc hoặc quá tải. "Lo mà học đi", "im miệng đi", thỉnh thoảng, lớp học của con trai chị Nguyễn Phương (Hà Đông, Hà Nội) lại vang lên tiếng phụ huynh quát con. Mẹ nhắc bài...