Nhiều câu hỏi đối với chương trình lớp 1 mới
Dư luận nhiều ngày qua xôn xao xung quanh chương trình lớp 1 mới, trong đó nhiều ý kiến cho rằng chương trình nặng khiến giáo viên và học sinh rất vất vả, thậm chí không ít học sinh đã phải học thêm mới theo kịp chương trình.
Học sinh lớp 1 tại Đà Nẵng – Ảnh: Đ.C.
Dư luận như vậy nhưng Bộ GD-ĐT vẫn nói rằng chưa thể nói được nặng hay nhẹ qua một số bài học, mà phải chờ hết một năm học rồi mới đánh giá.
Trong khi đó, hàng loạt câu hỏi đặt ra xung quanh vấn đề này rất cần sự vào cuộc quyết liệt của bộ, chẳng hạn: Ở đâu, vùng nào, địa phương nào, trường nào mà thầy cô, học sinh thấy chương trình nặng? Giáo viên dạy chương trình đó là ai?
Việc tập huấn thực hiện chương trình mới như thế nào?
Tại sao có giáo viên không cảm thấy khó khăn trong việc dạy chương trình mới? Họ là ai? Giả sử chương trình được thiết kế tốt nhưng thực hiện chương trình có tốt hay không?…
Thông tin báo chí cho thấy các nhà thiết kế chương trình có mang đi thử nghiệm, nhưng sau các tiết dạy thử nghiệm thì không hiểu do chuyên môn hạn chế hay do thời gian gấp rút mà không làm các bài kiểm tra thực nghiệm mức độ tiếp thu bài dạy của giáo viên.
Video đang HOT
Vì thế, dư luận nói chương trình nặng mà bộ lại không có chứng minh bằng các chứng cứ thực nghiệm là các bài kiểm tra lớp thực nghiệm chương trình. Giá mà làm bài bản thì dư luận sẽ hiểu rõ hơn tính chuyên nghiệp của các nhà thiết kế và thử nghiệm chương trình.
Trước mắt, rất cần bộ cử chuyên gia môn học tìm hiểu thực tế dạy chương trình mới, luôn và ngay, không nên để chậm trễ, tránh dư luận hoang mang.
Mặt khác, phụ huynh cũng phải rất bình tĩnh, tránh bức xúc thái quá ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Quá trình nhận thức có quy luật của nó, mà đôi khi sự vội vã sẽ tạo ra ảnh hưởng không tốt.
Cuối cùng, rất mong bộ sớm có băng ghi hình ở nơi nào đó có giáo viên dạy mẫu chương trình mới lớp 1 hiệu quả để phổ biến cho các giáo viên khác học hỏi và cùng chia sẻ kinh nghiệm. Làm được như vậy là cách nhanh nhất để giúp chương trình mới thành công không chỉ ở lớp 1 mà còn các lớp sau này.
Không tạo áp lực cho học sinh
Bà Lê Thị Bích Thuận – giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng – cho biết ưu tiên là đảm bảo cho học sinh lớp 1 tâm lý nhẹ nhàng. Các cháu chuyển từ mầm non sang lớp 1 nên sẽ khó khăn, lại đúng thời điểm TP đang chống dịch nên sẽ chậm trễ hơn các địa phương khác. Vì thế, những tuần đầu tiên sẽ cố gắng để cho trẻ làm quen.
“Việc dạy chương trình cũng không thể làm nhanh, vội vàng được, mà phải theo dõi lực học của các em để có sự điều chỉnh, quan tâm hơn. Giáo viên phối hợp với phụ huynh để luôn cố gắng không tạo áp lực cho học sinh, để các em có tâm lý thoải mái nhất” – bà Thuận nói.
ĐOÀN CƯỜNG
Giáo viên lớp 1 được tập huấn chưa sâu?
Theo ông Lê Hồng Vũ, trưởng Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội), việc tập huấn giáo viên vẫn nặng về lý thuyết. Mặc dù hướng dẫn 'dạy phát triển năng lực' nhưng người hướng dẫn vẫn chủ yếu hướng dẫn về kiến thức.
Một tiết học môn tiếng Việt của học sinh lớp 1/1 Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Ông Lê Hồng Vũ, trưởng Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội), cho rằng mục tiêu của chương trình mới là dạy học phát triển năng lực, phẩm chất học sinh nhưng nhiều giáo viên vẫn quen dạy theo nội dung kiến thức và chưa linh hoạt để có thể quan sát, kèm cặp được các đối tượng học sinh khác nhau trong một lớp nên giáo viên cũng gặp khó mà nhiều học sinh lại khó tiếp thu.
Phụ huynh thấy con tiếp thu chưa được lại sốt ruột.
Ông Vũ nhận định việc tập huấn giáo viên vẫn nặng về lý thuyết. Mặc dù hướng dẫn "dạy phát triển năng lực" nhưng người hướng dẫn vẫn chủ yếu hướng dẫn về kiến thức.
"Có buổi tập huấn mời các giáo sư, chuyên gia, tác giả sách giáo khoa nhưng họ cũng chủ yếu nói về những ưu điểm của sách, của chương trình. Trong khi giáo viên cần thực hành, cần cụ thể" - ông Vũ nói thêm.
Theo ông Vũ, quận Tây Hồ đã làm quen với dạy chương trình lớp 1 sớm hơn, tuy nhiên hiện vẫn có những trường, những giáo viên bỡ ngỡ. Thế nào là "dạy phát triển năng lực học sinh", khác với cách dạy trước như thế nào, nhiều giáo viên còn mơ hồ không chắc chắn.
Bên cạnh khó khăn đó, giáo viên lớp 1 tại Hà Nội cũng đang phải gánh những khó khăn đặc thù: sĩ số học sinh/lớp quá đông, trẻ chưa quen với môi trường học tập nên phải rèn, dỗ khiến giáo viên lớp 1 chịu áp lực lớn.
"Việc đầu tiên cần xem xét là không thực hiện chương trình cứng nhắc mà để giáo viên chủ động, linh hoạt tùy theo đối tượng học sinh điều chỉnh cách dạy nhanh, chậm khác nhau" - ông Vũ nêu giải pháp.
Ông Phạm Ngọc Anh, trưởng Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội), cũng cho biết trong tháng 9, tuần nào quận cũng phải tổ chức các chuyên đề trực tuyến cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 1.
Trong các chuyên đề này, những bài khó sẽ được mang dạy thử để giáo viên dạy lớp 1 tham khảo, cùng thảo luận rút kinh nghiệm. Đây là một cách "vừa dạy, vừa tập huấn, vừa điều chỉnh".
Không khó nếu hướng học sinh vào thực tế
Chương trình mới rất hay, điểm nổi bật nhất là các em tự đánh giá được mình, tự liên hệ thực tế ngay. Mà tự liên hệ, tự thấy có mối liên quan với thực tế cuộc sống thì hỗ trợ phần ghi nhớ, phần thuộc vần, thanh đôi, từ ghép...
Cái khó của chương trình là nhiều nội dung, nhiều vần trong bài nhưng quan trọng hướng các em đến thực tế ngoài đời, từ đó tự các em sẽ "bộc phát" ra năng lực ghi nhớ lâu.
Tuy nhiên, sách có nhiều hình ảnh minh họa na ná nhau. Học sinh lớp 1 không biết viết, biết chữ nên khi học các bộ môn khác nhau, các em hay lẫn lộn, giáo viên phải hướng dẫn và mất khá nhiều thời gian.
Cô Lê Minh Thanh Thảo (giáo viên chủ nhiệm lớp 1/3 Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TP.HCM)
Bình Thủy sẵn sàng cho năm học mới Năm học 2020-2021, năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 1, ngành Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thủy đã tích cực chuẩn bị các điều kiện thực hiện công tác này, song song với sẵn sàng nguồn lực phục vụ cho năm học mới. Các phòng chức năng ở Trường...