Nhiều bất ổn trong sách tiếng Việt lớp 1
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý để ban hành tài liệu giảm tải nội dung sách giáo khoa (SGK) trong thời gian tới. Bài viết sau đây phản ánh về những hạn chế trong SGK tiếng Việt lớp 1 hiện hành nhằm giúp Bộ có những điều chỉnh hợp lý.
Những trang sách thể hiện sự không thống nhất trong cách viết chữ hoa, chữ thường.
Hình và chữ so le nhau
Nhiều điểm trong quyển sách, tranh minh họa không làm nổi bật được nội dung cần truyền đạt (ở kênh chữ); ý nghĩa khá mơ hồ, đôi khi phải đọc nội dung mới biết được thông điệp đề cập trong tranh.
Chẳng hạn: SGK muốn học sinh nhận ra từ “hè” nhưng lại đưa ra một bức tranh đặc tả cận cảnh những người đang tắm ở hồ bơi. Vì thế, không ít thầy cô, khi sử dụng tranh này để hỏi học sinh, phần lớn các em đều trả lời: Nhìn vào tranh chỉ thấy những người đi… tắm. Đó là chưa kể những băn khoăn về tính phổ quát của nó, bởi ở miền Nam, miền Tây Nam Bộ, đâu phải người ta chỉ đi tắm hồ (sông) khi đến… hè (bài 8, trang 18, tập 1). Ở các bài 14, 15, 18, 19, 20, 22, 23, 32, 36, một số tranh ở phần “Luyện nói” thiếu chi tiết, không tương hợp với nội dung kênh chữ theo quan hệ “một – một” như đa phần tranh khác, gây thiếu nhất quán trong toàn bộ hệ thống kênh hình – kênh chữ, gây trở ngại không nhỏ cho việc dạy – học của giáo viên và học sinh. Chẳng hạn trong bài “Vâng lời cha mẹ” (bài 53, tập 1, trang 109) – nhưng bức tranh chỉ có sự hiện diện của… mẹ. “Ao, hồ, giếng” (bài 55, tập 1, trang 113) nhưng tranh chỉ có giếng và ao.
Một vài bức tranh chụp cảnh thực tuy có tính cụ thể, gần gũi với người học nhưng để đạt đến chất lượng của yêu cầu về tính sư phạm, giáo dục thì cần phải xem lại. Chẳng hạn chủ đề luyện nói “Xếp hàng vào lớp” (tập 2, bài 87, trang 11) nhưng bức tranh (cận cảnh) lại thể hiện cảnh học sinh đi vào lớp không thẳng lối ngay hàng, đã thế học sinh còn khoác tay, trêu ghẹo nhau thoải mái. Nếu nhìn vào tranh để luyện nói thì chẳng biết thông điệp của bài học có được học sinh tiếp nhận theo chiều hướng tích cực được không?
Tiền hậu bất nhất
Cũng là một nhân vật nhưng trong bộ sách có cách viết (hoa và thường) khác nhau giữa 27 bài đầu và những bài còn lại. Dẫu biết rằng quan điểm của người biên soạn là giai đoạn đầu này học sinh chưa học về chữ hoa nhưng vẫn có rất nhiều sự vật cùng một hệ thống (nhất là hệ thống tên gọi chỉ loài chim, thú), cùng một dạng bài nhưng cách viết hoa dưới mỗi tranh hết sức tùy tiện, thậm chí hiện diện ngay trong cùng một trang sách.
Phần “Tập đọc” và “Luyện nói” (bài 32, tập 1, trang 67) là một minh chứng: Tập đọc: “Chú Bói Cá nghĩ gì thế? Chú nghĩ về bữa trưa”. Luyện nói: “Sẻ, ri, bói cá, le le”. Nhìn ngữ liệu này, không ít trẻ sẽ nghĩ: có đến hai loại chim bói cá (viết hoa và không hoa) chăng, và có lẽ chúng khác nhau? Rồi thì hàng loạt các từ khác: Cừu (viết hoa) nhưng hươu, nai, voi, gấu, báo đều viết thường tất tần tật dù chúng đồng đẳng trên một đoạn ứng dụng, một bài, một trang in (bài 42, tập 1, trang 87). Tương tự là Sáo Sậu với châu chấu, cào cào, Sói và Cừu (bài 43, tập 1, trang 89); chuồn chuồn (bài 50, tập 1, trang 103); Mèo, Chuột (bài 74, tập 1, trang 151); Sóc Bông (bài 96, tập 2, trang 29) với lợn con (bài 48, tập 1, trang 99), dê (bài 61, tập 1; trang 125), cò (bài 63, tập 1, trang 129), chim chích (bài 82, tập 1, trang 167), ngỗng (bài 83, tập 1, trang 169), mè, chép, tép, cua, cá (bài 90, tập 2; trang 17), công (tập 2, trang 97)… Bảo rằng chúng là danh từ riêng gọi tên nhân vật trong văn bản nên viết hoa thì cũng bất ổn bởi Gấu mẹ, Thỏ mẹ, Chuột nhà, Chuột đồng dẫu là danh từ chung cũng được viết hoa trân trọng (bài 44, 75 tập 1, trang 91, 153); trong khi đó không ít các từ chỉ một nhân vật cụ thể trong truyện (chim chích, ngỗng vàng, công…) vẫn viết thường vô tư!
Theo Dân Trí