Nhật xúc tiến quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp với Trung Quốc
Trung Quốc đã ngay lập tức phản đối động thái này của Chính phủ Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản đang xúc tiến kế hoạch quốc hữu hóa quần đảo Senkaku (tiếng Trung gọi là Điếu Ngư) vốn được cả Nhật Bản và Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
Phát biểu trước báo chí ngày 7/7, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihico Noda cho biết, Chính phủ Nhật Bản đang tiến hành các cuộc đàm phán với chủ sở hữu các đảo của quần đảo Senkaku để mua lại các đảo này nhằm quốc hữu hóa toàn bộ quần đảo.
Senkaku/Điếu Ngư là một quần đảo đang diễn ra tranh chấp chủ quyền Nhật – Trung (Ảnh: panoramio.com)
Video đang HOT
Thủ tướng Noda nói: “Quần đảo Senkaku, xét cả về lịch sử và luật pháp quốc tế, đều là lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản. Nhật Bản cũng đang quản lý hữu hiệu quần đảo này. Do đó, không tồn tại vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở đây. Từ quan điểm làm thế nào để duy trì quản lý quần đảo Senkaku một cách hòa bình và ổn đinh, Chính phủ đang liên lạc với chủ sở hữu các đảo và tiến hành xem xét tổng thể việc mua lại các đảo này”.
Đây là lần đầu tiên, Chính phủ Nhật Bản chính thức đề cập đến việc mua lại quần đảo Senkaku. Động thái này của Nhật Bản đã lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7/7 ra tuyên bố khẳng định, bất kỳ hành động đơn phương nào của Nhật Bản đều phi pháp và vô hiệu. Không thể thay đổi sự thật rằng quần đảo Điếu Ngư là lãnh thổ của Trung Quốc.
Theo giới phân tích, nếu kế hoạch quốc hữu hóa quần đảo Senkaku được thực hiện, quần đảo này sẽ lại trở thành mồi lửa mới châm ngòi cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Quần đảo Senkaku bao gồm 5 đảo chính trong đó 1 đảo thuộc quyền sở hữu của Chính phủ Nhật Bản, 4 đảo còn lại thuộc quyền sở hữu tư nhân.
Trước đó, chính quyền thành phố Tokyo đã tuyên bố sẽ mua lại quần đảo Senkaku và phát động một chiến dịch quyên góp tiền để mua lại quần đảo này. Tính đến nay, thành phố Tokyo đã quyên góp được hơn 1,3 tỷ yên (tương đương gần 17 triệu USD)./.
Theo VOV
Lãnh đạo cánh tả Hy Lạp tuyên bố sẽ hủy gói cứu trợ nếu thắng cử
Ông Tsipras cho rằng, gói cứu trợ đã thất bại trong việc đưa Hy Lạp thoát ra cuộc khủng hoảng kinh tế và ngăn cản quốc gia này tiếp cận thị trường tài chính.
Lãnh đạo đảng Liên minh các lực lượng cánh tả ở Hy Lạp, ông Tsipras ngày 1/6 tuyên bố, nếu ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 17/6, ông sẽ đình chỉ việc cắt giảm lương, lương hưu, cổ phần hóa các công ty nhà nước và quốc hữu hóa ngân hàng.
Trong cương lĩnh tranh cử về kế hoạch kinh tế, ông Tsipras tuyên bố, Hy Lạp nên phá bỏ gói cứu trợ nước ngoài mà nước này đã ký với Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế vì cho rằng, gói cứu trợ đã thất bại trong việc đưa Hy Lạp thoát ra cuộc khủng hoảng kinh tế và ngăn cản quốc gia này tiếp cận thị trường tài chính.
Lãnh đạo đảng Liên minh các lực lượng cánh tả ở Hy Lạp, ông Tsipras (Ảnh Reuters)
Ông Tsipras nói: "Không có điều gì tồi tệ hơn là thỏa thuận cứu trợ, đó là đơn thuốc kê không đúng bệnh, chúng ta không nên thực hiện mà cần hủy bỏ. Quan điểm của chúng tôi khác biệt so với đảng Dân chủ Mới và đảng Xã hội ở chỗ, họ muốn lá phiếu của công chúng để thực thi gói cứu trợ, còn chúng tôi đề nghị cử tri bỏ phiếu để hủy bỏ nó".Ông cũng cam kết với cử tri sẽ hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn, giảm thuế đánh vào bánh mì, sữa, đánh thuế đối với giới nhà giàu, tăng lương tối thiểu lên 751 euro và tăng phúc lợi xã hội cho người thất nghiệp.
Chỉ số chứng khoán ở Hy Lạp đã giảm điểm ngay sau bài phát biểu này của ông Tsipras. Những bình luận kiểu này cũng khiến các nhà cho vay quốc tế lo ngại nhưng lại giành được sự tán thành của cử tri Hy Lạp vốn quá chán ngán với những biện pháp thắt lưng buộc bụng. Cuộc bầu cử vào ngày 17/6 có thể coi là cuộc trưng cầu về tương lai của Hy Lạp ở khu vực đồng euro. Qua các cuộc thăm dò dư luận, đảng của ông Tsipras đang theo sát nút với các đảng bảo thủ ủng hộ gói cứu trợ./.
Theo VOV