Nhật ‘bế tắc’ trong cuộc đua tàng hình cơ với Trung Quốc
Những dự đoán của Trung Quốc đã thành sự thật khi Nhật Bản đã &’đuối sức’ trong cuộc đua tiêm kích tàng hình với Trung Quốc.
Nhật Bản hụt hơi
Hãng tin Kyodo (Nhật) ngày 7/1 dẫn nguồn tin từ tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries Ltd cho biết, tiêm kích tàng hình thế hệ 5 ATD-X của hãng này bị lùi thời điểm thử nghiệm do một số nguyên nhân.
Theo nguồn tin trên, sở dĩ có sự trì hoãn là để kiểm tra thêm hệ thống tái khởi động của máy bay trong trường hợp xảy ra dừng đột ngột khi đang bay. Nguồn tin nhấn mạnh rằng ngoài việc dời mốc bay thử nghiệm, cơ sở chế tạo cũng có thể buộc phải tìm nguồn tài trợ bổ sung để hoàn thành đề án.
Được biết, chương trình máy bay ATD-X ra đời là để thay thế cho dòng tiêm kích F-2 đã già cỗi đang hoạt động trong lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản.
Theo kế hoạch, những chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của mẫu máy bay ATD-X sẽ được thực hiện trước khi kết thúc năm 2014, nhưng hiện đã được chuyển sang tháng 3/2015.
Video đang HOT
Nguyên mẫu tiêm kích ATD-X
Dù nhà sản xuất Nhật Bản cho rằng, việc lùi thời điểm thử nghiệm chỉ là vấn đề kiểm tra thêm về hệ thống khởi động, tuy nhiên theo nhận định của tạp chí Jane’s (Anh) thì đây thực sự là vấn đề nghiêm trọng mà Nhật Bản gặp phải.
Cụ thể, nếu hệ thống khởi động của máy bay hoạt động không tốt thì máy bay sẽ thiếu đi sự cơ động cần thiết trong các tình huống không chiến (như bổ nhào, đột ngột hạ độ cao, chuyển hướng…). Thậm chí, nếu hệ thống khởi động gặp vấn đề thì máy bay rất dễ gặp nạn chứ chưa nói đến việc bị đối phương bắn hạ.
Nếu những phân tích của Jane’s là đúng thì quả thực Nhật Bản đang đuối sức trước Trung Quốc trong cuộc đua phát triển máy bay tàng hình, đặc biệt là khi Trung Quốc liên tiếp cho ra đời những mẫu thử nghiệm mới của J-20 trong thời gian gần đây và giới thiệu J-31 trước triển lãm quốc tế.
Theo những thông tin ít ỏi được Nhật Bản tiết lộ, tiêm kích ATD-X được chế tạo với việc sử dụng công nghệ tàng hình, bao gồm cả hình dáng khí động tán xạ sóng radar, vật liệu hấp thụ sóng điện từ và sử dụng vật liệu tổng hợp.
Không những thế, chiến đấu cơ tương lai của Nhật Bản sẽ được trang bị radar đa chế độ với ăng ten mảng pha chủ động, hệ thống điều khiển từ xa, hệ thống chiến tranh điện tử và hệ thống trao đổi thông tin hợp nhất.
Thậm chí, theo nhiều chuyên gia, tiêm kích ATD-X của Nhật Bản thừa sức khiến tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc phải ôm hận khi đối đầu.
Tuy nhiên tờ Hoàn Cầu (Trung Quốc) lại cho rằng, Tokyo đang lấy sự xuất hiện của “máy bay tàng hình” ra để tự cổ vũ cho mình, nhằm xoa dịu sự lo lắng của dư luận xã hội Nhật trước những bước tiến trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự và thực lực ngày càng vượt trội của Trung Quốc.
Mẫu thử nghiệm J-20 số hiệu 2012 Trung Quốc chiếm ưu thế
Hồi đầu tháng 8/2014, Trung Quốc tiếp tục công bố nguyên mẫu thử nghiệm mới của tiêm kích J-20. Thông tin trên được Huanqiu.com, trang web tiếng Trung của tờ Global Times cho biết, mẫu thử nghiệm mới mang số 2012, trông giống hệt với mẫu thử nghiệm số 2011 trước đó nhưng Huanqiu.com cho rằng thiết kế của mẫu máy bay đã có những bước tiến bộ và Trung Quốc có thể bước vào giai đoạn sản xuất tiếp theo sau khi chế tạo loạt nguyên mẫu.
Dựa trên những hình ảnh mới nhất về nguyên mẫu J-20, mạng quân sự Sina nói rằng, hệ thống ngắm mục tiêu quang điện tử gắn dưới gần mũi của chiếc J-20 cho thấy nó được thiết kế chủ yếu để tấn công mặt đất. Đây là một thiết kế hệ thống quang – điện tử tương tự như hệ thống trang bị trên 2 loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-22 và F-35 của Không quân Mỹ.
Qua đó, Sina kết luận rằng, J-20 có thể trở thành một máy bay ném bom hoàn hảo để tấn công phá hủy các mục tiêu mặt đất của đối phương. Đặc biệt là sau khi 35 vệ tinh được triển khai trên không gian, hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc có thể cung cấp đẩy đủ thông tin để J-20 có thể thực hiện các đòn tấn công chính xác vào các mục tiêu quan trọng dưới đất của đối phương giống như F-22 của Mỹ.
Tiêm kích J-20 không chỉ mang được 4 tên lửa không – đối – không mà còn có thể được trang bị các loại bom JDAM hay SDB. Tổng cộng, Sina tính toán rằng J-20 có thể mang được tổng cộng lên tới 24 quả bom đường kính nhỏ so với F-22 mang được 8 quả.
Và nếu như hệ thống ngắm bắn quang – điện tử của J-20 được Trung Quốc sử dụng trên các loại chiến đấu cơ thế hệ thứ tư Su-30 và J-10, khả năng tấn công mặt đất của các máy bay này sẽ được cải thiện đáng kể.
Theo Đất Việt