Nhật Bản cho Việt Nam vay 500 triệu USD
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh ngày 12/9 cho hay, tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản, Ngoại trưởng Kishida Fumio đã công bố khoản vay ODA trị giá 500 triệu USD giai đoạn 1 năm tài khóa 2013 cho một số dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã chào xã giao Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kishida Fumio, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 12 – 14/9/2013. Trong thời gian ở Nhật Bản, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã chào xã giao Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Hội đàm và cùng Bộ trưởng Ngoại giao Kishida Fumio đồng chủ trì kỳ họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 5, trao đổi ý kiến với một số Bộ trưởng, Lãnh đạo các tổ chức Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren).
Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã chuyển tới Thủ tướng Shinzo Abe lời thăm hỏi và lời chúc mừng Tokyo được chọn làm thành phố đăng cai Thế vận hội Olympic mùa hè 2020 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn coi Nhật Bản là một trong những đối tác chiến lược hàng đầu của Việt Nam nhất là về kinh tế, thương mại và sẵn sàng cùng phía Nhật Bản thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước không ngừng củng cố và phát triển. Thủ tướng Sin-dô A-bê nhấn mạnh, Nhật Bản coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng tại khu vực và mong muốn cùng phía Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Trong hội đàm và phiên họp lần thứ 5 Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hai nước kể từ phiên họp lần thứ 4 (tháng 7/2012). Hai Bộ trưởng nhất trí về nhiều phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước bằng các hình thức linh hoạt và phong phú như thăm không chính thức, tiếp xúc bên lề các hội nghị quốc tế và khu vực, điện đàm…; tăng cường hợp tác, trao đổi đoàn giữa các Bộ, ngành và địa phương; phát huy các cơ chế hợp tác, đối thoại như Ủy ban hợp tác Việt – Nhật, Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản về cải thiện môi trường đầu tư giai đoạn 5, Đối thoại đối tác chiến lược, Đối thoại chiến lược Quốc phòng…
Video đang HOT
Về hợp tác kinh tế, hai bên hoan nghênh những kết quả cụ thể đạt được trong triển khai các thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao, trong đó có việc thông qua Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai các dự án hợp tác quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng như xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đường sắt, sân bay… Hai bên cũng trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác nông nghiệp. Nhân dịp này, Bộ trưởng Kishida đã công bố cung cấp khoản vay ODA trị giá 500 triệu USD cho 3 dự án thuộc giai đoạn 1 tài khóa 2013; thông báo JICA sẽ sớm cử đoàn khảo sát dự án Bệnh viện Hữu nghị Việt – Nhật. Bộ trưởng Phạm Bình Minh bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao sự hợp tác quý báu của Nhật Bản thông qua nguồn vốn ODA trong hơn 20 năm qua.
Hai Bộ trưởng cũng đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Nhật Bản để tổ chức thành công Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Nhật Bản tháng 12/2013. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải trên biển, nhất trí cho rằng mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Hai bên đánh giá cao việc hai nước đã và đang tổ chức thành công nhiều sự kiện trong Năm Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, góp phần tăng cường giao lưu và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã tới dự và phát biểu tại Lễ khai mạc “Những ngày Việt Nam tại Nhật Bản”, đây là sự kiện bao gồm các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, lễ hội văn hóa, các hội thảo xúc tiến thương mại, đầu tư được tổ chức từ ngày 12/9 – 22/9/2013 tại 5 thành phố của Nhật Bản là Tokyo, Osaka, Kobe, Fukuoka và Nagoya.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Phạm Bình Minh thay mặt Nhà nước và Chính phủ Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị và Bằng khen Thủ tướng cho một số cá nhân Nhật Bản có đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
PV
Theo Dantri
Lãnh đạo Khmer Đỏ Ieng Sary chết ở tuổi 87
Ieng Sary, Bộ trưởng ngoại giao dưới thời Khmer Đỏ và là một trong 3 nhân vật đang bị đưa ra xét xử về tội danh diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh, đã chết hôm 14/3 tại Phnom Penh, Campuchia ở tuổi 87.
Ieng Sary bị bệnh tim và một số bệnh khác trong nhiều năm qua. Ông ta được tòa án cho phép nhập viện hôm 4/3 vì bị bệnh tiêu hóa.
Là anh rể của Pol Pot - lãnh đạo tối cao của Khmer Đỏ - Ieng Sary đóng vai trò quan trọng trong phong trào dẫn tới 1,7 triệu người chết đói, lao lực và bị hành hình tại Campuchia từ năm 1975-1979.
Ieng Sary giám sát đội quân diệt chủng hồi còn đương chức
Trong số những nhân vật chóp bu gây ra tội ác này mới chỉ có Kaing Guek Eav, tên thường gọi là Duch, bị kết án. Duch là chỉ huy nhà tù thời Khmer, đã bị kết án chung thân vào tháng 2/2012. Những tên còn lại đang trong quá trình bị xét xử trước tòa án do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn gồm "Anh Hai" Nuon Chea, Khieu Samphan - Nguyên thủ nhà nước dưới thời Khmer. Cả hai đều đã ở tuổi 80.
Những bị cáo này đều đã nhiều lần phải nhập viện sau khi bị bắt, nên nhiều người sợ rằng họ có thể chết trước khi bị kết án.
Ieng Thirith, vợ của Ieng Sary và có chị gái là vợ của Pol Pot, cũng từng phải hầu tòa, nhưng đã được tha bổng vì bị mất trí.
Pol Pot chết năm 1998 tại căn cứ trong rừng sâu của Khmer và chưa bao giờ bị đưa ra tòa.
Khi còn là Bộ trưởng ngoại giao, Ieng Sary đã giúp vận động hàng trăm nhà ngoại giao và trí thức Campuchia trở về nước để giúp thành lập chính phủ cách mạng mới. Những người trở về đều bị tống vào trại cải tạo và sau đó hầu hết đều bị hành hình.
Theo 24h