Nhận xét tiết dạy chuyên đề của giáo viên Hải Phòng có 2 tổng chủ biên tham dự
Đối với môn Ngữ Văn chương trình Giáo dục phổ thông 2018, giáo viên lớp 6 các trường ở Hải Phòng còn nhiều băn khoăn sau hơn một tháng triển khai giảng dạy.
Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tổ chức Chuyên đề “Dạy học môn Ngữ văn lớp 6 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018″ với hai tiết dạy minh họa hai nội dung đọc hiểu văn bản, nói và nghe.
Chuyên đề có sự tham dự trực tuyến của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên bộ sách Cánh diều, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống, chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống và ông Văn Công Hùng, tác giả tác phẩm Đồng Tháp Mười mùa nước nổi.
Trong đó, cô giáo Lê Thị Thúy và học sinh Trường Trung học cơ sở Bạch Đằng (quận Hồng Bàng) cùng nhau dạy và học tiết đọc hiểu về tác phẩm “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi”.
Cô giáo Đỗ Thị Ngọc, Trường Trung học cơ sở Hùng Vương hướng dẫn học sinh tiết học “nói và nghe về trải nghiệm của em”.
Tiết dạy minh họa của hai cô giáo trên để các giáo viên Ngữ Văn dạy khối 6 trên địa bàn thành phố tham khảo.
Đồng thời, các giáo viên đưa ra ý kiến góp ý, nhận xét, nêu những vướng mắc về môn Ngữ Văn chương trình giáo dục phổ thông 2018 để trao đổi, làm rõ và triển khai tốt hơn trong các giờ học tiếp theo.
Phát triển tốt các phẩm chất, kỹ năng của học sinh
Theo nhận xét của đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, hai tiết học đã phát huy tốt một số phẩm chất của học sinh theo yêu cầu của chương trình mới.
Ví dụ như, trách nhiệm của học sinh đối với phần nhiệm vụ cô giao rất tốt nên phát triển được nhiều năng lực cốt lõi như tự học, tự nghiên cứu; học sinh sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp tốt; có kỹ năng làm việc nhóm; làm chủ việc tiếp nhận kiến thức;…
Đại diện ngành giáo dục các quận, huyện đưa ra nhận xét, góp ý đối với tiết dạy minh họa môn Ngữ Văn chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: Phương Linh)
Theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân tại điểm cầu trường Trung học cơ sở Trần Phú phát biểu tại chuyên đề: “Trong hai tiết dạy minh họa, giáo viên đã phát huy được rất nhiều năng lực của học sinh.
Dù học sinh lớp 6 mới chuyển từ tiểu học lên và phải nghỉ học nhiều do dịch bệnh nhưng phát biểu rất tốt, có nhiều kỹ năng, phát huy được nhiều năng lực. Chúng tôi học hỏi được rất nhiều”.
Còn theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ngô Quyền chỉ ra một số ý kiến, băn khoăn liên quan đến hai tiết dạy minh họa: “Tiết đọc, hiểu, chúng tôi cảm thấy đây là tiết dự rất bổ ích, cho thấy sự công phu trong việc thiết kế các hoạt động dạy học cho học sinh, hướng tới sự phát triển năng lực, phẩm chất cho học trò.
Video đang HOT
Tuy nhiên, trong tiết học đọc, hiểu mục đích chính là đọc để hiểu thì tôi thấy trong tiết học này phần đọc hơi ít và giáo viên chưa đọc mẫu cho học sinh.
Đối với học sinh lớp 6, việc đọc cho học sinh nghe rất quan trọng.
Thứ hai, tiết học trên kéo dài 65 phút, như vậy đối với thời gian một tiết thực tế trên lớp chúng ta sẽ không giải quyết được hết các mục đích của hoạt động dạy học.
Bên cạnh đó, tiết học còn mất nhiều thời gian vào câu hỏi trắc nghiệm, phần câu hỏi vận dụng và thông hiểu lại không có thời gian để giải quyết.
Về kiến thức chuyên môn, ở phần tìm hiểu chung, thể loại du ký là thể loại mới được đưa vào sách giáo khoa lớp 6.
Trong tiết học, cô giáo xác định được trong tác phẩm có phương thức biểu đạt chính là tự sự.
Vậy căn cứ nào để xác định tự sự là phương thức biểu đạt chính trong thể loại du ký.
Ngoài ra, cô giáo có thể áp dụng thêm kiến thức về địa lý để nói lên cho học sinh về nước nổi diễn ra vào thời gian nào, tại sao nó làm nên tính cách, nền văn hóa của con người miền Tây,…
Đối với tiết nói và nghe là tiết học tích hợp giữa đọc, hiểu và viết.
Khi học sinh viết xong cần phải có dàn ý khi trình bày như em nói với ai, em nói về cái gì, nói như thế nào và nói nhằm mục đích gì.
Khi học sinh trình bày phải có trong đầu cái tiêu chí đấy.
Giáo viên cũng nên có tác động ngược trở lại đối với học sinh như để học sinh tự đánh giá thông qua tiêu chí”.
Tại chuyên đề, thầy Văn Công Hùng, tác giả tác phẩm “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi” cũng đưa ra nhận xét: “Bút ký rất dài nhưng khi được chọn vào sách giáo khoa lại rất cô đọng.
Còn trong tiết dạy của cô giáo hôm nay còn cô đọng hơn nữa vì thời gian có hạn.
Tuy nhiên, các chi tiết văn bản tương đối đầy đủ, học sinh chuẩn bị bài rất kỹ. Giáo viên chuẩn bị clip, hình ảnh về miền Tây rất kỹ càng.
Theo đó, tôi thấy cách dạy ngữ văn bây giờ giúp học sinh tiếp cận với văn bản kỹ hơn, đòi hỏi học sinh phải năng động hơn khi chuẩn bị bài ở nhà.
Tôi đánh giá cao việc thể hiện được ý đồ của tôi trong tác phẩm bài bút ký vào bài giảng. “.
Những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình giảng dạy
Bên cạnh việc đưa ra nhận xét về tiết học minh họa, sau một tháng triển khai dạy môn Ngữ Văn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều giáo viên có những ý kiến, băn khoăn và vướng mắc mong muốn được giải đáp.
Trên cơ sở tiết dạy minh họa, các giáo viên đưa ra câu hỏi về những băn khoăn, vướng mắc sau hơn một tháng triển khai dạy theo chương trình mới (Ảnh: Phương Linh)
Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân phát biểu: “Qua hội thảo này chúng tôi cũng muốn gửi một số ý kiến, băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ Văn.
Ở phần văn bản, chúng tôi thấy một số văn bản khá dài và khó đối với học sinh lớp 6 ví dụ như: Cô bé bán diêm, Cửu Long Giang ta ơi,…
Về phần thực hành tiếng Việt, nhiều bài trong sách giáo khoa không cung cấp nhiều phần lý thuyết nhưng có rất nhiều bài tập để học sinh thực hành luôn.
Ngoài ra, phần tập làm văn, học sinh lớp 6 được làm quen, luyện khá nhiều kiểu bài viết về văn bản tự sự, biểu cảm, miêu tả, tự luận.
Quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân đã chỉ đạo các nhà trường trong buổi sinh hoạt nhóm chuyên môn lớp 6 phải nghiên cứu bài học trước.
Từ đó, đưa ra những vấn đề khó để thảo luận, thống nhất và có phương pháp, trình tự giảng dạy cho phù hợp.
Về phía học sinh, nhìn chung các em lớp 6 rất thích thú các bài dạy trong chương trình giáo dục phổ thông 2018″.
Ngoài ra, đại diện ngành giáo dục các quận, huyện cũng đưa ra những băn khoăn như cách giúp học sinh tiếp cận hiệu quả với thể loại du ký mới được đưa vào sách giáo khoa.
Một vấn đề khác, trong chương trình Ngữ văn mới, bài về biện pháp tu từ so sánh có hai tiết lý thuyết và thực hành.
Như vậy, một tiết lý thuyết có 4 đơn vị kiến thức rất là khó để triển khai hết mục đích của hoạt động dạy học.
Hải Phòng: Giải đáp băn khoăn khi giảng dạy cho giáo viên dạy Ngữ văn lớp 6
Sáng 13/10, tại Trường THCS Hồng Bàng, Sở GD&ĐT đã tổ chức chuyên đề cấp thành phố môn Ngữ văn lớp 6.
Giờ lên lớp của cô Thúy
Chuyên đề được nối cầu trực tuyến với 51 điểm cầu là các phòng Giáo dục, các trường THCS trên toàn thành phố.
Bài dạy đầu tiên là giờ lên lớp của cô Lê Thị Thúy- GV Trường THCS Bạch Đằng với bài "Đồng Tháp Mười mùa nước nổi", bộ sách Cánh Diều. Cô Đỗ Thị Nga, Trường THCS Hùng Vương thực hiện tiết dạy ở chủ đề 3: Yêu thương và chia sẻ tiết 43: Nói và nghe kể về một trải nghiệm, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Tiếp cận với Chương trình GDPT 2018 là tiếp cận với một chương trình giáo dục hướng tới bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại.
Chương trình đảm bảo sự hài hoà đức-trí-thể-mĩ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên.
Học sinh tương tác cùng cô giáo trong bài học
Tính sáng tạo của chương trình là chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết. Vì thế khi giảng dạy, giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.
Cũng chính vì nét đó mà trong quá trình thực hiện, các thầy cô giáo cũng đã gặp phải rất nhiều những băn khoăn, vướng mắc.
Những băn khoăn của giáo viên như: Việc giảng dạy Ngữ văn theo CTr GDPT 2018 khác gì so với Chương trình hiện hành? Điểm khác biệt nổi bật giữa hai chương trình là gì? Dạy Văn bây giờ có giống với dạy Văn ngày xưa không?
Mục đích góp phần làm sáng tỏ một phần những băn khoăn trên, Sở GD&ĐT tổ chức chuyên đề Dạy học môn Ngữ văn lớp 6 theo Chương trình GDPT 2018 với 2 tiết dạy minh họa ở các nội dung: tiết Đọc - hiểu văn bản "Đồng Tháp Mười mùa nước nổi" ( ở bộ sách Cánh diều), tiết Nói - Nghe chủ đề Chia sẻ và yêu thương ( ở bộ Kết nối tri thức với cuộc sống).
Qua chuyên đề giáo viên cùng thảo luận các vấn đề trọng tâm như: Quan điểm xây dựng, mục tiêu chương trình, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, Kế hoạch giáo dục, Phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục... ở môn Ngữ văn theo Chương trình GDPT 2018.
Góc nhìn về bài thơ 'Bắt nạt' gây tranh cãi Những ngày qua, bài thơ "Bắt nạt" trong sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 6 nhận nhiều ý kiến trái chiều của người đọc, giáo viên, nhà thơ. Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước học sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Có 3 bộ sách:...