Nhân lực làm phim: Thiếu và phân tán
Đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh là tiền đề để phát triển thị trường tiến tới ngành công nghiệp điện ảnh, sớm bắt kịp sự phát triển của thế giới. Tất cả các khâu có đạt đến sự chuyên nghiệp thì điện ảnh Việt mới đi lên và khẳng định được vị thế.
Lỗ hổng đào tạo
Theo PGS- TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: “Đội ngũ làm phim hiện nay ngày càng mỏng và thiếu đồng bộ. Nguồn nhân lực chất lượng cao cạn kiệt dần do không được tiếp tục đào tạo ở nước ngoài, còn đào tạo trong nước chưa đạt yêu cầu về số lượng, chất lượng”.
Đạo diễn Ngô Quang Hải cũng khẳng định, đào tạo phải là công việc được thực hiện đầu tiên: “Hiện việc giáo dục không đi kịp thị trường, không cập nhật được xu thế, thiếu và yếu, đặc biệt những khâu quan trọng như biên kịch”.
PGS-TS Vũ Ngọc Thanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, cho rằng hiện có 3 nguồn bổ sung lao động cho điện ảnh, đó là: Những người có năng khiếu điện ảnh, nghệ sĩ của các ngành nghệ thuật khác yêu thích điện ảnh, và “con nhà nòi” có năng khiếu, nối gót cha anh.
Ông cho biết, nếu nguồn thứ hai là thừa hưởng thì nguồn thứ nhất và thứ ba phải tìm kiếm để phát hiện, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và tạo môi trường hoạt động thuận lợi.
Các diễn viên trẻ trong phim Thiên thần hộ mệnh
Hiện nay, ngoài Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và TPHCM có gần 10 cơ sở chính quy đào tạo các chuyên ngành về điện ảnh, như: Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Văn Lang, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM…, còn có các lớp, chương trình đào tạo ngắn hạn của các cơ sở, tổ chức tư nhân.
Video đang HOT
Thực tế tại Việt Nam, theo các chuyên gia trong ngành, nhiều cơ sở đào tạo công lập còn không ít hạn chế, đó là: giáo trình chưa thay đổi, cập nhật; phương tiện, trang thiết bị thiếu nhiều; đầu vào không có nhiều sinh viên năng khiếu, tài năng; cơ hội việc làm khó khăn… Trong khi đó, với các cơ sở dân lập, ngoài hạn chế về nguồn tuyển thì có sự đầu tư chiều sâu về vật chất, trang thiết bị, chế độ ưu đãi hút giảng viên…
Từng theo học khóa đạo diễn tại Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, diễn viên Mai Thu Huyền chỉ ra hạn chế là chương trình đào tạo hiện phụ thuộc khá nhiều vào giảng viên. Do đó, việc học không theo trình tự, thậm chí các môn năm cuối được đẩy lên sớm.
Riêng về mảng đào tạo nước ngoài, theo Đề án 1437 năm 2016 về “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030″, đã có một số sinh viên ngành điện ảnh được cử đi học, nhưng số lượng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Cần sự chuyên nghiệp
Hiện nay, số đông nhân sự lĩnh vực điện ảnh được đào tạo theo kiểu truyền nghề. Kinh nghiệm thực tế giúp họ nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc và dần tích lũy theo thời gian. Bà Phan Cẩm Tú, đại diện Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA) tại Việt Nam, nêu dẫn chứng: Các chính sách ưu đãi hấp dẫn đã mang đến cơ hội tuyệt vời để người dân Thái Lan được đào tạo ngay trong quá trình làm việc với các dự án làm phim của các đoàn làm phim nước ngoài quay tại nước này. Theo bà, đây là cách đào tạo thực tiễn, hiệu quả nhất và muốn thành công nó phải xuất phát từ các chính sách ưu đãi làm phim đối với những đoàn phim nước ngoài.
Theo TS Vũ Ngọc Thanh, đào tạo nhân lực điện ảnh là đào tạo nghệ thuật đặc thù nên không thể theo hình thức đại trà, phổ cập, càng không thể theo phong trào. Việc đào tạo cần sự đồng bộ trên nhiều phương diện: Chính sách vĩ mô, hệ thống cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng khiếu, cơ hội việc làm, hội nhập quốc tế…
Bài học được TS Vũ Ngọc Thanh tâm đắc là thành công của điện ảnh Hàn Quốc khi kết hợp nguồn nhân lực được đào ở nước ngoài và trong nước. Học viện Điện ảnh Hàn Quốc chỉ đào tạo các khóa ngắn hạn từ 1-2 năm và sinh viên phải theo một chương trình rất căng thẳng.
Việc thi tuyển năng khiếu nghiêm ngặt, mỗi khóa học chỉ tuyển tối đa 30 sinh viên cho tất cả các chuyên ngành. Trong phương pháp đào tạo, sinh viên học thực hành là chính và do các giảng viên, chủ yếu là những nhà điện ảnh có thành tựu giảng dạy.
Cũng có ý kiến, như của TS Trần Luân Kim: “Trong nước, cần chú trọng hiệu quả đào tạo thông qua cải cách giáo dục chuyên ngành. Ngoài nước, cần mạnh dạn cung cấp nguồn kinh phí tương hợp, cử loạt sinh viên được tuyển chọn kỹ lưỡng đi du học ở các nước có nền điện ảnh phát triển”.
Đào tạo nhân lực điện ảnh cần đổi mới
Việc đào tạo nguồn nhân lực cho điện ảnh Việt cần có sự thay đổi, cập nhật và thực dụng hơn mới có thể giúp điện ảnh Việt phát triển bền vững, chuyên nghiệp
Nếu không đề cập những tác động chung từ đại dịch Covid-19, thị trường điện ảnh Việt vẫn được đánh giá đang phát triển mạnh, sôi động. Nhưng để hướng đến sự phát triển bền vững với nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng, điện ảnh Việt cần xây dựng nền móng vững chắc bằng sự đào tạo bài bản, thực dụng mà không phải trông chờ vào quá trình nghề dạy nghề như lâu nay.
Nhiều tồn tại bất cập
Hiện ngoài 2 cơ sở đại học thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, còn có nhiều cơ sở đại học và cao đẳng khác đào tạo một số chuyên ngành điện ảnh.
Nhiều mảng được đào tạo, từ khóa dài hạn đến cả những khóa ngắn hạn do phía các hãng sản xuất, sân khấu tư nhân mở lớp. Tuy nhiên, về mặt chất lượng, nhiều người trong giới nhận định đa số phải tái đào tạo bằng thực tiễn mới sử dụng được chứ không thể sử dụng ngay khi ra trường.
Nhà sản xuất kiêm đạo diễn Charlie Nguyễn tại hội thảo quốc tế chủ đề "Nền công nghiệp Điện ảnh Việt Nam - Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế" nhận định điện ảnh Việt đa phần tập hợp những người học từ công việc "nghề dạy nghề".
Việt Nam chưa có được những trường lớp thực dụng để đào tạo người làm nghề hiệu quả. "Muốn có sự phát triển bền vững cần một đội ngũ chuyên nghiệp đồng bộ ở tất cả các khâu đạo diễn, diễn viên, biên kịch, ánh sáng, âm thanh, hóa trang, phục trang... Chúng ta đang ở hiện trạng một số khâu tốt nhưng một số khâu lại không ổn, chưa có sự đồng bộ trong một đoàn phim" - đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ.
Đạo diễn Charlie Nguyễn trên trường quay phim "Chàng vợ của em". (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Tại hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện Luật Điện ảnh, góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), PGS-TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, nhấn mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao cạn kiệt dần do không được tiếp tục đào tạo ở nước ngoài, còn đào tạo trong nước thì chưa đạt yêu cầu về số lượng, chất lượng cũng như số lượng ngành nghề. Trong lúc đó, do khó khăn nghề nghiệp và đời sống, một số nghệ sĩ và chuyên viên đã rời bỏ ngành đi tìm công việc khác.
Còn PGS-TS Vũ Ngọc Thanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM, cho rằng cơ sở đào tạo có thương hiệu còn nhiều hạn chế như nhiều giáo trình chưa được thay đổi, cập nhật; phương tiện, trang thiết bị còn thiếu nhiều so với nhu cầu đào tạo công nghệ điện ảnh hiện đại; đầu vào không có nhiều sinh viên thật sự có năng khiếu, tài năng; đầu ra thì cơ hội việc làm của sinh viên còn khó khăn...
"Khi đi giảng dạy, tôi nhận thấy không có nhiều tài liệu cập nhật mới ở cả mảng điện ảnh lẫn sân khấu để truyền đạt cho sinh viên. Những quy định về bằng cấp, danh hiệu cũng trở thành rào cản để những nghệ sĩ giỏi nghề, có kinh nghiệm thực tế được mời truyền dạy cho sinh viên" - NSƯT Hạnh Thúy góp ý.
Gấp rút thực hiện chiến lược
Nhiều ý kiến cho rằng nên chăng điện ảnh Việt cũng học theo điện ảnh Hàn Quốc để xây dựng công nghiệp điện ảnh? Bởi sau chiến thắng tại Oscar 2020 của đạo diễn Bong Joon-ho với "Ký sinh trùng", điện ảnh Hàn Quốc mở ra chương mới với vị thế được khẳng định ở tầm quốc tế.
Điện ảnh Hàn Quốc từng bắt đầu bằng đào tạo nhân lực và các chính sách phát triển đồng bộ, một chiến lược do cả quốc gia cùng vận hành. Vì thế, sau thời gian phấn đấu, họ gặt "quả ngọt" từ châu Á đến châu Âu. Trong suốt quá trình phấn đấu, Hàn Quốc thực hiện hàng loạt chiến dịch chung tay phát triển dòng phim nội địa, bảo vệ giá trị văn hóa quốc gia, cải cách, giải phóng sức sáng tạo, thúc đẩy điện ảnh phát triển theo hướng công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế, mang về lợi nhuận cao.
Mỗi quốc gia ở một thời điểm có cách thức riêng trong tiến trình phát triển một lĩnh vực nào đó. Tuy nhiên, điện ảnh Việt trong tiến trình xây dựng công nghiệp hóa cần thiết nhất hiện vẫn là đào tạo nguồn nhân lực trước khi từng bước giải phóng các vướng mắc khác để đi xa hơn.
"Cần gấp rút có biện pháp cụ thể từ cơ quan chức năng, thực hiện chiến lược đào tạo ngắn hạn và dài hạn ở trong cũng như ngoài nước. Trong nước, cần chú trọng hiệu quả đào tạo thông qua cải cách giáo dục chuyên ngành. Ngoài nước, cần mạnh dạn cung cấp nguồn kinh phí tương hợp, cử sinh viên được tuyển chọn kỹ lưỡng đi du học ở các nước có nền điện ảnh phát triển" - PGS-TS Trần Luân Kim nhấn mạnh. Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, từng thông tin đã có đưa 20 sinh viên sang nước ngoài đào tạo các lĩnh vực nghệ thuật. Tuy nhiên, việc tuyển chọn sinh viên ngày càng khó khăn do họ không đồng ý đi nước ngoài học tập.
Trước thực tiễn này, việc nâng cao chất lượng đào tạo trong nước, đổi mới phương pháp giảng dạy, hiện đại hóa giáo trình, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phối hợp với các đơn vị nước ngoài, bổ sung thêm việc mời chuyên gia nước ngoài sang đào tạo được xem như những giải pháp hữu dụng đi bước đầu trong hành trình xây nền móng cho sự phát triển bền vững của điện ảnh ở tương lai gần.
PGS-TS Vũ Ngọc Thanh đưa ra các kiến nghị cần thực hiện "Chiến lược phát triển các trường tầm nhìn đến năm 2040", đầu tư kinh phí để 2 trường thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hoàn thiện đầy đủ việc biên soạn giáo trình của tất cả các môn học trong các chương trình đào tạo hiện nay; thu hút được nguồn cán bộ giỏi, xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn có tâm có tài; công tác đối ngoại và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học.
"Việc đầu tư toàn diện cho các cơ sở đào tạo công lập xứng tầm với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp, theo kịp với hội nhập quốc tế về đào tạo. Bên cạnh đó, đầu tư phương tiện, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đào tạo công nghệ điện ảnh hiện đại... là cần thiết không kém" - PGS-TS Vũ Ngọc Thanh nói.
Định hướng nghề nghiệp tại các nước phát triển: Con đường tương lai cho giới trẻ Tại các quốc gia phát triển, giáo dục nghề nghiệp được coi là định hướng chung giúp nâng cao năng suất lao động và khiến người học dễ dàng ổn định sau tốt nghiệp. Sinh viên Nhật Bản thường tìm việc làm trước khi tốt nghiệp một năm. Nhật Bản Một đặc điểm nổi bật của shushoku katsudo (hoạt động tìm việc làm)...