Nhận biết bệnh rối loạn Tic ở trẻ
Tic là rối loạn thường gặp, nhưng ít được quan tâm và biết đến. Khi trẻ có những biểu hiện của Rối loạn Tic, các cha mẹ khá lo lắng và không biết phải cho con đi khám ở đâu.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã trao đổi cùng bác sĩ Đỗ Văn Thắng, Trưởng Đơn nguyên Tâm bệnh – phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh Tic.
Bác sĩ Đỗ Văn Thắng.
- Bác sĩ cho biết, bệnh rối loạn Tic là gì, bệnh có nguy hiểm không?
Rối loạn Tic ( Tic Disoder) là những động tác không hữu ý, xảy ra nhanh, định hình, không nhịp điệu, hoặc sự phát âm xuất hiện đột ngột không có mục đích rõ ràng. Các biểu hiện Tic được cảm nhận như không thể cưỡng lại được, nhưng có thể dừng Tic lại hữu ý trong khoảng thời gian khác nhau.
Theo Bảng phân loại thống kê quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe có liên quan phiên bản lần thứ 10 (ICD-10) và Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, Phiên bản Thứ năm (DSM 5), rối loạn Tic được chia làm 3 thể chính:
* Tíc nhất thời: Có 1 hay nhiều Tic kéo dài trên 4 tuần nhưng không kéo dài trên 1 năm.
* Tic vận động hoặc âm thanh mãn tính: Có 1 hay nhiều Tic kéo dài trên 12 tháng, trong đó không có 3 tháng liên tục nào không bị Tic.
* Hội chứng Tourette: Có Tic vận động nhiều loại kết hợp với Tic âm thanh cùng tồn tại trong một khoảng thời gian. Hội chứng Tourette ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và sự chấp nhận của người khác đối với người mang nó.
Khi trẻ bị rối loạn Tic thường có một hoặc một số biểu hiện xuất hiện không chủ định, như: Nháy mắt, chun mũi, nhún vai, lắc đầu, giật cơ hàm, giật ở cổ, nhăn mặt, thường thở dài, ho, lẩm bẩm, các âm thanh khác như tặc lưỡi, hắng giọng, la hét, hỉ mũi, khịt mũi… Hoặc có hành động tự vỗ vào người, tự cắn, nhảy nhót, giậm chân, xoay tròn; nói các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh, nhại lại lời người khác…
Nháy mắt không chủ định là một trong những biểu hiện của bệnh Tic.
Video đang HOT
Các rối loạn Tic thường lành tính và ít ảnh hưởng. Một số Tic tần suất nhiều, hội chứng Tourette gây ảnh hưởng nhiều đến chức năng học tập, sự chấp nhận của người xung quanh. Rối loạn Tic thường gây căng thẳng cho cha mẹ khi con của họ có biểu hiện nhiều ở nhà, nó cũng gây những rối loạn tâm lý khác trên chính trẻ bị Tic.
- Nguyên nhân nào gây bệnh Tic ở trẻ, thưa bác sĩ?
Rối loạn Tic hiện được xếp trong nhóm các rối loạn phát triển thần kinh. Không có nguyên nhân chủ đích, mà ghi nhận có nhiều yếu tố tác động lên hệ thần kinh gây ra các biểu hiện Tic. Trong đó các yếu tố di truyền, sinh lý học thần kinh và các yếu tố thuận lợi của môi trường cộng gộp gây nên.
- Điều trị rối loạn Tic như thế nào thưa bác sĩ?
Bệnh viện Sản Nhi tỉnh đã triển khai điều trị bệnh Tic cho trẻ tại Đơn nguyên Tâm bệnh – phục hồi chức năng. Điều trị rối loạn Tic tùy thuộc vào mức độ, tần suất và sự ảnh hưởng của Tic đến khả năng học tập, chất lượng cuộc sống mà bác sĩ sẽ cân nhắc các liệu pháp điều trị khác nhau. Thông thường sẽ có 2 phương pháp chính đó là liệu pháp hóa dược (dùng thuốc) phối hợp với liệu pháp tâm lý.
Trẻ điều trị tại Đơn nguyên Tâm bệnh – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.
* Liệu pháp dùng thuốc: Áp dụng cho Tic mãn tính và hội chứng Tourette. Một vài loại thuốc có thể dùng là Haloperidol, Clonidin, Risperidone.
* Liệu pháp tâm lý: Áp dụng cho tất cả bệnh nhân. Sử dụng liệu pháp tâm lý mang lại kết quả tốt, đặc biệt với Tic nhất thời. Liệu pháp bao gồm: Lập bảng theo dõi Tic hàng ngày, gia đình tránh nhắc đến Tic, động viên và khen thưởng khi trẻ có những biểu hiện hành vi tốt.
* Bên cạnh đó dựa vào cơ sở phối hợp 2 quá trình: Bất động các vận động và vận động các bất động của nguyên tắc điều trị Tâm vận động. Từ đó đưa ra các bài tập cho trẻ thực hiện các bài tập trước gương, làm các động tác ở những phần cơ thể không bị Tic kết hợp với các bài tập giãn cơ.
Ngoài ra, điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn ngủ hợp lý, tránh stress, tạo không khí gia đình vui vẻ cũng góp phần giảm các biểu hiện của rối loạn.
- Xin cảm ơn bác sĩ!
Chậm phát triển vận động ở trẻ
Sự chậm phát triển vận động sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển các giai đoạn tiếp theo của trẻ, thậm chí ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng để ý đến điều này.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã trao đổi cùng bác sĩ Đỗ Văn Thắng, Trưởng Đơn nguyên tâm bệnh - phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản Nhi, để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chậm phát triển vận động ở trẻ.
Tập phục hồi chức năng cho trẻ chậm phát triển vận động tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh.
- Xin bác sĩ cho biết, trẻ chậm phát triển vận động có những biểu hiện gì?
Sự phát triển của trẻ bao gồm thể chất, trí tuệ, ngôn ngữ, tâm lý và vận động, nếu nhận thấy sự phát triển vận động của trẻ chậm hơn các bé cùng tuổi thì có thể trẻ đã bị chậm phát triển về vận động. Khi đó, trẻ cần được khám và tìm hiểu nguyên nhân sớm để có hướng khắc phục, giúp trẻ giảm thiểu nguy cơ chậm về sau.
Bởi vậy, cha mẹ nên quan tâm, theo dõi, đánh giá tình trạng sức khỏe của trẻ qua giám sát sự tăng trưởng về thể chất và phát triển về vận động xem trẻ có bị chậm phát triển vận động hay không. Nếu bé đạt được một tiến bộ và sau đó 1-2 tháng mà không có gì thay đổi, nên chú ý theo dõi và cho bé đi khám ở các cơ sở y tế.
Nếu nhận thấy các cơ bắp của con thiếu sức mạnh thì có thể nhờ các bác sĩ kiểm tra kỹ lưỡng cho bé. Đặc biệt, nếu việc chậm bò đi cùng với hàng loạt chậm trễ trong các kỹ năng khác, như: Thị giác, kỹ năng giao tiếp xã hội, khả năng vận động của đôi tay... thì đó là một tín hiệu báo động.
Trẻ sinh non có nguy cơ cao bị chậm phát triển vận động (Ảnh: Chăm sóc trẻ sinh non trong lồng ấp tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh).
Chậm phát triển vận động ở trẻ thường có những dấu hiệu theo các mốc tuổi sau:
* 2 tháng tuổi, trẻ không biết trao đổi ánh mắt với mẹ hoặc không biết cười.
* 3 tháng tuổi, trẻ không biết phát ra tiếng, không thể ngẩng đầu 45 độ; cha mẹ thay quần áo cho trẻ rất khó khăn, cảm thấy chân tay của trẻ rất nặng, khó di chuyển được tay chân của trẻ.
* 4 tháng tuổi, bàn tay của trẻ vẫn nắm chặt.
* 5 tháng tuổi, trẻ không biết lật, không thể cầm đồ vật đưa vào miệng.
* 8 tháng tuổi, trẻ không biết tự ngồi thẳng.
* 9 tháng tuổi, trẻ không biết bò.
* 15 tháng tuổi, trẻ chưa thể tự đi được.
- Nguyên nhân nào dẫn đến trẻ chậm phát triển hệ vận động, thưa bác sĩ?
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng chậm mốc phát triển vận động ở trẻ. Trước hết là các khiếm khuyết từ hệ thần kinh trung ương như teo não, bại não..., các bệnh lý về cơ, bệnh lý trật khớp háng bẩm sinh, các bệnh lý về nội tiết như suy giáp trạng bẩm sinh, thiếu hormon tăng trưởng GH, tiếp đến là các yếu tố dinh dưỡng, vi chất, cách nuôi dưỡng cũng gây nên chậm mốc phát triển ở trẻ.
Hướng dẫn trẻ vận động tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh.
Trường hợp nguy cơ cao chậm phát triển vận động thường rơi vào trẻ sinh non dưới 32 tuần; trẻ sinh nhẹ cân dưới 1.500 gram; trẻ có nhiễm trùng trong bụng mẹ như rubella bẩm sinh hoặc tật bẩm sinh của hệ thần kinh, đa dị tật. Trẻ có tình trạng bất thường về nhiễm sắc thể như hội chứng Down... Trẻ có vấn đề khác lúc sinh hoặc sau sinh như bệnh não thiếu oxi (sinh ngạt), viêm não, viêm màng não, xuất huyết não, vàng da nhân...
- Trẻ chậm phát triển vận động cần điều trị ra sao, thưa bác sĩ?
Khi có dấu hiệu về chậm mốc vận động, các bác sĩ chuyên ngành nhi, thần kinh nhi, hoặc phục hồi chức năng nhi sẽ thăm khám lâm sàng, đánh giá cơ lực, trương lực cơ, khảo sát hệ thần kinh trung ương bằng chụp MRI, CT, điện não đồ, làm các xét nghiệm nội tiết và vi chất giúp định hướng nguyên nhân, từ đó đưa ra các phương pháp điều trị đặc hiệu hoặc kết hợp tập luyện vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho trẻ.
Để cải thiện tình trạng chậm phát triển thể chất, vận động cho trẻ, với trẻ sơ sinh, cần thường xuyên tắm nắng cho trẻ từ 15-20 phút mỗi ngày vào 6-8 giờ sáng. Ánh nắng mặt trời sẽ giúp trẻ hấp thu vitamin D, làm hệ xương trẻ phát triển vững chắc, từ đó, trẻ biết lẫy, ngồi, bò dễ dàng. Ngoài ra, mẹ phải đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ, uống đủ sữa theo độ tuổi giúp trẻ cứng cáp.
Cần theo dõi thường xuyên sự phát triển chiều cao, cân nặng của bé theo biểu đồ chuẩn để sớm phát hiện tình trạng thừa cân hay suy dinh dưỡng ở trẻ.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, em bé cần được khám và đánh giá mức độ phát triển vào các mốc 3 tháng tuổi, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, 18 tháng và 24 tháng tuổi để sớm phát hiện những biểu hiện rối loạn và chậm phát triển của trẻ, từ đó có hướng can thiệp kịp thời cho bé.
- Xin cám ơn bác sĩ!
Cẩn trọng với tiền sản giật ở phụ nữ mang thai Phụ nữ mang thai luôn tiềm ẩn nguy cơ bị tiền sản giật, ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi và bản thân. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện cùng bác sĩ Hà Diễm Hằng, Trưởng Khoa Sản bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh này. Xin...