Nhà toán học Alan Turing được đặc xá
Ngày 24.12, nhà toán học người Anh Alan Turing được Nữ hoàng Elizabeth II đặc xá sau hơn 60 năm bị kết án vì đồng tính, theo AFP.
Ảnh minh họa
Từng được xem là ‘Einstein của toán học’, ông Turing bị kết tội “lăng nhục thuần phong mỹ tục” vào năm 1952 và bị hoạn bằng chất hóa học. Hai năm sau, ông qua đời khi mới 41 tuổi vì nhiễm chất độc cyanure. Nhiều giả thuyết cho rằng ông tự sát nhưng đến nay sự thật vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Trong cuộc đời ngắn ngủi, nhà toán học tài năng này đã đặt nền tảng cho tin học hiện đại và đưa ra những lý thuyết đầu tiên về trí thông minh nhân tạo. Ông Turing cũng chính là người “bẻ khóa” thành công mật mã Enigma trong các tàu ngầm của phát xít Đức ở Bắc Đại Tây Dương vào Thế chiến 2. Nhiều sử gia đánh giá đây là đòn chí tử góp phần khiến Hitler bại trận sớm. Năm 2012, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Turing, 11 nhà khoa học Anh đã cùng yêu cầu hủy bản án của ông. Trước đó, năm 2009, Thủ tướng Anh khi ấy là Gordon Brown cũng chính thức xin lỗi vì “cách hành xử khủng khiếp” đối với nhà toán học này.
Theo TNO
Lần đầu tiên ghép thành công tim nhân tạo
Các chuyên gia Pháp vừa thực hiện thành công ca ghép tim nhân tạo toàn diện đầu tiên trên thế giới tại Bệnh viện Georges-Pompidou (Paris), theo tờ Le Monde.
Giáo sư Carpentier và quả tim nhân tạo - Ảnh: Reuters
Ca phẫu thuật do Giáo sư Christian Latrémouille và Giáo sư Daniel Duveau mổ chính với sự cố vấn của chuyên gia đầu ngành về tim mạch trên thế giới Alain Carpentier. Bệnh nhân được phẫu thuật là một cụ ông 75 tuổi, bị suy tim giai đoạn cuối. Hiện quả tim nhân tạo giúp tuần hoàn máu ổn định, bệnh nhân đã hồi tỉnh và nói chuyện được với thân nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia sẽ phải theo dõi diễn tiến trong vài tháng mới có thể đưa ra đánh giá chi tiết.
Quả tim nhân tạo được sản xuất bởi hãng Carmat là thành quả nghiên cứu 25 năm qua của Giáo sư Carpentier. Đặc biệt, nhà khoa học này là người góp công rất lớn trong việc phát triển ngành phẫu thuật tim mạch tại Việt Nam. Ông là người đồng sáng lập Viện Tim TP.HCM và từ nhiều năm qua đã lập quỹ để hỗ trợ chi phí mổ tim cho nhiều bệnh nhân nghèo. Từ thập niên 1980, Giáo sư Carpentier đã lập dự án chế tạo thiết bị nhân tạo có nguồn gốc sinh học mô phỏng tim người. Sau đó, ông được sự hỗ trợ của hãng Matra (nay thuộc Tập đoàn hàng không và quốc phòng EADS) để dẫn đến sự ra đời của Công ty Carmat năm 2008.
Tim nhân tạo của Carmat là sản phẩm kết hợp giữa chuyên môn và kinh nghiệm của Giáo sư Carpentier với công nghệ và kỹ thuật của EADS nên có nhiều ưu điểm: sử dụng những thiết bị điện tử siêu hiện đại; được chế tạo từ "vật liệu sinh học" nên giảm thiểu nguy cơ bị cơ thể thải loại và các biến chứng... Thiết bị này dự kiến được bán với giá từ 140.000 - 180.000 euro. Hãng Carmat ước tính giá trị thị trường tim nhân tạo trên thế giới trong tương lai sẽ đạt 16 tỉ euro.
Theo TNO
Ông Khodorkovsky tuyên bố 'tránh xa chính trị' Ngày 22.12, người từng giàu nhất nước Nga Mikhail Khodorkovsky tổ chức họp báo tại thủ đô Berlin của Đức, 2 ngày sau khi được Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ ra lệnh phóng thích khỏi trại giam. Mikhail Khodorkovsky tại cuộc họp báo ở Berlin hôm qua - Ảnh: AFP Khodorkovsky được thả ngày 20.12 rồi lập tức sang Đức và...