Nhà giáo thời công nghệ – Kỳ 2 : Áp lực mạng xã hội
Một hành động thiếu kiểm soát, một sự lỡ lời hay một kiến thức chưa chuẩn… đều có thể lập tức bị học sinh – sinh viên đưa lên mạng khiến giáo viên cảm thấy áp lực.
Giáo viên có nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm áp lực khi dạy học trong điều kiện công nghệ phát triển – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đối diện với thách thức
Giáo viên (GV) Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Trường tiểu học Tân Túc, H.Bình Chánh, TP.HCM, cho biết: “Ở đời ai mà không có lúc sai lầm. GV cũng vậy, đâu phải kiến thức cổ – kim, lĩnh vực nào mình cũng biết. Cái đáng sợ nhất là những sai lầm đó lại bị đem ra mổ xẻ, ném đá trên mạng thì thật tội cho chúng tôi”.
Video đang HOT
Một GV Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, nêu ra thực trạng một bộ phận học sinh thấy GV nghiêm khắc, không vừa lòng là đưa lên Facebook bày tỏ thái độ một cách vô ý thức hoặc gắn cho GV những biệt danh của các nhân vật xấu xí trong truyện, trên phim. “Nói thật, chúng tôi sợ Facebook lắm. Nhiều khi gặp nhau trong giờ ra chơi cứ hỏi dồn nhau có thấy học sinh nói gì không?”.
“Tôi đã từng gặp những hoàn cảnh tương tự và thật sự áp lực lắm. Những GV lỡ lời nếu bị sinh viên đăng tải trên mạng thì chắc chắn trở thành tâm điểm chú ý của “ném đá”, “dìm hàng” chỉ trích thậm tệ”, ông Hoàng H., giảng viên một trường ĐH tại Q.7, TP.HCM, kể.
Không có quy định cấm học sinh, sinh viên quay phim, ghi âm trong lớp học nên người học có thể thoải mái sử dụng. Điều này đã khiến GV gặp áp lực, lo sợ thật sự, thậm chí coi đó là “mối nguy hiểm gây tổn hại cho sự nghiệp nhà giáo” như lời của một giảng viên trẻ Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Giảng viên này cho rằng không phải ai cũng hoàn hảo. Đôi khi trong tiết dạy sẽ có những câu nói nhạy cảm, mang tính chất bông đùa, nhằm giúp sinh viên thoải mái, giảm căng thẳng, thích hợp trong phạm vi lớp học chứ không phải trong phạm vi cộng đồng cả ngàn người. “Thế nhưng nếu bị học trò đăng tải trên mạng, nghĩa là ngữ cảnh, hoàn cảnh nói đã bị thay đổi không phù hợp thì sẽ trở thành mục tiêu công kích của dư luận”, giảng viên này lo ngại.
Có dịp nhìn lại và điều chỉnh
Mặt trái của tiện ích Thừa nhận công nghệ mang lại nhiều tiện ích cho GV, ông Huỳnh Quốc Phong, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết: “Ngày nay giảng viên có thể gửi bài giảng trước cho sinh viên nghiên cứu, sau đó lên lớp thảo luận về một vấn đề trong đó”. Cách học này thường sinh động hơn. Ông Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (H.Củ Chi, TP.HCM), cho rằng ứng dụng công nghệ, bài giảng của GV sẽ tạo hứng thú, say mê cho học trò hơn. Tuy nhiên, công nghệ cũng có mặt trái của nó. Theo các GV, công nghệ đôi khi khiến sinh viên lười hơn. Những sinh viên này đã đọc qua bài giảng nên ít chịu lên lớp học. Chưa kể với mạng không dây đang phủ sóng khắp các trường ĐH, “vào giờ học, nhiều em không chú ý nghe giảng mà lại chăm chăm lên mạng, tán gẫu…”, một giảng viên ĐH nói. Đăng Nguyên
Tuy vậy, mạng xã hội nói riêng, công nghệ nói chung không phải lúc nào cũng khiến GV lo ngại.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, GV Trường THPT Vạn Tường (Bình Sơn, Quảng Ngãi), khẳng định: “Công nghệ tiên tiến thì cần phải phát huy và xem đó làm hãnh diện. Một nhà giáo có trách nhiệm, có năng lực thật sự đừng nên sợ học sinh chỉ trích, bêu riếu. Nếu một bài giảng tốt, một câu chuyện có ý nghĩa được học sinh đăng lên mạng giới thiệu cho người xem cả nước thì đó là niềm vui”.
Cùng quan điểm, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết những tiết dạy do mình đứng lớp luôn có hàng chục sinh viên ghi âm. “Nhưng tôi nghĩ đến chiều hướng tích cực, tôi cho đó là chức năng giám sát của người học. Đồng thời có tác dụng tốt bởi nếu sinh viên ghi âm thay vì ghi chép để về nhà nghe lại thì tiết kiệm được sự chú ý, tập trung tất cả vào bài học”, ông Hiếu nói.
Nhiều GV cũng cho rằng nếu biết tận dụng, mạng xã hội cũng có nhiều mặt tích cực. Ông Lê Minh Tân, GV Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, ví dụ: “Chỉ cần vài dòng ghi trên phần trạng thái với nội dung: “ Sao 2 tiết chiều nay mình cảm thấy không hứng thú…” là tôi phải suy nghĩ đến bài giảng của mình hôm nay khô khan, chú ý điều chỉnh cho lần giảng sau”. Đồng tình, hiệu phó một trường THPT tại Q.3, TP.HCM thừa nhận: “Mạng xã hội cũng là một kênh tiếp nhận thông tin để GV nhìn lại mình bởi không phải lúc nào thầy cô cũng đúng hết”.
Ứng xử thế nào trước “bão mạng” ?
Dù muốn hay không, GV ngày nay không thể tách rời khỏi công nghệ hay mạng xã hội. Vì thế họ vẫn phải sẵn sàng đối diện với những “sự cố”. Khá nhiều GV băn khoăn lỡ bị chỉ trích trên mạng thì phải làm sao?
Ông Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ: “Nếu bị chỉ trích vì đoạn phát ngôn nào đó mà đoạn này đã bị chỉnh sửa thì hãy đính chính cho dư luận hiểu. Còn trong trường hợp GV sai, không thể đính chính được thì nên rút kinh nghiệm”. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, điều quan trọng là “nhà giáo nên uốn lưỡi 7 lần khi nói chuyện thông thường, còn trong lớp học phải uốn lưỡi gấp đôi, để qua đó không phát ngôn điều gì quá đáng mà chừng mực và kiềm chế”.
Với học trò, ông Hiếu khuyên đừng chỉ trích thầy cô giáo chỉ vì thù ghét bởi đó không phải là cách xử sự của người trưởng thành. Quan trọng hơn, người học luôn nhớ rằng có thể chỉ với một đoạn phim, một đoạn ghi âm thôi cũng sẽ làm mất sự nghiệp của GV, đẩy họ vào hố sâu của tuyệt vọng.
Ý kiến Kênh giám sát giáo viên Theo tôi, mạng xã hội hiện nay giám sát tốt hơn về hành vi, thái độ và chuyên môn của GV. Điều đó đòi hỏi GV phải càng hoàn thiện mình hơn. NGUYỄN THỊ THU HIỀN
(GV Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM) Sẽ rất mệt mỏi Tôi lại không tham gia vào mạng xã hội với nhiều lý do. “Chín người thì mười ý”, một GV dạy khoảng 6 lớp (với 300 học sinh) thì chắc chắn có em thích, em thương và em không hài lòng. Mà nếu các em thể hiện sự không hài lòng đó trên mạng xã hội thì GV đọc được sẽ rất mệt mỏi. (GV môn sinh ở một trường THPT tại TP.HCM) Tự bảo vệ bằng cách hạn chế cảm xúc ! Hiện nay, rất nhiều GV sợ có những phát ngôn không hay, những lúc lỡ lời… sẽ bị học sinh ghi hình, ghi âm hoặc diễn đạt lại bằng cách nghĩ riêng lên mạng xã hội. Do vậy, có GV tự bảo vệ bằng cách không phẫn nộ với cái sai, không cảm thấy vui sướng, hạnh phúc trước cái tốt của học sinh. Nhưng thầy cô thấy cái sai, cái tốt mà không thể hiện được cảm xúc thì đó là một điều đáng buồn. NGUYỄN THỊ MỸ LIÊN (Tổ trưởng bộ môn văn, Trường THPT tư thục Hồng Đức, Q.Tân Phú, TP.HCM)
Theo TNO