Nguy cơ mất sạch tiền khi ‘coin xổ số’ biến mất
Yun Hae-ri, nhà đầu tư tiền số 26 tuổi, mua đồng tiền có tên Metadium vào tháng 4. Đến nay, giá trị đồng tiền này đang dần về không.
Giống nhiều nhà đầu tư trẻ tuổi và nhỏ lẻ tại Hàn Quốc, Hae-ri chọn các đồng tiền có giá trị nhỏ hơn Bitcoin, gọi là “ altcoin”. Cô chấp nhận bỏ hàng nghìn won vào các đồng coin vô danh với kỳ vọng tài khoản của mình sẽ nhân 10, 100 hay thậm chí là 1.000 lần, thay vì các đồng tiền số khác vốn có mức tăng giá ít hơn. Trong giới tiền điện tử, chúng được gọi là “coin xổ số”.
Nhiều nhà đầu tư trẻ Hàn Quốc chọn không bỏ tiền cho các đồng coin phổ biến vì khả năng sinh lời thấp.
Thế nhưng, việc các cơ quan quản lý trên toàn cầu mạnh tay với tiền số khiến chúng không còn giữ được đà tăng sau khi đạt đỉnh vào tháng 5. Tại Hàn Quốc, chính quyền nước này quy định trước 24/9, tất cả sàn giao dịch tiền số tại nước này cần tiết lộ chi tiết việc quản lý rủi ro, cũng như phải hợp tác với ngân hàng để đảm bảo các tài khoản giao dịch được nắm giữ bởi người thật.
Giới phân tích đánh giá, bước đi của chính quyền Hàn Quốc đang buộc nhiều sàn giao dịch tiền số tại đây phải hủy bỏ hàng trăm “altcoin” để tránh các nguy cơ pháp lý. Thế nhưng, nó cũng khiến những nhà đầu tư như Hae-ri đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền đã đầu tư chỉ sau một đêm.
Giá của Metadium, đồng tiền mà Hae-ri đầu tư, đã giảm mạnh hàng trăm phần trăm giá trị trong giai đoạn tháng 4 – tháng 6, hiện chỉ còn 32,1 won (0,0281 USD) và đang tiếp tục giảm. “Tôi phải thừa nhận rằng bản thân đã không xem xét những báo cáo tài chính từ nhà điều hành Metadium, thay vào đó chỉ chạy theo sức hút của nó thông qua các phương tiện truyền thông và bạn bè”, Hae-ri ngậm ngùi thừa nhận. “Tôi đang lo Metadium sẽ bị hủy niêm yết trên sàn trước tháng 9″.
Hae-ri hiện giao dịch Metadium trên sàn Upbit – một trong những sàn tiền số lớn tại Hàn Quốc. Hàn Quốc hiện có hơn 60 sàn giao dịch tiền số đang hoạt động. Tuy nhiên, dựa trên luật mới, chỉ có bốn sàn giao dịch là Upbit, Bithumb, Coinone và Korbit được đảm bảo quan hệ đối tác với các ngân hàng, nhưng cần đăng ký là nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo.
Cũng theo luật pháp Hàn Quốc, các sàn giao dịch tiền số cần phải có chứng chỉ bảo mật từ cơ quan an ninh mạng nước này. Tính đến tháng 5/2021, chỉ có 20 sàn giao dịch nhận được chứng chỉ.
Video đang HOT
Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc mới đây đã liên hệ với nhiều sàn giao dịch, yêu cầu họ cung cấp các thông tin chi tiết về những tài sản bị hủy niêm yết hoặc bị tạm ngừng giao dịch. Đơn vị Tình báo Tài chính (FIU) của Hàn Quốc cũng đã gửi thông báo với 33 nền tảng giao dịch tiền số để cảnh báo rằng họ sẽ tiến hành tham vấn trước ngày 24/9.
Một số sàn giao dịch đã bắt đầu có động thái tuân thủ quy tắc của chính phủ Hàn Quốc. Vào cuối tháng 6, Upbit đã tạm dừng giao dịch 24 altcoin, chẳng hạn Komodo, AdEx, Lbry Credits, Ignis, Pica và Lambda. Trong khi đó, Bithumb cũng ngừng giao dịch 4 đồng, còn Probit đã loại bỏ 145 đồng tiền số cùng lúc chỉ trong tháng 6.
Theo một quan chức tại Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc, các sàn giao dịch không đáp ứng các quy định mới sẽ không nhất thiết phải đóng cửa, nhưng họ sẽ không thể giao dịch bằng đồng won. “Luật mới được sinh ra nhằm ngăn chặn các hoạt động rửa tiền bất hợp pháp. Luật cũng bảo vệ nhà đầu tư và ổn định thị trường trao đổi tiền điện tử”, người này cho biết.
Trong một báo cáo hồi tháng 5 của BofA Securities, khối lượng giao dịch tiền điện tử hàng ngày của Hàn Quốc đạt 1.480 nghìn tỷ won trong quý đầu tiên. Con số này vượt quá tổng khối lượng giao dịch trên hai sàn chứng khoán hàng đầu Hàn Quốc là KOSPI và KOSDAQ.
Trước biến động giá của thị trường, những người như Hae-ri quyết tâm giữ lại đồng Metadium và đợi tăng giá – hành động mà cộng đồng tiền điện tử gọi là “HODL”. Lee Jai-kyung, 27 tuổi, người đã đầu tư 40 triệu won (35.156 USD) vào tiền điện tử, cho biết anh đã mất 56% số tiền đã bỏ ra, nhưng không có kế hoạch cắt lỗ.
“Tôi sẽ để nguyên khoản đầu tư của mình bởi vì tôi đã mất quá nhiều và giờ không còn lý do gì để rút tiền ra nữa”, Jai-kyung nói. “Hơn thế, tôi sẽ giữ nó vì tôi tin rằng sẽ có một đợt tăng giá nữa vào cuối năm nay”.
Giới trẻ Hàn Quốc 'vỡ mộng' tiền số
Nhiều thanh niên Hàn Quốc đầu tư toàn bộ tiền tiết kiệm vào tiền số mong giàu lên nhanh chóng, nhưng vỡ mộng.
Một cô gái trẻ (giấu tên) tại một đại học lớn ở Seoul kể rằng tuần qua thực sự là địa ngục với cô. Cô đã dành hết mọi khoản tiền mình có để đầu tư vào tiền số, nhưng giá trị của chúng giảm liên tục. Cô rơi vào trạng thái hoảng loạn.
"Tôi không thể nghĩ được bất kỳ điều gì khác. Tiền số cứ nhảy nhót trong đầu. Tôi không thể chịu đựng hơn được", cô nói.
Một nhà đầu tư kiểm tra giá tiền điện tử tại một sàn giao dịch ở Seoul.
Giống nhiều người trẻ ở Hàn Quốc, cô gái này đã bỏ hơn 1 triệu won (900 USD) vào mảng đầu tư này với mong muốn có một khoản tiết kiệm lớn trong tương lai. Hồi tháng 4, khi giá tiền điện tử tăng mạnh, cô đã kiếm được 5 triệu won (4.500 USD). Tuy nhiên, đà suy giảm của Bitcoin sau đó khiến tổng tài khoản của cô mất 40% và đang tiếp tục giảm. Tuy nhiên, may mắn là khoản đầu tư ban đầu của cô vẫn còn. Những người bạn khác của cô không may mắn được như vậy. Họ đang "xa bờ" - thuật ngữ ám chỉ việc bị thua lỗ nặng.
Tuy nhiên, họ đều có tâm lý "giữ đến chết" số tiền đã bỏ vào, bất kể giá tiền số đi xuống. "Tôi sẽ giữ cho đến khi giá của chúng tăng trở lại", cô cho biết. "Tôi không chắc sẽ mất bao nhiêu năm".
Hàn Quốc hiện trở thành điểm nóng về đầu tư tiền số, chiếm khoảng 10% khối lượng giao dịch trên toàn cầu. Người trẻ ở đây có thuật ngữ "kimchi premium" - chỉ sự khác biệt về giá tiền điện tử với các giao dịch ở Hàn Quốc so với giao dịch nước ngoài. Có thời điểm, lượng giao dịch tiền số ở Hàn Quốc cao hơn 20 đến 30% so với các khu vực khác.
Giới trẻ Hàn Quốc không ưu tiên giao dịch Bitcoin, dù đây là tiền số phổ biến nhất thế giới. Họ "chơi" các loại khác, gọi chung là Altcoin. Bitcoin hiện chiếm chưa tới 10% khối lượng giao dịch tại Hàn Quốc, trong khi hơn 90% còn lại là Altcoin.
Ông Kwon Eun-hee, đại diện Đảng Quyền lực của Nhân dân, cho biết, độ tuổi giao dịch tiền số nhiều nhất tại Hàn Quốc là 20 (33%) và 30 tuổi (31%). Riêng quý đầu tiên của năm 2021, 2,5 triệu tài khoản mới đã được mở trên bốn nền tảng tiền điện tử lớn nhất nước này.
Theo một cuộc khảo sát với 1.750 sinh viên đại học của cổng thông tin tìm kiếm việc làm Alba Heaven, 53% số đó bày tỏ quan điểm tích cực về việc đầu tư vào tiền điện tử. 24% thừa nhận đã đổ tiền vào hình thức đầu tư này. Trong số những người ủng hộ, 33% cho biết tỷ lệ lợi nhuận cao là lý do họ quan tâm. Thậm chí, có 15% cho rằng tiền điện tử là "cơ hội cuối cùng để thoát khỏi tình trạng xã hội hiện tại".
Tuy nhiên, các nhà đầu tư lâu năm cho rằng thanh niên Hàn Quốc hiện nay thiếu kiên nhẫn hơn so với thế hệ đi trước. Họ cũng thiếu cơ hội kiếm tiền. Ngay cả những người làm việc trong các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc cũng khó có thể tự mua cho mình một căn nhà hoặc căn hộ ,do giá nhà đất tăng cao. Điều này khiến họ phải tìm tới những "cơ hội đổi đời" nhanh hơn.
"Cuộc khủng hoảng diễn ra khiến người trẻ tin rằng con đường hạnh phúc - kết hôn - mua nhà - sinh con - ngày càng khó đạt được. Tiền điện tử là lựa chọn để họ kiếm vận may", một chuyên gia nhận xét.
Eun Sung-soo, Chủ tịch ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc, gần đây vấp phải sự phản đối của những người ủng hộ tiền điện tử trẻ tuổi. Tháng trước, ông đã bác bỏ sự hợp pháp của tiền điện tử cũng như những giao dịch về loại tiền này. Ý kiến được ông đưa ra sau khi một nhà lập pháp bày tỏ lo ngại về cách thức giao dịch tiền điện tử đang không được pháp luật bảo vệ, dù khối lượng giao dịch hàng ngày cao gấp đôi so với chỉ số giá chứng khoán tổng hợp của Hàn Quốc.
"Tiền điện tử không phải như chứng khoán - vốn bị ràng buộc bởi Đạo luật thị trường vốn. Thay vào đó, nó là tài sản ảo có tính chất không xác định", Sung-soo nêu quan điểm. Ông cũng kiên quyết phản đối việc gọi những người mua tiền số là "nhà đầu tư".
"Chính phủ không có nhiệm vụ bảo vệ họ. Nếu họ đi sai đường, những người có kinh nghiệm phải cảnh báo rằng họ đang phạm sai lầm", ông Sung-soo nhấn mạnh.
Ý kiến của Sung-soo lập tức vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội. Một số người đã gửi thông điệp lên website của Nhà Xanh (nơi ở và làm việc chính thức của các đời Tổng thống Hàn Quốc), kêu gọi Sung-soo từ chức. Một bài đăng có tính châm biếm ý kiến của Sung-soo đã nhận hơn 200.000 lượt thích - con số vượt ngưỡng và buộc Nhà Xanh phải phản hồi.
Các nhà chức trách Hàn Quốc cho biết hiện nước này đang bắt đầu kiểm soát các loại tiền số. Luật sửa đổi được đề xuất tháng 3 sẽ yêu cầu các nền tảng giao dịch tiền điện tử phải hợp tác với các ngân hàng để đảm bảo chúng được giao dịch dưới tên thật. Luật mới sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 9. Các nền tảng không tuân thủ sẽ buộc phải ngừng giao dịch.
Hiện tại, chỉ có bốn sàn giao dịch tiền số tại Hàn Quốc (Bithumb, Upbit, Coinone và Korbit) liên kết với các ngân hàng, gồm Shinhan Bank, Nonghyup Bank và K Bank. Trong khi đó, hầu hết ngân hàng tên tuổi ở đây đều do dự trong việc hợp tác với các sàn giao dịch tiền số do lo ngại loại tiền này liên quan đến hoạt động tội phạm, rửa tiền.
Thị trường Hàn Quốc hiện có hơn 200 nền tảng tiền điện tử. Dù một số ngân hàng nhỏ đến trung bình sẵn sàng tham gia quan hệ đối tác, hầu hết đều không muốn ràng buộc. Theo giới phân tích, khả năng cao các nền tảng giao dịch lớn sẽ đóng cửa vào tháng 9. Giới tài chính cũng thừa nhận khả năng đóng cửa bằng cách cảnh báo người đầu tư "hãy kiểm tra và tự chịu rủi ro".
Một thống kê cho thấy, không ít người trẻ chấp nhận vay vốn để đầu tư vào tiền số. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết, tính đến cuối năm 2020, khoản nợ của hộ gia đình đã tăng 8% so với cùng kỳ 2019, nhưng nợ của những người trong độ tuổi 20 - 39 đã tăng 17%.
"Mức độ vay của những người trẻ không quá lớn, do đó, nếu họ phá sản, hệ thống tài chính quốc gia chỉ bị tác động nhỏ", Kim So-young, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul, nhận xét. "Tuy nhiên, những người mắc nợ từ khi còn quá trẻ sẽ không thể lập kế hoạch cho tương lai. Điều này sẽ dẫn đến tổn thất cho nền kinh tế".
Kim Kab-lae, chuyên gia của Viện Thị trường Vốn Hàn Quốc cho rằng đầu tư hay không là quyền của mỗi người. "Nhưng từ quan điểm an ninh của nhà đầu tư, các nhà chức trách nên cải thiện tính minh bạch của thị trường, thông qua các quy tắc cấm các giao dịch mờ ám và thao túng thị trường, cũng như hạn chế giao dịch đối với các Altcoin có tính đầu cơ cao", Kab-lae nêu quan điểm.
Loại coin vô danh tăng giá hơn 1.640 lần trong 3 giờ Khoảng 7,65 tỷ USD vốn hóa được thêm vào thị trường trong vài tiếng thông qua loại tiền số vô danh. Ngay sau đó, giá trị của loại coin này mất 99%. Ngày 14/6, giá trị tiền mã hóa WebDollar (WEBD) tăng từ 0,0003711 USD lên 0,6121 USD trong khoảng 3 tiếng (16-19h theo giờ Việt Nam), tương đương hơn 164.842%. Tuy nhiên,...