Người Việt trẻ hướng về nguồn cội
Sinh năm 1983, cầm tinh năm Hợi nhưng Nguyễn Việt Anh đã có 17 năm sinh sống, làm việc và thành danh tại Đức. Anh là một trong số 100 nhà khoa học Việt trên toàn thế giới về Việt Nam “hiến kế” cho Chính phủ trong năm 2018.
Thành danh ở Đức
Tôi gặp Việt Anh cuối tháng 8/2018 nhân dịp anh về nước tham dự chương trình gặp mặt 100 người Việt làm khoa học trên toàn thế giới do Chính phủ Việt Nam tổ chức.
Việt Anh kể: Nước Đức đã vô tình đi vào trái tim tôi từ khi còn rất nhỏ dù lúc đó tôi không thể mường tượng ra viễn cảnh đất nước con người ở đây ra sao. Ông nội tôi từng là một cán bộ ngoại giao cao cấp nên đi thăm và công tác rất nhiều nước châu Á, Âu và Phi. Tuy nhiên, Đức là một trong những quốc gia mà nội tôi có nhiều ấn tượng nhất. Qua những câu chuyện giữa hai ông cháu, những hình ảnh và tình cảm đẹp về nước Đức đã dần hình thành trong tôi. Tôi vẫn nhớ như in lời ông nội khuyên: “Nếu con muốn làm ra máy bay, ôtô và xe tăng thì con sang bên Đức học con nhé!”. Ngoài ra, bố tôi cũng đã học tập và nghiên cứu tại Đức, các chú tôi cũng sang đây để công tác và làm việc nơi này. Đây là những động lực thôi thúc tôi đến đất nước này. Việt Anh đã chia sẻ với tôi về nước Đức như vậy!
Nguyễn Việt Anh trong đợt về Việt Nam dự chương trình gặp mặt 100 người Việt làm khoa học trên toàn thế giới vào tháng 8/2018
Không giống với nhiều bạn sinh viên du học khác, Việt Anh đi du học theo diện tự túc. Do chưa học hết đại học ở Việt Nam, anh bắt buộc phải tham gia một khóa học dự bị đại học sau đó mới đủ điều kiện học tại Trường Đại học Kỹ thuật Berlin (TU Berlin). Ngay từ năm nhất đại học, Việt Anh đã bắt đầu xin việc, đến năm thứ hai, anh đã làm hướng dẫn và chữa bài tập cho các sinh viên khóa dưới. Năm cuối, anh nhận lời đề nghị làm trợ giảng cho các giáo sư trưởng khoa; nghiên cứu và làm luận văn tiến sĩ tại các viện của họ.
Kết quả học tập xuất sắc, lại có kiến thức kỹ năng mềm tốt đã giúp Việt Anh được làm việc trong những tập đoàn lớn như Volkwagen, Rolls-Royce. Anh cũng may mắn được tham gia vào một số dự án đánh giá an toàn cơ học và vật liệu của bình phản ứng hạt nhân, do chính phủ Đức, Áo đề ra.
Sau khi hoàn thành luận văn tiến sĩ, Việt Anh chọn Tập đoàn Siemens là bến đỗ tiếp theo. Hiện, Việt Anh đã có 4 năm làm việc cho Tập đoàn Siemens, trong đó 2 năm đầu anh là kỹ sư trực tiếp nghiên cứu và phát triển một dòng Tuabin-Khí mới; 2 năm trở lại đây là Trưởng dự án về thử nghiệm và vận hành, đồng thời chịu trách nhiệm cho các hệ thống tại đây.
“Đối với tôi, học đại học ở Đức là khoảng thời gian vô cùng khó khăn, nhưng nó cũng đem lại cho tôi vô số trải nghiệm quý báu. Đó là kiến thức, kinh nghiệm sống và đặc biệt sự bền bỉ và tính quyết tâm” – Việt Anh tâm sự.
Khao khát đóng góp cho quê hương
Trong lần về Việt Nam hồi tháng 8/2018, được tiếp xúc với lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, các doanh nghiệp, Việt Anh nhận thấy, tuy không thể so bì về điều kiện và trình độ kỹ thuật như các cường quốc công nghiệp, nhưng xu thế “số hóa” đang mang đến cơ hội lớn để Việt Nam phát triển. Ngoài ra, ở các tập đoàn lớn, tuy có nhiều vốn đầu tư nhưng việc thay đổi cấu trúc doanh nghiệp cũng như áp dụng các sản phẩm trí tuệ sáng tạo là rất khó và hạn chế. Đây lại là một lợi thế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. “Nếu nhìn nhận đúng thực lực, đánh giá đúng tiềm năng trong việc áp dụng các sản phẩm số hóa, tích cực hợp tác với các Startups trẻ và tìm được nguồn đầu tư hợp lý thì cơ hội thành công với các doanh nghiệp này sẽ cao” – Việt Anh bộc bạch.
Theo Việt Anh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như dây chuyền, máy móc và cơ sở hạ tầng lạc hậu, nhân công còn thiếu kiến thức về số hóa, các nhà quản lý dường như nhận thức chưa đúng, chưa sẵn sàng mạo hiểm để tận dụng xu thế số hóa… Để khắc phục dần, họ phải tự tìm ra được mô hình kinh doanh phù hợp, như vậy có thể áp dụng số hóa của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đặc biệt là cần đầu tư, hợp tác với các Startups – những người có nhiều ý tưởng mô hình đổi mới sáng tạo.
“Các thế hệ sinh viên, tri thức và cộng đồng người Việt trên toàn thế giới, dù ở đâu vẫn luôn hướng về Tổ quốc với khát vọng đóng góp trí tuệ của mình cho đất nước. Với tôi, mỗi người Việt đang học tập, làm việc và sinh sống ở nước ngoài chính là một nhà ngoại giao thực thụ và đóng vai trò làm cầu nối để giao thương kinh tế lẫn văn hóa. Hiện là Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Đức, tôi muốn truyền đến các thế hệ sinh viên Việt và gốc Việt tại Đức những ngọn lửa quyết tâm nhất. Quyết tâm học tập, rèn luyện trí lực để thành đạt, hội nhập thật tốt và luôn hướng về quê hương Việt Nam” – Việt Anh tâm sự.
Kinh nghiệm 17 năm sống tại Đức giúp Nguyễn Việt Anh nghiệm ra điểm nổi bật trong các tập đoàn công nghệ nước này: Làm việc với tinh thần kỷ luật cao cùng trình tự làm việc khoa học hợp lý; đề cao tính hài hòa và làm việc theo nhóm; hoàn thành công việc và dự án đúng tiến độ, đặc biệt là phải có kết quả cụ thể…
Thùy Dương
Video đang HOT
Theo congthuong.vn
Từ bài phát biểu xót xa của thực tập sinh Nhật, nhìn lại cuộc sống một bộ phận du học sinh Việt: Đêm cặm cụi kiếm tiền, ngày lên lớp ngủ!
Đánh đổi cả thanh xuân, tuổi trẻ để miệt mài kiếm tiền, bỏ bê việc học, lo chắt góp từng đồng gửi về cho gia đình trả nợ liệu có đáng hay không?
"Tôi buộc phải làm việc với mức lương thấp, trái với pháp luật, khoảng 300 yên/giờ (hơn 60 ngàn đồng). Ngoài ra tôi thường xuyên phải làm ngoài giờ. Khi ngón tay của tôi bị thương, công ty nói rằng tôi đã bị sa thải, phải trở về nước mà không có bất kì chính sách hỗ trợ nào!".Mình đang là du học sinh tại Hàn quốc, hôm nọ đọc 1 bài du học thấy các thánh comment điên đảo lắm, đa số nói đi du học là trải nghiệm tuổi thanh xuân, nhưng thanh xuân của mình trên đất Hàn thực sự không yên bình lắm."
Đây là những dòng phát biểu đầy chua xót của một nam thanh niên tại phiên họp Quốc hội Nhật Bản ngày 8/11.
Và thực tế, quá dễ dàng để nhận ra một điều, hình thức lao động núp bóng du học đang xảy ra rất phổ biến, nhiều gia đình bất chấp vay mượn, nghe theo lời của các trung tâm để cho con em mình sang các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản làm việc.
Du học là chuỗi ngày: Đêm thức trắng đi làm thêm, ngày lên lớp ngủ gục
Sau đoạn phát biểu gây sốt ấy, nhiều du học sinh ở các nước cũng bắt đầu lên tiếng về thực trạng này. Dưới đây là chia sẻ của một bạn đang học tập và sinh sống ở Hàn Quốc theo hình thức thực tập sinh, du học Tiếng Hàn.
"Khi bắt đầu bước sang đất Hàn, điều đầu tiên mình được trải nghiệm là mình vừa đặt chân lên đất nước với nhiệt độ mùa đông âm vài độ, biết được tuyết là cái gì, rét cắt da cắt thịt là như thế nào.
Tuy đi du học nhưng sang đây ở đâu cũng gặp người Việt Nam. Sau mấy tháng đầu ăn chơi thả phanh thì bắt đầu công cuộc tìm kiếm việc làm, đối với mình đây là giai đoạn được trải nghiệm nhiều nhất, có lẽ là giai đoạn thanh xuân dữ dội nhất.
Cuộc sống du học chẳng hề màu hồng như những gì người ta vẽ ra
Không quen biết, tiếng Hàn kém, công việc đầu tiên của mình là đi làm nông. Ai chưa được biết cảm giác ăn cơm ở đồng là như thế nào thì hãy thử nhé, ngồi ngay tại ruộng, chân tay toàn bụi bẩn, cầm bát cơm ăn đôi khi ăn cả bụi.
Mình được thử làm tất cả các công việc: làm hành, làm tỏi, hái đào hái táo, làm dâu... Mai sau về lấy vợ nhà làm ruộng không phải lo không biết làm nữa vì đã có kinh nghiệm rồi. Ở nhà có mẹ, có chị, có em ăn xong rửa bát cho, hiếm lắm mới phải xắn tay làm nhưng sang đây mình được đào tạo thành những chuyên gia rửa bát với tốc độ thần thánh. Nhiều khi nghĩ lại thấy khâm phục bản thân vì có thể rửa mấy chục mâm bát trong 15 phút.
Khi Tiếng Hàn tốt hơn thì bạn sẽ được làm những công việc cao cấp hơn như chạy bàn, quản lí cửa hàng, làm đầu bếp chính, làm tại cửa hàng tiện lợi. Đi du học là lúc bạn nhận ra khả năng chịu đựng của mình thật trâu bò, có thể cả ngày bị chủ chửi bới nhưng vẫn có thể nhẫn nhịn, nhắm mắt làm ngơ. Nhiều ngày ngủ có vài tiếng nhưng hôm sau vẫn có thể lết xác đến lớp và đi làm.
Có những ngày lạnh cắt da cắt thịt vẫn phải dậy sớm đi làm
Du học là những khi trời rét âm mười mấy độ nhưng vẫn có thể dậy sớm từ 4, 5h để đi làm. Ở nhà bạn là con ngoan trò giỏi, 12 năm học không biết đi học muộn, không biết bỏ học, hay chưa từng lên lớp ngủ, nhưng sang đây du học, bạn được trải nghiệm hết!
Du học là bạn được trải nghiệm cảm giác bị lừa, bị bóc lột, bị chèn ép khi đi làm thêm. Du học tự túc là buồn, là cô đơn, khó khăn hay vấp ngã là sẽ phải tự mình đứng lên, tự mình chịu đựng và tự nuôi sống bản thân.
Nhiều gia đình cứ vay mượn cho con đi du học rồi để kiếm tiền gửi về trả nợ, con cái sang bên này lúc nào cũng nặng về vấn đề tiền nong, lao đầu đi kiếm tiền, vì đồng tiền mà đôi khi còn làm cả những chuyện không mong muốn.
Nhưng đã có ai thử nghĩ, giờ mình có thể kiếm được tiền đấy nhưng mà mục đích đi du học là gì? Cắm đầu vào cày tiền, lên lớp chỉ ngủ học không biết chữ gì, thử hỏi tương lai bạn có thể làm gì sau khi kết thúc khóa du học đó, liệu có tốt nghiệp được cái bằng hẳn hoi, hay sau khóa du học tất cả những gì là kinh nghiệm đi rửa bát, nấu ăn, làm đồng? Mình chỉ muốn khuyên những ai đang hay sẽ đi du học hãy cân nhắc, hãy đặt ra mục tiêu của mình và hãy cân bằng giữa việc học và việc kiếm tiền, đừng để đồng tiền làm mờ tương lai."
Du học cho mình hay du học để kiếm tiền gửi về nhà?
Có những người, du học chỉ để kiếm tiền gửi về cho gia đình, bị xoáy vào vòng xoay tiền bạc
Hiện nay chẳng hề thiếu việc du học theo phong trào, không thiếu những trường hợp các bạn đi ra Đại sứ quán phỏng vấn visa, khi được hỏi sẽ sang học trường nào thì lắc đầu bảo em không biết, em quên rồi vì công ty em lo từ a đến z.
Khi được các công ty tư vấn vẽ ra một cuộc sống màu hồng, nào là sang đó học có thể kiếm được hàng trăm triệu gửi về cho bố mẹ ở quê, du học trường top, làm thêm ở những nơi sang chảnh, vừa học vừa làm không lo gì... nhiều người đã hạ quyết tâm du học để được tận mắt chứng kiến cuộc sống màu hồng đó.
Vừa mới đây thôi, câu chuyện về cô bạn K.A. sang Hàn Quốc du học vì gia đình, vì đam mê thần tượng, nhưng gánh nặng cơm áo gạo tiền đã đè quá nặng lên đôi vai của cô gái này nên quyết định than thở đòi bỏ về. K.A. sinh ra trong một vùng quê nghèo ở huyện Nam Đàn, Nghệ An, vùng đất "màu mỡ" của các công ty môi giới du học vì ngày nào cũng có người vào tận từng nhà để mời chào đi du học với những lời lẽ bay bổng, vẽ ra một cuộc sống du học màu hồng ở xứ ở kim chi.
Sang Hàn Quốc, cô bạn sống ở một thành phố gần Seoul, không hề quen biết ai, không như bạn bè, người nhà đến tận phòng để cho quà, tặng đồ ăn Việt Nam, dẫn đi du lịch, đi tìm việc làm, còn K.A vẫn lủi thủi một mình, rong ruổi khắp các con đường đầy tuyết rơi để xin việc.
Đêm đến, trong khi bạn bè say giấc, cô bạn bật đèn nhà vệ sinh trong căn phòng dài 2m rộng 1m để học xuyên đêm, vì xác định sang đây là để học, sau khi về biết 2, 3 thứ tiếng, tương lai sẽ rộng mở hơn.
Căn phòng bé nhỏ chỉ dài 2m, rộng 1m của K.A. tại Hàn
Cô bạn này làm việc từ 10h tối đến 7h sáng, đi làm xong đi học luôn đến 2h chiều, về ngủ tầm 5 tiếng lại lục đục dậy sửa soạn đi làm.
K.A. cho biết: "Bây giờ về nước mình chẳng biết bắt đầu từ đâu và khi đi gia đình mình cũng đang nợ rất nhiều. Mình muốn tự gánh vác, mình có thể khổ, nhưng tuổi trẻ của mình còn dài, cho phép vấp ngã. Bố mẹ còn sống bao nhiêu để hưởng thụ đâu."
Không chỉ du học Châu Á, nhiều bạn học ở các nước Châu Âu cũng than trởi kêu khổ vì đắm chìm trong cảnh kiếm tiền gửi về nhà, phải làm việc cật lực, miệt mài kiếm từng đồng từng xu.
Cuộc sống du học màu hồng trong mơ của nhiều người đã thành màu đen tối tăm khi mà tiếng Anh của cô vẫn kém, không thể giao tiếp, không thể tiếp thu bài giảng, không hiểu giảng viên và bạn bè nói gì... dẫn đến kết quả học hành sa sút.
Hoàng Hải, một du học sinh ở Nhật tâm sự: "Gọi về nhà lúc nào mọi người cũng bảo ở gần nhà có con bé nhà bà này, ông nọ, đi sau mình 3 tháng mà mỗi tháng nó gửi về nhà 40-50 triệu.
Lại còn mấy tháng lại thấy về nhà một lần, quà cáp họ hàng đủ cả. Tự hỏi có khi chúng nó tìm thấy mỏ vàng ở Nhật mà không nói cho mình biết hay sao đó?
Mỗi tháng 40 triệu, vị chi sau nửa năm là nó gửi về 240 triệu - trả được chi phí sang đây luôn.
Trong khi mình và đa số những người xung quanh, cuộc sống chẳng dễ thở tí nào, tất bật đủ bề. Tiền ăn, tiền nhà, tiền sinh hoạt phí, tiền sắm sửa đồ đạc...cứ đến tháng là đổ ập một đống lên đầu."
Bộ ảnh giấc ngủ giữa giờ làm của những du học sinh tại Nhật từng gây sốt cộng đồng mạng
Anh Nguyễn Nhật Huy (cựu sinh viên ĐH Ball State, Indiana, Hoa Kỳ) người từng gây sốt khi nhận được thư hồi đáp của cựu Tổng thống Obama chia sẻ rằng: "Nhiều bạn trẻ quyết định đi du học mà không tìm hiểu trước xem có phù hợp với bản thân mình không. Nhiều gia đình ép buộc con đi du học trái nguyện vọng mà không xem xét các tác động tiêu cực tới con em mình. Cuộc sống du học sinh là cuộc sống xa nhà, tự chăm sóc bản thân, tự lo liệu và quản lý cuộc sống của mình và đôi khi là phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Vì vậy trước khi đi du học, các bạn trẻ và các gia đình nên tìm hiểu kỹ để tránh phải lỡ dở việc học, tốn kém về vật chất và tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần."
Không sống cho bản thân mình thì đời bạn còn ý nghĩa hay không?
Du học, suy cho cùng là bạn muốn tìm đến một chân trời mới, một cuộc sống mới, muốn mở mang kiến thức, muốn trải nghiệm những điều thú vị. Nhưng sang đấy bạn bị chôn vùi trong tuyết trắng, trong giá lạnh để kiếm tiền, để tiết kiệm từng đồng gửi về cho gia đình, liệu có đáng hay không?
Sau những năm du học đó, bạn có lãnh hội được kiến thức nào không? Thậm chí còn có rất nhiều trường hợp bị đuổi về nước giữa chừng chỉ vì lơ là việc học, sa vào kiếm tiền, làm thêm. Bạn không biết quý bản thân, không thương lấy mình, như vậy tuổi trẻ, tương lai của bạn còn lại gì? Sự hi sinh của bạn có đáng không?
Những giấc ngủ vội vàng, ngắn ngủ của du học sinh.
Du học có nghĩa là mỗi buổi sáng thức dậy tự hỏi mình đang ở đâu và sắp làm gì? Nhìn ra cửa sổ thấy sương lạnh buốt và biết mình có một ngày dài để chiến đấu. Nghe tiếng mình nhỏ nhẹ trong lòng: "Ráng lên nào! Sống vì tương lai".
Một du học sinh tại Nhật từng gây sốt với bài viết: Du học ơi! Sao cái giá phải trả cao quá vậy? Trong đó, có những đoạn là nỗi lòng của hàng triệu người trẻ Việt đang bôn ba khắp nơi trên thế giới:
Du học là nỗi buồn mặn chát khi ốm đau, thui thủi một mình trong bệnh viện, không người hỏi han, thăm nom, gọi điện về nhà thì không dám, sợ ở nhà bố mẹ lo. Đành nuốt nước mắt ê chề nơi đất khách. Du học là phải nén nhịn mỗi khi rất buồn, muốn gọi ngay cho người thân để tâm sự nhưng phải nén lại vì không muốn để ai phải lo lắng cho mình, và mình tự dằn lòng mình: "Mình lớn rồi mà". Du học có nghĩa là tự hứa nhiều lắm. Tự hứa với mình, với người ta, với gia đình, với bạn bè. Tự hứa không được lãng phí những gì đã hy sinh. Tự hứa và tự ráng hoàn thành lời hứa. Và, du học là nhiều khi muốn buông tay vì tất cả những cảm giác trên nhưng vẫn phải nắm chặt, tiếp tục bước...
Du học sinh Việt tại Nhật Bản
Theo Trí Thức Trẻ
Du học tại chỗ cho học sinh phổ thông: Hướng đi mới Lâu nay, du học luôn được xem là cánh cổng mở ra chân trời tri thức mới tạo nên sự thành công trong học vấn và nghề nghiệp. Hiện Việt Nam có gần 150.000 học sinh, sinh viên đang du học tại nước ngoài, trong đó khoảng 90% là du học tự túc. 90% số học sinh du học tự túc, cùng nghĩa...