Người Việt săn iPhone giá rẻ ‘ngày độc thân’
Nhiều người mua được iPhone 11 với giá giảm 4-5 triệu so với niêm yết, theo chương trình khuyến mại “ngày độc thân” của các trang thương mại điện tử.
“Biết trước là ngày này sẽ có khuyến mại, tôi chuẩn bị sẵn kinh phí, đồng thời chủ động săn mã giảm giá được các trang thương mại điện tử tung ra. Sau khi áp dụng hết các khuyến mãi của họ, giá mua chiếc iPhone 11 cũng giảm được gần một phần tư”, anh Tuấn Hưng (Hà Đông, Hà Nội) nói. Anh Hưng vừa đặt mua thành công chiếc iPhone 11 với giá gần 17 triệu đồng nhân dịp khuyến mãi “ngày độc thân” của một trang thương mại điện tử. Nếu so với mức giá 22 triệu đồng mà nhiều cửa hàng niêm yết, “ngày độc thân” lần này giúp anh Hưng mua được chiếc điện thoại vừa ra mắt với giá rẻ hơn 5,1 triệu đồng.
Dù không “săn” được giá rẻ như anh Hưng, anh Huy Cường ( Cầu Giấy, Hà Nội) cũng mua được một chiếc iPhone 11 chính hãng với giá rẻ hơn niêm yết 4 triệu đồng. Theo anh Cường, năm nay, mua iPhone khuyến mãi dễ hơn năm ngoái. “Mình không thức đêm được nên mãi đến sáng nay (11/11) mình mới vào xem thử các trang bán iPhone. Không ’săn’ được những mã giảm giá cao nhất, nhưng với các khuyến mại cơ bản, mua iPhone 11 của mình cũng rẻ hơn giá gốc 3-4 triệu”, anh Cường nói.
Bộ ba iPhone 11/11 Pro/11 Pro Max có thể được mua với giá rẻ từ 5-6 triệu đồng trong “ngày độc thân” tại Việt Nam. Ảnh: APIT.
“Ngày độc thân” 11/11 vốn là dịp giảm giá để kích thích mua sắm tại Trung Quốc, nhưng vài năm gần đây lại được nhiều trang thương mại điện tử tại Việt Nam áp dụng. Trong dịp này, đồ điện tử, đặc biệt là iPhone, được nhiều người quan tâm. Một phần do iPhone vốn có chất lượng ổn định, có thể yên tâm đặt hàng trên mạng. Một lý do nữa, đây là hàng có giá trị cao, người mua có thể áp dụng những mã khuyến mãi cao nhất để được giảm tối đa.
Ngay từ sáng nay, các mẫu iPhone ở một số trang thương mại điện tử đã rơi vào tình trạng “hết hàng”. Để đảm bảo nguồn cung ổn định, một số trang giới hạn thời gian khuyến mại, hoặc đặt số lượng bán giới hạn.
Theo một người có nhiều năm kinh nghiệm mua đồ điện tử trên mạng, năm nay các trang thương mại điện tử không chỉ tập trung vào các chương trình “bán nhanh, giá sốc” nữa, mà thay vào đó, họ tung ra nhiều gói khuyến mại khác nhau, có thể áp dụng nhiều lần, vì vậy ai cũng có thể mua hàng với giá hời. Tuy nhiên, để có được mức giá tốt nhất, người mua cũng cần một chút may mắn.
Video đang HOT
Trong trường hợp của anh Hưng, mức giảm 5,1 triệu đồng cho mẫu iPhone 11 bao gồm số tiền giảm của cửa hàng và trang thương mại điện tử, cộng thêm tiền giảm giá được hỗ trợ từ ngân hàng liên kết, cùng với các mã giảm giá mà anh “săn” được.
“Mã giảm giá và suất hỗ trợ từ ngân hàng là có hạn nên không phải ai cũng mua được với giá đó”, anh Hưng nói. Bí quyết của anh Hưng là tham gia các hội nhóm chuyên săn khuyến mãi để cập nhật tin tức, đồng thời chọn thời gian thấp điểm, đặc biệt là ban đêm, để mua được hàng với giá hời và khả năng thành công cao nhất.
Nhiều trang bán iPhone nhanh chóng rơi vào tình trạng hết hàng.
Việc các mặt hàng, đặc biệt là iPhone giảm giá hàng loạt ở nhiều trang thương mại điện tử, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo. Trên một số hội nhóm, nhiều thành viên đã phản ánh về việc bị lừa mua mã giảm giá. “Những mã giảm giá 0,5 -1,1 triệu đồng được rao bán lại với giá chỉ 50.000 – 150.000 đồng, nhưng sau khi chuyển tiền bị thì bên bán chặn liên lạc”, một thành viên cho biết. Ngoài ra, nhiều trang thương mại điện tử hiện nay vẫn còn tồn tại hàng giả, hàng nhái, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho người mua.
Theo chuyên gia công nghệ Nguyễn Mạnh Hưng, người mua cần cẩn thận khi mua sắm trong những đợt khuyến mại lớn như lễ độc thân này. “Nên tham khảo phần đánh giá, bình luận trên gian hàng để biết được mức độ uy tín của người bán. Cách tốt nhất là tìm đến mua tại gian hàng của chính nhà sản xuất, nhà bán lẻ hay đơn vị phân phối. Bên cạnh đó, người mua hàng cũng nên tự bảo vệ mình bằng các biện pháp, như yêu cầu được ghi hình, đồng kiểm hàng hóa trước sự chứng kiến của nhân viên giao hàng trước khi nhận”, ông Hưng nói.
Theo Lưu Quý
VnExpress
Bán hàng qua Internet: Cần chế tài xử lý mạnh hơn!
Buôn bán hàng giả qua internet ngày càng có diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên nền mạng xã hội như facebook, zalo... thậm chí là trên các sàn thương mại điện tử lớn.
Tình hình bán hàng qua internet diễn biến ngày càng phức tạp - Ảnh: Internet
Thương mại điện tử tại Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm qua là từ 25% - 30%/năm. Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam đạt mức 30% với tổng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử (B2C) đạt trên 8 tỉ USD.
Tốc độ phát triển của thương mại điện tử phát sinh cùng với nhiều vấn đề liên quan. Do tính chất đặc thù của thương mại điện tử như người mua và người bán không gặp mặt mà chỉ liên lạc trên môi trường mạng, các công cụ tìm kiếm thuận tiện, cho phép người mua tìm kiếm dễ dàng, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xuất hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến. Những vi phạm liên quan tới hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng trở nên tinh vi trên môi trường Internet.
Việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra khắp nơi trên thế giới và cả trên những sàn thương mại điện tử lớn... gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Tại Lễ ký cam kết "Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử" ngày 18.4, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay thương mại điện tử đã trở thành kênh tiêu thụ hiệu quả hàng giả, hàng gian, hàng cấm của nhiều đối tượng, làm mất lòng tin của người tiêu dùng.
Theo Tổng cục trưởng, các trường hợp vi phạm chủ yếu là không đăng ký, tập trung vào các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ. Hầu hết các trang web này đều đăng hình ảnh hàng hóa thật để thu hút người tiêu dùng, giá rất rẻ do là hàng nhái, giả... nhất là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, pháo... nhưng nguồn gốc, chất lượng là vấn đề đáng bàn.
Hơn nữa, hàng hóa luân chuyển đến các công ty chuyển phát hầu hết không có hóa đơn chứng từ và hàng hóa được thanh toán qua trung gian, các cơ quan chuyển phát đã vô hình trung trở thành vận chuyển hàng giả, hàng gian... gây nhiều khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường.
Theo đó, ông Trần Hữu Linh kiến nghị, với đặc điểm của internet được khởi tạo nhanh và gỡ đi cũng nhanh nên cần chế tài xử lý mạnh hơn. Cùng với đó, xây dựng một Nghị định quản lý mới có chương riêng về xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử phải mạnh hơn xử lý vi phạm ngoài đời thực, dừng cấp tên miền, gắn trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử và nhất là sự phối hợp giữa Bộ Công Thương với các cơ quan tài chính, thuế...
Riêng lực lượng quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh tập huấn nâng cao trình độ đấu tranh với hàng giả, hàng gian, liên kết giữa các doanh nghiệp sàn thương mại điện tử và người tiêu dùng để nhận biết các sàn thương mại uy tín, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Chia sẻ về định hướng một số hoạt động đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử, ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý Hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) đề xuất một số giải pháp như: hoàn thiện khung khổ pháp lý; rà soát, phân loại các website ứng dụng; nâng cao năng lực thực thi pháp luật vè thương mại điện tử; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; giải pháp tổng thể bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật...
Trong vòng 4 năm, từ 2014 đến 2018, lực lượng quản lý thị trường toàn quốc đã xử lý tổng cộng 1.024.000, tổng số tiền xử phạt và nộp ngân sách 92.000 tỉ đồng. Riêng năm 2018, xử lý 232.000 vụ và nộp ngân sách 490 tỉ đồng.
Tuyết Nhung
Theo Một thế giới
Táo màu lạ của Trung Quốc, giá cao vẫn "hút hồn" khách Việt Táo có màu vàng lạ mắt xuất xứ từ Trung Quốc khiến nhiều chị em tò mò đặt mua, dù giá cao gấp gần 10 lần loại táo thông thường khác. Chỉ cần gõ cụm từ "táo vàng", người dùng mạng xã hội sẽ thấy được hàng chục bài đăng bán. Hầu hết đều ghi rõ ràng đây là loại táo giống Nhật...