Người Việt lười đọc sách, cái gì cũng “quy ra thóc”
Tại sao người Việt lười đọc sách – Đó là câu hỏi xuyên suốt trong Ngày Sách Việt Nam 21/4. Thực trạng này có thể cải thiện hay không vẫn là bài toán nan giải.
Thói quen đọc sách vẫn rất hạn chế.
Có thể nói chưa năm nào, không khí Ngày Sách Việt Nam lại nhộn nhịp như năm nay. Trước cả tuần lễ khi ngày sách diễn ra, khắp 3 miền đã tổ chức những toạ đàm, hội thảo, trưng bày cùng sự tham dự đông đảo của các chuyên gia, nhà giáo, học sinh – sinh viên.
Có đủ thứ nhưng thiếu tủ sách
Tại TPHCM, Tọa đàm với chủ đề “Tủ sách hay dành cho con trong gia đình – Tại sao không?”, ông Lê Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam dẫn đề tài từ câu chuyện gia đình là tế bào của xã hội.
Ông khẳng định, văn hóa gia đình quyết định sự phát triển hay tụt lùi cả nền nếp lẫn kinh tế. Qua khảo sát nhiều gia đình, ông ngạc nhiên khi nhiều nhà có tủ rượu, phòng xem tivi, phòng karaoke, phòng nghe nhạc, phòng gym… nhưng lại thiếu một tủ sách nhỏ.
“Người Việt mình chưa có thói quen đọc, thực trạng không hay này có thể cải thiện khi nhiều thành tố xã hội cùng tham gia. Về phía Hội Xuất bản, chúng tôi chỉ giành lấy một việc: Đưa ra lời kêu gọi các gia đình hãy xây dựng tủ sách cho con, cùng với đó là danh mục sách do chúng tôi lựa chọn và giới thiệu”, ông Hoàng cho hay.
PGS.TS Hoàng Thị Tuyết dẫn lại một nội dung nghiên cứu của Đại học Yale (Hoa Kỳ) cho rằng, các yếu tố như sự tự chủ, thói quen đọc và sự tự tin phải được trang bị cho trẻ trước 9 tuổi.
Video đang HOT
Bà Tuyết khẳng định, những lợi ích từ việc cho trẻ đọc sách sớm vào lúc đầu đời mang lại các giá trị mà nếu bắt đầu trễ hơn, một đứa trẻ sẽ không còn cơ hội. Đọc sách sớm giúp trẻ kỹ năng tập trung, khả năng ghi nhớ, tư duy phân tích phản biện, óc tưởng tượng, khả năng hiểu thế giới, mở rộng năng lực ngôn ngữ.
“Món quà quý nhất mà cha mẹ có thể tặng cho con là niềm đam mê đọc sách. Trong thời buổi công nghệ thu hút mọi tầng lớp người dân, chỉ có thói quen đọc mới có khả năng giúp trẻ em “bước ra” khỏi cám dỗ từ các thiết bị điện tử. Muốn vậy, trong mỗi gia đình phải có sách để các bé hình thành cảm tình”, PGS.TS Hoàng Thị Tuyết cho hay.
Nhạc sĩ Phạm Uyên Nguyên đưa ra 2 đề xuất: Từ kinh nghiệm nước ngoài, trẻ đến trường phải đọc sách như một nội dung bắt buộc. Thứ hai, sách ở Việt Nam càng quý càng ế nhiều, nên các công ty sách nên mở dịch vụ tủ sách gia đình trọn gói. Dịch vụ này sẽ thay sách hằng năm để sách trong tủ luôn phù hợp với từng độ tuổi của trẻ.
Tuy nhiên, nhiều diễn giả lại cho rằng, thay đổi suy nghĩ người Việt là rất khó và ít khả quan. Câu nói “văn hay chữ tốt không bằng thằng dốt lắm tiền” như chân lý với rất nhiều người. Từ đó, người ta nghĩ rằng để có nhiều tiền thì phải lăn lộn thương trường chợ búa, chứ đọc sách không giúp ích gì.
Đọc sách có ra tiền không?
“Những đứa trẻ khi chưa nói tốt thường rất hay cáu gắt và có hành vi bạo lực. Đơn giản vì chúng cảm thấy bất lực hoặc khó chịu khi không truyền tải được ý nghĩ, cảm xúc bằng lời nói tới người khác. Đọc – nói – viết là ba trụ cột của văn hóa đọc, đồng thời cũng là tấm lá chắn khống chế bạo lực hiệu quả. Ở đâu có văn hóa đọc, ở đó sẽ ít bạo lực”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương – người viết và dịch nhiều cuốn sách về Nhật Bản, chia sẻ rằng: Nhiều người cứ nói đến khuyến đọc, làm cho thư viện hoạt động có hiệu quả là lại lắc đầu bảo “bọn trẻ có đọc đâu”, “bây giờ ai đọc sách”, “dã tràng xe cát thôi”.
“Trong các buổi nói chuyện về sách, tôi hay nhấn mạnh một ý đó là chúng ta hay có quan niệm tầm thường hóa mọi thứ. Chẳng hạn làm thợ xây thôi thì cần gì phải đọc, phải nghĩ? Chỉ là tài xế, đọc sách để làm gì? Nghĩa là chúng ta tự giới hạn mình và giới hạn người khác”, ông Vương cho biết.
Theo ông Vương, nhiều người không chỉ thắc mắc đọc sách để làm gì, mà còn hỏi thẳng đọc sách có ra tiền không? Câu trả lời rất dễ mà lại khó. Dễ vì vài nghìn năm trước nhân loại đã biết đến sách và đến giờ vẫn đọc sách. Những người giàu, quyền lực và thông minh nhất thế giới đều thích sách, đọc sách và không ai phủ nhận vai trò của sách.
Nhưng khó vì ở Việt Nam mọi thứ đều “quy ra thóc”, mà “thóc” không phải bao giờ cũng là thứ có thể gặt ngay hoặc nhìn thấy. Một trong những lợi ích đọc sách dễ thấy nhất là cải thiện, nâng cao năng lực giao tiếp. Đừng nghĩ khi làm nghề bình thường thì không cần đọc, vì nghề nào cũng cần giao tiếp.
Ông Vương kể, thời Trịnh – Nguyễn có vị học giả là học trò của Vương Dương Minh người Trung Quốc sống ở Hội An. Biết tiếng ông, nho sĩ Việt Nam liên tục đến thăm. Đa số hỏi ông về phong thủy, bói toán, lý số mà chẳng mấy ai hỏi về học thuật, văn chương, tư tưởng. Vị học giả thất vọng, treo tấm biển không tiếp khách rồi thời gian sau thì bỏ đi.
Đáng chú là trong cùng thời điểm này, các học phái lấy tư tưởng Vương Dương Minh làm nền tảng rất phát triển ở Nhật Bản và tạo ra những con người hành động sau này.
“Chúng ta có nhiều hội khuyến học mà không có hội khuyến đọc. Trong khi nhiều trường học, thư viện kêu khó thuyết phục người khác đọc sách, thì ở một nơi xem ra khó hơn nhiều là nhà tù thì người ta lại yêu sách và khát khao đọc sách”, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương dẫn chứng.
Ông Vương từng đứng suốt 2 tiếng đồng hồ để nói chuyện về đọc sách với các phạm nhân. Họ chăm chú lắng nghe, một số người thì khóc. Những cuốn sách trong trại giam “lên nước” đen bóng, có người đọc thuộc cả cuốn sách.
“Các giám thị cho biết, sau khi lập tủ sách và hướng dẫn phạm nhân đọc. Kết quả cho thấy các vụ bạo lực giảm đi đáng kể, 6 tháng kể từ khi nói chuyện về sách hoàn toàn không có phạm nhân nào phải xử lí kỉ luật. Nhờ đọc sách, mỗi phạm nhân ý thức hơn về hành vi của mình”, ông Vương chia sẻ.
Bao giờ người trẻ 'khát' đọc sách?
Ngày Sách Việt Nam 21.4 đang gõ nhịp, ngày hội đọc sách lớn của xã hội đã vào mùa với hàng loạt hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc từ các ban ngành chức năng và cả những con người giàu tâm huyết.
Người trẻ tham gia ngày hội sách - T.D
Cả một xã hội đang rần rần khơi lên mạch nguồn văn hóa đọc. Còn người trẻ, các bạn đã thật sự "khát" đọc chưa?
Tôi còn nhớ như in chúng ta đã nháo nhào hốt hoảng thế nào với hai thống kê báo động về văn hóa đọc xuống cấp của người Việt: Hồi tháng 4.2013, Bộ VH-TT-DL công bố trung bình mỗi người Việt đọc không hết một cuốn sách trong một năm (cụ thể là 0,8 cuốn). Rồi bảng xếp hạng cuối năm 2016 về việc Việt Nam không có tên trong danh sách 61 quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới.
Tại sao người Việt ngày càng lười đọc và biếng đọc như thế? Câu hỏi từng khiến bao người đau đầu đi tìm câu trả lời và vỡ òa nỗi trăn trở không dứt với muôn vàn lý do đến từ nhiều phía. Thật lạ lùng khi bố mẹ sẵn sàng chi tiền mua đồ chơi đắt tiền cho con trẻ nhưng mua sách thì ngần ngại lẫn gạt phăng niềm vui bé nhỏ của con trẻ bên trang sách! Thật lạ lùng khi bọn trẻ đến trường và đọc nhiều nhất vẫn là... sách giáo khoa của hơn chục môn học trong khi thư viện trường luôn rộng mở!
Sách vẫn luôn là suối nguồn tri thức bất tận nuôi dưỡng trí tuệ, tâm hồn, cảm xúc thẩm mỹ của con người. Sách vẫn là người bạn trung thành chia sẻ niềm vui lẫn nỗi buồn, giúp chúng ta trưởng thành, chín chắn hơn trong suốt hành trình dài thăm thẳm học làm người. Sách cần thiết cho quá trình lớn khôn của mỗi người như cây xanh cần nước và con người cần ánh sáng vậy. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được điều đó để chú tâm vun bồi thói quen đọc sách cho trẻ từ tấm bé.
Thế hệ 8X chúng tôi hồi ấy lớn lên giữa bối cảnh khốn khó đủ bề, sách khan hiếm đến mức thèm thuồng. Chúng tôi cứ lân la mượn sách truyện kinh điển của thầy cô rồi chong đèn đọc thâu đêm. Chúng tôi nhịn ăn vặt tích cóp tiền để dành thuê sách truyện và ngấu nghiến đọc. Chúng tôi mừng như bắt được vàng mỗi lần vớ được quyển báo cũ ở gánh hàng rong, mảnh báo cũ bọc ngoài ổ bánh mì và đọc mê mẩn...
Chúng tôi đã "khát" đọc suốt những ngày thơ ấu đến tận bây giờ vẫn còn nguyên vẹn cảm giác thèm sách và ước ao tích cóp được những quyển sách hay làm gia tài nhỏ cho đàn con trẻ. Giữa thiếu thốn, cơn thèm sách sao đáng trân quý đến thế? Còn bây giờ các bạn trẻ lớn khôn trong cuộc sống đủ đầy hơn trước rất nhiều, sách báo đầy rẫy, không gian đọc công cộng rộng mở, nguồn sách online bạt ngàn... Vậy mà người ta lại ngán đọc và sợ đọc, đáng buồn thật!
Để thúc đẩy văn hóa đọc, có lẽ những chuyển động ầm ầm của các ban ngành liên quan ngoài kia sẽ vẫn chỉ là những "gợn sóng" lăn tăn. Cần lắm sự thay đổi từ chính gia đình và nhà trường trong việc rèn giũa thói quen đọc sách cho trẻ. Bố mẹ phải chú trọng nhiều hơn trong việc tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc với sách, nhà trường phải thúc đẩy hoạt động đọc bằng cách bố trí tiết đọc sách cùng với việc tổ chức sôi động các hoạt động liên quan đến sách: thi kể chuyện sách, viết cảm nhận về sách...
Bao giờ người trẻ "khát" đọc? Mong lắm thay một bức tranh tươi sáng về văn hóa đọc sẽ hiện diện trong tương lai gần, để những câu hỏi đầy trăn trở ấy thôi quặn lòng...
Hà Nội: Quận Nam Từ Liêm hưởng ứng Ngày sách Việt Nam Sáng 23/4, UBND quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam tại Trường Tiểu học Mỹ Đình 1. Học sinh Trường tiểu học Mỹ Đình 1 hào hứng với ngày hội đọc sách. Tại buổi lễ phát động, Quận ủy viên - Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ LiêmNguyễn Thị Hương cho biết,...