Người Trung Quốc ngày càng dè sẻn
Người tiêu dùng Trung Quốc đang mua các mặt hàng ít đắt tiền hơn trong bối cảnh suy thoái kinh tế và chiến tranh thương mại.
Giá trung bình của hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong chín tháng đầu năm tại Trung Quốc chỉ tăng 3,7%, khá chậm so với mức 4,6% của cùng kỳ năm ngoái, theo “ China Shopper Reporter 2019″, đồng phát hành bởi Bain & Company (Mỹ) và Kantar WorldPanel (Tây Ban Nha).
“Người bán hàng chịu nhiều áp lực để kích thích nhu cầu và thu hút người mua. Vì vậy, chúng ta thấy rất nhiều chương trình giảm giá và khuyến mại. Do đó, việc tăng giá trung bình chậm hơn nhiều so với các năm trước và đáng chú ý hơn là tác động đến tỷ lệ lạm phát”, Jason Yu, Tổng giám đốc của Kantar Worldpanel Trung Quốc cho biết. Tuy nhiên, ông Derek Deng, Đối tác của Bain & Company thừa nhận, nước này vẫn là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.
Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc, một thước đo chính của lạm phát, đã tăng lên 3,8% trong tháng 10, từ mức 3% trong tháng 9, gần bằng mức tăng giá bán trung bình trong báo cáo trên.
Báo cáo cho biết doanh số bán rượu vang trong chín tháng đầu năm giảm 3%. Doanh số bán bơ cũng giảm theo cùng một mức, trong khi các sản phẩm chăm sóc da giảm 10%. Tuy nhiên, giá trị bán hàng của nước sốt hàu tăng mạnh nhất, ở mức 30%, do người dân đang cắt giảm việc sử dụng bột ngọt trong nấu ăn.
Một người mua hàng trong một siêu thị ở Hàm Đan, Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Người tiêu dùng Trung Quốc đã trở nên có ý thức về giá và đang tìm kiếm những món hời. Họ đang chuyển sang các nền tảng thương mại điện tử như Pinduoduo, nơi cung cấp hàng hóa với giá cực thấp, giảm giá và thậm chí được hoàn tiền.
Giảm giá trên Pinduoduo có thể lên tới 90% đối với một số mặt hàng sử dụng hàng ngày. Gần đây, hơn 6,4 triệu hộp khăn giấy đã được bán với giá 12,9 nhân dân tệ (1,6 USD) cho một thùng 10 hộp. Mô hình bán hàng cho các nhóm khách mua sỉ đã giúp Pinduoduo vượt qua JD.com về tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào tháng 10.
Video đang HOT
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã chuyển sang kích thích tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nước này cắt giảm thuế gần 2.000 tỷ nhân dân tệ trong bối cảnh GDP quý III/2019 chỉ tăng 6%, yếu nhất trong 27 năm qua.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng của Trung Quốc thậm chí còn dưới 6% trong năm sau. “Tình hình sẽ còn tệ hơn trước khi nó tốt hơn”, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Macquarie nhận định trong nghiên cứu mới công bố hôm thứ hai.
Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc tăng 8,2% lên 30.000 tỷ nhân dân tệ trong 9 tháng đầu năm, theo Cục Thống kê Quốc gia nước này. Các hoạt động mua sắm như “Ngày độc thân” của Alibaba vào tháng trước đã góp phần tạo thúc đẩy nhỏ khi GMV của sự kiện đạt mức kỷ lục 38,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ ưu tiên tiêu dùng là cách tốt nhất để thúc đẩy nền kinh tế. “Khiến người tiêu dùng Trung Quốc phải móc hầu bao đang khó hơn bao giờ hết. Một nền kinh tế chậm chạp đã tác động đến tâm lý của người tiêu dùng khi họ chi tiêu”, Pedro Yip, đối tác tại hãng tư vấn Oliver Wyman nhận định.
Theo vnexpress
SEVEN.am đìu hiu trong ngày mở cửa trở lại, nhiều mặt hàng bị âm thầm "khai tử"
Sau hơn 20 ngày ngừng hoạt động, niêm phong sản phẩm để phục vụ điều tra nghi án tem mác, SEVEN.am ở Hà Nội đã mở cửa đón khách trở lại, song không nhiều khách hàng tìm đến đây mua sắm.
Ngay sau khi Tổng cục Quản lý thị trường đưa ra kết luận về kết quả kiểm tra và xử lý vi phạm đối với thương hiệu thời trang SEVEN.am của Công ty cổ phần MHA và Công ty TNHH thời trang quốc tế Thư Kỳ, với án phạt 170 triệu đồng cho các lỗi như sản xuất kinh doanh hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định, kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa làm sai lệch thông tin, ngày 3/12, nhiều cửa hàng của SEVEN.am tại Tôn Đức Thắng, Trần Phú (Hà Đông), Thái Hà... đồng loạt hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, động thái này lại khá âm thầm và không được SEVEN.am thông báo trên các kênh thông tin như Website hay Fanpage.
Có lẽ vì vậy mà trong sáng 3/12, các cửa hàng SEVEN.am khá đìu hiu, vắng vẻ. Một vài vị khách nữ lựa chọn hàng tại SEVEN.am cho biết, so với thường ngày trước đó, cửa hàng thường đông đúc hơn rất nhiều.
"Tôi đi ngang thì vô tình thấy cửa hàng mở cửa nên ghé vào xem. Hàng hóa không nhiều, cũng không có chương trình giảm giá nào đáng chú ý nên tôi không mua được gì", Chi Anh, một khách hàng tại SEVEN.am Trần Phú cho biết.
Theo khảo sát, sau khi hoạt động trở lại, SEVEN.am đã cập nhật các mặt hàng thời trang công sở dành cho phái nữ.
Nhiều sản phẩm của SEVEN.am đã bổ sung tem hợp quy hoặc in kèm dòng chữ "Sản xuất tại Việt Nam".
Đáng chú ý là các sản phẩm phụ kiện như túi xách, ví da từng được SEVEN.am bày bán trước đó đã không còn xuất hiện.
Liên quan đến cáo buộc, Công ty cổ phần MHA lên tiếng khẳng định doanh nghiệp không gắn mác Made in Việt Nam vào các sản phẩm tem mác Trung Quốc nhằm mục đích đánh tráo xuât xư hàng hóa và lưa dôi nguơi tiêu dùng, đồng thời đang nỗ lực kiểm tra, hoàn thiện quy trình sản xuất, quản lý sản phẩm và tem mác tốt hơn.
Trong diễn biến khác, đã hơn 20 ngày kể từ khi Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện cơ sở may mặc ở Thạch Bàn, Long Biên cắt tem nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và thay bằng nhãn IFU trên sản phẩm quần áo, hàng loạt cửa hàng của thương hiệu này vẫn đóng cửa, mọi kênh website, Fanpage và số Hotline đều không hoạt động.
Trước đó, ngày 25/11, Quản lý thị trường cũng thông tin chưa liên lạc được với chủ của thương hiệu thời trang này để làm việc.
Theo cafe
'Bí mật đen tối' khách mua hàng Black Friday cần biết Được biết đến là đợt khuyến mãi khủng nhất năm với những món hàng có thể được giảm giá lên tới 80%, song đằng sau món hàng giảm giá dịp Black Friday là những "bí mật đen tối" mà ít khách ngờ tới. Mỗi năm chỉ diễn ra một lần vào đúng ngày thứ 6 sau Lễ Tạ Ơn (tháng 11), Black Friday...