‘Người trẻ tự tử vì khủng hoảng là sai lầm’
Trước thực trạng nhiều bạn trẻ chọn cách tự tử để kết thúc cuộc khủng hoảng của mình, các chuyên gia tâm lý khẳng định hành động đó là sai lầm.
Buổi tọa đàm “Tuổi trẻ – khủng hoảng 1/4 cuộc đời” được tổ chức ngày 16/4 có hàng trăm bạn trẻ đến tham dự. Nhiều người đã mạnh dạn chia sẻ những vướng mắc, sai lầm nhờ các diễn giả đưa lời khuyên.
Buổi tọa đàm thu hút hàng trăm bạn trẻ đến tham dự. Ảnh: Nguyên Phương.
Những khủng hoảng tuổi trẻ
Đa số người tới dự buổi tọa đàm đều trong độ tuổi 20-25. Có người bị khủng hoảng, cảm thấy lạc lõng trong chính gia đình của mình. Một số bạn trẻ tâm sự đang mất phương hướng cho tương lai, đặt niềm tin nhầm chỗ…
Video đang HOT
Kim Thoa kể cô từng nhiều lần định tự tử khi cuộc sống gia đình thường xuyên bất hòa.
“Từ nhỏ, mình bị chính cha mẹ ruột ngược đãi. Những trận mắng, mưa roi xuất hiện mỗi khi họ có chuyện không vui. Nhất là lúc cha uống say về, những trận đòn trong ngày tăng theo cấp số nhân. Lúc đó, ngôi nhà không khác gì địa ngục”, Thoa nhớ lại.
Không bận lòng về gia đình như Kim Thoa, cô gái trẻ Hòa Trang (cựu sinh viên) ra trường 2 năm nhưng không xin được việc.
Cô trần tình: “Mình thấy bản thân cực kỳ vô dụng, ra trường không có việc làm, trong khi bạn bè cùng trang lứa ai cũng có những thành công nhất định. Những ngày nhốt mình trong phòng, mình chỉ muốn kết thúc cuộc đời để xã hội bớt đi một người thừa”.
Ở hoàn cảnh khác, 25 tuổi, Hoàng Huy tưởng như đã có tất cả mọi thứ trong tay nhưng chỉ vì tin nhầm bạn mà mất hết cơ nghiệp. “Khoảng thời gian đó, tôi rất muốn kết liễu cuộc đời để không phải đối diện điều kinh khủng”, anh kể lại.
Vượt qua khủng hoảng
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành cho rằng việc những khủng hoảng của người trẻ xuất hiện do trước đó ta chưa có nhiều thời gian để hiểu bản thân mình thật sự mong muốn điều gì. Khi gọi tên được cảm xúc, hiểu được tình huống, bạn trẻ mới có thể đưa ra những quyết định đúng đắn.
Nhà báo Phạm Trung Tuyến – người tham gia tư vấn về tình cảnh – nêu quan điểm rằng tuổi trẻ không sợ lựa chọn sai. Việc lựa chọn sai giống như lạc đường, không đến được điểm này thì tới được điểm khác và biết thêm con đường mới. Bạn trẻ đừng băn khoăn nghĩ nó sai, chỉ cần ở thời điểm đó lựa chọn là phù hợp.
“Nếu càng nghĩ sai, bạn sẽ gặp trở ngại trong tâm lý và làm mọi việc khó khăn hơn”, nhà báo nhấn mạnh.
Tham gia buổi tọa đàm có nhà báo Phạm Trung Tuyến (bên trái), chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành. Ảnh: Nguyên Phương.
Ông Phạm Trung Tuyến đưa ra lời khuyên khi đứng trước nhiều quyết định, người trẻ nên đưa ra các tiêu chí như lựa chọn đó có sự tương đồng, đặt ra thứ tự ưu tiên (theo sở thích, hậu quả của việc lựa chọn ấy nằm trong sự kiểm soát).
Trong thời buổi Internet phát triển mạnh như hiện nay, khi được hỏi mạng xã hội ảnh hưởng như thế nào tới việc khủng hoảng của tuổi trẻ, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành nhận định ở góc độ nào đó, mạng xã hội làm ta cảm thấy tồi tệ hơn.
Khi một cái like (thích), bình luận sẽ khiến bạn vui trong giây lát nhưng sau đó ta lại trở về ngay với nỗi đau đó. Thậm chí, lúc này, nỗi buồn ấy còn sâu hơn trước bởi sự quan tâm hời hợt, không thật trên mạng.
“Bạn không nên lạm dụng mạng xã hội và tiến gần với nhau ngoài đời thực. Thay vì check in với một vườn hoa, bạn hãy chăm sóc một chậu hoa. Nó sẽ cho bạn cái nhìn hoàn toàn khác”, diễn giả Hà Thành nói.
Trên thực tế, không phải bạn trẻ nào cũng mạnh mẽ để vượt qua khủng hoảng ấy, có nhiều trường hợp chọn cách tiêu cực để giải thoát.
Với giải pháp này, nhà báo Trung Tuyến khẳng định tự tử là cách thức đứng tại chỗ của cuộc khủng hoảng. Mỗi khó khăn sẽ mang đến cho ta một cơ hội mới, khi bạn tìm đến cái chết đồng nghĩa với việc trốn tránh việc lựa chọn”.
Đồng tình với quan điểm trên, bạn Nguyễn Thao phân tích có rất nhiều cách để vượt qua khủng hoảng. Người lựa chọn giải pháp tự tử là sai lầm, bởi nó không chỉ kết thúc khủng hoảng mà còn khép lại cuộc đời của chính mình.
Theo Zing