Người thầy giáo giỏi có trái tim nhân hậu
Tôi nghe tên thầy giáo Lê Công Thuận, Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Dung – Tùng Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh đã lâu, nhưng gặp anh thì đây là lần đầu. Tình yêu nghề nghiệp và trái tim thương yêu, sẻ chia với đồng loại là điều đáng trân trọng ở anh.
Thầy giáo, hiệu trưởng Lê Công Thuận
Người của phong trào dạy và học
Lê Công Thuận còn khá trẻ, sinh 1972, năm 1993 sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm được phân công về Can Lộc và từ đó đến nay gắn bó với “sự nghiệp trồng người” ở quê hương. Từ năm 2014 đến nay anh được phân công về Trường THCS mang tên Đặng Dung một danh tướng thời hậu Trần, có công trong lịch sử dân tộc.
Điều đặc biệt của thầy giáo Lê Công Thuận là gần như anh luôn có mặt để gây dựng phong trào học tập nơi mình được đến.
“Trước khi em về Đặng Dung, trường xếp thứ 16 của khối trung học cơ sở của huyện Can Lộc nhưng nay nhiều mặt Nhà trường đã dẫn đầu”, Lê Công Thuận tâm sự.
Năm học 2018- 2019, Trường THCS Đặng Dung có 8 học sinh giỏi cấp tỉnh trong đó có 5 giải Nhất, 2 giải Nhì, 1 giải Ba cấp tỉnh, phong trào hoạt động giáo dục được Đảng bộ, nhân dân xã Tùng Lộc, Phòng GD&ĐT Can Lộc, Hà Tĩnh đánh giá cao.
Đối với Trường THCS Đặng Dung, với trách nhiệm người đứng đầu, ngoài công tác quản lý, giảng dạy Lê Công Thuận đã tích cực tham mưu với Đảng ủy, chính quyền địa phương, huy động nguồn lực xã hội hóa, xây dựng thành công trường đạt “Chuẩn quốc gia” sau 10 năm, giai đoạn 2016- 2020. Tổng số kinh phí anh huy động được hơn 6, 8 tỷ đồng. Bây giờ THCS Đặng Dung trở thành ngôi trường cảnh quan xanh – sạch – đẹp, là điểm đến tham quan, học hỏi, rút kinh nghiệm của nhiều trường trong tỉnh Hà Tĩnh.
Không chỉ thế, trước khi về Trung Lộc, Quang Lộc các trường này đều yếu, khi Lê Công Thuận đến với nơi công tác mới, các trường đều trở thành đơn vị tiên tiến cấp tỉnh. Dù cương vị là Tổ trưởng bộ môn từ những năm 1995 – 1996, phó hiệu trưởng hay hiệu trưởng như hiện nay Lê Công Thuận luôn là người khởi nguồn và trở thành động lực của phong trào dạy và học.
Ở thầy Lê Công Thuận lòng yêu nghề và tâm huyết với nghề của anh luôn có tác dụng truyền cảm hứng. Nó không chỉ bằng lời nói mà còn được khẳng định trong bảng thành tích đáng nể phục: Từ ngày đứng trên bục giảng, năm 1993 đến nay, có nhiều năm anh được công nhận giáo viên đạt Thủ khoa, giải Nhất trong các cuộc thi giáo viên giỏi toàn huyện Can Lộc và toàn tỉnh Hà Tĩnh…
Tính đến năm 2018, Lê Công Thuận đã có hàng chục đề tài sáng kiến khoa học đạt bậc 4, bậc 4 xuất sắc cấp tỉnh. Đặc biệt, năm học 2014 – 2015 Lê Công Thuận đạt giải Nhất tỉnh Hà Tĩnh trong cuộc thi “Giáo viên giỏi” tỉnh Hà Tĩnh môn toán bậc THCS và có sản phẩm sáng tạo KHKT đạt bậc 4/4 cấp huyện, dự thi toàn ngành Giáo dục Hà Tĩnh đạt giải và được trưng bày ở Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Tôi có hạnh phúc là luôn được cộng tác với những người thầy, người cô có ý thức xây dựng, ai cũng muốn góp sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng nhà trường, nơi mình đến công tác. Tôi chỉ là người góp phần mình trong đó thôi”, Lê Công Thuận nhẹ nhàng.
Để làm tốt hơn công tác giảng dạy, nêu gương trước tập thể và học sinh, Lê Công Thuận còn là tấm gương học hỏi vươn lên. Năm 2010, Lê Công Thuận trở thành thạc sĩ, bảo vệ thành công luận văn trước Hội đồng khoa học Đại học Vinh và là giáo viên trung học cao cấp của ngành Giáo dục Hà Tĩnh.
Video đang HOT
Khó liệt kê hết thành tích của thầy Lê Công Thuận cả về đào tạo học sinh giỏi, ứng xử sư phạm, sáng kiến, sáng tạo khoa học kỹ thuật; tham gia phong trào văn hóa – thể thao tại địa phương. Hiện nay, thầy giáo Lê Công Thuận là Hội viên Hội VHNT Hà Tĩnh chuyên ngành thơ, Q. Chi hội trưởng VHNT Huyện Can Lộc.
Thầy giáo Lê Công Thuận (thứ 3, trái sang) trong một lễ nhận phần thưởng của Sở GD-ĐT Hà Tĩnh
Nhen lên thương yêu
Thi thoảng trên trang facebook cá nhân, thấy Lê Công Thuận kêu gọi những tấm lòng nhân ái với các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở quê hương. Hóa ra, đã gần 15 năm nay Lê Công Thuận tốn không ít công sức cho những hoạt động hướng tới cộng đồng và nhân ái.
Lê Công Thuận tham gia công tác từ thiện nhân đạo gần 15 năm nay, chính xác bắt đầu từ năm 2004. Tôi nhớ mãi, năm 2018 thấy trên trang cá nhân Lê Công Thuận đưa tin trường hợp cháu Phan Đắc Lợi, con anh Phan Đức Thuận ở Đồng Lộc khi sinh ra không may bị suy tủy, với tình cảm của mình thầy kêu gọi những tấm lòng nhân ái giúp đỡ cháu. Đến nay, gia đình còn phải tiếp tục nhờ sự giúp đỡ, tuy nhiên bước đầu đã có nhiều khả quan.
Cơ nhiều trường hợp nhờ Lê Công Thuận kêu gọi đã giúp được thầy Nguyễn Đình Phúc ở thị Trấn Nghèn- Can Lộc có tiền chữa bệnh qua tai nạn trở lại với nghề sư phạm; hoặc cứu giúp gia cảnh hai chị em Từ Thị Dần ở Xuân Lộc- Can Lộc và gần đây như kêu gọi giúp đỡ cô giáo hợp đồng mầm non Bùi Thị Hương ở Thượng Lộc- Can Lộc – Hà Tĩnh bị tai nạn, gia cảnh khó khăn….cùng nhiều hoàn cảnh đặc biệt khác.
Từ năm 2011 đến 8/2013 Lê Công Thuận đã kêu gọi các nhà tài trợ, các “mạnh thường quân” trong và ngoài ngành Giáo dục tặng 25 máy tính bàn, hai máy chiếu, một máy phô tô, nhiều máy tính casio cầm tay, hàng vạn quyển vở, hàng vạn cây bút viết, cặp sách, áo quần trị giá hơn 516 triệu đồng, để tháo gỡ khó khăn cho nhà trường và các em học sinh nghèo ở xã Quang Lộc, đưa phong trào dạy học có ứng dụng công nghệ thông tin, phong trào học sinh giỏi, nhất là giải toán trên máy tính casio của THCS xã Quang Lộc lên hàng đầu của huyện Can Lộc.
Lê Công Thuận còn nhận đỡ đầu nhiều trường hợp thương binh nặng, học sinh nghèo; nhiều em được giúp đỡ của anh đã trở thành những tấm gương sáng ngời về vượt khó học giỏi xuất sắc như Trần Thị Diễm đạt giải nhất tỉnh Hà Tĩnh về học sinh giỏi giải toán trên máy tính casio năm học 2014 – 2015, em Ngô Đức Công học sinh giỏi tỉnh, và nhiều em khác…
Đặc biệt, từ tháng 9/2014 đến nay với sự kết nối tình cảm của bè bạn Lê Công Thuận đã quan tâm giúp đỡ nhiều học sinh nghèo học giỏi của trường THCS Đặng Dung nơi anh làm hiệu trưởng và nhiều gia đình đặc biệt khó khăn trên địa bàn các huyện Can Lộc, Hương Khê, Kỳ Anh của Hà Tĩnh.
Tính ra, số tiền, hiện vật mà Lê Công Thuận huy động được để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, tai nạn và học trò nghèo đã lên đến hàng tỷ đồng.
Thật may cho Lê Công Thuận, vợ anh, cô giáo Bùi Thị Hương luôn động viên, chia sẻ. Chị giúp chồng, bằng cách lên danh sách các trường hợp khó khăn mà chị biết, lo việc ở trường, nuôi dạy con để chồng có thời gian lo công việc xã hội mà anh đam mê. Hai cháu bé con vợ chồng anh đều học giỏi và ngoan ngoãn, vâng lời bố mẹ.
“Nói thật anh, em chưa bao giờ lạm dụng vào thời gian của một giáo chức, đi gặp gỡ mạnh thường quân, đi tặng quà chỉ đi ngoài giờ, thứ bảy, chủ nhật nên trăm thứ việc nhà đều trên tay vợ, không giúp đỡ cô ấy được việc gì”, Lê Công Thuận chân thành.
Không dừng lại ở việc tặng sách, tặng quà, trao xe đạp cho học sinh nghèo, động viên các cháu hiện nay thầy giáo Lê Công Thuận đang tập trung vận động các mạnh thường quân xây dựng 03 căn nhà tình nghĩa trên quê hương anh.
“Xuất phát từ trái tim yêu thương con người, em muốn góp phần giáo dục lòng nhân ái, trách nhiệm của con người với con người trước hết cho học trò của em. Từ đó mà lan tỏa tình yêu thương trong xã hội. Khi tham gia, em không còn suy nghĩ đến mình”, Lê Công Thuận đau đáu, đã và đang làm như vậy.
Ngô Đức Hành
Theo baophapluat
Sắp xếp các trường sư phạm mà không tính đến "cầu' là thua
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại buổi Tọa đàm báo cáo luận cứ khoa học và phương án sắp xếp lại các trường sư phạm.
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia: "Quy hoạch mạng lưới trường sư phạm ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030" của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Chủ nhiệm Chương trình Khoa học Giáo dục chủ trì Tọa đàm
Sắp xếp thế nào cho hợp lý để không gây "sốc"
GS.TS Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên - chủ nhiệm đề tài cho biết, hiện nay cả nước có 133 cơ sở đào tạo giáo viên; trong đó có 15 trường đại học sư phạm; 48 trường đại học đa ngành có đào tạo giáo viên; 30 trường cao đẳng sư phạm; 19 cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên và 2 trường trung cấp sư phạm. Các cơ sở đào tạo phân bố dài trải ở tất cả vùng, miền, địa phương trong cả nước.
Về mục tiêu của đề tài, GS.TS Phạm Hồng Quang chia sẻ, đề tài hướng đến việc hình thành mạng lưới các trường sư phạm với một số trường đại học sư phạm trọng điểm có đủ năng lực đào tạo đáp ứng nhu cầu giáo viên trong từng giai đoạn phát triển của đất nước; nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và thu hút nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư phát triển các trường sư phạm; hội nhập với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các vụ cục thuộc Bộ GD&ĐT đều nhấn mạnh sự cấp thiết phải sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên; đồng thời góp ý cho đề tài, đi sâu một số nội dung quan trọng như nguyên tắc sắp xếp mạng lưới, mô hình đào tạo, phân cấp quản lý nhà nước về đào tạo giáo viên, việc hình thành các trường đại học sư phạm trọng điểm, dự báo cung - cầu trong đào tạo giáo viên...
"Quá trình sắp xếp các trường sư phạm mà không tính đến "cầu" là thua" - Đây là khẳng định của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ngay trong phần gợi ý thảo luận của Tọa đàm. Theo Bộ trưởng, vấn đề sắp xếp các trường sư phạm không phải mới nhưng sắp xếp thế nào cho hợp lý để không gây "sốc" là việc phải tính toán, trong đó điếm xuất phát phải từ nhu cầu.
"Chúng ta phải tính xem, 5 năm, 10 năm nữa quy mô giáo dục sẽ ra sao, cần bao nhiêu giáo viên để đáp ứng quy mô giáo dục đó, sau đó mới quay trở lại bài toán sắp xếp trường sư phạm bằng những tiêu chí, tiêu chuẩn, nguyên tắc cụ thể. Đó là bài toán ngược từ cầu đến cung" - Bộ trưởng nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng về nguyên tắc bảo đảm "cầu", GS.TSKH Nguyễn Minh Đường, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội) cho rằng, hiện nay đang có tình trạng mất cân đối cung - cầu trong đào tạo giữa các bậc học, giữa các môn học, giữa các trình độ đào tạo, vì vậy, nếu không làm tốt việc dự báo sẽ khó thực hiện sắp xếp được hệ thống các trường sư phạm.
Cũng nhìn nhận đến điếm cuối cùng là nhu cầu giáo viên, GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc đánh giá, đề tài mới chỉ dừng ở việc giải quyết vấn đề trước mắt mà chưa bám vào đích cuối cùng. "Chúng ta phải nhìn được đến năm 2045 đội ngũ giáo viên sẽ như thế nào để hình dung hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên. Chúng ta không đuổi theo mãi thực tiễn mà phải dẫn dắt thực tiễn đến đích của chúng ta" - GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc nhấn mạnh.
Khó nhất là tiêu chí, tiêu chuẩn sắp xếp
Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. "Chúng ta có 113 cơ sở đào tạo giáo viên, việc rà soát, sắp xếp không thể cực đoan đi từ chỗ có rất nhiều cơ sở đến chỉ còn một vài cơ sở mà sắp xếp có định hướng, tạo ra một hệ thống quy củ, thiết thực và hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh nước ta và có tham khảo quốc tế" - Bộ trưởng cho hay.
Nói về nguyên tắc, GS.TSKH Nguyễn Minh Đường, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho rằng, việc sắp xếp mạng lưới phải đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên; hệ thống đó phải được phân bố hợp lý trong cả nước, vùng lãnh thổ, có quan tâm đến vùng sâu, vùng xa; phân loại, xếp hạng được các loại cơ sở đào tạo.
TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay, bản chất của đề tài này là tái cơ cấu hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên nhằm khắc phục thực trạng hiện nay là lãng phí, thiếu chất lượng và hiệu quả. Tuy nhiên, việc đưa ra mô hình tái cơ cấu trong đề tài còn rụt rè, cụ thể ở đây là xu hướng theo đa ngành.
"Trên thế giới hiện nay chỉ còn Việt Nam là đào tạo sư phạm chuyên ngành, vì vậy, xu hướng các trường sư phạm phải chuyển sang đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực; các trường nhỏ phải thành thành viên của hệ thống lớn" - TS Phạm Đỗ Nhật Tiến nêu quan điểm
Đồng tình với quan điểm của TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho rằng cần xem xét mô hình đào tạo giáo viên nên như thế nào; cùng với đó, giải quyết được phân cấp quản lý trong đào tạo giáo viên: bộ, ngành, địa phương quản lý đến đâu, các cơ sở đào tạo giáo viên quản lý đến đâu. "Đa ngành, đa lĩnh vực là xu thế thời đại, không thể khác được" - GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc nhấn mạnh.
Đề cập cụ thể vấn đề quản lý nhà nước trong nguyên tắc sắp xếp các cơ sở đào tạo sư phạm, GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP nêu quan điểm, ngành sư phạm phải được quản lý từ Trung ương và phải có kế hoạch chặt chẽ, không giống các ngành khác.
Bộ GD&ĐT là đơn vị sử dụng thì đương nhiên phải quản lý chặt chẽ xem có đáp ứng được đầu ra nhân lực mình sử dụng hay không. Đó là lý do cấp bách chúng ta phải kiện toàn lại hệ thống sư phạm.
Khẳng định đột phá trong giáo dục tới đây là từ đội ngũ giáo viên; sắp xếp mạng lưới các trường sư phạm, hình thành một số trường sư phạm tốt là "đột phá trong đột phá", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị nhóm nghiên cứu tập trung xác định rõ nhu cầu đào tạo giáo viên, nghiên cứu mô hình trường sư phạm dựa trên cấu trúc, quy mô, tiêu chí đảm bảo chất lượng, xây dựng tiêu chí phân loại, khảo sát thực trạng, từ đó đề xuất phương án sắp xếp sao cho khả thi và hiệu quả.
"Cần làm rõ mô hình một trường đại học sư phạm đa ngành, đa lĩnh vực là như thế nào; quy trình đào tạo một người thầy là như thế nào để trường sư phạm không phải là nơi đào tạo "thợ dạy" mà phải là trung tâm nghiên cứu về khoa học giáo dục; người thầy không phải "thợ dạy" mà phải là một nhà giáo dục, một nhà văn hóa" - Bộ trưởng nêu rõ.
Minh Thu
Theo Dân trí
Hà Tĩnh: Vượt tự ti, cô học trò trường làng giành giải Nhì kỳ thi HSG quốc gia Là thí sinh duy nhất của đội tuyển Hà Tĩnh dự kỳ thi học sinh giỏi (HSG) quốc gia năm 2019 không theo học tại trường chuyên, nhưng cô gái đến từ trường huyện vẫn giành một loạt thành tích đầy ấn tượng, là niềm tự hào của nhà trường, thầy cô. Về Trường THPT Đồng Lộc, hỏi thầy cô về em học...