Người thầy đam mê sáng tạo, truyền cảm hứng cho học trò
Lần 20 năm gắn bó với nghề dạy học, có 6 sáng kiến khoa học được áp dụng rộng rãi ở các cơ sở giáo dục tỉnh Nam Định, thầy Phạm Văn Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP Nam Định, tỉnh Nam Định, đã góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng khuyến khích tinh thần tự học của học sinh; đồng thời lan tỏa phong trào đổi mới, sáng tạo trong đội ngũ giáo viên…
Thầy giáo Phạm Văn Ninh. Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN
Thầy Phạm Văn Ninh chia sẻ, tháng 9/2003, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, chuyên ngành Cử nhân Toán, thầy về nhận công tác tại Trường Trung học Phổ thông Gia Viễn B (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Đến năm 2006, thầy Ninh chuyển công tác về Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Bính (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Sau một thời gian công tác, thầy được phân công làm Tổ trưởng Tổ Toán – Tin của trường.
Qua quá trình công tác, giảng dạy bộ môn Toán, nhận thấy cách dạy cũ không mang lại hiệu quả cao, thầy cô như một “phát ngôn viên” trình bày bài học, việc tương tác với học sinh có nhưng không liên tục làm cho việc lĩnh hội kiến thức trở nên thụ động, không phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học. Hơn nữa, giáo viên cũng khó nắm bắt học sinh của mình tiếp thu đến đâu. Vì vậy, ngoài thời gian lên lớp, thầy Ninh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu với tâm niệm tạo ra sự thay đổi về cách thức, phương pháp dạy và học.
Năm 2012, thầy Ninh cho ra đời sáng kiến kinh nghiệm đầu tiên là: Hướng dẫn học sinh tự học, tự tìm, tự sáng tạo một số chuyên đề Toán theo nhóm. Với sáng kiến này, thầy hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu, chia lớp ra từng nhóm và giao cho mỗi nhóm một nội dung cụ thể. Học sinh sẽ đọc và chuẩn bị nội dung nhóm được giao trước ở nhà và trình bày ý kiến, sự hiểu biết của mình trước lớp. Học sinh là người chủ động tìm hiểu bài học, giáo viên là người hướng dẫn, định hướng và giúp học sinh khái quát lại kiến thức.
Tiếp đến, vào năm 2015, nhận thấy đa số học sinh khó khăn trong tìm hiểu và làm các bài tập về vấn đề hàm ẩn, tích phân, nhất là trong việc làm bài thi, thầy Ninh đã nghiên cứu và cho ra đời sáng kiến: Đổi mới việc phân loại câu hỏi, ra đề, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học sinh phù hợp với kỳ thi Trung học Phổ thông và thi học sinh giỏi cấp tỉnh phần tích phân.
Thầy Ninh tâm niệm, nếu không sáng tạo, không liên tục đổi mới sẽ không kích thích được sự chủ động của học sinh. Bởi vậy, trong suốt quá trình giảng dạy thầy luôn chủ động tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nghiên cứu, tìm hiểu để áp dụng vào công việc của mình. Thầy cũng luôn lắng nghe chia sẻ, góp ý của đồng nghiệp, tâm tư, nguyện vọng của học sinh để hoàn thiện bản thân, đưa ra những ý tưởng mới, giải pháp mới trong dạy học và quản lý, quản trị trường học.
Video đang HOT
Năm 2018, thầy Ninh chuyển công tác về Trường Trung học Phổ thông Mỹ Lộc (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định). Tại đây, ngoài công tác giảng dạy, thầy đảm nhiệm thêm công tác quản lý, làm Phó Hiệu trưởng nhà trường. Trên cương vị mới, thầy Ninh vẫn hăng say tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra những sáng kiến kinh nghiệm hữu ích, ứng dụng hiệu quả trong các cơ sở giáo dục.
Từ năm 2018 đến 2022, thầy liên tục đưa ra những sáng kiến kinh nghiệm thiết thực, được ngành Giáo dục tỉnh Nam Định đánh giá cao như: Những giải pháp phát huy hiệu quả công tác kiểm tra nội bộ trường Trung học Phổ thông tỉnh Nam Định; Chuyển đổi số trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính trong trường phổ thông; Số hóa hồ sơ phục vụ công tác đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đẩy mạnh cải cách hành chính trong trường phổ thông; Chuyển đổi số trong quản lý, điều hành nhằm đổi mới sinh hoạt tổ – nhóm chuyên môn trong trường phổ thông.
Đây đều là những giải pháp áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, phục vụ công tác lưu trữ hồ sơ, giáo án, công tác kiểm tra ở các cơ sở giáo dục giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động tại các cơ sở giáo dục.
Thầy giáo Phạm Văn Ninh hướng dẫn học sinh làm bài tập. Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN
Thầy Ninh tâm sự, trong 6 sáng kiến kinh nghiệm, thầy dành thời gian nghiên cứu lâu nhất và tâm đắc nhất là giải pháp: Chuyển đổi số trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính trong trường phổ thông. Trước đây, công tác lưu trữ văn bản, tài liệu, quản lý hồ sơ cán bộ, giáo viên, học sinh, mất nhiều thời gian, công sức và kinh phí. Áp dụng chuyển đổi số trong quản lý giúp giảm tải công việc cho cán bộ, giáo viên, đồng thời đẩy nhanh hiệu suất công việc, giúp cán bộ, giáo viên và học sinh yên tâm làm việc, học tập.
Thầy Ninh là một trong số ít những giáo viên của tỉnh Nam Định được Tập đoàn đa quốc gia chuyên phát triển, sản xuất, kinh doanh bản quyền phần mềm Microsoft công nhận là giáo viên sáng tạo. Thầy đã sử dụng phần mềm Office 365 để ứng dụng trong quản lý, giảng dạy và học tập. Trường Trung học Phổ thông Mỹ Lộc là một trong những cơ sở giáo dục đầu tiên tại Nam Định tiên phong sử dụng các nền tảng, công cụ của Office 365 để quản lý hồ sơ, tổ chức sinh hoạt chuyên môn và thực hiện số hóa hồ sơ trên môi trường mạng.
Vào năm 2021 và đầu năm 2022 khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhà trường đã cấp tài khoản Office 365 cho 100% giáo viên và học sinh để dạy học trực tuyến, kiểm tra đánh giá online trên môi trường mạng giúp cho hoạt động của trường không bị gián đoán, đảm bảo nội dung chương trình năm học.
Từ kinh nghiệm của mình, thầy Ninh đã trực tiếp hướng dẫn một số trường Trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở trong tỉnh ứng dụng phần mềm Microsoff Office 365 vào quản lý chỉ đạo, điều hành như: Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Đức Thuận (huyện Vụ Bản); Trường Trung học Phổ thông Trần Văn Lan (huyện Mỹ Lộc); Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Công Trứ (thành phố Nam Định)… Thầy đã chia sẻ cách thức quản lý, sử dụng phần mềm Office 365 cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán cấp trung học cơ sở toàn tỉnh.
Với những sáng kiến kinh nghiệm của mình, thầy Phạm Văn Ninh đã đạt nhiều giải trong các Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh và ngành Giáo dục. Năm 2022, thầy Ninh được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.
Năm học 2022 – 2023, thầy Ninh được luân chuyển về làm Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Khuyến, thành phố Nam Định. Tại đây, thầy tiếp tục quá trình nghiên cứu với mong muốn tạo thêm nhiều sáng kiến, công trình khoa học giúp ích cho quá trình dạy học, quản lý trường học, nhất là là khơi dậy niềm đam mê, hứng thú học tập, nghiên cứu, sáng tạo cho học sinh.
Cô Lê Thị Phương Dung, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Khuyến nhận xét, thầy Phạm Văn Ninh là một nhà giáo có tâm huyết, tận tụy với nghề, yêu quý học trò. Thầy có khả năng sư phạm, chuyên môn giỏi, kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và giảng dạy mang lại hiệu quả cao, là tấm gương ham học hỏi, đam mê sáng tạo, không ngừng đổi mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tạo hứng thú học tập cho học sinh.
Thành công của người thầy
Lâm là cậu học trò tinh quái nhất lớp. Cậu chuyên bày ra các trò trêu trọc các bạn, thậm chí còn khiến nhiều cô giáo từng chủ nhiệm lớp Lâm bao phen vất vả.
Không biết bao nhiêu lần bố mẹ Lâm phải đến trường họp vì con trai vi phạm hết lần này đến lần khác. Thế nhưng, cậu cũng không có gì tiến bộ.
Tranh minh họa (Gia Linh)
Là con một trong gia đình khá giả nên Lâm được chiều chuộng từ bé. Khi Lâm bắt đầu lên cấp 2, bố mẹ cậu mở rộng kinh doanh nên không dành nhiều thời gian cho con. Từ đây, Lâm giao du với nhiều bạn bè xấu, bắt đầu nói dối, nghịch ngợm, gây chuyện cả ở nhà và ở trường. Năm nào, cậu cũng xếp trong top học sinh học kém nhất lớp.
Tuy nhiên, năm lớp 9, Lâm đã thay đổi hoàn toàn. Từ một cậu học sinh nghịch ngợm, học lực kém, Lâm phấn đấu trở thành học sinh giỏi, đỗ vào trường chuyên uy tín của TP. Tất cả là nhờ cô giáo chủ nhiệm của mình - một cô giáo mới ra trường nhưng giỏi giang, tâm lý và có sự nghiêm khắc rất "đặc biệt". Là giáo viên trẻ nên suy nghĩ của cô hiện đại, trẻ trung. Các tiết học của cô vì thế tràn đầy năng lượng, sự mới mẻ và hấp dẫn. Cô không bao giờ bỏ qua những vi phạm của học trò nhưng không phạt các em bằng cách chép phạt, lao động,... Nếu như không làm bài tập, các em sẽ phải về nhà nấu cơm cho bố mẹ. Nếu không thuộc bài, các em sẽ phải tự tay làm một món quà cho anh, em của mình. Nếu vi phạm lỗi khiến lớp bị trừ điểm thì các em sẽ làm một món quà nhỏ tặng các bạn có sinh nhật trong tháng,...Dường như cô giáo chưa bao giờ "bí" ý tưởng để "phạt" học sinh. Nhưng lạ thay, những điều đó lại giúp tình cảm gia đình, bạn bè của học trò trở nên khăng khít hơn.
Cô giáo đã gần gũi, chia sẻ với Lâm để hiểu được hoàn cảnh, tâm tư, tình cảm của cậu. Cô động viên Lâm: "Em may mắn hơn rất nhiều bạn là có một gia đình đủ đầy, bố mẹ yêu thương, tạo điều kiện cho em học tập, phát triển. Em hãy trân trọng và làm lại nhé. Cô sẽ đồng hành cùng em. Khó nhưng không gì là không thể". Khi ấy, một cậu học trò chưa từng hứa như Lâm đã nói: "Em hứa với cô em sẽ thay đổi".
Từ đó, cô giáo dành nhiều thời gian bồi dưỡng kiến thức thêm cho Lâm. Cùng với sự quyết tâm của mình, Lâm tiến bộ nhanh chóng, còn được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi Toán của trường. Ngày Lâm thông báo đã đỗ vào trường chuyên của thành phố, cả cô và trò đều bật khóc. Cuối cùng, họ đã biến điều không thể thành có thể.
Mãi đến tận bây giờ, Lâm mới kể cho cô giáo điều thôi thúc mình phải thay đổi. Một lần Lâm vô tình nghe được câu chuyện về hoàn cảnh của cô. Cô mồ côi bố từ bé, gia đình lại khó khăn, một mình mẹ bươn trải nuôi con. "Nghèo khó nhưng cô đã không ngừng cố gắng, sống một cách bản lĩnh, để rồi trở thành một cô giáo tốt của chúng em thì không có cớ gì em, một cậu học trò có mọi thứ đủ đầy lại trở nên thất bại", Lâm rưng rưng.
Câu chuyện của Lâm đã minh chứng rằng: Thành công nhất của người thầy không chỉ nằm ở việc truyền thụ kiến thức cho học trò để các em giỏi giang mà còn biết truyền cảm hứng để các em sống đẹp, trưởng thành hơn mỗi ngày.
Lan tỏa truyền thống Tôn sư trọng đạo tới học trò Thông qua các hoạt động Đội đa dạng, sinh động, các trường phổ thông luôn chú trọng công tác giáo dục truyền thống 'Tôn sư trọng đạo' cho học sinh. Ảnh minh họa. Giáo dục truyền thống "Tôn sư trọng đạo" Trước câu chuyện nữ sinh ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, có lời lẽ thô tục với thầy giáo trong...