Người thầy chấm bài dưới ánh đèn đường
Nhiều hôm trên đảo mất điện, thầy Quyết phải ôm tập bài ra chấm dưới ánh đèn đường.
Sau khi tốt nghiệp, thầy giáo Lê Xuân Quyết (sinh năm 1990) đã nhiều lần “gõ cửa” Sở GD&ĐT Khánh Hòa để xung phong ra dạy học ở Trường Sa, quyết tâm mang con chữ đến với những học sinh khó khăn.
Bật khóc vì được ra đảo dạy học
Sau gần 4 năm công tác, giờ đây thầy giáo trẻ của trường tiểu học Song Tử Tây đã được chọn là một trong những giáo viên tiêu biểu xuất sắc đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo năm 2016.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, chứng kiến nhiều bạn bè cùng trang lứa có hoàn cảnh giống mình phải nghỉ học cũng chỉ vì nhà nghèo, ngay từ bé Quyết đã mong muốn trở thành một người giáo viên để đem con chữ đến với những vùng đặc biệt khó khăn.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chúc mừng và biểu dương thầy Lê Xuân Quyết khi là một trong những giáo viên tiêu biểu xuất sắc năm 2016.
Để hiện thực hóa ước mơ của mình, thời còn học tại ĐH Sư phạm Nha Trang, thầy Quyết đã nhiều lần chủ động lên Sở GD&ĐT Khánh Hòa để hỏi về việc tuyển giáo viên tại Trường Sa.
Video đang HOT
Năm 2012, thời điểm chỉ mới tốt nghiệp ra trường, Quyết nộp đơn tình nguyện xung phong ra đảo cống hiến với một đoạn nội dung mà đến nay anh vẫn nhớ như in: “Tôi xin cống hiến tất cả sự nghiệp của mình cho Trường Sa”.
Thầy Quyết chia sẻ: “May mắn độ ấy có dịp tuyển và tôi được chọn. Thậm chí, tôi đã khóc khi nhận được quyết định ra đảo dạy học, dù khi đó chưa biết hoàn cảnh cụ thể trên đảo ra sao. Chỉ biết bản thân luôn nung nấu muốn đem con chữ tới những vùng khó khăn nhất”.
Sau vài tháng chờ đợi, cuối cùng, thầy Quyết cũng được lên tàu ra đảo Song Tử Tây nhận công tác. Ấn tượng đầu tiên của thầy Quyết là chuyến đi tới 14 ngày mới ra được điểm dạy với việc cảm nhận rất rõ những đợt sóng lớn đánh vào mạn thuyền.
“Lần đầu tiên lên tàu ra đảo, tôi say sóng vật vờ gần như không biết gì nhưng đến bây giờ thì đã quen. Khi đặt chân lên đảo, tôi không ngờ một ngôi trường lại thô sơ như vậy và càng thêm thương các em học trò nơi đây”, thầy Quyết nhớ lại kỷ niệm vui.
Trường học ở Trường Sa khi thầy Quyết mới ra thì hầu hết đơn sơ, thầy và trò chỉ được học tạm trên một lô cốt của bộ đội, phía trên lợp mái tôn rất nóng. Những giờ học đầu chiều, học sinh vừa học vừa lau mồ hôi trên mặt.
“Thầy trò học trong lớp mà mồ hôi đầm đìa đầu tóc vì nắng nóng và không có điện. Tôi cảm thấy xót thương vô cùng nhưng lúc đó cũng chỉ biết động viên các em đợi một chút nữa thôi khi trời bớt nắng chúng ta sẽ học.
Thế nhưng điều khiến tôi xúc động vo cùng là một em học sinh mới 4 tuổi động viên rằng chúng em vẫn học được. Nhưng nhìn bàn tay và gương mặt các em thì đang đầm đìa mồ hôi…”, thầy Quyết kể.
Chấm bài dưới ánh đèn đường
Những ngày đầu tiên ra đảo và cũng là lần đầu tiên xa nhà, như bao người khác, Quyết cũng không tránh khỏi sự bỡ ngỡ khi phải xa cha mẹ, anh chị em. Thậm chí, nhiều đêm anh vẫn bật khóc vì quá nhớ nhà.
“Bởi lúc đó bạn bè mỗi người một nơi, khi buồn thật sự mình không biết chia sẻ cùng ai”, thầy Quyết nói.
Tuy nhiên, những khó khăn về điều kiện sinh hoạt cũng như dạy học buộc anh thức tỉnh bản thân phải gắng vượt lên nỗi nhớ để tiếp tục theo đuổi được ước mơ mang con chữ đến nơi đây. Bởi cũng giống như ở các đảo khác, ở đây điện và nước ngọt cũng là của hiếm.
Anh Quyết chia sẻ: “Nhiều đêm đảo mất điện, tôi phải ôm cả tập vở học sinh ngồi chấm bài dưới cột đèn đường bởi cũng như nhiều thứ khác, điện ở đây rất hiếm.
Gặp hôm trời mưa thì phải thắp nến ngồi chấm bài. Việc trồng rau cũng rất khó khăn bởi nước khan hiếm. Nhiều khi đánh răng, rửa mặt xong, dư nửa cốc nước vẫn rót vào lại để tận dụng cho sinh hoạt những ngày tới”.
Ngoài dạy học ngày 2 buổi, hằng ngày anh Quyết còn bận rộn để lo trang trải cuộc sống như trồng rau, chăn nuôi, đánh bắt cá,…
Dù bận rộn thế nhưng anh luôn dành thời gian và có những sáng tạo để các học sinh của mình bớt thiệt thòi với các em ở đất liền.
“Dịp Trung thu, thường học sinh ở ngoài đảo không có điều kiện xem múa lân, tôi cùng với các giáo viên đã nghĩ ra tận dụng những sọt nhốt gia cầm rồi trang trí lên tạo thành đầu lân. Các thầy giáo và chiến sĩ trên đảo đã vào vai các nghệ sĩ múa lân và đó là một ngày vui với các học sinh, thầy cô và cả các chiến sĩ trên đảo”.
Với anh Quyết, món quà lớn nhất và đầy ý nghĩa là anh có những học trò dù rất ít nhưng rất ngoan, học giỏi và còn hát hay với làn da rám nắng mang đầy chất biển đảo nơi tuyến đầu của Tổ quốc.
Mới đây, năm 2015, ngành Giáo dục TP.HCM cũng đã xây tặng cho thầy và trò nơi đây một ngôi trường khang trang, sạch sẽ có đủ ánh sáng và quạt điện.
Chia sẻ với tôi, Quyết cho biết chưa bao giờ anh hối hận về quyết định tình nguyện ra đảo dạy học mà thay vào đó là một niềm tự hào lớn lao.
Nhìn lại chặng đường đã qua, thầy Quyết tự nhận mình là người may mắn khi sau gần 4 năm công tác tại đảo, điều anh có được là những vốn kiến thức, kinh nghiệm rất quý báu. Đặc biệt là kỹ năng dạy lớp ghép một đặc thù của vùng biển đảo.
“Càng dạy học ở đảo tôi lại càng thêm yêu đảo, yêu nghề và dạn dày kinh nghiệm hơn sau từng năm gắn bó. 4 năm là khoảng thời gian đủ để tôi nhận thức được rằng, là người giáo viên ở biển đảo xa xôi hay đâu cũng vậy thì đều phải luôn luôn học tập, luôn trau dồi kiến thức để tự làm mới mình.
Có như vậy thì mỗi người học sinh của mình như là những hành khách khi qua các chuyến đò có đủ những tri thức cần thiết nhất”, Quyết chia sẻ.
Điều anh mong mỏi nhất là thời gian tới, nhà nước sẽ xem xét, hỗ trợ đưa mạng Internet đến với hải đảo để các giáo viên như anh có thể cập nhật thông tin trong đất liền và tìm hiểu, nâng cao chất lượng các bài dạy.
Theo Thanh Hùng / Vietnamnet