Người mẹ giành giải nhất thi viết về nghề:Tôi suýt “bóp nát” đam mê của con
Tôi mong rằng các bậc làm cha làm mẹ hãy để cho con cái được sống với khát vọng của tuổi trẻ. Đừng giống như tôi suýt chút nữa đã “bóp nát” đam mê của con mình.
Đó là tâm sự của cô Nguyễn Thị Mỹ Phương ( Tiền Giang) giành giải nhất cuộc thi “Tôi chọn nghề” năm 2020 kể về quyết định khi con trai bỏ học đại học để học nghề bếp.
Chiều ngày (22/1) tại TPHCM, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) đã tổ chức trao giải cuộc thi Viết “Tôi chọn nghề” lần 2. Cuộc thi này do Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp và báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức.
6 cá nhân đạt giải cuộc thi “Tôi chọn nghề” năm 2020
Theo ban tổ chức, trong 8 tháng diễn ra mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, cuộc thi đã nhận được hơn 300 bài dự thi của các tác giả trên mọi miền đất nước gửi về. Đáng chú ý, đối tượng tham gia gửi bài dự thi khá đa dạng. Bên cạnh phần nhiều là học sinh tự kể câu chuyện chọn nghề của mình còn có nhiều bậc phụ huynh kể đã để con em mình chọn nghề như thế nào….
Theo đánh giá của Ban giám khảo, các bài thi đã bám sát yêu cầu, chủ đề của cuộc thi. Một số câu chuyện thật đã thu hút người đọc và giàu cảm xúc. Đặc biệt, câu chuyện chân thật của tác giả Nguyễn Mỹ Phương, giáo viên trường tiểu học ở Tiền Giang mang tên “Cú bẻ lái ngoạn mục” đã giành giải nhất với phần thưởng 30 triệu đồng.
Bài thi là những chia sẻ giàu cảm xúc của một người mẹ từng suy sụp khi con từ bỏ con đường vào ĐH y để đi học nghề bếp đến khi thấu hiểu và ủng hộ lựa chọn của con mình.
Cô Nguyễn Mỹ Phương, giáo viên trường tiểu học ở Tiền Giang tác giả đạt giải nhất chia sẻ khi nhận giải
Video đang HOT
Như nhiều bậc cha mẹ, cô Mỹ Phương luôn kỳ vọng con trai Nguyễn Phương Toàn của mình bước vào trường đại học. Đứa con trai của cô vốn là học sinh trường chuyên luôn đạt kết quả học tập cao nên cô luôn mong con mình theo đuổi vào đại học y. Thế nhưng khi con tâm sự ” Mẹ ơi! Con không học đại học. Mẹ cho con chọn nghề bếp mẹ nhé!” cô đã cảm thấy cả bầu trời như sụp đổ dưới chân mình.
Vượt qua sự thúc ép của người mẹ, Toàn bắt đầu cuộc sống tự lập để nuôi dưỡng ước mơ trở thành đầu bếp. Toàn đã nỗ lực đạt giải cao trong các cuộc thi tay nghề trẻ cấp thành phố, cấp quốc gia và tiến xa hơn là cuộc thi Tay nghề trẻ Đông Nam Á năm 2018. Dù chưa giành huy chương tại Asean skills 2018 nhưng Toàn có nhiều cơ hội việc làm tốt sau khi tốt nghiệp.
Sắp tới đây Toàn được vào làm việc một trong những du thuyền lớn nhất của Mỹ với mức lương khá cao. Chứng kiến sự nỗ lực của con mình, cô Mỹ Phương luôn hối hận vì đã không ủng hộ con trai mình từ sớm.
TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chụp ảnh cùng mẹ con cô Mỹ Phương
Phát biểu khi nhận giải, cô Mỹ Phương chia sẻ: “Tôi hy vọng xã hội, các bậc phụ huynh có cái nhìn thay đổi về trường nghề. Nhờ có trường nghề mà xã hội có những những người thợ giỏi góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nước nhà. Tôi mong rằng các bậc làm cha làm mẹ hãy để cho con cái được sống với khát vọng của tuổi trẻ. Đừng giống như tôi suýt chút nữa đã “bóp nát” đam mê của con mình. Hơn tất cả thông điệp tôi muốn gửi đến các bạn trẻ đó là: “Học giỏi chưa chắc thành công nhưng chọn đúng nghề và giỏi với nghề chắc chắn thành công”.
Ngoài giải nhất được trao cho cô Mỹ Phương, ban tổ chức cũng đã trao giải nhì cho tác giả Đoàn Thị Ngọc Anh với tác phẩm “Nghị lực nơi đất khách”; giải 3 trao cho Lê Thái Anh Thư với tác phẩm “Không phải đại học mới giúp ta thành công”.
Bên cạnh đó, 3 tác giả cùng đạt giải khuyến khích gồm Tạ Ngọc Diệp với tác phẩm “Đậu đại học vẫn chọn trường nghề”, Lê Đăng Tú với tác phẩm “Hãy cứ khát khao”, Đặng Đông Hải Duy với tác phẩm “Tôi đã sai lầm”.
Dịp này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng trao tặng giấy khen cho 8 tập thể đã tích cục hưởng ứng tham gia cuộc thi.
Học nghề ở tuổi 33
'Tôi từng là cô gái nhiều hoài bão nhưng lại giậm chân tại chỗ trong một thời gian khá dài. Giờ đây, tôi như bừng tỉnh với lựa chọn học nghề'.
Yến Nhi đang thực hành tại một spa - Ảnh: THANH TÒNG
Tôi lớn lên trong gia đình khó khăn nên từ khi học phổ thông tôi đã không thể kiên nhẫn nhìn cha mẹ vất vả để lo cho sáu chị em tôi mà tôi ung dung được. Vì vậy tôi quyết định vừa đi học chữ vừa học thêm cái nghề.
Sớm vào nghề
May mắn, tôi được người cô là bạn của mẹ thương nhận vào học nghề tóc mà không lấy một khoản phí nào.
Khi tôi bắt đầu, mọi thứ mới mẻ hoàn toàn, tôi như người ngoài hành tinh mới xuống, nghĩ mình không thể làm được gì. Nhưng sau khoảng thời gian ngắn được cô rèn luyện dạy dỗ, tôi chợt nhận ra mỗi ngày trong công việc được làm cho người khác đẹp hơn là một đam mê trong tôi.
Tôi vẫn tiếp tục vừa học phổ thông, vừa học nghề một cách nghiêm túc. Sau thời gian đó, mọi thứ với tôi như một định mệnh, tôi nhận ra mình yêu các lĩnh vực làm đẹp đến lạ.
Vì thế sau khi học xong phổ thông, tôi quyết định sẽ theo đuổi con đường này. Tôi được nhận vào làm trong một tiệm làm tóc chuyên nghiệp, có tiếng tại TP Biên Hòa (Đồng Nai). Ở thời điểm ấy, tuy mức lương khá ít ỏi nhưng lại mang đến cho tôi sự thỏa mãn với đam mê của mình.
Khi tôi quyết định lấy chồng ở tuổi 22, được chồng và gia đình chồng yêu thương, nâng đỡ nên sau khi lập gia đình, tôi tiếp tục được theo đuổi niềm đam mê. Tôi đã tưởng tượng ra một bức tranh tuyệt đẹp khi nghĩ tới tương lai sẽ là bà chủ một salon với các dịch vụ làm đẹp từ đầu đến chân cho các thượng khách.
Sau khi học xong, tôi đã tự tin làm chủ một "beauty salon" nho nhỏ với các dịch vụ làm đẹp cho mọi người. Nhưng mọi đam mê lại phải gác sang một bên sau khi tôi sinh em bé. Vì không đủ sức khỏe để lo chu toàn mọi việc nên tôi đành ngậm ngùi lui về sau chăm sóc gia đình và sát cánh bên cạnh chồng con.
Trở lại giấc mơ ban đầu
Sau một khoảng thời gian khá dài, niềm đam mê ấy vẫn chẳng tắt, nó vẫn nhen nhóm, âm ỉ trong tôi. Giờ đây, sau 11 năm lập gia đình, tôi đã và đang bận rộn với bốn thiên thần nhỏ. Nhưng cứ nghĩ tới thời gian dài đó, tôi cảm thấy mình như một gánh nặng đối với chồng. Tôi cảm thấy mình cần làm gì đó, ngay bây giờ.
Với khao khát được mang đến cái đẹp và sự tự tin cho tất cả mọi người, tôi quyết định chọn spa. Cảm giác được giải quyết muôn vàn vấn đề về sức khỏe, sắc đẹp cho mọi người, đặc biệt cho phái đẹp, là động lực lớn thôi thúc tôi hành động.
Tôi lang thang lên thành phố tìm cho mình địa chỉ uy tín để chọn học. Nhưng khi được tư vấn quá nhiều, hứa hẹn đủ kiểu tôi lại chán nản ra về. Tôi chẳng biết phải hỏi ai. Sau thời gian tìm kiếm, tôi chọn học nghề tại một trường chuyên đào tạo làm đẹp.
Tôi quyết định nói với chồng về ước mơ màu hồng của mình, vừa nghe anh đã gạt phăng với đủ mọi lý do hết sức thuyết phục. Nhưng với đam mê của mình thì tôi có phần hơi bất chấp. Biết anh sẽ buồn nhưng tôi nghĩ đây chính là lúc tôi cần thực hiện đam mê của mình, cũng là gánh đỡ một phần vất vả cho anh. Vậy nên, tôi đã đứng lên và âm thầm đăng ký...
Vì con đường từ nhà đến trường khá xa (24km) nên tôi phải sắp xếp thời gian thật ổn thỏa để không ảnh hưởng tới giờ học. Tôi phải cố gắng chu toàn mọi việc, có vất vả cũng không được than trách vì đó là lựa chọn của tôi. Tôi tự dặn lòng phải cố gắng, quyết tâm, không cho phép mình gục ngã trên con đường theo đuổi ước mơ.
Giờ đây, tôi sắp tốt nghiệp và chuẩn bị được hiện thực hóa đam mê của mình. Cảm ơn các thầy cô, với sự chuyên nghiệp trong kinh nghiệm, tác phong, nghiêm túc trong suốt quá trình học đã hỗ trợ tôi trong mọi vấn đề. Tôi thật sự tự tin với những gì được học tại đây.
Không bao giờ là trễ
Với tôi, theo đuổi đam mê lúc này không còn sớm nhưng chẳng có gì là trễ với cái gọi là "đam mê". Chỉ cần bạn thật sự nghiêm túc với việc bạn đang làm và muốn làm, cả vũ trụ sẽ giúp bạn thành công!
Đừng biến chọn nghề thành "canh bạc may rủi" Chọn đúng nghề cho tương lai luôn được nhiều bạn trẻ quan tâm. Bởi, nghề nghiệp là một phần quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Không ít người phải "nhảy việc" nhiều năm mới tìm được "chốn dừng chân". TS Nguyễn Thành Nhựt - Kỹ sư cao cấp, đang sinh sống và làm việc tại Copenhagen, Đan Mạch. Vậy làm thế...