Người lớn được thoải mái đi chơi, đi du lịch, tại sao chậm cho trẻ đến trường?
Có một sự bất hợp lý khi mà trong và sau Tết Nguyên đán, người lớn đi chơi, đi ăn, đi du lịch, đi làm thoải mái. Nhưng trẻ nhỏ lại chưa được đến trường.
Từ ngày 8/2, Hà Nội cho phép học sinh từ lớp 7 đến 12 trở lại trường học. Đối với trẻ em mầm non và tiểu học tại 18 huyện, thị xã ngoại tỉnh, thời gian ấn định là ngày 14/2. Trong khi đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang đề xuất cho học sinh tiểu học ở nội thành trở lại trường vào ngày 21/2.
Các chuyên gia nhận định lộ trình mở cửa trường học của Hà Nội đang “quá thận trọng”. Trong Chỉ thị 01 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, Thủ tướng yêu cầu quyết liệt mở cửa cơ sở giáo dục để học sinh, sinh viên đi học trực tiếp, chậm nhất là 14/2.
Học sinh trường THPT Việt Đức đến trường sáng 8/2 (Ảnh: Phương Thảo)
Đã đến lúc trẻ cần đến trường
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại trường học với các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, sẽ thấp hơn so với trong gia đình hay ngoài cộng đồng. Trên thực tế, thời gian qua, có sự lây nhiễm Covid-19 cho trẻ em qua yếu tố gia đình.
Theo ông, việc cho trẻ đến trường thời điểm này là rất cần thiết, sau thời gian nghỉ chống dịch quá dài. Không đến trường, trẻ không được tương tác với thầy cô và bạn bè, sẽ gây ra nhiều khiếm khuyết về tinh thần và thể chất. Ví dụ, trẻ có thể mắc bệnh trầm cảm, hoặc những bệnh không lây nhiễm, nghiện trò chơi điện tử, tiềm ẩn rủi ro lớn.
“Do đó cần cho trẻ đi học trực tiếp vì sự phát triển thể chất, tâm lý, trí tuệ của trẻ”, ông Phu nói hệ luỵ việc trẻ không được đến trường lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ trẻ mắc Covid-19. Các nghiên cứu đã chứng minh, trẻ em khi mắc Covid-19 thường có triệu chứng rất nhẹ hoặc không triệu chứng. Và khi Việt Nam xác định mở cửa an toàn, linh hoạt, thích ứng với đại dịch thì việc đưa học sinh trở lại trường là hợp lý, thay đổi từ “cấm đoán” bằng quản lý rủi ro.
Để đảm bảo an toàn khi trẻ trở lại trường học, điều đầu tiên, theo ông Phu, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19, từ người lớn trong nhà, tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi, đến các nhân viên trường học và trẻ nhỏ. Đối với những trẻ chưa tiêm và không tiêm vaccine, cũng nên đến trường và sẽ được kiểm soát bằng nhiều biện pháp an toàn khác.
Ngoài ra, Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo, nhà trường phối hợp với phụ huynh thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch đã được quy định. Học sinh cần đeo khẩu trang, được sàng lọc kỹ khi đến trường.
Nếu học sinh xuất hiện triệu chứng ho, sốt, khó thở hoặc gia đình có thành viên là F0 thì học sinh tạm dừng đến trường, truy vết học sinh trong lớp, thay vì đóng cửa cả trường học. Còn những em thuộc diện nghi ngờ, sẽ được xét nghiệm trước khi tới lớp. Xét nghiệm chỉ là “lát cắt” cho biết tại thời điểm đó học sinh có bị nhiễm SARS-CoV-2, còn nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh thì lại bị nhiễm sau đó.
Video đang HOT
“Việc phối hợp giữa phụ huynh, nhà trường và cơ quan y tế để cùng theo dõi sức khỏe của học sinh đóng vai trò rất quan trọng. Học sinh trở lại trường sau ngày nghỉ Tết, nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn bởi các em di chuyển nhiều nơi”, ông Phu cho biết.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng nhấn mạnh, cơ quan chức năng phải đánh giá, điều tra dịch tễ, xét nghiệm, rồi xác định F1, F0 một cách hợp lý. Nếu trẻ không tiếp xúc với nhau thì không phải là F1, từ đó truy vết hẹp nhất, không thể bắt cả lớp hoặc cả trường nghỉ học. Hoặc trong một gia đình xuất hiện F0, nếu đánh giá không có sự lây nhiễm thì cho trẻ đi học trở lại.
Ông Phu khuyến cáo “nguy cơ đến đâu, đáp ứng đến đó”, tránh việc đáp ứng không tới thì cũng không phòng chống được dịch. Nhưng đánh giá nguy cơ thái quá dẫn tới đáp ứng một cách thái quá, khiến học sinh phải nghỉ học dẫn đến việc học bị gián đoạn.
Ngoài ra, theo chuyên gia, việc xét nghiệm cũng phải thực hiện đúng theo dịch tễ, tránh xét nghiệm tràn lan và không cần thiết, vừa không hiệu quả, vừa tốn kém cho nhà trường và tốn kém cho phụ huynh.
“Chúng ta chỉ xét nghiệm khi trẻ có triệu chứng và yếu tố dịch tễ nghi ngờ”, ông Phu nói và cho hay, cũng cần có những hướng dẫn cách ly tại nhà cho trẻ, nhất là đối với trẻ chưa tự cách ly một mình được.
Đồng thời, phụ huynh có kế hoạch phát hiện những trẻ bị bệnh sau khi ở nhà nhiều ngày như trầm cảm, các bệnh về sức khỏe thể chất tinh thần, từ đó phối hợp với nhà trường gia đình và cơ quan y tế để can thiệp kịp thời.
Sau cùng, ông Phu cho rằng, chính quyền địa phương cần chuẩn bị các cơ sở điều trị dành cho trẻ mắc Covid-19 chuyển biến nặng.
Theo ông Phu, dù số ca tại các địa phương vẫn không ngừng tăng, nhưng phụ huynh không nên quá lo ngại. “Chúng ta cần tuyên truyền tới các bậc phụ huynh để họ không lo lắng quá khi cho trẻ đến trường. Và khi con mình bị nhiễm Covid-19 thì cần bình tĩnh, phối hợp với nhà trường. Chúng ta cần tập trung giải quyết những hiện tượng lo lắng quá, sợ quá không cho trẻ em đến trường”, ông Phu nói.
Người lớn đi du lịch, tụ tập, tại sao chậm cho trẻ đến trường?
Dưới góc độ chuyên môn, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) nhận định, không chắc đi học số trẻ nhiễm sẽ cao hơn trẻ ở nhà khi xã hội hoà nhập.
Theo bác sĩ Khanh, quan trọng hơn, nhà trường và phụ huynh cần phối hợp để ứng xử đúng đắn, xây dựng kế hoạch và kịch bản khi xuất hiện một ca dương tính. Chẳng hạn “Nếu trong nhà có F0, phụ huynh cần làm gì?”, “Trường học xuất hiện ca nghi ngờ, giáo viên cần làm gì?”.
Bác sĩ Khanh đề xuất học sinh đến trường học tập, sinh hoạt và chơi theo nhóm 5 em. Khi về nhà, phụ huynh cần hạn chế cho con em đi chơi hay tụ tập chỗ đông người.
“Chúng ta giám sát, chia học sinh theo nhóm, thì nếu nghi ngờ xuất hiện F0, sẽ xử lý trên quy mô nhóm nhỏ đó, không cần thiết phong toả toàn trường. Một em nghi ngờ, chúng ta chỉ làm thêm xét nghiệm thêm 3-4 em còn lại”, bác sĩ Khanh nói.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM)
Vị chuyên gia nhấn mạnh, chúng ta cần hạn chế lây nhiễm, không thể chờ đến khi cả nước hay một thành phố hết dịch, mới cho học sinh đến trường. Trên thực tế, dù đã tiêm chủng đầy đủ, người dân vẫn sẽ mắc Covid-19.
Theo bác sĩ Khanh, trong và sau Tết Nguyên đán, người lớn đi chơi, đi ăn, đi du lịch, đi làm thoải mái. Trẻ nhỏ cũng được đi chơi, đi ăn, đi du lịch thoải mái, nhưng đi học lại… lăn tăn. Theo ông, đây là một sự bất hợp lý.
“Trẻ ở nhà, mà đi chơi lung tung, thì nguy cơ lây nhiễm cao hơn ở trường mà được giám sát an toàn”, ông nói và một lần nữa nhấn mạnh, trẻ em cần được đến trường, không thể nghỉ mãi. “Không thể đợi khi tất cả mọi người không bị bệnh, thì mới cho trẻ đi học. Vậy thì đợi đến khi nào…?”.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo, trường học nếu được kiểm soát tốt, giáo viên và nhà trường chịu “cực” hơn một chút để chăm học sinh, thì sẽ an toàn hơn khi trẻ ở nhà và đi chơi khắp nơi.
Quảng Ninh: Từ ngày 14/2, học sinh các cấp, trẻ mầm non trở lại trường
Theo Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Quảng Ninh, từ mùng 7 Tết Nguyên đán, các cán bộ, giáo viên của cơ sở giáo dục đi làm trở lại; tiến hành vệ sinh, lau dọn bàn ghế, lớp học, cơ sở vật chất....
Dọn vệ sinh chuẩn bị đón học sinh mầm non trở lại trường. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)
Sáng 9/2, bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh thông tin học sinh các cấp và trẻ mầm non trong toàn tỉnh sẽ trở lại trường học từ ngày 14/2.
Các đơn vị, trường học đang dọn dẹp, vệ sinh, đảm bảo cơ sở hạ tầng để đón các em trở lại trường.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy từ ngày mùng 7 Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các cán bộ, giáo viên của các cơ sở giáo dục đã đi làm trở lại; đồng thời tiến hành vệ sinh, lau dọn bàn ghế, lớp học, cơ sở vật chất để đón học sinh trở lại trường.
Sở cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai tổ chức dạy học trực tiếp, có kiểm soát, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho trẻ mầm non, học sinh, học viên trên địa bàn; củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, có phương án dạy học trực tuyến một cách hiệu quả cho những học sinh, học viên là F0, F1..
Đến nay, phần lớn các trường học đã huy động các thầy, cô giáo đến trường để tổng vệ sinh, dọn dẹp lớp học, chuẩn bị đón học sinh tới trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đồng thời, các trường cũng chuẩn bị chu đáo các phương án phòng, chống dịch COVID-19, các vật dụng như khẩu trang, nước rửa tay, máy đo thân nhiệt...
Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Hòn Gai (Hạ Long) cho biết nhà trường hiện có trên 1.900 học sinh. Trước khi nghỉ Tết toàn trường đã tiến hành dọn vệ sinh sạch sẽ, khóa cửa các phòng, lớp học, do vậy khi học sinh trở lại trường chỉ tiến hành trực nhật là học tập bình thường.
Hiện nhà trường đang tiến hành thông báo đến các phụ huynh, học sinh khai báo lịch trình di chuyển trong thời gian nghỉ Tết; học sinh sẽ test nhanh COVID-19 trước khi đến trường 1 ngày để báo cáo cho giáo viên chủ nhiệm nắm bắt. Nếu phát hiện có F0, người tiếp xúc gần với F0 sẽ thực hiện các biện pháp y tế theo quy định.
Tại thành phố Cẩm Phả, trên tinh thần sớm đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp, địa phương đang tích cực rà soát số học sinh trên địa bàn dương tính với SASR-CoV-2 hay tiếp xúc với F0 để có phương án học trực tuyến đối với nhóm này, không để các em bị nhỡ nhịp, chậm chương trình học.
Ông Đinh Mạnh Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cẩm Phả thông tin qua nắm bắt tình hình, cơ bản các phụ huynh, học sinh mong muốn được sớm trở lại trường học trực tiếp, đồng thời cũng mong muốn các cơ quan quản lý, nhà trường có phương án phòng, chống dịch phù hợp, an toàn để yên tâm khi các con tới trường.
Chị Hoàng Hải Yến, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Hồng Hải (Hạ Long) cho biết việc học tập trực tiếp giúp các con có tinh thần học tập hăng say, hiệu quả hơn, được gặp gỡ bạn bè, thầy cô, trao đổi bài vở cũng thuận tiện. Do đó, chị rất mong các con sớm được trở lại trường, đồng thời hy vọng các con dưới 12 tuổi cũng sớm được tiêm để phụ huynh, học sinh yên tâm trước tình hình dịch bệnh hiện nay. Theo chị Yến, đối với trẻ chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 có nhiều nguy cơ nhiễm hơn khi tiếp xúc.
Theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, trong tuần học đầu tiên sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, các cơ sở giáo dục sẽ tăng tỷ lệ tầm soát COVID-19, khuyến khích cha mẹ học sinh thực hiện test nhanh cho con em mình tối thiểu 2 lần/tuần để phòng bệnh từ xa, từ sớm; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, tuyệt đối không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trong trường học./.
Tái thiết giáo dục sau dịch bệnh Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức 6 đoàn kiểm tra do bộ trưởng, các thứ trưởng làm trưởng đoàn khảo sát thực tế tình hình mở cửa trường học tại các địa phương, từ ngày 9-2 Gần 100% học sinh THCS của 57 tỉnh, thành; 100% học sinh THPT của 63 tỉnh, thành trên cả nước đã chính thức trở...