Người Hồng Kông đòi quyền tự quyết
Ngày 1.1, hàng chục ngàn người xuống đường tại Hồng Kông để đòi được bảo đảm quyền tự chọn lãnh đạo.
Một phần đoàn người tuần hành hôm qua tại Hồng Kông – Ảnh: Reuters
AFP dẫn lời các nhà tổ chức cho hay hơn 30.000 người tham gia tuần hành từ công viên Victoria kéo đến Trung Hoàn, trung tâm tài chính và hành chính của đặc khu, còn con số của phía cảnh sát đưa ra là 11.000 người. An ninh được thắt chặt tại các khu vực trọng yếu và đã không xảy ra vụ xô xát hay bạo lực nào.
Video đang HOT
Mục đích của cuộc xuống đường là nhằm kêu gọi chính quyền Hồng Kông và chính quyền trung ương ở Bắc Kinh bảo đảm dân chủ, cụ thể là trong vấn đề để người dân tự bầu đặc khu trưởng.
Theo thể chế hiện nay, người đứng đầu Hồng Kông được chọn bởi một ủy ban gồm 1.200 thành viên, nhưng nhiều người dân cáo buộc phần lớn ủy ban này đều thân trung ương, dẫn đến việc Hồng Kông chịu ảnh hưởng quá lớn từ Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc đã cam kết người Hồng Kông sẽ được tự bầu lãnh đạo vào năm 2017 nhưng những người tham gia tuần hành hôm qua lo ngại rằng vào thời điểm đó, Bắc Kinh sẽ tìm cách kiểm soát danh sách các ứng viên tranh cử. Nhiều chuyên gia và một bộ phận dư luận đặc biệt chỉ trích ý kiến đăng trên các tờ báo ủng hộ đại lục cho rằng cần có một cuộc sàng lọc ứng viên trước khi tổ chức bỏ phiếu rộng rãi.
Hôm qua, đoàn người cầm theo các biểu ngữ ghi những dòng chữ như “Dân chủ thực sự” đồng thời lớn tiếng phản đối Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh. Uy tín của ông Lương hiện nay đang xuống thấp do nhiều vụ tai tiếng cũng như các cáo buộc nói ông quá “thần phục” trung ương. Hồi tháng 12.2013, Đại học Hồng Kông công bố kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 42% người được hỏi ủng hộ nhà lãnh đạo này.
Có mặt trong cuộc tuần hành ngày 1.1, cựu nghị sĩ Trần Phương An Sinh, một chính khách cực kỳ uy tín ở Hồng Kông, tuyên bố với Reuters: “Chúng tôi muốn người dân Hồng Kông có được lựa chọn thật sự đối với các vị trí lãnh đạo đặc khu”. Một số tổ chức còn đe dọa sẽ tiến hành chiếm cứ và phong tỏa Trung Hoàn trong mùa hè năm nay nếu không nhận được cam kết về một cuộc bầu cử rộng rãi, dân chủ và công bằng.
Từ khi được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, Hồng Kông tương đối độc lập về chính trị, tài chính và luật pháp nhưng một bộ phận người dân không hài lòng về sự hiện diện ngày càng sâu rộng của đại lục. AFP dẫn kết quả một cuộc khảo sát khác của Đại học Hồng Kông cho thấy “tiến bộ về chính trị” đứng thứ hai sau giá nhà tăng cao trong danh sách các vấn đề mà người dân đặc khu cho rằng chính quyền cần quan tâm giải quyết trong năm 2014. Cuộc biểu tình hôm qua xảy ra vài ngày sau vụ một nhóm người ở đặc khu xông vào một doanh trại quân đội và đòi đuổi binh sĩ đại lục, theo Nhân Dân nhật báo.
Theo TNO
Tàu sân bay Trung Quốc hoàn tất diễn tập tại biển Đông
Tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc ngày 1.1 đã quay về cảng Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông, sau khi trải qua 37 ngày diễn tập tại biển Đông.
Chiếc khinh khí cầu rơi gần quần đảo tranh chấp ngày 1.1 - Ảnh: AFP
"Tàu sân bay đã trải qua cuộc thử nghiệm toàn diện hệ thống chiến đấu, và triển khai tập trận theo đội hình tác chiến tàu sân bay", Tân Hoa xã dẫn nguồn tin từ hải quân cho biết. Các mục tiêu diễn tập đã được hoàn tất theo kế hoạch, bao gồm thử nghiệm khả năng xông pha biển khơi của tàu sân bay, cũng như tiến hành đo đạc tốc độ di chuyển của nhóm tác chiến tàu sân bay trong điều kiện di chuyển xa bờ.
Trong một diễn biến khác, tuần duyên Nhật Bản đã cứu thoát một công dân Trung Quốc gặp nạn khi nỗ lực hạ khinh khí cầu xuống một hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa hai nước. Theo Reuters, đầu bếp Hứa Suất Quân, 35 tuổi, trú tại thành phố Đường Sơn thuộc tỉnh Hà Bắc, đã phát tín hiệu cấp cứu sau khi khinh khí cầu do anh này điều khiển rơi vào vùng nhiễu loạn không khí và buộc phải hạ xuống vùng biển cách điểm đáp dự kiến khoảng 21 km.
Sau khi nhận thông báo khẩn cấp từ tuần duyên Đài Loan, phía Nhật Bản đã gửi tàu đến cứu và quyết định không truy cứu hình sự đối với người này. Thay vào đó, tuần duyên Nhật Bản lập tức giao người cho tàu Trung Quốc đang ở trong khu vực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương hôm qua xác nhận ông Hứa đã được giao trả, song không nhắc đến vai trò của Nhật Bản trong vụ giải cứu.
Tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư lâu nay là vấn đề gây căng thẳng quan hệ Trung - Nhật. Nhiều người từ Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông thỉnh thoảng tổ chức đi thuyền ra đây để đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền.
Theo TNO
2014 trong mắt giới thần bí Dưới góc độ bói toán, 2014 là năm ưa thích của những người đam mê mạo hiểm, không thiếu những cơ hội có thể hứa hẹn thành công nếu biết nắm bắt. Năm Giáp Ngọ đại diện cho cơ hội và thách thức - Ảnh: Huffington Post Đến hẹn lại lên, dân phương Tây lẫn phương Đông gõ cửa những thầy bà bói...