Người hạ bệ hai tướng tham nhũng Trung Quốc
Thượng tướng Lưu Nguyên (Chính ủy Tổng cục Hậu cần quân đội Trung Quốc, con của cố Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ) là người đã phanh phui những cáo buộc tham nhũng đối với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu và Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Cốc Tuấn Sơn.
Tướng Lưu Nguyên
Tướng Lưu Nguyên, 62 tuổi, được xem là ứng cử viên sáng giá cho chức vụ Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương thay Từ Tài Hậu vừa bị khai trừ đảng tại Hội nghị Trung ương 4 cuối tháng 10. Ông Lưu đã phơi bày nhiều vụ tham nhũng động trời trong quân đội Trung Quốc, bao gồm nạn mua quan bán tước. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng công khai nói tướng Lưu Nguyên là một trong những “bạn bè” thân nhất của mình.
Sinh năm 1951 tại Bắc Kinh, Lưu Nguyên sống phần lớn thời thơ ấu tại Trung Nam Hải, tổng hành dinh của Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc. Năm 13 tuổi, Lưu Nguyên trải qua khóa huấn luyện an ninh 3 năm ở Trung Nam Hải. Khi Lưu được lựa chọn vào Hồng vệ binh thời kỳ Cách mạng Văn hóa năm 1966, cha ông rất tự hào. Nhưng chỉ một năm sau đó, ông và các chị mình bị đưa ra khỏi Trung Nam Hải. Lưu Thiếu Kỳ bị thất sủng và chết trong tù năm 1969 khi từ chối điều trị y tế. Vị cựu chủ tịch nước chỉ được ông Đặng Tiểu Bình chính thức khôi phục danh dự vào năm 1980.
Video đang HOT
Năm 1967, Lưu Nguyên hưởng ứng lời kêu gọi thanh niên về nông thôn của ông Mao Trạch Đông, đến một làng nghèo ở tỉnh Sơn Tây, sống và lao động ở đó suốt 7 năm trong điều kiện cực kỳ khó khăn. Những người biết ông nói rằng, Lưu Nguyên là một người không bao giờ than phiền và ông đã học văn hóa, học nghề y, thậm chí cả xây nhà cho dân địa phương trong những năm tháng gian nan ấy.
Quay về Bắc Kinh năm 1975 để tiếp tục học tập, Lưu Nguyên cố gắng thi đại học năm 1977, nhưng không được phép do lý lịch gia đình. Không từ bỏ, Lưu viết thư cho lãnh đạo Đặng Tiểu Bình và 10 ngày sau ông được phép tham gia kỳ thi. Lưu Nguyên theo học Khoa Lịch sử – Đại học Nhân dân Bắc Kinh.
Sau khi tốt nghiệp, Lưu về tỉnh Hà Nam làm việc. Ở tuổi 36, Lưu được bổ nhiệm làm phó tỉnh trưởng Hà Nam. Năm 1992, Lưu được trung ương điều về Lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc. Lưu được phong hàm thiếu tướng năm 2000 và 3 năm sau được thăng hàm trung tướng, giữ chức Phó chính ủy Tổng cục Hậu cần. Lưu làm Chính ủy Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc trong 6 năm và được thăng hàm thượng tướng năm 2009.
Nhiều nhà quan sát chính trị nhận định, Lưu Nguyên rất gần gũi về phương diện chính trị với ông Tập Cận Bình, người cũng từng nếm trải cay đắng thời Cách mạng Văn hóa và có cha là ông Tập Trọng Huân cũng là bậc khai quốc công thần bị thanh trừng. Ông Lưu lần đầu tiên thu hút sự chú ý của dư luận vào năm 2010 với tuyên bố người dân cần chống lại nền dân chủ phương Tây đang du nhập vào Trung Quốc.
Tướng Lưu đã kêu gọi trục xuất những kẻ “thoái hóa” khỏi đảng và hô hào thực hiện chiến dịch chống tham nhũng ở mức độ cao nhất. Nhiều người cho rằng, Lưu Nguyên đã lỡ cơ hội được sớm bổ nhiệm vào ghế Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương do mối quan hệ gần gũi với Bạc Hy Lai.
Theo Thục Ninh/Xinhua, Want China Times
Tiền Phong
Chiếc quạt giấy 'hạ bệ' nữ bộ trưởng Nhật
Trong cái nóng mùa hè, những chiếc quạt giấy là thứ rất phổ biến ở Nhật. Chúng được phát tại ga tàu hay các sự kiện ngoài trời nhằm quảng cáo cho công ty này, sản phẩm nọ. Hôm qua, chúng "hạ bệ" một nữ chính trị gia.
Bà Midori Matsushima, Bộ trưởng Tư pháp Nhật hôm 15/10 nghe một câu hỏi của một nhà lập pháp về chiếc quạt cầm tay uchiwa. Bà Matsushima đã phân phát quạt với hình minh họa và thông tin về chính sách của bà trong một lễ hội mùa hè ở Tokyo, trước khi trở thành bộ trưởng. Ảnh: AP
Bà Midori Matsushima, Bộ trưởng Tư pháp, hôm qua từ chức sau khi đảng Dân chủ Nhật đối lập đệ đơn khiếu nại về việc bà phân phát quạt giấy. Bà là một trong hai thành viên nội các từ chức hôm qua vì các vấn đề liên quan đến luật bầu cử
Việc một chiếc quạt giấy với giá 80 yen (15.000 đồng) có thể vi phạm luật bầu cử Nhật cho thấy luật cấm tặng quà cho cử tri ở nước này chặt chẽ đến mức nào. Đây là di sản của việc mua phiếu từng là chuyện phổ biến ở Nhật, AP dẫn lời Koichi Nakano, giáo sư ngành khoa học chính trị thuộc Đại học Sophia, Tokyo, cho biết.
Chiếc quạt giản đơn, được biết đến với cái tên "uchiwa", là một mảnh giấy hình tròn, bọc quanh một dải thanh tre hoặc nhựa. Chiếc uchiwa truyền thống thường là một bức tranh, nhưng những chiếc quạt ngày nay thường có logo công ty hay quảng cáo hạ giá.
Các thành viên đối lập trong Quốc hội Nhật nêu vấn đề về chiếc quạt trong cuộc thảo luận tuần trước. Một mặt quạt vẽ hình bà Matsushima tươi cười trong chiếc áo khoác đỏ đã thành "thương hiệu" của bà. Mặt còn lại là một danh sách luật lệ mà địa phương quan tâm.
Bà Matsushima cho biết mọi người cần coi chiếc quạt như một tờ rơi chứa đựng thông tin dành cho các cử tri, nhưng lập luận đó không bảo vệ được bà trước sự giám sát chặt chẽ của quốc hội.
Trọng Giáp
Theo VNE
Vợ bênh vực chồng đến phút cuối, dù chồng liên tiếp phạm tội hiếp dâm Đầu tuần vừa qua tòa án Teesside, Middlesbrough, nước Anh, tiến hành xét xử hung thủ Mark Thompson, 37 tuổi, một người đàn ông gốc Phi đã cưỡng hiếp dã man một nữ sinh đại học. Điều khiến người ta ngạc nhiên hơn cả khi vợ của anh ta, Adriana Ford - Thompson, lại tỏ ra bênh vực chồng và phản đối mãnh...