Người gây dựng trường mầm non đầu tiên của xã vùng khó Thừa Thiên Huế
Sự hình thành Trường MN Hồng Thủy trên địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) là câu chuyện dài với vô vàn gian khó.
Chặng đường đó gắn liền với người hiệu trưởng đầu tiên – cô Hồ Thủy Và.
Cô hiệu trưởng Hồ Thủy Và.
Đi lên từ con số 0
Cô Hồ Thủy Và bén duyên với giáo dục Hồng Thủy từ năm 2008, khi được điều động làm tổ trưởng chuyên môn phụ trách khối mầm non của Trường tiểu học Hồng Thủy. Khối mầm non lúc ấy có 6 lớp đặt tại 4 thôn với 4 giáo viên (1 biên chế và 3 hợp đồng).
Những ngày đầu nhận nhiệm vụ và đi thực tế từng cơ sở, cô giáo trẻ bị ám ảnh bởi trường lớp khó khăn trăm bề. Phòng học xuống cấp, không có nước, không có phòng vệ sinh; 2 phòng học có bàn ghế nhựa (khoảng hơn 10 bộ), còn lại 3 phòng học mượn thì không có bất cứ đồ dùng gì; trẻ muốn tô, vẽ phải nằm dưới sàn… Chưa kể, các cơ sở ở mỗi thôn cách nhau gần cũng hơn 5km, xa thì hơn 8km, đường đất, dốc cao, mỗi khi mưa thì lầy lội đến đi bộ cũng khó khăn, không cẩn thận là có thể rơi xuống vực, nguy hiểm đến tính mạng…
Sau rất nhiều đêm trăn trở, thậm chí phát khóc vì những khó khăn trước mắt, cô Và quyết định tham mưu với Hiệu trưởng tổ chức họp khối mầm non; đồng thời tổ chức họp cha mẹ học sinh bàn về việc bắt đường nước từ trên cao và làm nhà vệ sinh tạm tại cơ sở thôn 4. Phụ huynh đồng ý bỏ công, vật liệu có tại của gia đình; nhà trường lo kinh phí mua ống nước, tôn, xi măng… vì dân rất nghèo, không có khả năng đóng góp.
Cơ sở lẻ thôn 2 của Trường mầm non Hồng Thủy trước đây.
Cơ sở lẻ thôn 2 của Trường mầm non Hồng Thủy hiện nay đã khá khang trang.
Sau 3 ngày trực tiếp cùng thôn trưởng và một giáo viên lâu năm nhất đi khảo sát được nguồn nước gần nhất (cách lớp hơn 3km), cô Và tham mưu với ủy ban nhân dân xã, phòng GD&ĐT đồng ý hỗ trợ kinh phí hoàn thành nhà vệ sinh tạm và dẫn nước tự chạy từ trên cao về lớp học.
Nước, nhà vệ sinh tạm đã có, nhưng lớp học chưa có bếp và phòng học quá xuống cấp. Thế là, sau khoảng 4 tháng nhận nhiệm vụ, cô Hồ Thủy Và tiếp tục tham mưu với lãnh đạo xã ưu tiên vốn 135 xây trường mầm non để trẻ được đến lớp ăn bán trú tập trung; đồng thời tham mưu ủy ban nhân dân xã tìm 4 người đi học cấp dưỡng.
“Tôi xin tạm dừng xây dựng các công trình khác để ưu tiên vốn cho giáo dục mầm non, dù xã rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đường sá đi lại. May mắn quyền Chủ tịch xã khi đó rất quan tâm đến giáo dục và đồng ý với đề xuất này. Đúng như lời hứa, tháng 2/2009, xã đã đầu tư xây dựng trường mầm non gồm 3 phòng học, 1 nhà bếp, 1 phòng hiệu trưởng, 1 phòng kế toán.
Ngày 29/7/2009 là dấu ấn khó quên với Quyết định thành lập Trường mầm non Hồng Thủy, đặt tại thôn 4 xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, Tỉnh Thừa Thiên Huế; hoàn thành Đề án của UBND huyện A Lưới, tách trường mầm non ra khỏi trường tiểu học.
Video đang HOT
Ngày 1/9/2009, ngôi trường mới được bàn giao cơ sở vật chất để đưa vào sử dụng; đồng thời, tôi được bổ nhiệm là Phó hiệu trưởng phụ trách Trường mầm non Hồng Thủy với tổng số 195 trẻ, 7 nhóm lớp, 5 cơ sở và 17 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Sau 1 năm thì tôi được bổ nhiệm Hiệu trưởng” – cô Hồ Thủy Và kể lại.
Cơ sở lẻ thôn 6 của Trường mầm non Hồng Thủy trước đây.
Cơ sở lẻ thôn 6 hiện nay – Nhà trường đã ban giao cơ sở này cho Trường mầm non A Bung, tỉnh Quảng Trị.
Gây dựng trường từ gian khó
Sau niềm vui thành lập trường mầm non đầu tiên, cũng là duy nhất của xã Hồng Thủy, thầy cô giáo, đặc biệt người đứng đầu nhà trường tiếp tục đối mặt với vô vàn thử thách khác.
Cơ sở chính khang trang nhưng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học thiếu rất nhiều; nhận thức cha mẹ học sinh còn thấp; đóng góp tiền ăn bán trú tập trung và việc trẻ đến trường xem như là trách nhiệm của cô giáo nên tổ chức ăn bán trú gặp nhiều khó khăn.
Chỉ sau 1 tháng đi vào hoạt động, cơn bão số 9 lại càn quét và chia cắt giữa các thôn trong xã. Không thể đi xe, thầy trò phải đi bộ một ngày mới tới trường. Hệ lụy cơ bão số 9 để lại khiến nhà trường vốn khó lại càng khó khăn chồng chất; đường vốn xa càng xa hơn; nhà dân đã nghèo lại nghèo hơn.
“Khi đó cầu không có, đường cách trở, đoạn thì đường đèo, đoạn bị ngăn do sông, suối. Tôi và nhiều giáo viên đi bộ, lội suối đến trường, có lần suýt bị cuốn trôi. May mà người dân đi qua gần đó nghe được kêu cứu, chị em mới thoát nạn…”. Nhưng càng thách thức lại càng thúc đẩy cô hiệu trưởng cố gắng và tìm ra nhiều hình thức hơn để tuyên truyền, vận động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng Trường. Mục tiêu là xóa phòng học tạm, phòng học mượn; giảm điểm lẻ mức thấp nhất; tăng cơ sở bán trú tập trung; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng…
Trẻ Trường mầm non Hồng Thủy hiện đã được học trong cơ sở khang trang hơn xưa rất nhiều.
Năm 2011, Trường mầm non Hồng Thủy tiếp nhận thêm cơ sở lẻ Pa-ay ở khu tái định cư. Từ cơ sở chính tới điểm lẻ Pa-ay xa hơn 4 km; chưa có đường nhựa, mùa mưa giáo viên phải đi bộ, đi dép không được phải đi ủng. Nếu nước to, đường bị chia cách, giáo viên phải ở lại 1 tuần hết mưa mới ra được.
Nơi cơ sở mới dân cư thưa thớt, khó khăn trăm bề, nhất là khâu đóng góp tiền ăn. Trước tình hình này, cô Hồ Thủy Và xây dựng chiến lược theo từng giai đoạn ngắn; tiến hành họp cấp ủy, Ban giám hiệu, Hội đồng sư phạm bàn và ra quyết định tổ chức ăn bán trú tập trung thêm ở cơ sở Pa-ay. Dù biết khó thực hiện nhưng không thể không làm.
“Định hướng khi đó là: Tiền ăn các cháu mẫu giáo đã có chế độ hỗ trợ ăn trưa nên sẽ đỡ phần nào cho phụ huynh. Còn trẻ gia đình đặc biệt khó khăn, nhà trường kêu gọi, vận động mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên đóng góp 1 tháng 15.000 đồng để xây dựng “Quỹ cháu nghèo”. Chế độ của nhà nước thiếu bao nhiêu thì nhà trường trích từ quỹ và tặng quà cho các cháu. 100% cán bộ giáo viên, nhân viên nhất trí và phương án đó đã thành công, được phụ huynh ủng hộ. Nhờ vậy, số trẻ đã tăng thành 265 cháu/13 nhóm lớp/6 cơ sở với 36 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó có 2 cơ sở bán trú tập trung” – cô Hồ Thủy Và chia sẻ.
Cô Hồ Thủy Và cùng các cháu Trường mầm non Hồng Thủy.
Mặc dù thành công như ý muốn nhưng cô Hồ Thủy Và vẫn buồn, trăn trở vì 4 cơ sở còn lại vẫn học mượn và phòng tạm đã xuống cấp, quy hoạch đất cho giáo dục không có.
Cơ duyên đến khi nhà trường hợp đồng với Công ty sữa Cô gái Hà Lan. Thông qua nhân viên của công ty, cô Và chia sẻ khó khăn, đồng thời xin đầu tư xây dựng cơ sở lẻ cho trẻ ăn bán trú tập trung. Rất may mắn, Công ty này đã kết nối được với tổ chức Live and Give, đồng ý đầu tư cho nhà trường 4 phòng, gồm 2 phòng học có vệ sinh khép kín, 1 phòng nghỉ của giáo viên, 1 nhà bếp, hàng rào trị giá 1,4 tỷ đồng.
Từ việc có kinh phí hỗ trợ đến bắt tay xây dựng được cơ sở vật chất mới cho nhà trường cũng là một câu chuyện dài và nếu người hiệu trưởng không có tâm, không quyết liệt chắc sẽ bỏ dở giữa chừng. Nhưng cuối cùng, mọi nỗ lực đã cho trái ngọt. Năm 2014, Trường mầm non Hồng Thủy có thêm 1 cơ sở tập trung, giảm 1 điểm lẻ. Trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, học tập trải nghiệm, vui chơi đúng quy cách; được ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng. Đó là sự thay đổi qua lớn so với trước đây.
Trẻ Trường mầm non Hồng Thủy hiện đã được học trong cơ sở khang trang hơn xưa rất nhiều.
Thời điểm khó khăn nhất với cô Và là năm 2017, chồng cô gặp tai nạn qua đời. Cô một mình gồng gánh nuôi 2 con nhỏ và 3 cháu nhà chồng. Vượt lên nỗi đau đó, cô tiếp tục lao vào công việc, tham mưu, truyên truyền vận động qua nhiều hình thức; để từ đó, năm 2018 Trường mầm non Hồng Thủy tiếp tục được đầu tư xây dựng 6 phòng học vệ sinh khép kín. Với cơ sở lẻ thôn 2, dù phòng học đúng chuẩn nhưng chưa có nhà bếp, hàng rào, cô mạnh dạn khắc phục bằng cách chuyển thức ăn từ cơ sở chính về cơ sở lẻ, giúp cho 100% trẻ ở các cơ sở được ăn bán trú tập trung.
Năm 2020, huyện cấp kinh phí xây dựng nhà bếp, sân, hàng rào tại cơ sở lẻ thôn 2, Trường mầm non Hồng Thủy hoàn thành mục tiêu xóa phòng tạm, phòng mượn, phòng học xuống cấp, giảm điểm lẻ mức thấp nhất. 100% trẻ ở các cơ sở được ăn bán trú tập trung, có bếp ăn 1 chiều đúng quy cách, được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục phù hợp và đúng với độ tuổi.
Có thể nói, để có ngôi trường khang trang, khá đầy đủ về cơ sở vất chất, thiết bị dạy học như hiện nay là một quá trình dài phấn đấu; không sao kể hết được nhưng khó khăn, vất vả mà bản thân cô Hồ Thủy Và, cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường mầm non Hồng Thủy phải trải qua.
Sau 13 năm cống hiến tại Trường mầm non Hồng Thủy, ngày 15/3/2021, cô Hồ Thủy Và được lãnh đạo Phòng GD&ĐT, Phòng Nội Vụ, UBND huyện quan tâm, tạo điều kiện điều động về công tác gần nhà tại Trường mầm non Hồng Vân.
Dù cơ sở vật chất còn thiếu, nhưng so với Hồng Thủy, nhận thức của người dân về giáo dục tốt hơn, đường sá đi lại thuận lợi. Ở đơn vị mới, cô Và luôn đặt ra mục tiêu và chiến lược, không ngừng nỗ lực phấn đấu để trường sớm đạt kiểm định chất lượng giáo dục đạt mức độ 2, đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.
Với những đóng góp của mình, cô Hồ Thủy Và là cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế được vinh danh và yết kiến Thủ tướng Chính phủ trong năm nay.
Nghệ An: Xây dựng Trường Trung học Phổ thông Kỳ Sơn đạt chuẩn quốc gia
Công trình xây trên diện tích khoảng 26.000m2, thiết kế hiện đại, khoa học, đạt tiêu chuẩn Trường đạt chuẩn Quốc gia, với hơn 40 phòng học, 8 phòng chức năng, 122 phòng nội trú và 42 phòng ký túc xá.
Nghi thức khởi động xây dựng trường THPT Kỳ Sơn. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)
Sáng 20/11, tại Trường Trung học Phổ thông Kỳ Sơn (khối 4, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) phối hợp cùng Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam tổ chức lễ Khởi động xây dựng Trường Trung học Phổ thông Kỳ Sơn.
Công trình được khởi công xây dựng đúng vào dịp kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2021).
Dự án Trường Trung học Phổ thông Kỳ Sơn do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) tài trợ với tổng vốn đầu tư hơn 110 tỷ đồng.
Công trình được xây dựng trên diện tích khoảng 26.000m2, thiết kế hiện đại, khoa học, đạt tiêu chuẩn Trường đạt chuẩn Quốc gia, với hơn 40 phòng học, 8 phòng chức năng, 122 phòng nội trú và 42 phòng ký túc xá.
Dự kiến sẽ cải tạo đồng bộ phần trường cũ (4 tòa nhà), xây mới toàn bộ 1 tòa nhà lớp học (5 tầng), 1 tòa ký túc xá (3 tầng), 2 tòa nhà nội trú (3-5 tầng) và một sân bóng, cùng các công trình phụ trợ, hạ tầng phục vụ trường học; đồng thời, công trình sẽ hoàn thiện đưa vào sử dụng trong năm học 2022-2023.
Theo ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Kỳ Sơn, Trường Trung học Phổ thông Kỳ Sơn thành lập năm 1967, có 4 dãy nhà học, trong đó có 1 dãy nhà tạm bợ do đã xây dựng từ năm 1960, hai dãy nhà 3 tầng và một dãy nhà 2 tầng trước đây là nhà nội trú cho học sinh. Trường có 38 lớp, hơn 1.400 học sinh, trong đó có hơn 1.200 học sinh nội trú.
Tuy nhiên, hiện nhiều phòng học đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, không thể sử dụng, 1.200 học sinh của trường đang phải đi thuê phòng trọ ở bên ngoài.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)
Công trình này sẽ góp phần nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục, hướng tới xây dựng Trường Trung học Phổ thông Kỳ Sơn đạt chuẩn quốc gia, thực hiện hóa các chính sách phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn toàn Huyện Kỳ Sơn.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long nhấn mạnh, Kỳ Sơn là huyện miền núi cao, có 5 dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Kinh và Hoa cùng sinh sống; trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn và được xếp vào nhóm các huyện nghèo của cả nước. Hiện, trên địa bàn huyện có 72 trường học, song do địa hình phức tạp nên có tới 248 điểm trường lẻ dẫn đến chất lượng giáo dục chưa được như mong muốn.
Dự án xây dựng Trường Trung học Phổ thông Kỳ Sơn thể hiện nghĩa cử cao đẹp của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam đối với thế hệ trẻ trên quê hương Bác Hồ, là sự đồng hành và vì sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, vì tương lai của đất nước.
Để công trình sớm hoàn thành, phục vụ hiệu quả các hoạt động của nhà trường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An giao Ủy ban Nhân dân huyện Kỳ Sơn, các Sở, ngành liên quan khẩn trương thực hiện các công việc về thủ tục hành chính, hoàn thành các công việc tại thực địa để bàn giao mặt bằng xây dựng, hoàn thiện phương án thi công... tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đơn vị thi công trong quá trình triển khai xây dựng, để việc thi công dự án an toàn, đúng tiến độ đề ra.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đề nghị đơn vị thi công cần thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng, về quản lý chất lượng công trình; thi công công trình đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường; phối hợp với chủ đầu tư tổ chức thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, đạt chất lượng và đưa vào sử dụng công trình sớm, đạt hiệu quả cao nhất phục vụ công tác dạy học và rèn luyện thể chất của thầy giáo, cô giáo và học sinh trường Trung học Phổ thông Kỳ Sơn.
Dịp này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long đã chúc mừng tập thể thầy, cô giáo Trường Trung học Phổ thông kỳ Sơn nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; tặng Bằng khen của Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An cho đại diện Tập đoàn Trung Nam Group ghi nhận sự đóng góp của Tập đoàn cho sự phát triển chung của địa phương.
Sáng 20/11, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long cũng đến thăm, chúc mừng tập thể cán bộ, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học Cơ sở huyện Kỳ Sơn nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11)./.
Máy móc thi công xây dựng công trình trường THPT Kỳ Sơn. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)
Dạy học trực tuyến chương trình chính khóa cho khối lớp 6 đến lớp 8 Kể từ tuần thứ 6 năm học 2021 - 2022, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, trường học triển khai dạy và học trực tuyến theo chương trình chính khóa đối với học sinh lớp 6 đến lớp 8. Học sinh khối lớp 6 đến lớp 8 ở Cà Mau học...