Ngủ trưa hơn 40 phút tăng nguy cơ mắc bệnh tim
Một nghiên cứu mới được công bố ngày 23.3 cảnh báo nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao, thậm chí các bệnh khác nếu một người ngủ trưa hơn 40 phút trong ngày.
Ngủ trưa một giấc dài hay quá mệt trong ngày thường có mối liên hệ với những nguy cơ làm gia tăng hội chứng chuyển hóa – Ảnh: Shutterstock
Nghiên cứu này được trình bày tại Hội nghị Khoa học thường niên lần thứ 65 tại Trường môn Tim mạch Mỹ tổ chức ngày 23.3. Nghiên cứu này cho thấy ngủ trưa một giấc dài hay quá mệt trong ngày thường có mối liên hệ với những nguy cơ làm gia tăng hội chứng chuyển hóa (là các tình trạng bao gồm tăng huyết áp, tăng insulin, thừa mỡ quanh vòng eo hoặc cholesterol máu cao thường xảy ra cùng với nhau làm tăng nguy cơ bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường).
Theo nghiên cứu này, việc ngủ trưa hơn 40 phút làm gia tăng đáng kể nguy cơ hội chứng chuyển hóa.
Theo Daily Mail, tiến sĩ Tomohide Tamada tại ĐH Tokyo (Nhật Bản), tác giả chính của nghiên cứu này cho biết: “Ngủ trưa rất phổ biến trên toàn thế giới. Vì vậy, làm rõ mối quan hệ giữa việc ngủ trưa và hội chứng chuyển hóa có thể tạo nên chiến lược mới trong điều trị, nhất là khi hội chứng chuyển hóa đang tăng cao trên thế giới”.
Tiến sĩ Tomohide Tamada và các đồng nghiệp của ông xác định mốc thời gian ngủ trưa là 40 phút, nếu hơn 40 phút trong ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa rất cao. Các nhà nghiên cứu lưu ý: Nhóm người ngủ trưa ít hơn 40 phút không có biểu hiện gia tăng nguy cơ mắc các hội chứng này nhưng quá 40 phút thì nguy cơ mắc lại tăng mạnh. Ngủ trưa tới 90 phút thì gia tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa lên đến 50%.
Các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận này sau khi đánh giá dữ liệu từ 21 nghiên cứu quan sát trên 307.237 người.
Giấc ngủ và bệnh tim mạch có liên quan mật thiết với nhau – Ảnh: Shutterstock
Video đang HOT
Trong một nghiên cứu trước đây của nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Yamada đứng đầu cho thấy ngủ trưa lâu hơn 1 giờ hay quá mệt trong ngày thì tương ứng với việc tăng 50% mắc bệnh tiểu đường loại 2. Nghiên cứu này không cho thấy mối quan hệ giữa thời gian ngủ trưa với bệnh béo phì, mặc dù bệnh béo phì, tiểu đường và hội chứng chuyển hóa có sự liên quan mật thiết với nhau.
Trong một nghiên cứu gần đây của tiến sĩ Yamada và đồng nghiệp công bố vào tháng 9.2015 về giấc ngủ thì ngủ trưa lâu hơn 1 giờ đồng hồ sẽ làm gia tăng đến 80% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và 27% các căn bệnh gây nên cái chết. Tháng 9.2015, nhóm nghiên cứu này cũng cho thấy gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lên đến 56% với người bị mệt mỏi trong ngày và 46% nếu họ ngủ trưa lâu hơn 1 tiếng.
Điều thú vị là cả ba nghiên cứu này đều cho thấy sự giảm nhẹ nguy cơ mắc các chứng bệnh tương ứng khi ngủ trưa ít hơn 30 phút. Tiến sĩ Yamada cho biết điều này cần nghiên cứu thêm để xác nhận.
Hiệp hội Chăm sóc giấc ngủ Mỹ (National Sleep Foundation) ủng hộ việc ngủ trưa từ 20-30 phút nhằm cải thiện sự tỉnh táo. “Giấc ngủ là một phần quan trọng của một cuộc sống lành mạnh, nó cũng giống như chế độ ăn uống và tập thể dục đúng cách”, tiến sĩ Tamada chia sẻ.
Tiến sĩ Tamada cho biết tương lai nhóm nghiên cứu nhắm đến mục đích xác định được lợi ích tiềm ẩn của giấc ngủ ngắn ban ngày đối với bệnh tim mạch, cũng như cơ chế ảnh hưởng lẫn nhau giữa giấc ngủ trưa dài, cơn buồn ngủ ban ngày và triệu chứng chuyển hóa. Thậm chí tương lai các bác sĩ có thể nhìn vào thói quen ngủ của bệnh nhân để chẩn đoán các vấn đề sức khỏe.
Minh Quyên
Theo Thanhnien
Một số phương pháp chăm sóc sức khỏe não bộ
Tiến sĩ Jenny Brockis, tác giả của cuốn "Future Brain" chia sẻ một số thủ thuật để có thể tăng hiệu suất của bộ não tốt nhất, theo Healthista.
Kết nối với đồng nghiệp sẽ giúp tăng cường sức khỏe não bộ - Ảnh: Shutterstock
Ăn rau củ quả nhiều màu sắc
Trong cuốn sách "Future Brain", tiến sĩ Brockis cho biết ăn đa dạng các loại thực phẩm giúp tăng khả năng chịu đựng về tinh thần, giúp chúng ta tập trung, hỗ trợ bộ nhớ và thậm chí còn có lợi cho khả năng giải quyết vấn đề.
Một nghiên cứu công bố hồi tháng 2 của tiến sĩ Ian Macdonald, giáo sư sinh lý chuyển hóa tại Đại học Nottingham (Anh), cho thấy thức uống ca cao giàu flavanol (một thành phần quan trọng trong sô cô la đen) làm tăng lưu lượng máu đến các khu vực quan trọng của não bộ từ 2-3 giờ. Ngoài ca cao tốt cho não bộ, còn có cải xoăn, rau chân vịt, bông cải xanh, các loại quả mọng như việt quất, anh đào, mận, dâu tây và mâm xôi. Trứng chứa choline cũng là loại thực phẩm tăng khả năng tập trung và giúp giảm cortisol, loại hoóc môn căng thẳng.
Ngủ trưa 20 phút trước 15 giờ chiều
Ngủ cho chúng ta sức khoẻ thể chất và tinh thần nhiều hơn. Nó giúp sửa chữa và bảo dưỡng tế bào thần kinh, cũng như giúp điều chỉnh tâm trạng. Tiến sĩ Brockis nói rằng giấc ngủ ngắn rất có lợi cho chức năng não, đặc biệt với những người làm việc nhiều giờ.
Trong năm 2010, nghiên cứu của Đại học California Berkeley (Mỹ) cho thấy một giấc ngủ ngắn có thể tăng đáng kể và khôi phục sức mạnh não bộ.
Tiến sĩ Brice Faraut, tại Đại học Paris Descartes (Pháp), báo cáo trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Clinical Endocrinology & Metabolism (tạm dịch Nội tiết và chuyển hóa lâm sàng), rằng một giấc ngủ ngắn 20 phút có thể làm tăng khả năng nhận thức đến 40%, và kéo dài lợi ích từ 2-3 giờ. Cũng theo tiến sĩ Brockis, giấc ngủ trưa không nên muộn hơn 15 giờ chiều để tránh phá vỡ chu kỳ giấc ngủ đêm.
Kích thích tìm hiểu
Khám phá các hoạt động như học đánh đàn, học nhảy, hoặc tham gia các lớp vẽ... là cách kích thích bạn tìm hiểu hoặc tò mò. Nghiên cứu được xuất bản vào năm 2014 trên tạp chí Cell Press, cho thấy sự tò mò về một chủ đề giúp não bộ phóng thích hoóc môn dopamine khiến ta tập trung hơn, sâu sắc hơn.
Chơi game
Tiến sĩ Daphne Bavelier, giáo sư khoa học thần kinh về khoa học nhận thức và não bộ tại Đại học Rochester (Mỹ), cho biết trò chơi làm cho não của chúng ta thông minh hơn, tốt hơn, nhanh hơn và mạnh mẽ hơn.
Theo tiến sĩ Bavelier, một game thủ có khả năng nhận thức tốt hơn mặc dù lạm dụng các trò chơi có thể gây nghiện. Trong khi đó, tiến sĩ Brockis nói game thủ phát triển thị lực sắc bén, có thể tìm ra người lạ trong đám đông và quan sát được những chi tiết nhỏ. Vì vậy, chơi các trò chơi điện tử có thể giúp mọi người cải thiện hiệu suất trong nhiệm vụ tinh thần khác nhau.
Thiền tại nơi làm việc mỗi ngày
Trong năm 2012, nghiên cứu của Đại học California, Los Angeles (Mỹ) cho thấy thiền lâu dài giúp tăng cường các kết nối giữa các tế bào não. Tiến sĩ Brockis tin rằng nếu bạn thực hành thiền định hằng ngày bất cứ nơi nào từ 5 - 50 phút có thể làm tăng hiệu suất làm việc từ 2-3 giờ.
Kết nối với đồng nghiệp
Con người là sinh vật xã hội nổi trội khi nói đến việc kết nối với nhau. Não của chúng ta phụ thuộc vào khả năng chúng ta xây dựng mối quan hệ. Thông thường, những người chúng ta thích nhất là những người chúng ta nhìn thấy giống mình, và do đó chúng ta có nhiều khả năng kết nối với họ.
Tiến sĩ Brockis nói rằng việc duy trì các kỹ năng xã hội đặc biệt quan trọng vì các mối quan hệ là một công cụ quan trọng cho hoạt động của não tốt hơn. Vì vậy, tại nơi làm việc, không nên tránh tiếp xúc với người này hoặc người kia vì một vài lý do nào đó cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và hiệu suất làm việc của chúng ta.
Dành 30 phút đi bộ mỗi ngày
Tiến sĩ Brockis nói tập thể dục giúp tăng cường lưu lượng máu đến não, giúp giảm co rút não và tăng tế bào thần kinh (sự tăng trưởng và phát triển của các mô thần kinh), và độ dẻo (linh hoạt não), do đó hiệu suất công việc của bạn được duy trì.
Theo tiến sĩ Brockis, một buổi tập 30 phút có thể cải thiện khả năng nhận thức, học tập và trí nhớ.
Ngọc Lam
Theo Thanhnien
Nguyên nhân và cách phòng bệnh tim Trung bình cứ 4 phụ nữ thì có 1 người chết vì bệnh tim, nhưng ngạc nhiên là nó không được quan tâm đúng mức, theo Healthgrades. Kiểm tra huyết áp thường xuyên giúp ngăn ngừa bệnh tim - Ảnh: Shutterstock Là kẻ thù giết người rất đáng sợ, nhưng bệnh tim không ám ảnh phụ nữ bằng các bệnh khác như ung...