Ngôi trường cả thầy lẫn trò không xài ly nhựa, hộp xốp, túi nilông
Chỉ cần bước vô cổng trường, dù là thầy hay trò, không ai dùng ly nhựa, hộp xốp cho dù mua nước mía, cơm hộp từ bên ngoài. Nếu ‘lỡ’ cầm ly nhựa vô trường, bạn sẽ là người… kỳ kỳ.
Học sinh cùng phân loại rác sau giờ học – Ảnh: T.TRANG
Gần một năm nay, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ đặt ra nguyên tắc: ‘Bước vào cổng, nói không với rác thải nhựa’, khuyến khích học sinh và giáo viên nhà trường sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Dù còn khó khăn khi áp dụng vào thực tế nhưng sự thay đổi tích cực của thầy cô như làn gió mới, đến ngày hôm nay, rất ít thấy học sinh tay cầm ly nhựa hay mang hộp xốp vào trường.
Trước tiên, phải thay đổi bản thân
11h20, sau giờ học buổi sáng, nhóm học sinh lớp 11 vào “ca trực” phân loại rác. Người thì cầm kẹp gắp từng loại rác, người thì cầm sổ ghi lại trọng lượng, người thì sắp xếp rác phân loại cho vào từng thùng.
Cô Mai Ánh Tuyết, chủ nhiệm CLB Zero Waste (CLB Không rác), cũng là giáo viên của trường, luôn túc trực cùng học sinh, nói rằng giáo viên cũng phải có mặt để động viên các em, khi phân loại rác cũng cần người am hiểu về từng loại rác. “Lúc đầu các em còn ngần ngại nhưng giờ đã quen tay, quen việc, làm nhanh tay lẹ chân hơn mình nữa” – cô Tuyết kể.
“Đã có lúc tưởng chừng việc sẽ phải ngưng lại khi các xe thu gom rác lại dồn chung hết cho lên xe. Học sinh nản, không ai trân trọng việc làm của mình. Chúng tôi động viên nếu các em không cố gắng thì mai kia môi trường toàn rác. Chính mình phải thay đổi trước mới đòi hỏi người khác thay đổi” – cô Tuyết tâm sự thêm.
Rồi cái khó ló cái khôn, học sinh phân loại rác hữu cơ để xe rác mang đi, các loại như chai, lọ, giấy… thì mang bán ve chai, ly mì ăn liền không thể bán được thì dùng trồng rau, hoa để bán khi đến hội chợ xuân, cắm trại… góp vào gây quỹ trang trải cho các hoạt động của CLB.
Video đang HOT
Hằng tuần, theo lịch tự phân công, các em chia nhau rửa hộp sữa, bịch sữa tươi. Cô Tuyết nói những hộp sữa sau khi vệ sinh xong, học sinh sẽ đem ra xe gửi lên công ty tái chế hộp sữa giấy.
“Những tưởng đó là loại “rác chết” nhưng nó lại rất hữu ích khi ngày nay công nghệ tiến bộ có thể tái chế thành tấm lợp sinh thái, sổ tay hay hộp quà” – cô Tuyết chia sẻ.
Không ly nhựa, không hộp xốp, không túi nilông
Cô Cao Thị Ngọc Hà, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, cho hay trường không cấm mà luôn vận động mọi người hưởng ứng “3 không” này với nhiều hình thức như sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoặc tổ chức nhiều chương trình liên quan chủ đề bảo vệ môi trường.
“Thói quen không thể thay đổi ngày một ngày hai, lứa tuổi này cũng không thể cấm đoán nên nhà trường chỉ khích lệ các em hạn chế khi sử dụng các sản phẩm trên và nên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường” – cô Hà nói.
Cô Tuyết thì chia sẻ những giờ lên lớp, các thầy cô trong trường luôn có bên mình bình giữ nhiệt đựng nước uống, không dùng ống hút nhựa, thậm chí cơm mua bên ngoài cũng mang hộp từ nhà theo mua để làm gương cho học sinh.
Cô Tuyết kể thêm, cái khó không riêng gì vận động học sinh, mà các thầy cô lớn tuổi cũng khó thay đổi ngày một ngày hai bởi thói quen hình thành đã mấy chục năm.
Lúc đầu cũng thấy nhiều bất tiện nhưng “bản thân mình không thay đổi thì vận động được ai, dần dà nhiều thầy cô cũng thay đổi như mình, có cô còn hỏi không đựng cà mên mà đựng cơm bằng hộp bã mía được không thì mình biết mọi người đã đồng lòng rồi” – cô Tuyết chia sẻ.
Túi nilông hay hộp xốp mới… kỳ kỳ
Bạn Trương Gia Bảo, lớp 11P, nói lúc đầu cũng bất tiện nhưng thấy thầy cô trong trường đều nêu gương nên giờ đi học mang theo bình nước là chuyện bình thường. “Bây giờ em thấy ở trường bạn nào mang túi nilông hay hộp xốp thì mới… kỳ kỳ” – Bảo vui vẻ nói.
Còn cô Trần Thị Tư, bán nước mía đối diện trường, kể lúc đầu có mấy bạn học sinh đem bình theo mua nước mía, cô bối rối lắm vì bình lớn nhỏ khác nhau không biết phải tính tiền sao do trước giờ vô bịch quen rồi.
“Tui không bán vô bình thì tụi nó không chịu mua, riết tui cũng đong đo được hết. Thấy tụi nhỏ làm vậy cũng hay hay, tui cũng muốn bán mang đi không xài ly nhựa mà chưa biết phải mang bằng cái gì” – cô Tư cho hay.
Theo tuoitre
Bạn đọc viết: Xin đừng làm "tấm gương mờ"
Bất kỳ một sự đổi thay nào về nhận thức, thái độ sống, hành vi theo hướng tích cực của người lớn chúng ta hôm nay sẽ là những viên gạch nền móng vững chắc cho tương lai! Xin đừng làm "tấm gương mờ" trước bọn trẻ!
Ảnh minh họa
Lắng nghe những chia sẻ của các em thiếu nhi với lãnh đạo TPHCM trong cuộc gặp gỡ đầu xuân Kỷ Hợi 2019, lòng tôi trăn trở rất nhiều. Đừng nghĩ các em chỉ là bọn trẻ chưa hiểu chuyện, không thấy, không biết và hoàn toàn không đánh giá, phán xét mỗi một hành động của người lớn để rồi chúng ta vô tư hành xử xấu xí.
Các con đã lên tiếng về ước mong sử dụng nhà vệ sinh sạch, phân loại rác tại nguồn... Các con còn phản ánh chuyện người lớn không gương mẫu trong chấp hành luật an toàn giao thông như vượt đèn đỏ, đi đứng tùy tiện, lấn chiếm đường phố bán hàng rong... Đó luôn là căn bệnh khó chữa mà chính người lớn chúng ta vẫn đang loay hoay tìm lời giải.
Hóa ra bọn trẻ đã nhìn nhận, ghi nhớ và cực kỳ khó chịu khi những người xung quanh các con vẫn hành xử chưa chuẩn mực, chưa đạt chuẩn. Cảm ơn các con đã nói ra nỗi lòng vẫn giấu kín của mình trước một tập thể lãnh đạo muốn lắng nghe tiếng lòng của các con. Hy vọng rằng sẽ có những đổi thay tích cực từ những buổi đối thoại thẳng thắn và chân thật ấy...
Người lớn nào cũng từng là trẻ con. Ai cũng đã học những bài học về an toàn giao thông, trật tự công cộng, giữ gìn của công... Nhưng không phải ai cũng thực hành đúng, đủ và nghiêm túc nhất những hành xử chuẩn mực vào cuộc sống.
Vậy nên, mỗi ngày ra đường chúng ta gặp vô số bố mẹ chở con phóng vèo vèo qua các chốt đèn giao thông dù tín hiệu đèn đã chuyển sang màu đỏ. Không ít con trẻ đã từng thắc mắc, chất vấn người thân của mình tại sao không dừng xe lại. Nhưng tiếc thay một số phụ huynh đã tảng lờ mọi thứ. Dần dà, con trẻ cũng mặc nhiên xem chuyện vượt đèn đỏ là bình thường. Trách các con sao được?
Ngay đến việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi ngồi trên xe máy nhằm bảo vệ sự an toàn cho chính con chúng ta mà còn bị người lớn phớt lờ, thậm chí là cố tình vi phạm. Thử hỏi bọn trẻ nhìn bố mẹ mình với ánh mắt như thế nào, tốt hay xấu?
Rồi đến chuyện chen lấn khi xếp hàng, vứt rác bừa bãi trên đường, hút thuốc lá nơi công cộng,... Những hành động "lỗi" này vẫn ngày ngày phơi ra trước mắt trẻ. Làm sao con trẻ học được điều hay việc tốt từ "tấm gương mờ" của người lớn?!
Giáo dục trẻ chỉ bằng những bài học lý thuyết sẽ trở nên vô nghĩa khi chính nó chông chênh với thực tiễn. Quy định về luật pháp mà các con học trong nhà trường lại bị trêu ngươi bởi nhiều hành động vi phạm pháp luật. Đạo lý nhường nhịn lẫn nhau, tương thân tương ái bị thử thách bởi vô số hành xử bạo lực vẫn xảy ra xung quanh.
Chúng ta kêu gọi bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường sống trong lành, an toàn, tử tế nhưng tất cả sẽ hóa lý thuyết suông khi chính chúng ta đang biến môi trường sống quanh trẻ trở thành bức tranh xám xịt. Vì cái lợi trước mắt, vì lòng tham không đáy và cả tính ích kỷ cá nhân khiến chúng ta đôi khi quay lưng lại với những bài học đạo đức, luân lý, pháp luật.
Đáng lo hơn cả là mọi hành động xấu xí của người lớn lại vô tình làm thành tấm gương mờ mà con trẻ chúng ta chẳng may soi phải sẽ ảnh hưởng tiêu cực. Nhà trường dạy điều tốt, gia đình bảo điều hay nhưng tất cả sẽ dễ dàng sóng sánh khi bên ngoài kia chứa đựng vô số hình ảnh trái tai gai mắt.
Chúng ta mong chờ gì trong tương lai? Những đứa trẻ quanh ta sẽ là chủ nhân tương lai như thế nào? Tất cả đều phụ thuộc vào chính hành động của chúng ta hôm nay!
Bất kỳ một sự đổi thay nào về nhận thức, thái độ sống, hành vi theo hướng tích cực của người lớn chúng ta hôm nay sẽ là những viên gạch nền móng vững chắc cho tương lai! Xin đừng làm "tấm gương mờ" trước bọn trẻ!
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Cần Thơ: Khai mạc Kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia THPT năm 2019 Ngày 12/1, tại Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức Khai mạc Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2019. Các thí sinh tham dự kỳ thi Đến dự lễ khai mạc có bà Võ Thị Hồng Ánh - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở...