Ngồi nhầm giảng đường: Cần trang bị nhiều kỹ năng
Chọn sai ngành học là lý do dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, không hứng thú với môi trường làm việc… Một số chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự, giới thiệu việc làm đã có những gợi mở giúp các bạn tự hóa giải “bài toán” cho riêng mình.
Nỗ lực nhiều hơn nữa
Bạn trẻ tìm việc tại ngày hội việc làm ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM – Ảnh: Lê Thanh
Trả lời câu hỏi: “Hiện nay bạn trẻ khó tìm việc làm là do tình hình kinh tế khó khăn?”, anh Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH thiết bị viễn thông Lê Nguyễn (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho rằng: “Nói nguyên nhân do nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp lao đao từ đó nhu cầu việc làm giảm sút chỉ đúng một phần”. Theo anh Đức, phần lớn do các bạn trẻ thiếu kỹ năng sống, ngại va chạm và hầu như không có kinh nghiệm bươn chải trong những năm tháng là sinh viên (SV). Những kiến thức trên sách vở dường như đã được lập trình sẵn, các bạn cứ chăm chăm vào đó để học và nghĩ là đủ, luôn mơ về một tương lai tươi sáng, một vị trí cao sang sau khi tốt nghiệp nhưng khi ra trường lại không tìm được việc làm, dẫn đến chán chường. Việc cần làm để khắc phục điều này rất đơn giản là bạn hãy “lăn” vào làm những công việc “không tên” để nuôi sống bản thân và tích lũy kinh nghiệm. Đừng bao giờ nghĩ mình đang theo học ở những ngôi trường danh tiếng hay ngành học thời thượng thì khi ra trường sẽ tìm được công việc ngay. Và điều quan trọng là khi chưa tìm được việc làm thì bạn càng phải quyết tâm và nỗ lực nhiều hơn nữa mới mong sớm tìm được cơ hội.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên (Thành đoàn TP.HCM) khuyên: “Đôi khi chúng ta cũng nên chấp nhận làm những công việc mà ngay chính bản thân mình và gia đình không ưa thích nhưng nó có thể nuôi sống bản thân mình trước cái đã. Nói chung là “lấy ngắn nuôi dài” để từ đó tìm cơ hội mới”.
Theo ông Sang, ở TP.HCM nếu bạn chọn lựa cho mình một việc làm phù hợp sở thích ở thời điểm hiện tại không dễ nhưng tìm một công việc để tự nuôi sống bản thân thì không khó. “Nhiều người vẫn còn ý nghĩ hễ học gì thì phải làm công việc tương xứng với ngành học đó. Chính suy nghĩ ấy đã trở thành rào cản rất lớn khiến nhiều bạn trẻ khó bắt đầu từ những việc không đúng chuyên môn”, ông Sang nói.
Video đang HOT
Tránh thụ động
Từng làm công tác nhân sự cho nhiều tập đoàn, công ty lớn, ông Nguyễn Tấn Minh hiện là giảng viên môn quản trị nhân sự, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, nhận xét: “Tôi nhận thấy tại bậc đại học, SV được học rất nhiều môn nhưng lại thiếu kiến thức kết nối các môn học lại với nhau để có một cái nhìn tổng quát. Đồng thời, SV thiếu hẳn kỹ năng làm việc nhóm. Hiện nay bên ngoài có rất nhiều khóa học về kỹ năng mềm nhưng chỉ mới dừng lại ở mức định hướng, cung cấp thông tin, chưa kể chất lượng cũng “thượng vàng hạ cám”. Lý do cũng đơn giản, để thay đổi một thái độ, hành vi cần phải có quá trình lâu dài, trong khi đó những khóa kỹ năng đó chỉ gói gọn trong vài tiếng, vài buổi, học viên tham dự lại đông thì làm sao hiệu quả”.
Vì thế, muốn hiệu quả phải có sự kết hợp của 3 phía: nhà trường, doanh nghiệp, bản thân SV. Về phía doanh nghiệp, phải liên kết với trường, cho SV biết những kỹ năng, kiến thức nào phù hợp với ngành nghề của mình; chủ động cử chuyên gia của công ty mình đến trường nói chuyện và nhận hồ sơ của SV; sau đó sàng lọc lại, chọn SV phù hợp để mời đi thực tập và cử riêng một người làm công tác huấn luyện theo sát nhóm đó. Về phía SV, có một thực tế là hiện nay SV thiếu sự chuẩn bị chu đáo cho ngành nghề mình muốn làm, chỉ thụ động trông chờ nhà trường và doanh nghiệp “dâng tận miệng”. Muốn có việc làm tốt, phải chủ động tự học hỏi, tìm hiểu thông tin qua các kênh báo chí, internet và những người đi trước có kinh nghiệm.
Các trường cần cải thiện giáo trình để mang tính thực tiễn, cập nhật hơn, chuyển tải được các vấn đề kinh doanh, công nghệ gần nhất cho SV. Đồng thời, đội ngũ giảng viên cũng cần bổ sung kinh nghiệm (thông qua các đợt trao đổi kiến thức hoặc hợp tác nghiên cứu với các doanh nghiệp).
Lê Thanh – Thủy Tiên
Theo TNO
Ngồi nhầm giảng đường: Hãy chọn nghề như chọn bạn đời
Đó là lời tâm huyết của chuyên gia lẫn những người từng nếm trải "kinh nghiệm xương máu" sau khi chọn ngành nghề sai với sở thích, đam mê của mình.
Mùa thi năm 2014, nhiều bạn trẻ được trắc nghiệm cho ngành phù hợp qua chương trình Tư vấn mùa thi Báo Thanh Niên - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nhận diện "người yêu"
Tác giả cuốn sách Giá như tôi biết những điều này... trước khi thi đại học, anh Đinh Tuấn Ân từng chia sẻ: "Công việc sau này các bạn làm sẽ không chỉ đơn giản là công việc mà thôi. Nó cũng giống như một người chồng hay người vợ bạn sống cả đời, mỗi sáng sẽ cùng thức dậy và mỗi tối cùng đi ngủ. Các bạn thử tưởng tượng xem, nếu người vợ hay người chồng mà bạn cưới sau này là người mà bạn không hề yêu, thậm chí là ghét nữa thì
cuộc sống của bạn sẽ kinh khủng như thế nào! Nếu chịu khó quan sát xung quanh mình, các bạn sẽ thấy có vô số những người đang ngày ngày than vãn, chán nản về công việc của mình".
Làm thế nào để chọn cho mình một "bạn đời" lý tưởng? Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng mỗi người nên sử dụng cái màng lọc, đó là tam giác chọn nghề với 3 đỉnh mang tên: đam mê, năng lực (năng khiếu, khả năng đầu vào, khả năng tài chính của gia đình) và nhu cầu xã hội.
Thạc sĩ Hiếu lưu ý: Ngành nghề nào có nhiều nhu cầu thì chúng ta càng có nhiều cơ hội việc làm. Ngoài ra, dù không chọn ngành "hot" nhưng nếu thật sự giỏi trong ngành nghề ấy thì bạn cũng có thể trở thành một người "hot". Cũng theo thạc sĩ Hiếu, để có nhiều thông tin cần thiết về ngành học nào đó, chúng ta nên tìm đọc những tài liệu hướng nghiệp, website của các trường để xem trước chương trình giảng dạy, đồng thời tìm hiểu qua những người đang làm trong ngành nghề đó.
Thạc sĩ Hiếu hướng dẫn những cách để mỗi người khám phá bản thân mình. Trong đó, phương pháp hiệu quả nhất chính là "bung" mình trong các hoạt động khác nhau. Nhờ đó, các "que diêm tiềm năng" lần lượt được thử lửa và chúng ta sẽ nhận diện được những khả năng tiềm ẩn của mình. Bên cạnh đó, còn là những cách: so sánh với những người khác để nhận ra màu sắc, đặc trưng của mình; lắng nghe nhận xét từ những người xung quanh; tự quan sát bên trong bản thân để thấu hiểu chính mình;
trắc nghiệm tâm lý để có thể xác định tính cách hay khả năng mình đang có. "Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, đừng để bản thân mình nằm trong số sinh viên đi lạc đang ngồi trên giảng đường ĐH. Từ đó tạo ra những con người thiếu lửa, tạo nên một xã hội thiếu lửa", thạc sĩ Hiếu nhắn nhủ.
Chuyện không của sinh viên
Có thể thấy, sai lầm trong việc chọn ngành nghề không chỉ do sinh viên mà nó còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác.
Thạc sĩ Trần Minh Trọng, Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực (thuộc Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp), cho biết: "Hiện nay, có quá nhiều sinh viên đổ xô vào học nhóm ngành liên quan đến tiền bạc, kinh doanh. Thực tế, đâu phải em nào cũng kinh doanh được. Có những em chỉ phù hợp với công việc về khoa học xã hội, nhưng khi chọn ngành nghề cũng chạy theo thị trường, theo số đông. Điều này có nguyên nhân gốc rễ từ những khiếm khuyết trong công tác định hướng, chính sách dự báo dài hạn của nhà nước". Ông Trọng cho rằng những bất cập trên đã dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên ngồi nhầm chỗ, nhầm nơi, học hành không hiệu quả, khi ra trường thì xã hội không dùng được.
Câu chuyện của bạn Đức Minh, sinh viên năm thứ ba Trường ĐH Hoa Sen, người phải học ngành tài chính ngân hàng do gia đình chọn lựa mà bản thân không hề đam mê, đã làm nóng diễn đàn Im lặng hay lên tiếng? tại TP.HCM hôm 14.4. Ngay sau khi trực tiếp lắng nghe nỗi niềm của Minh, tiến sĩ Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, đã cam kết sẽ tạo điều kiện tối đa để Minh có thể chuyển sang lĩnh vực truyền thông mà bạn yêu thích. Tiến sĩ Phượng đề nghị giảng viên, nhân viên các phòng ban nên quan tâm hơn nữa đến việc hướng nghiệp cho sinh viên ngay từ học kỳ 1 của năm thứ nhất, nếu phát hiện sớm thì có thể đỡ thiệt thòi cho sinh viên.
Theo TNO
Cơ hội việc làm cử nhân ngành Nhân học Tìm kiếm một việc làm với một tấm bằng cử nhân ngành Nhân học không phải là việc khó như bạn hay bạn bè và người thân của bạn nghĩ. Bạn chỉ cần sáng tạo, tưởng tượng và chuẩn bị để nắm bắt những cơ hội nghề nghiệp đó. Xuất phát từ thuật ngữ tiếng Hi Lạp anthropos (con người) và logia (nghiên...