‘Ngôi nhà đá’ Ả Rập 13.000 tuổi viết lại lịch sử
Các cuộc khai quật ở 30 di chỉ trên khắp tiểu vương quốc Fujairah cho thấy một bức tranh khác về vùng Ả Rập cuối kỷ băng hà.
Fujairah là một trong các tiểu vương quốc hợp thành Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), một miền đất từng bị cho là không có người ở cho đến 7.000 năm trước.
Thế nhưng, một cuộc khảo cổ lớn vừa diễn ra đã làm thay đổi lịch sử.
Một cuộc khai quật tại Jabal Kaf Addor – Ảnh: Cơ quan Du lịch và Cổ vật Fujairah – Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)
Theo Ancient Origins, Tập đoàn Tài nguyên thiên nhiên Fujairah, hợp tác với các chuyên gia quốc tế, đã xác định được hơn 30 di chỉ có đặc điểm địa chất quan trọng, cho thấy sự tồn tại của một cộng đồng lớn vào chính thời điểm mà người ta cho rằng Fujairah không ai sống nổi.
Các di chỉ tạo thành một khu định cư lớn gọi là Jabal Kaf Addor, nơi các dạng nhà sơ khai được xây nên bởi nguyên liệu đá vôi chất lượng cao trong khu vực.
Nơi trú ẩn đá này mang lại khả năng tiếp cận nhiều cảnh quan khác nhau, bao gồm đồng bằng nội địa, chân đồi phía Tây của dãy núi Al Hajar và các dòng kênh gần đó.
Có tới 3 lớp trầm tích chứa các công cụ bằng đá, xương động vật và lò sưởi được phát hiện tại các di chỉ, cho thấy con người đã sống ở đây từ 13.000 đến 7.500 năm trước, theo GDN Online.
Trước đây, cũng có giả thuyết cho rằng khu vực này có thể từng có người ở, nhưng là những người rất cổ đại, đã rời đi hết trong Cực đại băng hà cuối cùng (khoảng 20.000 năm trước), thậm chí là trước đó, trong một giai đoạn khô hạn kéo dài tới 6.000 năm.
Khoảng 10.500 năm trước, khu vực này bắt đầu dần trở nên ẩm ướt hơn trong hàng ngàn năm do sự thay đổi trong sự cân bằng giữa hai hệ thống khí hậu.
Fujairah hiện nay nằm ở vị trí giao thoa giữa các vùng Tây vĩ độ trung bình, nơi mang theo mưa mùa đông và gió Shamal mùa hè nóng nực, cũng như gió mùa mùa hè từ Ấn Độ Dương.
Cùng với một số bằng chứng khác, người ta nghĩ rằng khoảng 7.000 năm trước, con người mới thực sự bắt đầu định cư vĩnh viễn ở đây.
Nhưng các bằng chứng nói trên cho thấy bất chấp điều kiện khắc nghiệt của 13.000 năm trước – thời điểm thế giới còn chìm trong kỷ băng hà lạnh, khô – con người vẫn lựa chọn trú ẩn nơi miền đất Ả Rập này.
Đó là một dấu mốc quan trọng, nhất là giai đoạn của khu định cư lại trùng khớp với thời gian nông nghiệp bắt đầu phát triển trong khu vực.
Vùng Cận Đông – bao gồm các quốc gia trên bán đảo Ả Rập – được cho là nơi văn minh nông nghiệp phát triển đầu tiên trên thế giới, khoảng 12.000 năm trước, bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi.
Trong khi đó, sự tan rã của các dải băng Bắc bán cầu chỉ bắt đầu diễn ra khoảng 11.700 năm trước và cho đến hơn 10.000 năm trước, kỷ băng hà mới kết thúc.
Xác định 5 dấu hiệu của hành tinh có sự sống "cao cấp"
Các nhà sinh vật học vũ trụ từ Đại học California (Mỹ) đã tìm ra cách để "chạm tới" những nền văn minh ngoài hành tinh.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Edward Schwieterman từ Đại học California đã tìm ra 5 dấu hiệu dễ nhận biết và chính xác nhất để nhận diện một hành tinh có nền văn minh hay không bằng những phương tiện sẵn có.
Theo Sci-New, 5 dấu hiệu đặc biệt đó là 5 nhóm khí nhà kính: Các phiên bản flo hóa của methane, ethane và propane, cùng với các loại khí làm từ nitơ và flo hoặc lưu huỳnh và flo.
Ảnh minh họa về các dấu hiệu công nghệ khác nhau mà chúng ta có thể tìm kiếm trên một hành tinh khác, bao gồm khí quyển nhân tạo - Ảnh: TRƯỜNG ĐẠI HỌC CALIFORNIA Ở RIVERSIDE
TS Schwieterman cho biết điều quan trọng nhất là 5 nhóm khí này vốn không thể tồn tại nhiều trong tự nhiên. Vì vậy nếu chúng tồn tại ở mức độ mà con người có thể nắm bắt được thông qua các phương tiện quan sát tối tân, phải có người ngoài hành tinh tạo ra chúng.
Nhóm nghiên cứu gọi 5 nhóm khí nói trên là "dấu hiệu công nghệ".
Năm loại khí do các tác giả đề xuất được sử dụng trên Trái Đất trong các ứng dụng công nghiệp như sản xuất chip máy tính.
Ngoài ra, nếu nền văn minh đó tối tân hơn chúng ta, họ có thể tận dụng chính những thứ "chết chóc" này để cải tạo môi trường toàn cầu.
"Chúng sẽ tốt cho một nền văn minh uốn ngăn chặn một kỷ băng hà sắp xảy ra hoặc cải tạo một hành tinh không thể ở được trong hệ sao của họ, như con người đã đề xuất về Sao Hỏa" - TS Schwieterman nói.
Ví dụ, chúng ta có một hành tinh băng giá, khô cằn, không có nước ở trạng thái lỏng - một trong những điều kiện cốt yếu của sự sống.
Chúng ta có thể bơm thêm lưu huỳnh hexafluoride, có khả năng làm nóng hành tinh gấp 23.500 lần carbon dioxide, khiến hành tinh đó đủ ấm để băng tuyết tan chảy một phần thành nước lỏng.
Một ưu điểm khác của các loại khí được đề xuất là chúng tồn tại rất lâu. Với điều kiện Trái Đất, chúng có thể được lưu giữ tới 50.000 năm.
Cho dù người ngoài hành tinh vô tình tạo ra các nhóm khí nhà kính nói trên bằng nền công nghiệp gây hại cho môi trường hay cố gắng tận dụng chúng, đó sẽ là một dấu hiệu giúp chúng ta nhận biết họ đang ở đó.
Quan trọng hơn, dấu vết của 5 nhóm khí nhà kính này dễ dàng được phát hiện trong quang phổ với "mắt thần" của kính viễn vọng James Webb, cho dù chỉ tồn tại ít.
Một số phương tiện quan sát không gian tối tân hơn mà các cơ quan vũ trụ sẽ phóng lên trong tương lai tất nhiên cũng đủ sức nhận diện chúng.
Các kết quả vừa được công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal, là tấm lưới lọc thú vị sẵn sàng áp dụng để sàng lọc lại hơn 5.500 ngoại hành tinh mà nhân loại đã biết.
Phần lớn các ngoại hành tinh đó được phát hiện bởi vệ tinh TESS của NASA và nhiều cái trong số đó khá giống với Trái Đất, tức có cơ hội cao chứa đựng sự sống.
Phát hiện 'thành phố ngọc trai mất tích' 1.700 tuổi Phế tích vừa được tìm thấy trên hòn đảo Al Sinniyah có thể chính là 'thành phố mất tích' Tu'am từng được nhắc đến trong cổ văn Ả Rập. Theo Heritage Daily, cổ văn Ả Rập có ghi chép về một thành phố cổ mang tên Tu'am được lập nên từ thế kỷ thứ IV, nhanh chóng trở thành đô thị trung tâm...