‘Ngoại ngữ sẽ là môn thi tốt nghiệp bắt buộc’
‘Bộ chưa ‘ bắt buộc’ Ngoại ngữ bây giờ vì muốn có thời gian đổi mới cách dạy, học và thi môn này’ – Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết.
- Bộ Giáo dục dự định thay đổi phương án thi tốt nghiệp như thế nào, thưa ông?
- Bộ đưa ra hai phương án thay đổi thi tốt nghiệp. Phương án một, thí sinh thi 4 môn, gồm 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Hai môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử. Học sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp.
Phương án hai, thí sinh thi 5 môn gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Lý, Hóa, Sinh, Địa và Sử. Với môn Ngoại ngữ, thí sinh không theo học hết chương trình hiện hành và thí sinh hệ giáo dục từ xa được lựa chọn một môn thi thay thế trong số các môn: Lý, Hóa, Sinh, Địa, Sử sao cho không trùng 2 môn tự chọn.
Các môn Toán, Văn, Địa, Sử sẽ thi tự luận, Lý, Hóa, Sinh trắc nghiệm, Ngoại ngữ có cả hai phần thi trắc nghiệm và viết luận. Thời gian làm bài thi môn Toán va Ngữ văn là 150 phút, môn Địa, Sử và Ngoại ngữ là 90 phút, môn Lý, Hóa và Sinh là 60 phút.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định Ngoại ngữ sắp tới sẽ là môn thi tốt nghiệp bắt buộc. Hiện tại Bộ không muốn đưa vào nhóm các môn bắt buộc hay tự chọn vì cách thi không đánh giá được năng lực thí sinh. Ảnh: Hoàng Thùy.
- Bộ nghiêng về phương án nào?
- Sau khi thảo luận, Bộ nghiêng về phương án một, bởi phương án hai đã lạc hậu. Nếu có sự đồng tình của dư luận thì phương án này có thể áp dụng được ngay trong năm 2014 vì thời gian từ nay đến khi thi tốt nghiệp còn dài. Bộ sẽ tiếp nhận ý kiến đến tháng 3, sau đó quyết định và ban hành quy chế. Đề thi nằm trong chuẩn kiến thức kỹ năng đã được học nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến thí sinh.
Video đang HOT
Phương án tốt nghiệp 4 môn có ưu điểm là giảm áp lực cho học sinh, đảm bảo đánh giá môn Ngoại ngữ thực chất hơn, tạo điều kiện để Bộ và các trường triển khai giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy theo đề án Ngoại ngữ 2020.
Còn phương án hai bắt buộc tất cả học sinh phải học Ngoại ngữ, số môn tăng lên và sẽ kéo dài phương pháp thi Ngoại ngữ đã lạc hậu.
- Ngoại ngữ được coi là môn rất quan trọng để nhân lực Việt Nam thành nhân lực toàn cầu, tại sao không được lựa chọn là môn thi bắt buộc hay lựa chọn mà lại là môn cộng điểm?
- Ngoại ngữ đúng là môn công cụ, là năng lực cần phải có trong thời kỳ hội nhập. Ngoại ngữ sắp tới sẽ là môn bắt buộc với học sinh đến lớp 12, đồng thời hướng tới học để biết, để giao tiếp chứ không phải để thi. Hiện nay, Ngoại ngữ thi trắc nghiệm, nôm na là thí sinh chỉ cần gật với lắc nên không kiểm tra được năng lực.
Bộ không để Ngoại ngữ là môn thi chính hay môn tự chọn vì muốn dành thời gian thực hiện đổi mới cách dạy, học và thi Ngoại ngữ theo đề án 2020 nhanh chóng đến thực chất. Nếu vẫn thi Ngoại ngữ theo cách hiện tại thì vừa không giải quyết được gì mà cả Bộ và trường đều mất thời gian. Kể cả nhà trường hiện nay dừng dạy Ngoại ngữ cũng được, cho giáo viên đi học, tập huấn theo đúng chuẩn năng lực rồi về dạy lại còn có chất lượng hơn.
- Nhiều ý kiến cho rằng, học rất nhiều môn nhưng khi thi lại bỏ qua những môn rất quan trọng như Giáo dục công dân, chỉ thi 4 môn. Điều này dễ dẫn đến tình trạng học sinh học lệch?
- Tình trạng học lệch hiện vẫn có. Nhưng nếu học lệch chính đáng thì tốt đấy chứ. Học sinh học đảm bảo được mặt bằng kiến thức, sau đó dành thời gian cho lĩnh vực chuyên môn. Đây cũng là điều mà chương trình mới đang hướng tới. Tất cả các môn học đều được tham gia xét tốt nghiệp, còn thi thì chọn 2 môn sở trường kết hợp 2 môn bắt buộc. Điều này sẽ khuyến khích các em định hướng nghề nghiệp luôn.
- Nhiều người e ngại việc miễn thi cho 20% học sinh có học lực, hạnh kiểm tốt sẽ xuất hiện tiêu cực, Bộ có phương án kiểm tra, giám sát như thế nào?
- Tập thể nào cũng có một nhóm tiên tiến. Bộ quy định các trường lấy ra 20% học sinh để tuyển thẳng là xuất phát từ kinh nghiệm của những năm trước, kết quả thi tốt nghiệp có khoảng 20% tỷ lệ khá, giỏi. Những em này nếu thi thì chắc chắn đỗ nên để giảm áp lực cho các em, khâu thi cử cũng giảm được 20% phòng thi, đề thi, giám thị…, Bộ quyết định miễn thi.
Việc lựa chọn học sinh đủ tiêu chuẩn miễn thi sẽ có sự giám sát của học sinh, hội đồng giáo dục, phụ huynh… để đảm bảo những em được miễn là chính xác. Bộ cũng sẽ có thanh tra và các trường phải tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình.
Theo VnExpress
Siết chặt quản lý thông tin thi cử
Tin đồn về việc Bộ GDĐT công bố 6 môn thi chính thức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng thông tin giả mạo tràn lan trên mạng Internet, ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý học sinh.
Thông tin giả mạo tràn lan
Theo thông tin giả mạo xuất phát từ một website, kỳ thi THPT năm nay sẽ bao gồm 6 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ, thể dục, giáo dục công dân và công nghệ đối với học sinh hệ THPT. Còn đối với hệ giáo dục thường xuyên thì áp dụng 6 môn thi của kỳ thi năm 2012!
Do nhiều người không biết được tính thật - giả của thông tin trên, nên nhiều ý kiến tiêu cực, bất đồng với Bộ GDĐT đã được trao đổi, bàn tán ầm ĩ trên các trang mạng, diễn đàn vừa qua. Đặc biệt, nhằm củng cố thêm tính thuyết phục của thông tin trên, website giả mạo ledaiphat.com còn tiếp tục giả danh phát biểu của ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GDĐT để khẳng định tính chính xác của thông tin trên.
Đính chính lại thông tin, người phát ngôn của bộ GDĐT, ngày 24,3, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng khẳng định: "Đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật, không phải là kênh phát ngôn chính thức từ Bộ GDĐT. Hiện Bộ GDĐT chưa công bố các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Các em học sinh, phụ huynh học sinh, nhà trường, giáo viên các trường THPT trên toàn quốc căn cứ theo kế hoạch chỉ đạo với hướng dẫn cụ thể từ Sở GDĐT các tỉnh, thành phố thực hiện triển khai hướng dẫn ôn tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới".
Trao đổi với NTNN, ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ THPT Bộ GDĐT, khẳng định: "6 môn thi tốt nghiệp sẽ được công bố trong một vài ngày tới, theo quy định là trước 30/3. Nếu tinh ý, bạn đọc sẽ dễ dàng nhận ra đây là thông tin giả mạo bởi khó có chuyện thi tốt nghiệp bằng các môn thể dục, công nghệ và giáo dục công dân".
Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp tại Trường THPT Trí Đức - Hà Nội
Siết chặt quản lý thông tin tuyển sinh
Vụ việc trên chỉ là một trong rất nhiều những vụ việc giả mạo thông tin trên mạng Internet về giáo dục nói riêng và các vấn đề khác trong xã hội nói chung. Mặc dù vậy, nhiều em học sinh do mới tiếp xúc, vẫn chưa biết cách phân biệt được tính thật giả, đúng sai trong các thông tin trên.
Sau hàng loạt sự cố vừa qua, đã đến lúc các cơ quan ban ngành kết hợp với các trường học siết chặt việc quản lý thông tin tuyển sinh. Thầy Trần Văn Ánh- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Núi Thành, Quảng Nam) khá bức xúc khi rất nhiều trang thông tin trên mạng đưa tin sai sự thật khiến nhiều em học sinh băn khoăn, bối rối.
Thầy Ánh chia sẻ: "Nhà trường luôn cố gắng cung cấp thông tin nhanh nhạy cho các em học sinh về các kỳ thi tuyển sinh. Song hiện nay việc tiếp xúc nhanh với Internet khiến nhiều em nắm bắt thông tin sai, không chính xác. Tôi cho rằng cần phải quản lý thật chặt chẽ những thông tin liên quan đến tuyển sinh, giáo dục bởi nó có thể ảnh hưởng rất lớn đến các học sinh trong giai đoạn ôn thi căng thẳng này".
Bên cạnh đó, việc hướng dẫn, trao đổi cho các em học sinh những cách thức tiếp cận và tiếp nhận thông tin từ các nguồn như sách báo, truyền hình, Internet... cũng cần phải được nhanh chóng thực hiện. Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho rằng:
"Chúng tôi đang yêu cầu các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên cần nhanh chóng thực hiện công tác phổ biến, hướng dẫn các em học sinh chọn lọc các kênh thông tin tuyển sinh chính xác. Tránh để những trường hợp như vừa qua xảy ra khiến tâm lý các em học sinh bị ảnh hưởng."
Bộ GDĐT cũng cho biết sẽ phối hợp cùng với các đơn vị liên quan hạn chế tình trạng như trên, đồng thời xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm, tung thông tin thất thiệt về tuyển sinh, giáo dục lên trên mạng Internet.
Theo Nguyễn Dũng - Quốc Hải (Dân Việt)
Xem tin chính xác về môn thi tốt nghiệp THPT tại đâu? Sau sự việc một website đưa tin sai sự thật về các môn thi tốt nghiệp THPT khiến nhiều học sinh, phụ huynh hoang mang và không biết được liệu xem thông tin trên mạng ở địa chỉ nào là chính xác. Cuối tuần qua, trên mạng xuất hiện một website giả giao diện của một tờ báo mạngđã đăng tải nội dụng...