Ngoài 30 tuổi, nếu cứ duy trì 5 thói quen shopping sau thì chẳng cần đợi hết tháng, ví tiền đã cạn kiệt
Khi đã có sự nghiệp ổn định với mức lương kha khá mỗi tháng thì cũng là lúc, nhiều quý cô ngoài 30 chẳng thể thoát ra khỏi “vòng xoáy” shopping không điểm dừng; để rồi số tiền trong ví cứ vơi đi khó kiểm soát.
Được ướm thử lên người cả chục chiếc váy áo “xịn sò”, chuẩn mốt nhất rồi mua bằng hết về nhà quả là niềm thích thú không của riêng chị em nào, đặc biệt với những quý cô ngoài 30 đã có sự nghiệp vững chắc cùng số tiền lương kha khá được chuyển vào tài khoản mỗi tháng. Tuy nhiên, sẽ là một điều đáng buồn nếu các nàng mua sắm quá tay để rồi chẳng cần đợi đến hết tháng, ví tiền đã ở trạng thái hoàn toàn trống rỗng còn những chiếc váy áo mà các nàng đã “cắn răng cắn lợi” để chi trả thì bị bỏ xó từ lúc nào không biết. Và nếu thấy viễn cảnh này thật đúng với tình trạng của mình ở hiện tại thì rất có thể, các nàng đã vướng phải 5 thói quen mua sắm “tai hại” dưới đây.
1. Mua sắm quá khả năng tài chính
Đứng trước một chiếc túi xách hay chiếc đầm đắt tiền, chắc hẳn nhiều quý cô đã từng tự nhủ với mình rằng sau khi có được món đồ ấy, bản thân sẽ tiết kiệm, “nhịn ăn nhịn uống” và coi như đây là lần cuối cùng chi bạo tay cho một món thời trang. Thế nhưng, có một sự thật là chẳng mấy ai làm được như vậy; nhất là khi tiền lương của các nàng tháng nào cũng giống tháng nào, các khoản phí sinh hoạt thì vẫn cần phải chi trả còn đam mê mua sắm cứ ngày càng lớn dần lên.
Giải pháp lúc này là thay vì “sà vào” những thương hiệu thời trang đắt đỏ rồi “tăm tia” những items vượt quá khả năng tài chính của mình, các nàng hãy tìm đến những hãng bình dân hơn nhưng chất lượng và mẫu mã ổn, hợp mốt; đảm bảo các nàng sẽ tìm thấy được những items vừa ý mà vẫn tiết kiệm được 1 khoản kha khá.
2. Mua đồ mới liên tục
Có ít nhất 3 lý do khiến các nàng liên tục sắm sửa cho mình những món thời trang mới toanh mặc dù tủ quần áo đã chật ních; đó là: chạy đua theo mốt; mua sắm quá nhiều đồ giá rẻ, chất lượng kém hoặc chỉ đơn giản là luôn cảm thấy mình không có gì để mặc. Và dù lý do thế nào cũng đều dẫn đến một kết quả chung là: tiền lương mỗi tháng cứ không cánh mà bay đi hết.
Tuy nhiên, không phải không có cách để “trị” thói quen mua đồ mới “vô tội vạ”. Chỉ cần các nàng tìm đến những items có tính thời trang lâu dài, ví như: áo sơ mi trắng, quần jeans, giày sneakers…; chọn những món chất lượng với độ bền cao; rồi tìm hiểu cách mix&match linh hoạt, mới mẻ với những items sẵn có là chẳng lo bị lạc mốt, không có gì để mặc và tiền túi thì cũng rủng rỉnh hơn hẳn.
3. Sắm đồ quá trẻ so với lứa tuổi
Ai cũng muốn mình có được vẻ ngoài trẻ trung và phụ nữ ngoài 30 không phải là ngoại lệ. Nhưng mong ước ấy không đồng nghĩa với việc các nàng nên sắm sửa cho mình 1 loạt những items “cưa sừng làm nghé”; chẳng hạn như: áo hoodie màu hồng, áo nỉ in hình ngộ nghĩnh hay chân váy ngắn kẻ caro – loạt items quen thuộc của những nữ sinh tuổi 18. Để tiết kiệm hơn cho túi tiền của mình thì áo len tông màu nền nã, áo trech coat, vài bộ suit hay quần jeans dáng suông… là những lựa chọn vừa thanh lịch, hợp mốt lại đúng tuổi mà các nàng nên cân nhắc đầu tư.
Video đang HOT
4. Mua đồ chỉ để mặc cho đúng 1 sự kiện
Ở tuổi 30, các nàng đã quá quen với việc duy trì các mối quan hệ nên chuyện tham gia những bữa tiệc cưới, sinh nhật hay tiệc công ty… dường như trở thành một phần không thể thiếu. Và những sự kiện đặc biệt ấy chính là cơ hội để các quý cô sành điệu “trưng trổ” những bộ cánh lộng lẫy, hợp mốt nhất và thường không dịp nào mặc giống dịp nào. Điều này dẫn đến một thực tế là hàng loạt những bộ cánh các nàng đã đầu tư mạnh tay sẽ chỉ được trưng dụng 1 lần rồi “bỏ xó” và thói quen diện đồ này thực sự quá lãng phí.
Thay vì thế, sao các nàng không thử diện 1 chiếc váy cho những sự kiện cách xa nhau rồi thay đổi một chút ở cách mix&match và nhấn nhá phụ kiện? Sẽ không có nhiều người nhớ như in bộ cánh của các nàng và họ cũng chẳng bận tâm nếu thấy các nàng diện lại đồ cũ đâu!
5. Sắm những items không vừa vặn với cơ thể
Trong rất nhiều cuộc mua sắm, các nàng chắc hẳn đã tìm thấy không ít những món đồ chuẩn mốt, đẹp xinh “lồng lộn” khi nhìn vào nhưng lại không vừa vặn với số đo hình thể của mình. Tuy nhiên, thay vì bỏ qua thì rất nhiều quý cô vẫn cố sắm sửa với hy vọng mình sẽ tăng cân hay giảm cân để diện được những món thời trang có sức hút khó cưỡng ấy. Thế nhưng, sẽ ra sao nếu các nàng không thể “thuần phục” được những items mình đã mạnh tay đầu tư? Câu trả lời chỉ có thể là xếp xó trong ngăn tủ hoặc có chăng, nếu diện lên mình thì khả năng cao, vóc dáng của các nàng sẽ bị dìm đáng kể còn vẻ ngoài sành điệu, cuốn hút cũng là điều khó mà đạt được. Và giải pháp chắc ăn nhất vẫn là mua sắm những items vừa vặn, có khả năng tôn dáng, giúp giấu khéo những điểm yếu về mặt hình thể để diện lên vừa đẹp lại thật đáng “đồng tiền bát gạo”.
Theo nguồn tổng hợp
10 dấu hiệu bạn đang trở thành 'con nghiện' mua sắm
Từ thói quen mua sắm, bạn có thể bị "nghiện", mất khả năng kiểm soát chi tiêu, dẫn đến nợ nần, ảnh hưởng các mối quan hệ cá nhân, thậm chí là trầm cảm. Dưới đây là 10 dấu hiệu bạn có nguy cơ mắc bệnh "nghiện" mua sắm.
1. Bạn nói dối về giao dịch của mình
Một điều thường thấy ở người nghiện mua sắm đó là họ thường giấu nhẹm những món đồ vừa mua với gia đình. Họ giả vờ rằng mình đã có món đồ đó từ trước rồi. Nếu bạn cảm thấy mình muốn giấu đồ vừa mua, đó là một dấu hiệu không tốt chút nào.
2. Bạn không nói chuyện cởi mở về sở thích mua sắm của mình
Tín đồ mua sắm đôi khi nói dối về việc khi nào họ đi siêu thị hay siêu thị đó ở chỗ nào. Họ có thể cảm thấy xấu hổ khi thừa nhận chiều sâu của vấn đề đang gặp phải và không muốn người thân tham gia khuyên bảo.
3. Thói quen mua sắm làm tổn thương những mối quan hệ của bạn
Khi nghiện mua sắm, các khoản nợ sẽ dần tăng lên và họ có xu hướng nói dối về những hoạt động của mình. Điều này có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ thân thiết. Những người thân luôn muốn giúp đỡ tín đồ mua sắm nhưng không biết làm thế nào và thường dùng lập luận để can thiệp.
4. Bạn thường mua sắm một mình
Rủ bạn thân đi mua sắm cùng có thể giúp những con nghiện này kiểm soát được ví tiền của họ. Do đó, người mua sắm thích đi một mình có thể vì họ muốn giấu số tiền đã chi.
5. Bạn cho rằng mua sắm là thói quen tốt
Nếu mua sắm là hoạt động chính trong những thói quen tốt, nó sẽ khiến con người dễ dành mất kiểm soát. Chuyên gia khuyên bạn nên thay thế mua sắm bằng những hoạt động không liên quan đến chi tiêu như chơi thể thao hoặc nấu ăn.
6. Bạn đi mua sắm để cảm thấy mình tốt hơn
Họ lập luận mua một chiếc váy mới hay bộ trang phục đẹp sẽ giúp bản thân cảm thấy tự tin hơn. Số khác thì cho rằng mình sẽ được tôn trọng hơn và cảm thấy an toàn.
7. Bạn cảm thấy hưng phấn khi mua hàng
Những người không thể kiếm soát được mua sắm thường cảm thấy hưng phấn mỗi khi đi siêu thị. Đó cũng là lý do khiến họ không thể dừng bản thân mình lại được. Các chuyên gia khuyên những con nghiện mua sắm nên tránh xa việc mua sắm khi đang bị kích thích hoặc đợi 24 giờ trước khi thực hiện giao dịch.
8. Thói quen mua sắm đã can thiệp vào cuộc sống của bạn
Khi thói quen mua sắm bắt đầu ảnh hưởng đến các mục tiêu khác trong cuộc sống như tiết kiệm mua nhà hay trả nợ, đã đến lúc bạn phải tìm hiểu và giải quyết nguyên nhân gây nghiện. Tốt nhất, bạn nên sử dụng một số dịch vụ quản lý tài chính cá nhân để thay đổi thói quen của mình dễ dàng hơn.
9. Bạn sử dụng thẻ tín dụng để mua sắm
Khi tín đồ mua sắm sử dụng thẻ tín dụng, họ sẽ nhanh chóng mất kiểm soát và chìm vào nợ nần. Bắt bản thân dùng tiền mặt có thể giúp cho việc quản lý ngân quỹ hàng tuần trở nên dễ dàng hơn và tránh tiêu quá tay.
10. Bạn không biết tiền của mình đang đi về đâu
Những người nghiện mua sắm thường cố bỏ qua và không để dành cho những vấn để lớn khác có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, ví dụ như bệnh tật. Nếu bạn không rõ tiền của mình đã đi về đâu, với số lượng bao nhiêu thì đã đến lúc nên xem xét kỹ lại.
Theo tinbaihay.net
Quần áo mặc nhà cho bé: Mua sao cho đúng? Chọn sao cho chuẩn? Có nhiều bố mẹ thường chú tâm chọn những bộ quần áo mặc đi học, đi chơi cho bé nhà mình mà quên mất đi những bộ đồ mặc nhà cũng không kém phần quan trọng. Biết cách chọn quần áo mặc nhà cho bé là một cách để bảo vệ sức khỏe cho bé nữa đấy! Cách chọn quần áo mặc nhà...