NGND Tôn Thân: ‘Đừng biến học sinh năng khiếu Toán thành ông cụ non’
NGND Tôn Thân cho biết một trong 5 hành trang cần chuẩn bị cho học sinh năng khiếu Toán là tuổi trẻ. Do đó, giáo viên đừng biến các em thành ‘ông cụ non’, chỉ biết cắm đầu học.
NGND Tôn Thân – “người thầy của những học sinh giỏi Toán” – cho rằng các năng khiếu Toán học, ngôn ngữ, âm nhạc, thể thao thường xuất hiện sớm nhưng đó chỉ là mầm mống tài năng. Muốn thành nhân tài, cống hiến cho xã hội, các em cần được tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ theo một quy trình khoa học, chặt chẽ, đồng bộ.
Tại Hội thảo quốc tế về Giáo dục Toán học do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức, NGND Tôn Thân đưa ra hai vấn đề về đào tạo năng khiếu Toán là chuẩn bị hành trang đầy đủ, cần thiết và phát hiện, bồi dưỡng các thành tố cơ bản của năng lực sáng tạo – một trong những năng lực cốt lõi cần có của con người.
NGND Tôn Thân có nhiều học trò nổi tiếng, thành công như GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn, TS Hoàng Lê Minh, ông Hoàng Nam Tiến, TS Nguyễn Đăng Quang, TS Đặng Hoàng Giang… Ảnh: UTS.
5 hành trang cho học sinh năng khiếu Toán
NGND Tôn Thân cho rằng hành trang thứ nhất là sức khỏe thể chất, tinh thần. Các em cần có cơ thể khỏe mạnh, chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, rèn luyện khoa học hợp lý để có sức bền, dẻo dai, sau này có thể tham gia hoạt động học tập, trải nghiệm với khối lượng lớn, cường độ cao. Cùng đó là nghị lực, ý chí khắc phục khó khăn, thái độ lạc quan, tích cực với cuộc sống.
Hành trang thứ hai là nghệ thuật. Học sinh năng khiếu Toán cần có hiểu biết ban đầu và tình yêu với nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật, văn học, điện ảnh).
Nghệ thuật kích thích trí tưởng tượng, óc sáng tạo, làm cho tâm hồn các em phong phú, tình cảm trong sáng, tình yêu cuộc sống mãnh liệt hơn.
“Học sinh năng khiếu Toán không thể chỉ cắm đầu làm Toán mà phải được trang bị cả những kiến thức về nghệ thuật nữa”, ông nhấn mạnh.
Hành trang thứ ba là mục đích. Ngay từ trên ghế trường THCS, học sinh cần xác định cho mình mục đích dài hạn, mục tiêu ngắn hạn là cái đích để mình theo đuổi.
Theo NGND Tôn Thân, xác định mục đích, mục tiêu cần trở thành thói quen khi học bất kỳ môn học nào, làm việc gì. Mục đích học tập gắn với ước mơ trong tương lai, giúp các em có thêm động lực phấn đấu. Mục đích cao cả tiếp cho người ta sức mạnh niềm tin, năng lượng để làm những việc rất lớn.
Hành trang thứ tư là đam mê. Ông cho rằng thầy giáo giỏi phải truyền cảm hứng cho học trò, nuôi dưỡng niềm đam mê học hỏi không mệt mỏi.
Ông khẳng định đam mê là nhiên liệu cho ý chí, biến những điều các em phải học, phải làm thành điều muốn học, muốn làm. Đam mê giúp các em sẵn sàng chấp nhận rủi ro, vượt qua mọi khó khăn, khao khát đạt mục tiêu đề ra.
Hành trang thứ năm được nhà giáo Tôn Thân đề cập là tuổi trẻ. Ở điểm này, ông lưu ý các thầy, cô không biến những học sinh năng khiếu Toán thành “ông cụ non”, lúc nào cũng chỉ biết cắm đầu vào học, mất hết sự hồn nhiên của tuổi thơ.
Ông dẫn ra nghiên cứu của một nhà toán học Pháp ở thế kỷ 19, thống kê những vở kịch thành công của các nhà viết kịch trong suốt sự nghiệp của họ.
Kết quả cho thấy sức sáng tạo không tăng lên cùng kinh nghiệm. Các nhà viết kịch không viết ngày càng hay. Sức sáng tạo có xu hướng đạt đỉnh cao sau vài năm làm việc, khi họ viết đủ nhưng không quá nhiều, sau đó đi xuống.
Video đang HOT
Tuy nhiên, cũng theo NGND Tôn Thân, một nhà tâm lý học người Mỹ lại khẳng định con người có thể tiếp tục sáng tạo trong cả sự nghiệp chừng nào họ còn nỗ lực duy trì góc nhìn của người trẻ tuổi.
“Sự trẻ trung thường gắn với suy nghĩ tươi mới, không bị cản trở bởi thói quen. Điều này thuận lợi cho suy nghĩ sáng tạo. Vì thế, học sinh còn trẻ nhưng chúng ta phải làm các em trẻ nữa, có cách nhìn thật trong sáng, suy nghĩ thật tươi mới”, ông nêu quan điểm.
Các nghiên cứu trong nước và quốc tế chỉ ra 4 thành tố của năng lực sáng tạo là kiến thức, tưởng tượng và trực giác, tư duy sáng tạo và phản biện, xúc cảm sáng tạo. Ảnh minh họa: Giáo dục & Thời đại.
Bốn thành tố của năng lực sáng tạo
NGND Tôn Thân đánh giá học sinh năng khiếu Toán vốn thông minh, đạt kết quả tốt trong học tập môn này, có kiến thức các phân môn, liên môn tương đối toàn diện. Các em ham học, say mê học Toán, tò mò, có khả năng tưởng tượng tốt, tư duy linh hoạt.
Tuy nhiên, đây chỉ là biểu hiện ban đầu, tiềm năng. Nếu không có sự tác động từ giáo dục, rèn luyện, năng khiếu đó mãi là tiềm năng. Để biến tiềm năng thành năng lực thật sự, học sinh cần được bồi dưỡng 4 thành tố chủ yếu của năng lực sáng tạo – năng lực then chốt để khẳng định vị thế của một người, một quốc gia hay một xã hội.
Thành tố đầu tiên là kiến thức, bao gồm kiến thức chung tức kiến thức phổ thông các môn học do nhà trường trang bị, kiến thức chuyên sâu về môn học, lĩnh vực, kiến thức liên môn, kinh nghiệm thực tiễn thu được qua trải nghiệm. Kiến thức là cơ sở, nguyên liệu cho trí tưởng tượng và trực giác.
Thành tố thứ hai là tưởng tượng và trực giác. NGND Tôn Thân giải thích biểu tượng là hình ảnh của sự vật được giữ lại trong trí nhớ và hình thức cao nhất của biểu tượng là trí tưởng tượng.
Trong khi đó, theo quan điểm triết học, trực giác là năng lực nắm bắt trực tiếp chân lý, không cần lập luận logic trước. Trực giác là kết quả của sự dồn nén trí tuệ và tri thức dẫn đến sự bùng nổ bằng nhiều thao tác tư duy phát triển ở trình độ khác nhau. Trong nhận thức khoa học, trực giác có vai trò to lớn, thể hiện tính sáng tạo cao.
“Nếu không có trí tưởng tượng và trực giác, học sinh khó có thể tiếp thu được khái niệm toán học, các hình tượng nghệ thuật, không thể đưa ra các dự đoán tính chất của đối tượng nghiên cứu. Đây là chất xúc tác cho quá trình phát triển tư duy sáng tạo và tư duy phản biện”, ông nhận định.
Thành tố thứ ba là tư duy sáng tạo, tư duy phản biện. Tư duy sáng tạo là dạng tư duy độc lập, tạo ý tưởng mới độc đáo, có hiệu quả cao trong giải quyết vấn đề và có các thành tố chính gồm tính mềm dẻo, thuần thục, độc đáo.
Tư duy phản biện là cách suy nghĩ có chủ định, xây dựng và hoàn thiện thái độ hoài nghi tích cực trong việc phân tích, đánh giá thông tin đã có theo cách nhìn khác cho vấn đề đặt ra nhằm đi đến một phán đoán, kết luận bằng lập luận có căn cứ.
Thành tố thứ tư – xúc cảm sáng tạo. Xúc cảm là thái độ, thể hiện rung cảm của con người đối với sự vật hiện tượng và hiện thực.
NGND Tôn Thân khẳng định dạy học theo hướng phát triển năng lực sáng tạo cần có phương pháp sư phạm, trong đó lấy người người học làm trung tâm, tích cực hóa hoạt động học tập, cá nhân hóa, cá biệt hóa việc học, tạo môi trường học tập thân thiện, bình đẳng, khuyến khích sự hợp tác, khơi gợi được hứng thú, phù hợp vùng phát triển gần của học sinh.
Học sinh được trao quyền làm chủ quá trình học tập của mình, coi trọng quá trình sáng tạo hơn sản phẩm sáng tạo. Thầy, cô chú trọng các trải nghiệm, trò chơi nhằm nuôi dưỡng đam mê, xúc cảm sáng tạo, khả năng phán đoán, tưởng tượng cho học sinh. Họ cần tạo môi trường, điều kiện để năng lực sáng tạo của học sinh nâng dần lên cao hơn.
Mỹ khuyến khích học sinh học Toán để giải cứu thế giới
Đây là thông điệp huấn luyện viên đội tuyển Olympic Toán của Mỹ muốn truyền đến học sinh để khơi gợi đam mê học Toán trong các em.
Tại các kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO), đội tuyển Mỹ thường nằm trong nhóm các quốc gia có kết quả cao nhất.
Chia sẻ tại phiên thảo luận ngày 15/10 trong Hội thảo quốc tế về Giáo dục Toán học do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức, GS Pro-Shen Loh từ ĐH Carnegie Mellon, huấn luyện viên quốc gia đội Olympic Toán của Mỹ, cho biết việc bồi dưỡng học sinh giỏi Toán ở nước này tập trung vào khơi gợi đam mê Toán học ở các em.
GS Po-Shen Loh từng đến nhiều nơi ở Mỹ để nói chuyện với học sinh, phụ huynh, khơi gợi đam mê học Toán của các em. Ảnh: Quanta.
Đến nhiều thành phố huy động học sinh hứng thú với Toán
GS Pro-Shen Loh cho hay đội tuyển Mỹ thường xếp sau Trung Quốc về kết quả tại các kỳ thi IMO. Ông từng cho rằng nguyên nhân nằm ở việc Trung Quốc có dân số đông gấp 4 lần Mỹ.
Tuy nhiên, năm 2012, Hàn Quốc, một nước có quy mô dân số nhỏ hơn, lại chiến thắng Mỹ. Ông đã tìm kiếm lời giải thích cho hiện tượng này.
Sau cuộc thảo luận với GS Song Yongjin từ ĐH Inha, Phó chủ tịch Hội Toán học Hàn Quốc, Chủ tịch Ủy ban Olympic Toán Hàn Quốc, ông nhận ra không phải dân số mà số lượng học sinh thực sự muốn tham gia cuộc thi mới là yếu tố quyết định.
Vì thế, khi làm trưởng nhóm IMO Mỹ, GS Loh muốn tìm đến những học sinh có năng lực cơ bản, bình thường và trau dồi, tăng cường đam mê của các em với môn Toán để tăng số lượng các em có khả năng tham gia IMO.
Ông cho rằng số lượng học sinh có tiềm năng giỏi Toán rất lớn, nhiều trường hợp học lực bình thường nhưng sau một thời gian, các em trở nên rất giỏi.
"Tôi từng thảo luận với Hội Toán học Mỹ vì nếu hội muốn tôi làm huấn luyện viên, có thể kết quả từ đầu sẽ không cao. Nhưng trong vòng 10-20 năm, tôi đảm bảo sẽ cải thiện kết quả. Tuy nhiên, chưa mất chừng đó năm, kết quả của Mỹ đã cải thiện", GS Pro-Shen Loh nhớ lại.
Người Mỹ có quan niệm phần lớn tài năng Toán học đến từ Boston, Washington, New York, San Francisco. Song từ thực tế đội tuyển dự thi, ông cho rằng thí sinh có thể đến từ những nơi xa xôi, kết quả không phụ thuộc vào xuất phát điểm của các em.
GS Loh cũng tránh dùng từ tài năng, năng khiếu vì tin tưởng bất cứ học sinh nào đều có khả năng phát triển năng lực nếu có nỗ lực nội tại để nghiên cứu, học tập nhiều hơn.
Ông muốn huy động càng nhiều học sinh hứng thú với Toán càng tốt. Ông thường đi đến các thành phố dọc bờ biển và những nơi có dân số trên 500.000. Ở mỗi nơi, ông có một bài trình bày với khoảng 100 học sinh tham gia.
Ông cố gắng đi nhiều nơi với mong muốn không chỉ trở thành huấn luyện viên của những học sinh giỏi nhất mà có thể khơi gợi niềm đam mê của cả những học sinh bình thường.
GS Loh thông tin thêm ngoài ông, nhiều nguồn lực khác cũng tham gia huy động học sinh học Toán, giúp các em cảm thấy hào hứng với cuộc thi.
GS Loh cùng các huấn luyện viên chương trình bồi dưỡng môn Toán thường truyền thông điệp tới học sinh về trách nhiệm giải cứu thế giới. Ảnh: Quanta.
Thí sinh không tham gia thi để thắng
Huấn luyện viên quốc gia đội Olympic Toán của Mỹ thông tin nước này cũng có các cuộc thi Toán cho học sinh. Tuy nhiên, các cuộc thi không được tổ chức với mục đích để thí sinh giành giải thưởng mà hướng tới khơi gợi đam mê học Toán của học sinh.
Ông chia sẻ thêm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, cuộc thi được tổ chức ở nhiều nơi trên đất nước. Học sinh lên xe buýt để đến các điểm thi. Trên xe, gương mặt các em hiện rõ sự hào hứng.
"Bản thân cuộc thi là hoạt động xã hội, cho các em cơ hội gặp gỡ, giao lưu. Chúng tôi tổ chức thi Toán ở sân vận động. Thí sinh không cố gắng đến thi để thắng mà là để gặp gỡ", GS Po-Shen Loh nói.
Ông chia sẻ thêm họ mong muốn thi sinh thử thách phá bỏ giới hạn bản thân để khám phá khả năng khác của mình. Hoạt động cũng đưa thí sinh từ các nơi xa xôi đến cùng địa điểm để thảo luận với nhau.
Việc đào tạo, huấn luyện thí sinh tham gia Olympic Toán quốc tế ở Mỹ không chỉ tập trung vào các em dự thi IMO. Họ tập hợp được nhóm học sinh giỏi nhất.
Họ dạy các học sinh Toán nhưng phần lớn thời gian, họ khuyến khích các em bàn luận các vấn đề toán học. Gần đây, chủ đề bàn luận còn có vấn đề về sức khỏe cộng đồng, sự hợp tác với Singapore, dùng kiến thức toán học để kiềm chế sự ảnh hưởng của dịch bệnh.
GS Loh cho hay các huấn luyện viên muốn khơi gợi đam mê phát triển toán học giữa các thí sinh.
"Chúng tôi truyền đến thông điệp các em có trách nhiệm giải cứu thế giới. Nếu các em không làm, ai có thể đảm nhận trách nhiệm này. Đây là công việc mà huấn luyện viên môn Toán cố gắng tiến hành và cũng không phải là công việc tập trung hoàn toàn vào Mỹ", GS Po-Shen Loh cho hay.
Ông nói thêm rất nhiều cựu thí sinh của chương trình này đã tham gia vào các tập đoàn lớn. Tại kỳ thi ở mức độ cao nhất, Mỹ còn mời thí sinh từ các quốc gia khác, mang đến sự hợp tác quốc tế.
Ngoài ra, trong vấn đề đào tạo, phát triển năng lực học Toán của học sinh, GS Loh còn nhấn mạnh thành công là khái niệm mang tính dài hơi, dài hạn chứ không phải là cố gắng đạt kết quả ngay trước mắt.
Thực tế, tính dài hạn này còn được thể hiện ở khâu tổ chức. Chương trình bồi dưỡng tài năng Toán ở Mỹ hầu như không nhận vốn từ chính phủ.
Ban đầu, chương trình có khoảng 200.000 ứng viên tham gia thi. Mỗi em trả 3 USD. Tuy nhiên, GS Loh cho hay thực tế, khoản tiền này không đủ vì họ phải chuẩn bị đề thi, gửi đề đi khắp nơi.
Vì thế, phần lớn khoản đầu tư đến từ hỗ trợ khác, trong đó có hệ thống các trường đại học. Đây cũng là một đặc điểm của giáo dục đại học ở Mỹ. Các trường nước này thường hỗ trợ sinh viên học. Sau này, khi sinh viên ra trường, phát triển sự nghiệp, có kinh tế vững chắc, họ sẽ hỗ trợ lại trường.
"Tương tự, chúng tôi đầu tư cho học sinh trong vài năm. Sau này, các em trả lại. Dựa trên điều này, các trường sẽ đầu tư. Chúng tôi không chỉ hy vọng các em thành công trong kỳ thi mà còn trong 10-20 năm sau. Như tôi không có tiền nên đầu tư về chuyên môn. Ban huấn luyện dạy miễn phí", GS Po-Shen Loh cho hay.
Nữ sinh trường Công Đoàn xinh như hotgirl từng đạt HCV môn cờ vua Quốc gia Vừa xinh đẹp, vừa thông minh, học giỏi, Ngọc Trâm được mệnh danh là "con nhà người ta". Nguyễn Ngọc Trâm sinh năm 1999, đến từ Bắc Giang và hiện là sinh viên Đại học Công Đoàn. Từ nhỏ, Ngọc Trâm đã là cô gái được chú ý bởi trí tuệ thông minh, thành tích học tập tốt. Cô là thành viên trong...