Nghiên cứu mới: Thịt bò và bơ sữa giúp tiêu diệt tế bào ung thư
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Chicago của Mỹ chỉ ra rằng lượng phân tử tự nhiên trong các sản phẩm động vật như thịt và sữa có thể xâm nhập các khối u và tiêu diệt tế bào ung thư.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Daily Mail)
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng phân tử tự nhiên trong sữa mẹ và các sản phẩm động vật như thịt và sữa có thể xâm nhập vào các khối u và tiêu diệt tế bào ung thư.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Chicago của Mỹ đã khám phá ra hàng trăm chất dinh dưỡng khác nhau ảnh hưởng đến sự phát triển của tế bào ung thư cùng khả năng điều trị hiệu quả, và tập trung vào một chất gọi là Axit Trans-Vaccenic (TVA).
Các nhà nghiên cứu cho biết những bệnh nhân ung thư có hàm lượng hợp chất này trong máu cao hơn sẽ phản ứng tốt hơn với việc điều trị – giống như việc họ được bổ sung một chất dinh dưỡng.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature cho biết phần thịt mỡ của bò và cừu nhiều khả năng có mức TVA cao hơn so với thịt nạc, tương tự đối với các sản phẩm sữa nguyên chất béo so với sữa ít béo và sữa gầy.
Axit béo từ sữa có khả năng chống ung thư bằng cách tăng cường một số tế bào miễn dịch được gọi là tế bào T, giúp nhận biết những tác nhân xâm nhập từ bên ngoài và thúc đẩy hệ thống miễn dịch tiêu diệt chúng ở bên trong.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết việc tiêu thụ thức ăn giàu hợp chất này hoặc sử dụng chúng như một chất bổ sung có thể làm giảm kích thước khối u tồn tại trong cơ thể bệnh nhân ung thư.
Tiến sỹ Jing Chen, thành viên nòng cốt của dự án nghiên cứu, cho biết: “Tập trung vào các chất dinh dưỡng có thể kích hoạt phản ứng của tế bào T, chúng tôi đã tìm thấy một chất thực sự giúp tăng cường khả năng miễn dịch chống khối u bằng cách kích hoạt một ‘con đường’ miễn dịch quan trọng.”
Cô cùng nhóm nghiên cứu của mình đã xác định được chất dinh dưỡng này sau khi xem xét cơ sở dữ liệu gồm khoảng 700 chất chuyển hóa khác nhau, đó là những chất được tạo ra khi cơ thể tiêu hóa thức ăn và đều đến từ thực phẩm bên ngoài.
Sau đó, họ tổng hợp thành một “thư viện” các hợp chất dinh dưỡng cho máu bao gồm 235 phân tử khác nhau rồi phân tích về khả năng ảnh hưởng đến việc kích hoạt tế bào T CD8 của mỗi loại.
Tiếp đến, họ thử nghiệm trên tế bào của cả người và chuột để rút ngắn số lượng xuống còn sáu “ứng cử viên” và kết luận rằng TVA chính là phương pháp hiệu quả nhất trong việc “kích hoạt” các tế bào miễn dịch đó.
Họ triển khai TVA vào chế độ ăn uống của chuột và nhận ra nó làm giảm khả năng khối u ác tính và tế bào ung thư ruột kết phát triển thành khối u so với những con chuột có chế độ ăn đối chứng.
Họ cũng thử nghiệm các tế bào ung thư bạch cầu trong phòng thí nghiệm và thu được kết quả rằng TVA tăng cường liệu pháp nhắm trúng đích để tiêu diệt các tác nhân gây hại đó.
Một báo cáo do Liên hợp quốc công bố vào tháng Năm đã kết luận rằng các chất dinh dưỡng cần thiết đối với sức khỏe và sự phát triển như protein, sắt, canxi, kẽm, vitamin B12 và choline, creatine và taurine “không thể dễ dàng có được từ thực phẩm có nguồn gốc thực vật.”
Nhưng hấp thụ quá nhiều chất có thể dẫn đến xơ cứng động mạch và cholesterol, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong sớm.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ vào tháng trước cũng chỉ ra rằng những người ăn nhiều thịt đỏ – khoảng 2,5 khẩu phần mỗi ngày – có nguy cơ mắc các bệnh này cao hơn 62% so với những người ít ăn thịt đỏ.
Tuy nhiên, việc thay thế khẩu phần thịt đỏ bằng các sản phẩm từ sữa có thể làm giảm 22% nguy cơ mắc bệnh./.
9 dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi cần biết
Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và ngày càng có xu hướng gia tăng. Gần đây, bệnh xuất hiện ở những người trẻ tuổi nhiều hơn.
Vậy dấu hiệu sớm của căn bệnh này ra sao? Ai cần sàng lọc ung thư phổi?
Ung thư phổi hay ung thư phế quản là một khối u ác tính phát triển từ biểu mô phế quản, tiểu phế quản, phế nang hoặc từ các tuyến của phế nang.
Một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi cho người bệnh là hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường, nghề nghiệp liên quan đến phóng xạ hoặc amiăng, yếu tố di truyền.
Trong giai đoạn sớm, các triệu chứng của ung thư phổi thường không đặc hiệu nên dễ bị bỏ qua hoặc có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm phế quản phổi, lao phổi. Nhiều bệnh nhân đến viện khi bệnh ở giai đoạn muộn hoặc sau khi điều trị nhiều đợt không đỡ.
Các triệu chứng xuất hiện tùy thuộc vào vị trí và kích thước của khối u, mức độ xâm lấn đến các cơ quan lân cận cũng như di căn xa.
Các dấu hiệu của ung thư phổi khá đa dạng, người bệnh cần lưu ý khi gặp các triệu chứng sau:
1. Biểu hiện ho và ho kéo dài
Ho là triệu chứng thường gặp. Khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi có biểu hiện ho, có thể là ho khan, ho có đờm. Nhưng ho là một triệu chứng rất không đặc hiệu, và ung thư không phải là nguyên nhân mà người bệnh nghĩ đến đầu tiên.
Tuy nhiên, nếu tình trạng ho kéo dài, không rõ nguyên nhân và không đáp ứng với điều trị thì nên đến chuyên khoa ung bướu để thăm khám.
Nếu tình trạng ho kéo dài, không rõ nguyên nhân và không đáp ứng với điều trị thì nên đến chuyên khoa ung bướu để thăm khám. Ảnh minh họa.
2. Xuất hiện đau vai, tay và các ngón tay
Đau vùng vai, cánh tay, ngón tay kèm tê bì dị cảm xuất hiện khi khối u đỉnh phổi chèn ép đám rối thần kinh cánh tay. Các khối u vùng này còn có thể gây ra một số triệu chứng khác như sụp mi mắt, nóng bừng và đỏ nửa mặt cùng bên.
3. Xuất hiện khó thở
Khó thở cũng là một triệu chứng hay gặp trong ung thư phổi. Cảm giác khó thở thường xuất hiện khi giai đoạn bệnh không còn sớm và hay gặp với khối u ở trung tâm gây hẹp lòng khí quản lớn hoặc do khối hạch trung thất chèn ép vào đường thở. Đôi khi, người bệnh còn có thể xuất hiện tiếng thở khò khè nặng nhọc.
4. Xuất hiện đau ngực
Đau ngực hay gặp khi khối u đã xâm lấn đến thành ngực. Điểm đau thường tương ứng với vị trí khối u, người bệnh có thể bị đau tức ở vùng ngực, lưng hoặc vai. Các cơn đau có tính chất dai dẳng, âm ỉ, tăng lên khi ho hoặc hít thở sâu.
Tức ngực, khó thở có thể là biểu hiện của ung thư phổi cần cảnh giác.
5. Biểu hiện khàn tiếng
Khàn tiếng thường do khối u phổi trái hoặc hạch trung thất chèn ép vào dây thần kinh. Khi nội soi sẽ thấy tình trạng liệt dây thanh âm trái.
6. Xuất hiện hạch cổ
Khi người bệnh tự sờ thấy khối hạch vùng cổ, đặc biệt là các hạch rắn chắc, to nhanh không đi kèm với các dấu hiệu viêm nhiễm vùng họng, miệng thì nên đến viện để nhận được thăm khám và tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa ung thư.
7. Sụt cân bất thường
Trong các trường hợp sự sụt cân diễn ra nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân, không liên quan đến sự cắt giảm calo khẩu phần ăn, thì rất có thể do nguyên nhân bệnh ung thư gây ra.
8. Đau đầu, đau nửa đầu thường xuyên
Khi khối u phổi chèn ép gây áp lực lên tĩnh mạch chủ trên thì sẽ gây ra hiện tượng đau nhức đầu khó chịu. Đây là tĩnh mạch lớn vận chuyển máu từ phần trên của cơ thể về tim, nay bị tắc lại, khiến máu ứ lại, sức ép sẽ khiến người bệnh đau đầu, nặng hơn là đau nửa đầu thường xuyên. Ngoài ra, triệu chứng này cũng là một dấu hiệu cảnh báo các tế bào ung thư phổi đã di căn lên não.
Giai đoạn sớm, các triệu chứng của ung thư phổi thường không đặc hiệu nên dễ bị bỏ qua.
9. Ho ra máu
Người bị ho mạn tính (nhất là ở người hút thuốc lá) xuất hiện dấu hiệu ho dai dẳng hơn, ho ra nhiều chất nhầy và ho ra máu thì rất có thể đây là một trong số các dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi.
Những đối tượng nguy cơ cao cần được sàng lọc ung thư phổi
Hầu hết những người bệnh ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng có triệu chứng đi khám thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Vì vậy việc phát hiện sớm ung thư phổi khi chưa có triệu chứng rất quan trọng.
Tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi là cách để phát hiện sự hiện diện của ung thư phổi ở những người khỏe mạnh có nguy cơ cao bị mắc ung thư phổi. Việc sàng lọc được thực hiện hàng năm bằng chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp (Low-dose CT scan) để truy tìm khối u.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US-CDC) những người có những yếu tố sau đây cần được sàng lọc ung thư phổi định kỳ:
1. Người có tiền sử hút thuốc lá, đặc biệt từ 20 năm trở lên.
2. Người trên 50 tuổi và từng có thời gian hút thuốc (trên 10 năm).
3. Người hút thuốc> 20 bao/năm. (số bao/năm được quy đổi bằng số bao hút trung bình một ngày x số năm hút thuốc. Ví dụ: 1 ngày hút 1 bao, trong 20 năm được quy đổi là 20 bao/năm; một ngày hút 2 bao, trong 10 năm cũng được quy đổi là 20 bao/năm).
4. Người hiện vẫn đang hút thuốc hoặc mới bỏ trong vòng 15 năm.
5. Người từ 50 đến 80 tuổi.
6. Người từng mắc Ung thư phổi và đã điều trị được từ 5 năm trở lên.
7. Gia đình có người bị ung thư (ung thư phổi hoặc ung thư nào khác), khởi phát trước tuổi 60.
8. Làm nghề nghiệp liên quan đến bụi phổi, khói (khói nấu ăn, khói thuốc, nhang, amiăng), phóng xạ.
9. Người mắc ung thư khác hoặc mắc các bệnh phổi mãn tính (COPD, lao phổi, ...).
Đặc biệt, hiện nay những người có tiếp xúc thuốc lá nhưng thuộc diện hút thuốc lá thụ động (người thân, vợ chồng, con cái...) của người hút thuốc lá cũng là những đối tượng cần đi sàng lọc ung thư phổi.
Lý do nhiều chất cấm gây ung thư vẫn có trong thực phẩm Tại EU, nhiều hóa chất bị cấm dùng trong thực phẩm, nhưng nhiều nước vẫn chấp nhận các chất này khiến người tiêu dùng hoang mang. Sự xuất hiện của các thực phẩm bị thu hồi ở thị trường châu Âu gần đây dấy lên nhiều câu hỏi đâu là ngưỡng an toàn cho các chất này. Trên thực tế, mỗi quốc gia,...