Nghiên cứu cho thấy: Những em bé chào đời nặng cân có nguy cơ mắc 1 hội chứng khi trưởng thành
Không chỉ ảnh hưởng đến việc sinh nở của người mẹ mà em bé nặng cân khi chào đời còn có thể đối mặt với nguy cơ về sức khỏe khác khi lớn lên.
Mới đây, tại Đại hội Tim mạch Quốc tế Vạn Lý Trường Thành (GW-ICC) tổ chức vào ngày 19/10/2020 vừa qua, Tiến sĩ Songzan Chen, công tác tại trường Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) đã công bố một nghiên cứu: Những em bé nặng cân có nhiều khả năng bị rối loạn nhịp tim khi bước vào tuổi trưởng thành.
Tiến sĩ Chen chia sẻ: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nguy cơ rối loạn nhịp tim ở tuổi trưởng thành của trẻ sơ sinh có cân nặng lúc chào đời lớn, từ 4kg trở lên, cao hơn so với trẻ sơ sinh có cân nặng bình thường”.
Trẻ sơ sinh có cân nặng lúc chào đời từ 4kg trở lên có nguy cơ bị mắc hội chứng rối loạn nhịp tim hơn so với trẻ sơ sinh có cân nặng bình thường (Ảnh minh họa).
Nói về phương pháp nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Chen đã cùng nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp ngẫu nhiên Mendel để phân tích 132 biến thể di truyền liên quan đến cân nặng khi sinh của 321.223 người. Tiếp theo, Tiến sĩ Chen tiếp tục kiểm tra dữ liệu của 55.114 người bị rối loạn nhịp tim thông qua Hiệp hội rung tâm nhĩ Trung Quốc.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu phát hiện những người có cân nặng lúc mới sinh đạt 3,879kg đã có 30% nguy cơ mắc phải hội chứng rối loạn nhịp tim.
Tiến sĩ Chen nói: “Tuy rằng hội chứng rối loạn nhịp tim bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như cân nặng lúc mới sinh, chiều cao và cân nặng lúc trưởng thành, nhưng dựa trên phương pháp luận, chúng tôi tin rằng giữa cân nặng khi sinh và hội chứng rối loạn nhịp tim có mối quan hệ với nhau. Bởi cân nặng lúc chào đời dự đoán chiều cao trưởng thành của trẻ và những người cao thường nặng cân và mắc hội chứng rối loạn nhịp tim”.
Video đang HOT
Vậy các mẹ bầu cần phải làm gì để sinh con có cân nặng bình thường?
Giáo sư Michel Komajda – Giáo sư danh dự về tim mạch của trường Đại học Paris Sorbonne (Pháp), cựu Chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Châu Âu và Hiệp hội Tim mạch Pháp, cho biết: “Rối loạn nhịp tim hay còn gọi rung nhĩ là một căn bệnh nguy hiểm gây ra tình trạng đột quỵ bất ngờ, không kịp điều trị. Do đó, nghiên cứu này sẽ giúp chúng ta giảm tình trạng người bị mắc bệnh rung nhĩ xuống bằng cách giảm số lượng trẻ sơ sinh nặng cân khi mới chào đời. Để làm được điều này, các mẹ bầu cần giữ cho bản thân không tăng cân quá nhiều trong quá trình mang thai”.
Bên cạnh đó, Giáo sư Guosheng Fu, công tác tại Bệnh viện Sir Run Run Shaw (SRRSH) cũng khuyên các chị em phụ nữ mang thai nên “Chú ý hơn đến việc kiểm soát chế độ ăn uống, khám thai định kỳ và thường xuyên, đặc biệt những thai phụ bị béo phì, tiểu đường nên tuân thủ theo chế độ ăn uống của bác sĩ”.
Ngoài ra, các mẹ bầu cần phải tập luyện thể dục thường xuyên nhằm giữ cho trọng lượng cơ thể trong tầm kiểm soát. Việc này không chỉ giúp mẹ bầu và thai nhi khỏe mạnh hơn trong suốt thai kỳ, mà còn giảm nguy cơ con của bạn bị mắc phải hội chứng rối loạn nhịp tim.
Đi siêu âm thai ở tuần 37, bà mẹ than bị ho nhiều, bác sĩ nghe xong liền đẩy vào ngay phòng sinh khẩn cấp
Bác sĩ còn cho biết rằng nếu chị không được điều trị trong vòng 24 - 48 giờ nữa, chị sẽ bị tử vong.
Mang thai - đó là tin vui đối với tất cả các bà mẹ. Song, kèm theo niềm vui đó luôn là sự lo lắng liệu rằng mình có đi hết hành trình 9 tháng 10 ngày một cách suôn sẻ hay không. Và mặc dù đi khám thai định kỳ đầy đủ, tìm hiểu về các tình trạng có thể xảy ra trong quá trình mang thai, nhưng trên thực tế, vẫn có một số bà mẹ rơi vào một số căn bệnh hiếm gặp. Chẳng hạn như câu chuyện của bà mẹ 2 con người Anh dưới đây.
Là một hot mom, đồng thời là blogger điều hành trang Mummy Mumbles - nơi cập nhật quá trình chăm sóc và nuôi dạy con cái của bản thân, chị Bekki đã có nhiều thông tin và kiến thức để biết về các triệu chứng thường gặp khi mang thai như tiểu đường trong thai kỳ, tiền sản giật, huyết áp cao... Thế nhưng, chị lại không ngờ rằng tình trạng thuyên tắc phổi hiếm gặp bởi một cục máu đông lại xảy ra với mình.
Bà mẹ 2 con kể là chị mang thai ngôi mông. Thế nên, càng gần về cuối thai kỳ, chị càng phải thường xuyên đi siêu âm để xem vị trí của em bé. Nhưng khi đến tuần 37 thì sức khỏe của chị bỗng chuyển biến xấu.
Chị Bekki và con gái Juniper.
Chị chia sẻ: "Tối hôm đó, tôi bắt đầu ho nhiều nhưng vì thỉnh thoảng tôi cũng bị ho nên tôi cho đó là điều bình thường. Tôi còn nói đùa với chồng rằng mình có cảm giác như vừa chạy marathon về. Do mệt nên tôi quyết định đi ngủ sớm. Tuy nhiên, sau đó tim tôi đập loạn xạ, nhưng tôi lại cho rằng chắc do mình hồi hộp vì dù gì cũng sắp đến ngày sinh rồi.
Sáng hôm sau, tôi đến bệnh viện khi nhận thấy mình ho ra máu. Hóa ra, nướu răng của tôi bị ra máu. Tôi có nói về các triệu chứng tối qua cho nữ hộ sinh nghe, cô ấy liền khuyên tôi đi qua khu cấp cứu để nói chuyện với bác sĩ. Quãng đường bình thường đi bộ mất 20 phút thì hôm đó tôi đã đi mất đến 45 phút".
Sau một loạt các xét nghiệm chị Bekki được khuyên nên chụp cắt lớp vi tính ngực để kiểm tra xem có cục máu đông nằm trong phổi hay không. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy trong phổi của chị có 4 cục máu đông nằm trong mỗi lá phổi và con gái chị, Juniper, đang cần phải mổ khẩn cấp nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Chị Bekki cũng được thông báo thêm rằng nếu chị không được điều trị trong vòng 24 đến 48 giờ tiếp theo, các cục máu đông có thể làm tắc động mạch và chị sẽ tử vong.
Chị Bekki nói: "Bác sĩ giải thích rằng cục máu đông nằm ở chân tôi mặc dù tôi không cảm thấy gì hết. Sau đó, nó từ từ di chuyển đến vùng xương chậu. Nhưng vì con gái tôi nằm ở đó nên cục máu đông không thể vượt qua được để đi tiếp. Nó nằm ở đó và lớn dần lên rồi vỡ ra thành 8 mảnh nhỏ hơn. Những mảnh nhỏ này len lỏi vượt qua rào cản và tiến đến các bộ phận phía trên cơ thể của tôi. Kết quả nó đã chui vào phổi và gây tắc nghẽn ở đó.
Bác sĩ cũng nói thêm rằng nếu ngay từ đầu cục máu đông vượt qua được Juniper thì với kích thước ban đầu, nó sẽ khiến tôi bị đau tim và bị đột quỵ".
Sau khi đã trải qua một lần thập tử nhất sinh, chị Bekki hy vọng câu chuyện của mình sẽ giúp các bà mẹ khác nâng cao cảnh giác về những cục máu đông và các triệu chứng của nó. "Mọi cơn đau tức ngực hay bất kỳ vết sưng nào ở chân, bắp chân thì bạn cũng nên đi khám bác sĩ để được kiểm tra và cứu chữa kịp thời" , bà mẹ 2 con nhắn nhủ.
Nguyên nhân nào gây ra thuyên tắc phổi?
Theo thông tin từ Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương Quốc Anh, thuyên tắc phổi là một biến chứng của rối loạn đông máu dẫn đến bệnh huyết khối tắc mạch. Các triệu chứng và dấu hiệu của thuyên tắc phổi không đặc hiệu ở phụ nữ mang thai, vì vậy việc chẩn đoán có thể bị trì hoãn hoặc bỏ sót.
Nguyên nhân gây ra tình trạng thuyên tắc phổi thường do một cục máu đông hình thành sâu trong tĩnh mạch ở chân. Khi mang thai, các cục máu đông này bị vỡ ra và di chuyển đến phổi.
Do đó, các chuyên gia khuyên các mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Đau và sưng ở một chân, thường nằm ở phía sau cẳng chân của bạn.
- Đau nhiều ở một vùng bị ảnh hưởng.
- Da đỏ, đặc biệt là ở mu bàn chân hoặc khu vực dưới đầu gối.
Mà tốt nhất, bạn không nên ngần ngại liên hệ bác sĩ nếu cảm thấy cơ thể mình có điều gì đó không ổn đang xảy ra.
Cô gái 23 tuổi mắc chứng ăn vô độ, mỗi ngày uống 5 lít nước ngọt rồi tự móc họng để nôn 5 lần/ngày Nôn sau khi ăn nhiều và uống tới 5 lít nước ngọt có ga trong một thời gian dài, tụt 18kg, Tiểu Mỹ, 23 tuổi, cuối cùng đã đến Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Thuận Đức thuộc Đại học Y Quảng Đông (Trung Quốc) để được giúp đỡ. Bác sĩ Liang Ye, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tâm lý của bệnh viện,...