Nghịch lý thiếu sách giáo khoa, loạn sách tham khảo lớp 1
Năm học mới đã bắt đầu được hơn hai tháng nhưng tình trạng sách cần thì chưa có, cái tự nguyện lại bị bắt buộc đối với lớp 1 đã xảy ra.
“Ném tiền qua cửa sổ” vì sợ con khác biệt
Nhìn mấy cuốn sách tham khảo như Văn hóa giao thông, Thực hành tâm lý học đường… đã mua nhưng con không sử dụng, chị Nguyễn Thị Hằng, ngụ quận 9, TP.HCM cảm thấy “thật lãng phí”.
“Ngoài sách giáo khoa và một số sách bài tập trong danh mục sách lớp 1, phụ huynh còn được nhà trường gợi ý về nhiều đầu sách tham khảo. Dù biết là không cần thiết nhưng tôi vẫn bấm bụng chi tiền vì sợ con mình bị thầy cô rầy la”, chị Hằng chia sẻ.
Cùng như chị Hằng, nhiều phụ huynh khác cho rằng, học sinh lớp 1 chưa đọc thông viết thạo, làm sao có thể đọc và hiểu những nội dung trong sách bổ trợ, tham khảo.
“Nếu có học những chủ đề giao thông, bạo lực học đường, trẻ cũng chỉ nghe hướng dẫn từ giáo viên. Mà phụ huynh thì không có chuyên môn, không thể chất vấn giáo viên tại sao dùng sách này, tại sao phải mua sách kia. Có tự nguyện hay không, phụ huynh đều phải mua theo giới thiệu của nhà trường”, anh Lâm Đình Danh (ngụ quận Bình Thạnh) cho hay.
Hay chị Vũ Thị Đoan Phương (ngụ quận Thủ Đức) bức xúc: “Vì chưa kịp mua sách Mỹ thuật mà năm ngoái, con tôi bị cô giáo bắt đứng vòng tay suốt tiết học. Nếu phụ huynh không mua, con mình còn bị đối xử thế nào nữa?”.
Vì thế, nhiều phụ huynh vẫn bảo nhau, khi nhà trường đã đưa ra danh mục sách, bất kể nhiều hay ít thì đều không có sự lựa chọn. Muốn con học hành bình thường, không bị soi mói, cha mẹ phải răm rắp làm theo.
Trong khi đó, tình trạng mua nhầm hoặc không mua được sách giáo khoa cũng khiến nhiều phụ huynh than trời. Như chị Hoàng Thanh Nga (ngụ quận Bình Tân) có con học lớp 1 trường tiểu học Kim Đồng.
“Nhà trường chọn giảng dạy theo bộ sách Cánh Diều (NXB ĐH Sư phạm TP.HCM) nhưng sách Mỹ thuật lại thuộc bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (NXB Giáo dục Việt Nam). Còn cuốn Giáo dục thể chất lại thuộc bộ sách Cùng học để phát triển năng lực (NXB Giáo dục Việt Nam). Để có đủ sách cho con, phụ huynh buộc phải đăng ký mua trọn bộ ở trường với giá 545 nghìn đồng”, chị Nga chia sẻ.
Nhưng cũng như chị Nga, nhiều phụ huynh mệt mỏi vì thiếu sách Mỹ thuật và Giáo dục thể chất. Mà nhà trường lại không bán lẻ, ra các nhà sách tìm mua cũng không thấy. Mất 2 tuần đi khắp các nhà sách ở TP.HCM nhưng không tìm được sách lẻ cho con, chị Trần Thị Hiền Mai (ngụ quận Bình Thạnh) buộc phải “cầu cứu” trên mạng xã hội để nhờ hỗ trợ.
Sách giáo khoa lớp 1.
Cần lắm trách nhiệm giám sát
Trước nghịch lý này, ngành giáo dục TP.HCM khẳng định đang nỗ lực hết sức sẽ đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Theo đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định, cơ quan quản lý đã quán triệt các trường không được ép buộc, vận động học sinh mua xuất bản phẩm tham khảo theo chỉ đạo của bộ GD&ĐT.
Video đang HOT
Sách giáo khoa mới được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, không còn sự bao cấp, trợ giá của ngân sách nên về cơ bản, giá sách cao hơn nhiều lần so với trước đây. Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục không thực hiện đúng theo quy định, giới thiệu các tài liệu bổ trợ, các xuất bản phẩm tham khảo có tính áp đặt, gây hiểu lầm, tạo áp lực cho phụ huynh vào dịp đầu năm học.
“Sở đã có văn bản nhắc nhở các cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục theo Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT”, ông Hiếu khẳng định.
Trong đó, nhấn mạnh một số nội dung như các tổ chuyên môn của nhà trường căn cứ thực tế, kế hoạch giáo dục,… và đề xuất của giáo viên để lựa chọn, đề xuất danh mục xuất bản phẩm tham khảo liên quan.
Giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục có trách nhiệm thông tin đầy đủ, chính xác danh mục xuất bản phẩm tham khảo cho học sinh và cha mẹ học sinh.
Tuyệt đối không thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. Còn về việc thiếu sách giáo khoa, đại diện sở GD&ĐT TP.HCM thừa nhận thực trạng này có diễn ra tại địa phương.
Nguyên nhân do năm nay triển khai SGK mới, việc chọn sách cũng có thay đổi từ năm học tới (Bộ có Thông tư điều chỉnh) nên các đại lý phát hành, các nhà sách không dám nhập sách nhiều như mọi năm.
Ông Hiếu phân trần: “Trước đó, Sở cũng đã dự báo trước và yêu cầu các trường hỗ trợ phụ huynh nhưng cũng gặp khó khăn vì việc dự báo số lượng học sinh bị biến động (tăng dân số cơ học) nên chưa chính xác”.
Đối với việc một số phụ huynh muốn tự mua sách bên ngoài, một số trường chọn SGK không theo bộ (một trường có nhiều bộ sách theo môn học),…sở GD&ĐT cho biết, sẽ phối hợp với các nhà xuất bản xử lý sớm nhất trong khả năng và đã đảm bảo có đủ sách cho học sinh.
“Ngành giáo dục TP.HCM hết sức cầu thị nên đã tổ chức hội thảo để lắng nghe ý kiến từ giáo viên, phụ huynh, cán bộ quản lý,… khi thực hiện dạy học theo chương trình mới. Tất cả băn khoăn, góp ý đang được tổng hợp để gửi về bộ GD&ĐT”, ông Hiếu cho biết.
Để giải quyết vấn đề này, bộ GD&ĐT chỉ đạo rà soát, quản lý chặt chẽ hơn việc “ép” học sinh mua sách tham khảo và có chế tài mạnh hơn đối với trường hợp vi phạm. Bộ cũng đang khách quan hóa việc kiểm tra và đánh giá kết quả của học sinh. Nhằm giảm thiểu việc giáo viên dạy thêm hay đưa các nội dung nâng cao vào dạy học.
Tìm giải pháp để dạy học 2 buổi/ngày
Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, chưa thể thực hiện đồng loạt tại địa phương đối với mục tiêu học sinh được học 2 buổi/ngày và sĩ số hạn chế.
Trước những vấn đề còn tồn đọng, cơ quan này đã đề xuất bộ GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ sở giáo dục thực hiện việc xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, nhất là trong giai đoạn triển khai chương trình mới.
Đồng thời, cần hướng dẫn rõ quy định về thời lượng giáo dục tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học để các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học, bố trí các tiết dạy cho phù hợp giữa các buổi và tổ chức các hoạt động giáo dục sau giờ học chính thức.
Đáng chú ý, kiến nghị còn mong muốn có chỉ đạo cụ thể trong việc xác định môn tự chọn ở cấp tiểu học là khoản thu thỏa thuận khi thực hiện xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, xác định bán trú là khâu dịch vụ trong trường học để thực hiện xã hội hóa.
'Không chỉ Cánh Diều, Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo rà soát 4 bộ sách Tiếng Việt còn lại'
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng), trước những bất cập được phản ánh vừa qua, Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo rà soát cả 5 bộ sách Tiếng Việt lớp 1 mới.
Từ năm học 2020-2021, có 5 bộ sách giáo khoa (SGK) được Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) phê duyệt sử dụng trong nhà trường. Bốn bộ do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn và bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM biên soạn.
Sau một tháng tổ chức dạy và học theo chương trình và SGK mới, Tiếng Việt lớp 1 đang là chủ đề nhận được nhiều tranh luận. Nhiều ý kiến cho rằng, môn Tiếng Việt nặng và khó hiểu so với sách cũ, nhiều bài học thiếu tính giáo dục, thậm chí phản cảm.
Về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng), Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có những chia sẻ thẳng thắn với VTC News.
- Trước dư luận về một số nội dung không phù hợp trong SGK Tiếng Việt lớp 1 mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có báo cáo giải trình với Quốc hội. Đại biểu đánh giá báo cáo đó thế nào?
Bộ GD&ĐT đã có báo cáo số 1104 ngày 22/10/2020 gửi đến Quốc hội liên quan đến vấn đề SGK mới, trong đó có nói đến những điểm chưa phù hợp trong bộ Cánh Diều. Theo tôi, cần có những chia sẻ với Bộ GD&ĐT. Trong bối cảnh diễn ra dịch COVID-19, yêu cầu giãn cách xã hội chắc chắn ảnh hưởng nhất định đến việc bồi dưỡng, tập huấn đối với bộ sách mới cho các giáo viên đứng lớp.
Về vấn đề này, Bộ cũng có tinh thần cầu thị thông qua việc ra văn bản rà soát, điều chỉnh những chi tiết cụ thể chưa phù hợp trong bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh diều.
Bộ cũng đã nhận định những thành công bước đầu đối với chủ trương việc xã hội hóa, xóa bỏ độc quyền trong việc biên soạn, xuất bản, phát hành SGK. Bộ sách Cánh Diều chiếm 32% trong tổng số SGK lớp 1 được các trường trên cả nước lựa chọn.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy.
Theo báo cáo Bộ GD&ĐT gửi đại biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội ngày 3/11, Bộ đã chỉ đạo rà soát tất cả các bộ SGK lớp 1 mới hiện nay.
Bộ GD&ĐT đã chỉ ra những sai sót của bộ sách Cánh Diều thì Bộ cũng cần tổ chức rà soát 4 bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam để chỉ ra các biện pháp khắc phục lỗi cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy
Tuy nhiên, nếu chỉ nói rà soát điều chỉnh chung chung thì khó đảm bảo công bằng đối với các học sinh và giáo viên đang học và dạy 4 bộ SGK còn lại.
Chúng ta đang thực hiện chủ trương mới, đó là một chương trình thống nhất, có nhiều SGK cho mỗi môn học. Lần này, có 5 bộ SGK, đang được lưu hành, mà theo báo chí phản ánh thì tất cả các bộ SGK Tiếng Việt 1 đều có những điểm chưa phù hợp. Nếu chỉ đạo chung chung thì mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ, không có gì thay đổi.
Chiếu theo báo cáo của Bộ hiện nay, đại biểu hiểu rằng chỉ rà soát đối với bộ Cánh Diều mà thôi, vậy những bộ còn lại thì sao, trong khi dư luận cũng đã chỉ ra những sai sót ở những bộ sách khác.
- 4 bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam không ghi tên tác giả các câu chuyện kể, khiến người đọc lầm tưởng đó là sáng tác của người viết SGK. Như vậy có được gọi là đạo văn không?
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì tổ chức cá nhân sử dụng tác phẩm phải thông tin về tác giả và xuất xứ của tác phẩm. Nếu không làm như vậy sẽ vi phạm luật, cụ thể là xâm phạm quyền nhân thân, là một trong hai quyền cơ bản của quyền tác giả. Trong quyền tác giả có quyền nhân thân và quyền tài sản, ở đây chúng ta thấy rõ nét nhất là việc vi phạm quyền nhân thân.
Thông tin từ báo chí cho biết, sách Tiếng Việt lớp 1 mới của NXB Giáo dục Việt Nam đã quên thực hiện việc ghi tên tác giả. Thông tin báo chí dẫn chứng nhiều bài tập đọc, bài kể chuyện được sử dụng nguyên văn, chuyển thể, phóng tác từ tác phẩm của các tác giả trong và ngoài nước nhưng lại không ghi tên tác giả và nguồn gốc tác phẩm.
Điều đó khiến người đọc hiểu lầm đó là tác phẩm của chính những người biên soạn SGK. Tôi thực sự không hiểu vì sao cuốn sách qua nhiều khâu từ biên tập đến thẩm định vẫn để lọt những lỗi như thế.
Cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 của NXB Giáo dục Việt Nam có nội dung gây tranh cãi.
- Có ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT làm ngơ trước những sai sót, thậm chí vi phạm pháp luật nói trên, vì đó là sách của NXB Giáo dục Việt Nam, một doanh nghiệp trực thuộc Bộ. Đại biểu nghĩ sao về ý kiến này?
Có thể Bộ GD&ĐT chưa cập nhật được thông tin từ báo chí. Theo tôi được biết, từ sai sót của bộ sách Cánh Diều, các chuyên gia giáo dục, giáo viên và phụ huynh học sinh bắt đầu "soi" đến 4 bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam. Và họ đã phát hiện nhiều sai sót, thậm chí vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ như tôi đã nói trên.
Có lẽ trong báo cáo ngày 22/10 Bộ gửi các đại biểu, Bộ chưa kịp cập nhật kịp thời, chưa rà soát cụ thể các nội dung mà báo chí đã nêu về 4 bộ sách còn lại. Vì vậy, nhân đây, tôi đề nghị Bộ GD&ĐT cập nhật thêm những thông tin này để có các đánh giá rà soát kỹ càng hơn đối với tất cả các bộ SGK lớp 1 mới.
- Bộ GD&ĐT cần làm gì để xử lý những sai sót, vi phạm nói trên?
Trước hết, Bộ cần nhìn thẳng vào các hạn chế, tồn tại, nhanh chóng rà soát, chỉ đạo quyết liệt vấn đề này. Trong báo cáo gửi đến Quốc hội và cả trao đổi trực tiếp của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 3/11, Bộ đã chỉ ra những sai sót của bộ sách Cánh Diều thì Bộ cũng cần tổ chức rà soát 4 bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam để chỉ ra các biện pháp khắc phục lỗi cụ thể.
Nếu các bộ SGK này không có lỗi thì cũng cần kết luận để mọi người được biết. Điều này nhằm đảm bảo việc đánh giá, rà soát được diễn ra bình đẳng, công bằng, bảo đảm lợi ích của chính giáo viên, học sinh và những đơn vị đang lựa chọn sử dụng 4 bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam.
Đây là vì sự việc trăm năm trồng người cũng là năm đầu tiên thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Đổi mới chương trình, SGK phổ thông cần có những bước đi thận trọng và để có thêm kinh nghiệm cho kế hoạch biên soạn các bộ sách từ lớp 2 cho đến lớp 12 trong các năm sau.
Trách nhiệm với tương lai Câu chuyện sách giáo khoa (SGK) môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp, "nặng" về học thuật nhưng lại thiếu chuẩn mực trong ngôn ngữ, nhiều "sạn", giá sách mới cao..., trở thành đề tài "nóng" tại phiên thảo luận của Quốc hội. Ảnh minh họa Không phải ngẫu nhiên mà dư luận lại có phản ứng...