Nghị sĩ ba bang Mỹ nháo nhác vì Giuliani nhiễm nCoV
Các nghị sĩ Arizona, Georgia và Michigan phải thực hiện biện pháp đề phòng sau khi cùng dự điều trần với luật sư Giuliani của Trump, người đã nhiễm nCoV.
Hạ viện bang Michigan, Mỹ, hôm 7/12 thông báo hủy một phiên bỏ phiếu dự kiến tổ chức vào 8/12 (giờ địa phương) tại thành phố Lansing. Hôm 2/12, Rudy Giuliani, luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump, đã phát biểu hàng giờ tại đây trước một ủy ban do đảng Cộng hòa lãnh đạo đang điều tra cáo buộc liên quan đến những điểm bất thường trong bầu cử.
“Nhiều nghị sĩ đã thận trọng yêu cầu cho thêm thời gian để họ nhận kết quả xét nghiệm nCoV vừa tiến hành trước khi trở lại họp. Theo các hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), họ không được coi là những ca tiếp xúc gần với bất kỳ ai, ngay cả khi ông Giuliani nhiễm nCoV. Tuy nhiên, họ muốn làm vậy vì sự an toàn của cộng đồng”, Chủ tịch Hạ viện bang Michigan Lee Chatfield cho biết trong một thông báo.
Luật sư Rudy Giuliani trong cuộc họp báo tại trụ sở Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa ở Washington hôm 19/11. Ảnh: AFP .
Cơ quan y tế hạt Ingham, nơi thành phố Lansing tọa lạc, cho biết một số người từng họp cùng Giuliani tuần trước phải cách ly ít nhất đến ngày 12/12. Theo Sở y tế bang Michigan, “khả năng cao Giuliani đã nhiễm nCoV trong phiên điều trần” ở địa phương này.
Tại bang Georgia, thượng nghị sĩ William Ligon, chủ tịch một tiểu ban chứng kiến phiên điều trần hôm 3/12 của Giuliani, đã kêu gọi những người từng tiếp xúc gần với luật sư của Trump “thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa, tuân thủ tất cả hướng dẫn cần thiết để đảm bảo sức khỏe và an toàn của bản thân”. Trong phiên điều trần kéo dài vài giờ này, Giuliani cùng một số thượng nghị sĩ Cộng hòa không đeo khẩu trang.
Thượng nghị sĩ Dân chủ bang Georgia Jen Jordan, người dự phiên điều trần, bày tỏ tức giận sau khi biết tin Giuliani nhiễm nCoV.
Video đang HOT
“Tôi không hay biết rằng mối đe dọa chết người đáng lo ngại nhất mà tôi gặp phải tuần trước chính là luật sư của Trump. Giuliani không đeo khẩu trang trong căn phòng đông người suốt 7 giờ”, Jordan viết trên Twitter.
Hôm 6/12, nghị viện bang Arizona cũng thông báo đóng cửa trong một tuần nhằm đề phòng “trước những ca nhiễm và mối lo ngại liên quan đến nCoV gần đây”. Giuliani đã tới thành phố Phoenix ở bang này hôm 30/11 để gặp các nghị sĩ Cộng hòa trong một phiên điều trần kéo dài hàng giờ và cũng không đeo khẩu trang.
Chiến dịch tranh cử của Trump cho biết Giuliani âm tính hai lần với nCoV trước các chuyến đi đến Arizona, Michigan và Georgia. Những người thuộc đội ngũ của Trump từng tiếp xúc gần với luật sư 76 tuổi đã tự cách ly. Ông chủ Nhà Trắng cho biết Giuliani “vẫn ổn, không bị sốt”.
Cựu thị trưởng New York gần đây liên tục di chuyển đến các bang chiến trường, với tư cách người dẫn dắt cuộc chiến pháp lý nhằm đảo ngược kết quả bầu cử của Trump, sau khi ông thất bại trước Tổng thống đắc cử Joe Biden. Nhiều quan chức trong đội ngũ của Trump cũng từng nhiễm nCoV, như Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany, hay cố vấn Hope Hicks và Stephen Miller.
Hình mẫu chống Covid-19 của Đức sụp đổ
Susanne Herold, chuyên gia bệnh truyền nhiễm về phổi tại Bệnh viện Đại học Giessen, Đức, không mong chờ Giáng sinh giữa lúc Covid-19 đang trỗi dậy mạnh mẽ.
"Chúng tôi đang phải chật vật", Herold cho biết. Khu chăm sóc tích cực trong bệnh viện của cô còn trống 50/150 giường, nhưng chỉ đủ nhân viên điều trị cho khoảng 100 giường, có nghĩa là không còn khả năng tiếp nhận thêm bệnh nhân. 4/12 bác sĩ thuộc nhóm của Herold đang ở nhà sau khi nhiễm nCoV.
Hồi đầu tháng 11, nhiều nước châu Âu quyết định tái áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, nhằm kiềm chế tình trạng nCoV lan rộng khiến số ca nhiễm tăng mạnh và gây áp lực lên hệ thống bệnh viện. Tuy nhiên, Đức lại chọn phương án "nhẹ tay" hơn, khi chỉ cấm dùng bữa trong nhà hàng và quán bar, vẫn cho phép các tiệm làm tóc cùng hầu hết doanh nghiệp và cơ sở bán lẻ hoạt động.
Điều này dường như đã dẫn đến tình hình Covid-19 khác biệt giữa Đức và các nước châu Âu khác. Tại Pháp, nơi người dân phải điền vào đơn mới được ra ngoài và các doanh nghiệp không thiết yếu phải đóng cửa dưới lệnh phong tỏa, số ca nhiễm nCoV mới hàng ngày đã giảm từ hơn 50.000 xuống khoảng 10.000. Tại Bỉ, quốc gia có tỷ lệ nhiễm nCoV trên đầu người cao nhất châu Âu trước khi chính phủ ban lệnh phong tỏa, số ca nhiễm đã giảm từ 17.000/ngày xuống khoảng 2.500.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới hàng ngày tại Đức hầu như không thay đổi, dao động ở mức khoảng 20.000 ca/ngày, dù đã ngừng gia tăng theo cấp số nhân. Tình huống này trái ngược với hình tượng của Đức trong làn sóng Covid-19 đầu tiên, khi họ được ca ngợi vì phản ứng hợp lý trước đại dịch.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại Hildburghausen, bang Thuringia, Đức, hôm 2/12. Ảnh: AFP .
"Ngay cả khi Đức từng được coi là chống dịch thành công và được lấy làm hình mẫu cho nhiều nơi khác, chúng tôi luôn biết đó chỉ là một giai đoạn nhất định. Giờ đây, chúng tôi không thể hạ thấp các con số. Tình hình vô cùng căng thẳng", Lothar Wieler, chủ tịch Viện Robert Koch, cơ quan phụ trách kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Đức, cho biết hồi tuần trước.
Đức hiện ghi nhận tỷ lệ nhiễm nCoV trên đầu người cao hơn bất kỳ nước nào trong số 5 quốc gia lớn nhất châu Âu, bên cạnh Italy, nơi các lệnh hạn chế đã giúp tỷ lệ nhiễm hàng ngày giảm gần 40% kể từ mức đỉnh hồi tháng 11. Tại Italy, cư dân sống tại những nơi được đánh dấu là "vùng đỏ" chỉ có thể rời nhà để đi làm, mua đồ thiết yếu và lý do sức khỏe, những doanh nghiệp không thiết yếu phải đóng cửa.
"Mọi thứ đều chứng minh lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong thời gian ngắn chính là giải pháp. Tôi nghĩ vấn đề văn hóa tại Đức khiến mọi người không quá đề cao cách làm này, dù đó sẽ là lựa chọn đúng đắn", giáo sư Dirk Brockmann tại Viện Sinh học Lý thuyết tại Berlin, người thiết lập các mô hình về Covid-19, nhận định.
Ngay từ đầu, một số biện pháp chống Covid-19 tại Đức đã lỏng lẻo hơn so với các nước châu Âu khác. Tuy nhiên, các phong trào chống phong tỏa ở nước này vẫn rầm rộ hàng đầu châu lục. Dù Thủ tướng Angela Merkel từng tuyên bố vẫn ưu tiên mở cửa nền kinh tế và trường học trong giới hạn của hệ thống y tế, việc thuyết phục lãnh đạo 16 bang đồng ý áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn không dễ dàng.
Phát biểu sau cuộc họp hôm 2/12, với việc lãnh đạo các bang quyết định tiếp tục giữ nguyên hiện trạng tới ngày 10/1 thay vì tăng cường chống dịch, bà Merkel cho biết Đức vẫn còn cách xa mục tiêu giảm mức độ lây nhiễm xuống trung bình 50 ca mới/100.000 dân trong 7 ngày. Con số này hiện nay là 134.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình đại dịch tại nhiều nước châu Âu dần cải thiện, các chính trị gia Đức bắt đầu ám chỉ về việc siết chặt hơn biện pháp kiểm soát. "Đến một lúc nào đó tại Đức, chúng ta sẽ phải một lần nữa quyết định rằng liệu có nên hành động nghiêm ngặt hơn hay không", Thủ hiến bang Bavaria Markus Soder cho hay.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn hôm 4/12 cũng cho rằng việc tái áp đặt các biện pháp hạn chế mạnh mẽ hơn tại những "điểm nóng" đại dịch là "chắc chắn cần thiết". Bên cạnh đó, dù quá trình phát triển vaccine Covid-19 đã đạt những bước đột phá, bà Merkel cảnh báo một mùa đông khó khăn đang chờ đợi phía trước, bởi việc tiêm chủng diện rộng có thể mất nhiều tháng để chuẩn bị.
Một vấn đề nghiêm trọng khác là sự mệt mỏi vì đại dịch kéo dài dường như đang bao trùm châu Âu. Hồi cuối tháng 10, bà Merkel cho biết công tác truy vết tiếp xúc không thể bắt kịp tốc độ lây lan của virus, khi giới chức y tế không thể xác định 75% số ca nhiễm đến từ đâu.
Giới chuyên gia Đức giải thích rằng thành công ban đầu của nước này trong đại dịch đã khiến họ dễ có xu hướng rơi vào cái gọi là "nghịch lý phòng ngừa", nghĩa là người dân trở nên chủ quan bởi họ ít chịu ảnh hưởng. "Nhiều người hoàn toàn chưa từng tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 và vẫn có người phủ nhận đại dịch", Wieler cho hay.
Herold, chuyên gia tại Bệnh viện Đại học Giessen, chỉ ra thêm rằng tình trạng phòng dịch lỏng lẻo trong mùa du lịch hè, sau đó các gia đình trở về nhà ngay khi trường học mở cửa và thời tiết lạnh hơn, là những yếu tố khiến Covid-19 tái bùng phát dữ dội.
Theo Herold, việc đường cong trên đồ thị Covid-19 được làm phẳng dần vẫn chưa đủ, bởi thời gian bệnh nhân Covid-19 lưu trú kéo dài khiến bệnh viện vẫn phải chịu gánh nặng. "Chúng tôi đang điều trị số lượng bệnh nhân vừa đủ trong khả năng. Nếu các con số tăng trở lại, tình hình sẽ rất gay go", cô nói.
Đó là lý do Herold lo ngại về Giáng sinh. Dù Đức quyết định duy trì các biện pháp hiện nay đến ngày 10/1, chúng dự kiến được nới lỏng hơn trong một tuần nghỉ lễ, khi các gia đình trên hầu hết đất nước được tụ tập tối đa 10 người lớn và không giới hạn số trẻ em dưới 14 tuổi.
Những ngày gần đây, bệnh viện của Herold xuất hiện một trường hợp bệnh nhân cao tuổi cần phẫu thuật sau khi ngã, nhưng các dịch vụ phẫu thuật không cấp thiết buộc phải hủy bỏ do tình hình đại dịch.
"Tôi cảm thấy lo lắng. Chúng tôi phải chờ bệnh nhân Covid-19 tiếp theo tử vong mới có thể tiến hành phẫu thuật cho bà ấy", Herold nói.
Seoul trong 'thời chiến' Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc đặt thủ đô Seoul trong chế độ "thời chiến" do làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát. "Khu vực thủ đô hiện vào thời chiến của Covid-19", Bộ trưởng Y tế Park Neung-hoo cho biết trong một cuộc họp về đại dịch hôm 7/12, yêu cầu công chúng đề cao cảnh giác. Ông cho hay đất nước...