Nghị lực vượt khó, học giỏi của cô học trò nghèo
Sống chật vật trong căn nhà trọ hoang tàn, gia cảnh khốn khó mọi bề nhưng em Vũ Thị Cẩm Nhung – học sinh lớp 10A8, Trường THPT Lê Duẩn (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) vẫn luôn gắng gượng vượt khó, nhiều năm liền là HS giỏi.
Khi chúng tôi đến nhà em Vũ Thị Cẩm Nhung (tổ 4, khối 7, phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột) đúng lúc em Nhung tất bật giúp mẹ thu dọn ve chai mua được quanh vùng. Cô học trò gấp gáp làm thay công việc của mẹ vừa lo nấu cơm cho kịp ăn trưa trước khi cuốc bộ hơn 3 km đến trường. Khoảng thời gian ngắn ngủi, Nhung kể trong nước mắt về câu chuyện gia cảnh éo lo của mình. Nhung kể, quê em ở Cẩm Giàng (Hải Dương), biến cố xảy ra với gia đình cách đây hơn 3 năm, bố em thường hay say rượu, trong một lần vì không làm chủ được mình, bố đánh mấy mẹ con nhừ tử. Bố mẹ chia tay, em theo mẹ cùng em trai vào Đắk Lắk lập cuộc sống mới.
Nơi đất khách quê người, mấy mẹ con em Nhung suốt ngày mưu sinh, tối đến lại côi cút trong căn nhà trọ hoang phế được người ta cho thuê rẻ. “Khi mới vào đây, mẹ em bươn chải đủ nghề, ban đầu làm công nhân cho nhà máy Gỗ Lạng (TP Buôn Ma Thuột), không đủ sống mẹ phải chuyển sang làm thêm từ bưng bê, phụ nhà hàng, sửa áo quần, mua ve chai… Hàng ngày mẹ dậy từ tinh mơ đến khuya mới về nhưng may lắm chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng”, Nhung tâm sự.
Gia cảnh khốn khó nhưng trong nhiều năm liền từ cấp I đến cấp II, Nhung đều là học sinh giỏi. Đặc biệt, học kỳ I vừa qua, Nhung đạt điểm tổng kết 8.2, là HS giỏi duy nhất của khối 10 Trường THPT Lê Duẩn (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Trước đó, trong kỳ thi HS giỏi môn Ngữ Văn cấp thành phố năm học 2010 – 2011, Nhung xuất sắc đoạt giải Nhất và sau đó giành giải Nhì khi cuộc thi được tổ chức ở cấp tỉnh. Với kết quả học tập trên, Nhung vừa được Hội Khuyến học TP Buôn Ma Thuột trao tặng học bổng Y Jut – một nhân sỹ yêu nước người dân tộc Ê đê.
Video đang HOT
EmVũ Thị Cẩm Nhung – HS lớp 10A8, Trường THPT Lê Duẩn (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bên góc học tập.
Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, Nhung cố gắng chắt chiu từng cuốn sách từ đống sách cũ mà mẹ mua được, vở thì em cất lại từ việc nhận giải thưởng học sinh giỏi cuối năm. “Không có điều kiện học thêm như các bạn trang lứa, em cố gắng học hỏi từ các thầy cô, anh chị đi trước, tìm kiếm sách vở tham khảo thư viện trường”, Nhung cho biết.
Nói về cô học trò vượt khó học giỏi, thầy Ban Hoàng Minh – GV chủ nhiệm lớp 10A8 cho biết: “Em Nhung là HS chăm ngoan, lễ phép và rất hòa đồng với bạn bè. Gia đình nhiều khó khăn nhưng Nhung đã vượt lên hoàn cảnh để học tốt, là lá cờ đầu trong phong trào học tập của lớp”.
Thầy Đinh Sỹ Đạt – hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Em Nhung là tấm gương sáng hiếm thấy về nghị lực vượt khó học giỏi. Nhà trường phấn khởi và tự hào trước những HS có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập. Trường hợp em Nhung được Ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ cho em học thêm không thu tiền, ưu tiên em trong các đợt học bổng”.
Chia sẻ ước mơ tương lai, Nhung cho biết: “Trước mắt em sẽ cố gắng học tập thật giỏi, ước mơ của em sau này là trở thành một giáo viên dạy văn để có thể đưa tri thức đến với mọi người, giúp đỡ các em HS nghèo”.
Viết Hảo
Theo dân trí
Tinh thần hiếu học của người Việt trên đất Nga
Sinh ra và lớn lên ở Nga, đầu năm học cấp hai, Nguyễn Huy Trường Nam thi đỗ vào trường Phổ thông số 1543, ngôi trường chuyên hàng đầu của thành phố Moskva. Trường Nam liên tiếp giành nhiều giải cao trong các cuộc thi toán, hình học, tin học... của thành phố và trên toàn nước Nga.
Ngoài ra, Nam còn đoạt nhiều giải thưởng khác ở trường trong các cuộc thi tiếng Nga và tiếng Anh.
Nguyễn Huy Trường Nam (ngoài cùng bên trái) tham dự cuộc thi Olympic lập trình Toán toàn Nga năm 2011.
Năm 2009, Trường Nam được vinh dự đại diện cho học sinh Moskva tham gia Hội thảo học sinh quốc tế được tổ chức tại Đức. Sở hữu nhiều thành tích học tập "đáng nể", cùng với những trải nghiệm thú vị từ các chuyến đi đến nhiều nơi trong nước Nga cũng như các nước khác, nhưng Trường Nam không kể nhiều về thành công của em.
Tinh thần cầu tiến, ham học, vượt khó dường như đã ngấm sâu vào tính cách của Nam - cậu bé xuất thân từ dòng họ Nguyễn Huy nổi tiếng hiếu học, hay chữ ở đất Trường Lưu (Can Lộc, Hà Tĩnh). Từ nhỏ, Nam đã được nghe bố mẹ kể về truyền thống học hành của quê hương, dòng họ và gia đình. Làng Trường Lưu xưa có nhiều danh nhân văn hóa như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự... và nhiều người thành đạt thời nay như Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng.... Trường Lưu cũng là làng đầu tiên ở Việt Nam lập ra "ruộng khuyến học" từ xa xưa. Truyền thống hiếu học ấy càng được hun đúc trong con người Nam dưới sự dìu dắt của bố mẹ em - những nhà trí thức từng học ở Liên xô cũ. Bố mẹ Nam luôn khuyến khích Nam đọc sách để nâng cao kiến thức, luôn dành thời gian lắng nghe và thảo luận về những vấn đề mà em quan tâm. Bố mẹ còn khuyến khích Nam dành nhiều thời gian rèn luyện sức khỏe, tinh thần tự lập, kỹ năng sống qua các hoạt động ngoại khóa như: đi trại hè trong rừng sâu, tham gia các hoạt động xã hội do trường tổ chức...
Trong các chuyến đi, bạn bè người Nga và quốc tế thường vẫn nhớ những mẩu chuyện Nam kể về quê hương Việt Nam, về những món ăn Việt Nam đặc sắc, về không khí ấm cúng của gia đình em, một gia đình truyền thống thuần Việt. Hình ảnh đẹp về đất nước và con người Việt Nam được xây dựng nên từ tâm hồn Nam, một cậu bé sinh ra và lớn lên ở Nga, tiếp nhận sâu sắc nền văn hóa Nga nhưng vẫn luôn tự hào về cội nguồn Việt Nam, thật sự là một điểm sáng đáng quý.
Mỗi khi có dịp về thăm Việt Nam, Trường Nam thích về quê nội, ngoại ở Hà Tĩnh, Nghệ An để được đi xe bò, được bước chân trên những con đường đất, được hít thở không khí trong lành buổi sớm mai... và được nghe giọng nói rặt miền xứ Nghệ. Ngọn lửa tình cảm gắn bó với quê hương được thắp sáng trong lòng Nam chính là nhờ vào phần lớn công sức của bố mẹ em. Bố mẹ luôn khuyến khích Nam nói tiếng Việt ở nhà và với bạn bè người Việt, thường kể cho em nghe những mẩu chuyện thú vị về quê hương, cùng em theo dõi những chương trình về văn hóa Việt Nam qua truyền hình...
Ở trường, Nam hòa nhập, tiếp thu kiến thức khoa học và văn hóa một cách dễ dàng nhờ vốn tiếng Nga hoàn hảo, nhờ phương pháp dạy học tích cực, luôn khuyến khích học sinh tự chủ động tìm hiểu và phát huy khả năng của từng em. Thầy cô giáo người Nga không phân biệt màu da hay quốc tịch của học sinh, luôn hết lòng vì các em, gây dựng cho Nam niềm hứng thú học tập và tinh thần ham hiểu biết. Nhờ đó, Nam không bị gò ép để chạy theo thành tích cao trong một môn học riêng biệt nào, em yêu thích các môn học và nhẹ nhàng đoạt giải trong các kỳ thi như vượt qua sự thử sức với chính bản thân mình.
Không những thế, Trường Nam còn giữ tròn "trọng trách" của ông anh cả, luôn bảo ban, giúp đỡ cô em gái tên Linh, trong mọi việc ở trường và ở nhà. Phát huy truyền thống của gia đình, bé Linh cũng liên tục đạt được nhiều thành tích xuất sắc: giành giải hạng đầu trong cuộc thi tiếng Anh toàn thành phố, hạng nhì cuộc thi Toán toàn quận, hạng 3 cuộc thi đàn piano trongvùng... Thành tích của hai anh em càng góp phần khẳng định ưu thế của học sinh Việt Nam ở Nga, nâng cao mối thiện cảm của nhiều thầy cô giáo cũng như các bậc phụ huynh Nga khi nhắc đến những cái tên của học sinh người Việt.
Từ câu chuyện của hai anh em Nguyễn Huy Trường Nam, mong sao mỗi em nhỏ người Việt sinh sống trên đất Nga nói riêng và các nước trên thế giới nói chung luôn cảm thấy hãnh diện về nguồn gốc quê hương Việt Nam, luôn yêu quý và tự hào khi sử dụng tiếng Việt. Trường Nam cũng như các bạn trẻ tài năng người Việt khác sẽ tiếp tục là những sứ giả văn hóa, mang hình ảnh đẹp của đất nước và con người Việt Nam giới thiệu đến bạn bè khắp mọi nơi trên thế giới.
Theo T.Trang
Đại Đoàn Kết
Nghị lực vượt khó học giỏi của 4 chị em nghèo Thiếu tình thương của mẹ từ khi còn nhỏ tuổi, bốn chị em ở cùng với bố. Gia đình vốn đã khó khăn, khi 4 chị em vào tuổi ăn, tuổi học lại càng thiếu thốn. Nhưng bằng nghị lực vượt khó, năm nào các em cũng đạt học sinh giỏi. Nhắc tới bốn chị em Bùi Thị Lệ, Bùi Thị Linh, Bùi...