Nghị lực của nữ sinh người Rục đầu tiên vào đại học
Hơn 60 năm qua, kể từ ngày được Bộ đội Biên phòng Quảng Bình phát hiện và đưa ra khỏi hang đá, cuộc sống của người Rục (dân tộc Chứt) ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa đã có nhiều thay đổi.
Được ở nhà kiên cố thay cho hang đá và con em họ được tới trường, học tập. Học sinh Cao Thị Lệ Hằng, học sinh người Rục đầu tiên đỗ đại học là minh chứng rõ nhất cho sự đổi thay có tính bước ngoặt đó.
Lãnh đạo Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh tặng quà của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cho em Cao Thị Lệ Hằng.
Nữ sinh Cao Thị Lệ Hằng (sinh năm 2004), ở bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình có hoàn cảnh rất khó khăn. Bố của em mất sớm, mẹ tảo tần nuôi 8 chị em. Hằng là con thứ 6, tuổi thơ em lớn lên gắn với nương rẫy, bữa no, bữa đói. Được sự hỗ trợ của Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, dự án trồng lúa nước Rục Làn với diện tích gần 10ha đã giúp đồng bào Rục tự chủ được một phần lương thực, phần còn lại là Nhà nước hỗ trợ.
Bà Hồ Thị Páy, mẹ Hằng lam lũ làm việc để kiếm thêm tiền nuôi đàn con khôn lớn, song gia đình vẫn chưa thoát ra khỏi cái đói nghèo đeo bám. Bà Páy kể, có những lúc nhà thiếu gạo, bà đã nghĩ đến chuyện cho các con nghỉ học. Ngay cả Hằng cũng thế. Ý nghĩ bỏ học đã thoáng qua, nhưng Hằng lại nhớ lời các chú Bộ đội Biên phòng phải biết nỗ lực vượt lên hoàn cảnh để học tập, có học được chữ mới mong thoát nghèo. Năm lớp 7, Đồn Biên phòng Cà Xèng đã nhận đỡ đầu Cao Thị Lệ Hằng theo chương trình “Nâng bước em tới trường” với mức hỗ trợ mỗi tháng 500 nghìn đồng cùng đồ dùng, thiết bị học tập.
Quả thật, đối với nhiều người, số tiền ấy không lớn, nhưng đối với cô học trò nghèo Cao Thị Lệ Hằng thì rất có ý nghĩa vì không chỉ được hỗ trợ về vật chất mà còn tiếp thêm động lực để vững bước trên con đường đến trường. Mẹ của Hằng cũng vui lắm. Từ đây, gánh nặng cho con đến trường đã vơi bớt khó khăn khi có sự đồng hành của các chú Bộ đội Biên phòng.
Sau khi học xong THCS, Hằng được vào học ở Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh ở thành phố Đồng Hới. Ở môi trường học mới, Hằng dần dần thích nghi với điều kiện học tập, em tự tin bởi sau lưng mình có điểm tựa vững chắc là những người lính quân hàm xanh, các thầy giáo, cô giáo ở trường và gia đình nay đã từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Nghị lực và sự tự tin ấy đã giúp cho em năm nào cũng nhận được giấy khen.
Cô giáo Nguyễn Thị Dung, Chủ nhiệm lớp 12B, Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình cho biết, lớp có 29 học sinh là con em các dân tộc thiểu số, nhưng duy nhất Hằng là người Rục. Trong quá trình học tập, Cao Thị Lệ Hằng là người luôn có ý thức học tập tốt và học giỏi các môn xã hội. Vì thế, em luôn được cô giáo chủ nhiệm và các cô giáo bộ môn quan tâm, hỗ trợ về mặt học tập. Cô Dung còn kết nối giúp em nhận được các suất học bổng, sự hỗ trợ của cộng đồng.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2021-2022, Cao Thị Lệ Hằng có tổng điểm xét tuyển vào Trường đại học Sư phạm Huế đạt 25,5 điểm. Cô Nguyễn Thị Dung chia sẻ: “Tôi rất vui khi nghe tin Hằng đỗ vào đại học, kết quả này khẳng định sự nỗ lực vượt khó vươn lên của em. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình của nữ sinh người Rục còn rất nhiều khó khăn, hy vọng các nhà hảo tâm chung tay, góp sức để em được yên tâm trong hành trình học tập, rèn luyện vươn lên thành cô giáo tương lai”.
Trung tá Phạm Xuân Ninh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết: “Theo quy định, chương trình “Nâng bước em tới trường” chỉ hỗ trợ học sinh đến hết lớp 12, nhưng đối với hoàn cảnh của em Cao Thị Lệ Hằng thì đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ, kêu gọi bằng nhiều cách khác nhau nhằm giúp em vươn lên trong quá trình học đại học. Chúng tôi rất mong rằng, tấm gương của Hằng sẽ trở thành động lực không chỉ đối với 3 con nuôi hiện tại của đơn vị mà cả cho các học sinh người Rục khác”.
Thương mẹ tảo tần hôm sớm ở bản Rục để mình có tiền ăn học ở thành phố Huế, Cao Thị Lệ Hằng đã viết đơn trình bày nguyện vọng nhập học tại Trường đại học Quảng Bình. Và rồi nguyện vọng đó đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Hôm tiễn Hằng về nhập học ở thành phố Đồng Hới, Trung tá Phạm Xuân Ninh và các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng đến từ rất sớm, trao quà và dặn dò: “Cháu là người Rục đầu tiên đỗ đại học, đó là niềm tự hào, cũng là động lực cố gắng nhiều hơn trong rèn luyện, học tập thành cô giáo trong tương lai. Các chú đặt niềm tin ở cháu”.
Video đang HOT
Nhằm chia sẻ với khó khăn cũng như động viên nữ sinh viên vượt khó vươn lên, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân quyết định trích từ Quỹ Hạt giống Việt của báo để trao tặng em Cao Thị Lệ Hằng một chiếc xe máy và một laptop mới để làm phương tiện học tập. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cũng đã gửi lời khen ngợi và thưởng 5 triệu đồng mừng em ngày nhập học; đồng thời quyết định trích từ lương của mình để hỗ trợ mỗi tháng 3 triệu đồng cho nữ sinh viên này trong suốt bốn năm học tập ở trường đại học.
Nữ sinh người Rục đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học
Mồ côi bố, cuộc sống vất vả, thế nhưng Cao Thị Lệ Hằng vẫn luôn biết cách để vượt qua mọi nghịch cảnh, khó khăn để vươn lên trong học tập.
Bằng chính sự nỗ lực của mình Hằng trở thành người Rục đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học.
Nữ sinh người Rục Cao Thị Lệ Hằng
Cô gái người Rục đầu tiên "mở" cánh cửa đại học
Cao Thị Lệ Hằng (sinh năm 2004), là người đồng bào Rục, thuộc dân tộc Chứt, nhà em ở bản Mò O Ồ Ồ, một bản nghèo xa xôi thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình).
Cuộc sống của đồng bào người Rục nơi Hằng sinh sống còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nhận thức của bà con dân bản vẫn còn hạn chế. Bởi vậy, việc cô gái nhỏ nhắn của Cao Thị Lệ Hằng thi đỗ đại học đã trở thành một kỳ tích, Hằng chính là người đầu tiên của đồng bào người Rục bước chân vào giảng đường đại học.
Lệ Hằng sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 8 chị em, bố mất sớm, cũng bởi vậy, con đường tương lai cô học trò nghèo đối diện nhiều thách thức. Vì điều kiện gia đình, đã có những lúc tưởng chừng như con đường học tập của Hằng đã phải bỏ dở giữa chừng.
Biết rõ chỉ có con chữ mới có thể đưa gia đình thoát nghèo, giúp bản thân thay đổi tương lai, vậy nên Hằng luôn nỗ lực vượt khó, vươn lên mỗi ngày và không bao giờ từ bỏ. Hằng luôn cố gắng và hăng say học tập, nổi bật hơn hẳn so với bạn bè cùng trang lứa, cô gái người Rục như một bông hoa luôn vươn lên giữa núi rừng.
Thi đậu vào đại học, Hằng nhận được sự quan tâm rất lớn từ các đơn vị, ban ngành
Một trong những điều kiện giúp Hằng có thể theo đuổi con chữ chính là sự hỗ trợ từ Đồn Biên phòng Cà Xèng. Từ năm 2016, thấy Hằng hiếu học, lại có hoàn cảnh khó khăn, Đồn Biên Phòng Cà Xèng đã nhận chăm sóc em theo chương trình "Nâng bước em đến trường", mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng. Nhờ vậy, Hằng đã có điều kiện theo học đến hết cấp 3 và thi vào đại học.
Cô giáo Nguyễn Thị Dung, chủ nhiệm lớp 12B, Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình, nơi Hằng từng theo học cho biết, lớp có 29 học sinh là con em các dân tộc thiểu số nhưng duy nhất Hằng là người Rục. Trong quá trình học tập, Hằng là người luôn có ý thức học tập tốt, và học được các môn xã hội. Vì thế, em luôn được cô giáo chủ nhiệm và các cô giáo bộ môn quan tâm, hỗ trợ về mặt học tập.
"Hằng thi đậu vào Đại học là kết quả suốt nhiều năm không ngừng nỗ lực, rèn luyện của em. Đây sẽ là tiền đề để Hằng tiếp tục cố gắng, để có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Việc Hằng đậu vào đại học là niềm vui của các thầy cô và bạn bè, cũng là tấm gương cho các em học sinh dân tộc khác noi theo", cô Dung chia sẻ.
Nữ sinh Cao Thị Lệ Hằng và cô giáo chủ nhiệm lớp 12
Ước mơ trở về làm cô giáo bản
Theo chia sẻ của Cao Thị Lệ Hằng, ngay từ nhỏ, được đến trường, em đã rất yêu quý các cô giáo bản và luôn mơ ước sau này cũng sẽ trở thành giáo viên, đưa con chữ, ánh sáng tri thức về với bản làng. Chính điều này đã tạo động lực để Hằng cố gắng và thi đỗ vào đại học, kỳ tích này có thể sẽ là bước ngoặt cuộc đời của nữ sinh người Rục.
Kỳ tích của nữ sinh người Rục tạo ra niềm vui, tự hào cho mẹ là bà Hồ Thị Pấy và cả bản làng của em
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm học 2021-2022, Cao Thị Lệ Hằng đều đạt điểm khá cao: Văn học 7,75 điểm, Địa lý 7,75, Lịch sử 7,75 và Giáo dục công dân đạt 9,5. Tổng điểm xét tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Huế của nữ sinh này đạt 25,5.
Đậu vào Trường Đại học Sư phạm Huế, một ngôi trường có tiếng ở miền Trung, thế nhưng sau khi suy nghĩ, Hằng đã quyết định chọn vào học tại Khoa Sư phạm, Trường Đại học Quảng Bình. Theo chia sẻ của Lệ Hằng, em đưa ra quyết định này là bởi lẽ học ở Quảng Bình sẽ có nhiều bạn bè và dễ hòa nhập hơn, bên cạnh đó, chi phí sinh hoạt và học tập tại Quảng Bình cũng sẽ ít hơn, đỡ vất vả hơn so với việc phải "tay xách nách mang" vào thành phố Huế.
"Em đã suy nghĩ rất kỹ và thấy rằng học tại trường Đại học Quảng Bình sẽ phù hợp và tốt hơn đối với em. Điều quan trọng nhất là bản thân em phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa trên giảng đường, tiếp thu kiến thức và ra trường với kết quả tốt, như vậy thì em mới có thể tìm được một công việc như ước muốn", Hằng tâm sự.
Cô sinh viên Hằng duyên dáng trong tà áo dài trong ngày khai giảng
Cũng theo chia sẻ của Hằng, sau 1 tháng trở thành tân sinh viên của Trường Đại học Quảng Bình, được sự giúp đỡ của các thầy cô và bạn bè, cô gái người Rục không gặp nhiều khó khăn và dần làm quen với cuộc sống sinh viên. Cánh cửa đại học đã mở ra, Hằng sẽ phải tiếp tục nỗ lực, bước đi trên chính đôi chân của mình để biến giấc mơ của bản thân thành hiện thực.
Mục tiêu của Hằng là hoàn thành chương trình đại học và khao khát được trở về quê hương, về với bản làng trên cương vị một cô giáo mầm non. Hằng muốn có một công việc ổn định, kiếm tiền chăm sóc cho mẹ, và hơn nữa sẽ góp một phần sức lực để thay đổi bản nghèo nơi mình sinh ra.
Trước đó, khi nghe tin nữ sinh người Rục Cao Thị Lệ Hằng, học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình, trúng tuyển vào đại học, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, Ban Dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị, doanh nghiệp cũng đã đến trao thưởng và động viên để Hằng thêm động lực, vững bước trên giảng đường đại học.
Hai em Cao Thị Lệ Hằng và Hồ Thị Lích
Theo Báo Quảng Bình, tại buổi gặp mặt hai em Cao Thị Lệ Hằng và Hồ Thị Lích (nữ sinh người Mày tại bản Ba Loóc, xã Dân Hóa (Minh Hóa) bạn học cùng lớp với Hằng cũng nhận tin vui khi trúng tuyển vào Trường đại học Sư phạm Huế với số điểm 25,25), trước khi nhập học, các em đã được đón nhận nhiều món quà ấm áp của các tổ chức, cá nhân. Trong đó, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã gửi lời khen và tặng mỗi em 5 triệu đồng.
Đồng chí Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tặng mỗi em 2 triệu đồng. Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh, nhà trường và các doanh nghiệp đã có nhiều món quà động viên hai em.
Đặc biệt, đồng chí Phan Thanh Cường, Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy cho biết, sau khi nắm bắt thông tin về trường hợp của em Cao Thị Lệ Hằng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đã quyết định hàng tháng sẽ trích 3 triệu đồng tiền lương để hỗ trợ sinh hoạt phí cho em trong 4 năm học (mỗi năm 12 tháng).
Đây là món quà "tiếp sức" của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đối với học sinh người Rục đầu tiên đỗ đại học và lựa chọn ngành sư phạm. Đồng chí mong muốn em sẽ tiếp tục cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt và hoàn thành chặng đường 4 năm học. Sau khi tốt nghiệp, em sẽ trở thành giáo viên đủ năng lực, trình độ và nhiệt huyết, trách nhiệm, tiếp tục mang cái chữ và ánh sáng văn hóa về cho các học sinh và bà con dân bản!.
So bằng 'đôi đũa lệch' cho học sinh lớp ghép Từ năm học 2022 - 2023, gần ba chục học sinh người Chứt tại Trường Tiểu học Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) có thể tự tin học hòa nhập... Bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, học sinh người Chứt được học hòa nhập với học sinh toàn trường. Để so bằng "đôi đũa lệch" kiến thức cho lớp học ghép...