Nghị lực của cô giáo có vết bớt lớn trên mặt
Từng nghĩ việc trở thành giáo viên mầm non là điều khó khăn vì vết bớt lớn trên khuôn mặt sẽ khiến các bé lo sợ, nhưng thấm thoát đã 7 năm trong nghề, cô luôn là người được các bé quý mến.
“Vết bớt là món quà mà cha mẹ ban cho” – ẢNH: BÍCH NGÂN
Buồn tủi đến mức bật khóc vì những lời nhận xét không hay từ người khác nhưng hiện tại, Lý Hồ Bích Ngân (27 tuổi, Đồng Nai) đang rất hạnh phúc với công việc ở một trường mầm non quê nhà và tự hào nói “vết bớt như là món quà mà cha mẹ ban cho”.
“ Sao mặt cô giáo xấu vậy?”
Ngày quyết định trở thành cô sinh viên ngành sư phạm mầm non, Bích Ngân luôn mang tâm lý khá căng thẳng vì lo sợ sự khác biệt trên gương mặt sẽ trở thành rào cản cho tương lai sau này. Nhưng vì gia đình khó khăn, thêm vào đó, nghề giáo cũng là mong muốn của mẹ nên Ngân gạt bỏ đi những lo lắng để tiến lên phía trước.
May mắn mỉm cười ngay từ đầu, cuối năm 2013, Ngân xin vừa học vừa làm tại hai điểm trường khác nhau để trang trải cho việc học. Đến năm 2015 thì được nhận vào chính thức tại Trường mầm non Phước Thiền (H.Nhơn Trạch, Đồng Nai).
Ngân có một vết bớt khá lớn trên mặt
“Tôi từng lo lắng khi đi xin việc vì gương mặt khác biệt của mình nhưng may mắn nhà trường luôn tạo điều kiện để những người có khiếm khuyết như tôi được hòa nhập và gần gũi hơn với mọi người”, Ngân chia sẻ.
Xin được việc thuận lợi, Ngân thở phào nhẹ nhõm vì mối lo ngại đầu tiên đã qua. Nhưng điều cô phải đối mặt tiếp theo là cái nhìn và sự đón nhận của phụ huynh và các em. “Sao mặt cô giáo xấu vậy?” là câu hỏi từ một phụ huynh khiến Ngân buồn tủi đến mức bật khóc.
“Nhưng phụ huynh không đòi chuyển giáo viên là tôi mừng lắm rồi. Tôi cũng quen với những câu nói như vậy ngay từ lúc bé nên bản thân không quá suy sụp”, Ngân nói.
Video đang HOT
Vượt qua những rào cản, Ngân trở thành giáo viên mầm non đã 7 năm
Trong khi đó, các bé theo học lớp Bích Ngân rất yêu quý và thương cô. Vì sự hồn nhiên, các bé luôn có những câu hỏi như “Mặt cô bị gì vậy ạ?”, “Sao da cô khác tụi con?”… nhưng theo chia sẻ từ Ngân, khi cô giáo hỏi “Mặt cô có đẹp không?” thì các bé đều bảo đẹp mà không chê bai gì.
“Mình dành sự yêu thương chân thành đến các con thì các con cũng yêu thương và hiểu cho mình”, Ngân nói.
Chăm sóc các con từng miếng ăn giấc ngủ, nhìn học trò quý mến và nũng nịu mỗi khi gặp cô là động lực giúp Ngân phấn đấu để tiến xa hơn với nghề.
Hạnh phúc với những điều đang có
Ngay từ khi sinh ra, Bích Ngân đã có vết bớt trên gương mặt, càng lớn, vết bớt càng đậm màu hơn. Không chấp nhận sự thật khác biệt, cô từng tìm đến hỏi mẹ: “Sao mẹ đẻ con ra như vậy?”.
“Nhìn những giọt nước mặt của mẹ, nhìn thấy bà đau lòng vì câu hỏi ngu ngơ thuở bé của mình mà tôi hối hận vô cùng. Kể từ lúc đó, chưa bao giờ tôi đề cập đến nó lần nữa”, Ngân tâm sự.
Gia đình khó khăn nên không thể chạy chữa, người mẹ tự dằn vặt bản thân vì để con mình bị bạn bè cười chê, xa lánh. “Đồ da bò, đồ mặt quỷ” là những lời nhận xét gay gắt từ bạn bè ở trường lớp. Lúc đó, Ngân chỉ có thể im lặng và cười cho qua, ấm ức đến bật khóc mỗi khi một mình.
“Tủi thân lắm nhưng nhờ gia đình luôn bên cạnh động viên nên tôi không quan tâm về nó nữa. Thêm vào đó, hàng xóm yêu thương tôi rất nhiều nên bản thân cũng bớt tủi phần nào”, Ngân nói.
Vì thương mẹ một đời lam lũ, Ngân bỏ qua những chê bai để tiếp tục cố gắng. Hiện tại, cô thấy yêu gương mặt của mình và cho rằng vết bớt là món quà mà cha mẹ ban cho. “Chấp nhận sống chung với nó từ thuở bé nhưng đến khi 18 tuổi, tôi mới có được suy nghĩ tích cực và thấy yêu vết bớt này”, Ngân chia sẻ.
Từng nghĩ sẽ dành dụm tiền để phẫu thuật thẩm mỹ nhưng khi thấy nhiều người khó khăn hơn mình, Ngân đã không còn ý định đó nữa. Theo Ngân, không ai hoàn hảo cả, chỉ cần bản thân sống một đời bình an, hạnh phúc và biết hài lòng với những điều mình có là được.
Còn trong tình duyên, Ngân mong muốn sẽ tìm được người thật lòng hiểu cho mình để có thể xây dựng một gia đình hạnh phúc.
“Cứ sống bình dị, đối xử chân thành với nhau. Chúng ta có quyền không hài lòng về những khiếm khuyết của mình nhưng đừng để nó làm tổn thương mình và người khác”, Ngân chia sẻ.
Tiến sĩ kép ngành y
PGS, TS Nguyễn Thị Trang hiện là giảng viên cao cấp của Trường Đại học Y Hà Nội (Bộ môn Y Sinh học-Di truyền), Phó tổng thư ký Hội Di truyền Y học Việt Nam.
Để bảo vệ thành công một luận án tiến sĩ đã vô cùng khó, vậy mà trong một ngày đặc biệt, với một hội đồng đặc biệt ở nước Nga, cô gái Việt Nam nhỏ bé Nguyễn Thị Trang đầy ý chí, nghị lực và thông minh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở hai chuyên ngành: Hóa sinh y học và Di truyền học, trở thành tiến sĩ ở cả hai chuyên ngành. Thật là một trường hợp hiếm hoi trên thế giới.
Vượt "vũ môn" ở hội đồng kép
PGS, TS Nguyễn Thị Trang hiện là giảng viên cao cấp của Trường Đại học Y Hà Nội (Bộ môn Y Sinh học-Di truyền), Phó tổng thư ký Hội Di truyền Y học Việt Nam. Nói chuyện với chúng tôi, PGS, TS Nguyễn Thị Trang cho biết: Thời điểm ấy, chị đã phải nỗ lực rất nhiều. Đó không chỉ là "bước nhảy" sau cả chục mùa đông lạnh giá ở nước Nga để chuyên cần học tập, đọc cả nghìn cuốn sách khoa học, trải qua hàng trăm kỳ thi vô cùng khắt khe... mà nó đánh dấu một cột mốc mới trong cuộc đời học tập, nghiên cứu, giảng dạy của chị. Giây phút chị bảo vệ thành công cả hai luận án tiến sĩ và được hội đồng 24 giáo sư đầu ngành của nước Nga thống nhất cho điểm xuất sắc, chị đã bật khóc.
Một ngày cuối đông ở Hà Nội, sau nhiều lần hẹn, tôi mới gặp được PGS, TS Nguyễn Thị Trang. Không phải có điều gì, nhưng nhìn vào lịch làm việc thì đủ thấy dường như chị không có thời gian rỗi: Giảng dạy; tham dự hội nghị, hội thảo; hướng dẫn sinh viên; làm việc với các nhóm nghiên cứu; hỗ trợ các nhóm nghiên cứu khoa học của nhiều trường THPT, THCS; rồi chuyện gia đình, con cái...
- Nhiều việc thế thì thời gian đâu để chị viết bài cho các tạp chí trong và ngoài nước? Thời gian đâu để nghỉ ngơi, sắp xếp công việc ở trường, ở các hội nghiên cứu, chấm luận văn, luận án, tham gia các đề tài, dự án, tham dự các cuộc thi quốc tế...?-Tôi hỏi PGS, TS Nguyễn Thị Trang.
- Anh thấy không, em vẫn có thời gian đấy chứ. Vẫn có thể ngồi nói chuyện với anh-Trang vui vẻ trả lời.
PGS, TS Nguyễn Thị Trang (ở giữa) chia vui với sinh viên khi nhóm nghiên cứu giành được giải thưởng. Ảnh do nhân vật cung cấp
Ước mơ truyền lửa học
Thật ra, trước khi có một giờ chính thức "phỏng vấn" PGS, TS Nguyễn Thị Trang, tôi cũng đã có chút ít thông tin về chị. Những thầy, cô giáo công tác ở Trường Đại học Y Hà Nội đều nhận xét: PGS, TS Nguyễn Thị Trang là người cởi mở, hiền hậu, nhiệt tình, thông minh, nhân văn...; là một trong số giảng viên trẻ có triển vọng về nghề nghiệp, luôn mong muốn chia sẻ, lan tỏa tri thức mà mình có đến với nhiều thế hệ. Chị cũng là người phụ nữ biết chăm sóc gia đình, đặc biệt nhiệt huyết với nghề, với các thế hệ học sinh, sinh viên. Sự nỗ lực, niềm say mê để có được những thành công cả trong nước và quốc tế của PGS, TS Nguyễn Thị Trang trở thành tấm gương sáng để nhiều học sinh, sinh viên noi theo.
Nguyễn Thị Trang sinh ra và lớn lên ở vùng quê Quảng Minh, Sầm Sơn, Thanh Hóa. Ngay từ nhỏ, Trang đã thể hiện rõ sự nỗ lực vươn lên với tinh thần ham học hỏi, cầu tiến và là gương mặt nổi bật về thành tích học tập ở các cấp học phổ thông. Tốt nghiệp THPT với số điểm xuất sắc, Trang được nhận học bổng tại Trường Đại học Quốc gia Saint Petersburg (Nga) chuyên ngành di truyền y học.
Những năm tháng ở nước Nga với chị có biết bao nhiêu ân tình, biết bao kỷ niệm. Cũng những năm tháng ấy, chị không chỉ học được kiến thức mà tinh thần học tập, sự nhân hậu của con người Nga như tiếp thêm động lực, ý chí để Nguyễn Thị Trang học liền một mạch từ đại học, rồi thạc sĩ cũng với chuyên ngành di truyền y học tại Trường Đại học Miền Nam Liên bang Nga và sau đó là nghiên cứu sinh TS chuyên ngành Di truyền và hóa sinh y học vào năm 2012. Vẫn chưa "mãn nguyện", con đường học tập tiếp tục nối dài khi chị trở thành nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trường Đại học Miền Nam Liên bang Nga chuyên ngành Hóa sinh y học.
- Sự nghiệp đèn sách vẫn chưa chấm dứt đâu anh. Em sẽ còn học mãi, học suốt đời. Kiến thức ngành y, những thành tựu của ngành y luôn luôn mới, không học là lạc hậu ngay-PGS, TS Nguyễn Thị Trang chia sẻ.
Trên Facebook cá nhân của PGS, TS Nguyễn Thị Trang, ngoài vài hoạt động của gia đình, hầu hết hoạt động của chị gắn với các chuyến đi thực tế cùng sinh viên, các hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhiều sinh viên chia sẻ: Cô Trang luôn là một cán bộ giảng dạy mẫu mực, có tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng vì công việc, gương mẫu, trung thực, khiêm tốn và giản dị, gần gũi như một người chị với các thế hệ sinh viên, như một người mẹ chăm sóc, che chở cho học sinh khi các em tham dự các cuộc thi hay làm những đề tài khoa học khó. Nghe tôi kể lại những nhận xét trên, chị cười rồi cho biết: Mọi điều chị làm đều hoàn toàn tự nhiên, tất cả vì sinh viên, vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân... Bởi theo PGS, TS Nguyễn Thị Trang: Nghiên cứu sâu vấn đề di truyền học phân tử các bệnh ở người và di truyền hóa sinh các bệnh ở người sẽ giúp cho quá trình chữa bệnh trở nên đơn giản, tiết kiệm hơn.
Những bước chân không mỏi
PGS, TS Nguyễn Thị Trang kể về hàng chục công trình nghiên cứu, các bài viết đăng trên những tạp chí chuyên ngành của quốc tế; nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp bộ đạt kết quả xuất sắc được ứng dụng trong thực tế. Chị cũng làm chủ nhiệm 3 đề tài cấp cơ sở tại Trường Đại học Y Hà Nội, 1 đề tài cấp Bộ Y tế đều được nghiệm thu và đạt kết quả xuất sắc; chủ nhiệm 1 dự án cấp Nhà nước thuộc Chương trình KC10/2016-2020 và thư ký kiêm điều phối đề tài khoa học cấp Nhà nước thuộc Chương trình KC4.0/2020-2025. Ngoài ra, Trang còn công bố 22 công trình khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế, có 2 giải pháp hữu ích được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận năm 2018, 2019; công bố 70 bài báo khoa học và tham gia nhiều báo cáo khoa học trong các hội nghị, hội thảo chuyên ngành y sinh học-di truyền, vô sinh và nam học, tai mũi họng trong và ngoài nước.
Ngoài cống hiến cho khoa học, công tác đào tạo nguồn nhân lực, các thế hệ y sĩ, bác sĩ ngành di truyền học cũng được PGS, TS Nguyễn Thị Trang dành nhiều tâm huyết. Trong 7 năm tham gia giảng dạy với chuyên ngành chính là bộ môn Y sinh học-Di truyền, PGS, TS Nguyễn Thị Trang còn tham gia đào tạo và giảng dạy trực tiếp, bồi dưỡng, hướng dẫn nhiều sinh viên y đa khoa, bác sĩ đa khoa, nghiên cứu sinh và học viên cao học các chuyên ngành: Răng hàm mặt; y học cổ truyền; tai mũi họng; sản khoa; kỹ thuật y học và hóa sinh y học. Sinh viên, nghiên cứu sinh, học sinh tham gia nghiên cứu khoa học dưới sự hướng dẫn của PGS, TS Nguyễn Thị Trang giành được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.
Không chỉ giảng dạy, nghiên cứu, làm đề tài khoa học, tham gia các công trình sản xuất, PGS, TS Nguyễn Thị Trang còn tham gia khám, chữa bệnh tại Trung tâm Tư vấn di truyền Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; triển khai nhiều xét nghiệm di truyền ứng dụng trong chẩn đoán bệnh như: Tự kỷ, vô sinh, hiếm muộn, nam học, sảy thai, thai lưu, ung thư, tim mạch, điếc bẩm sinh, tầm soát bất thường bẩm sinh... Các xét nghiệm do PGS, TS Nguyễn Thị Trang phụ trách triển khai đã góp phần quan trọng trong việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và đang được triển khai ứng dụng rộng rãi ở không ít đơn vị, cơ sở y tế.
Trò chuyện cả tiếng đồng hồ, PGS, TS Nguyễn Thị Trang mới bật mí cho tôi biết về không ít bằng khen, giải thưởng mà chị đã giành được trong thời gian vừa qua, như: Giải nhất Hội thảo khoa học toàn khoa Y sinh học sức khỏe Trường Đại học Miền Nam Liên bang Nga (2008); bằng khen của Trung ương Đoàn (2011); giải nhất Hội thảo quốc tế về y học, di truyền và công nghệ sinh học lần thứ hai tại Ekaterinburg, Liên bang Nga (2011); bằng danh dự của Hiệu trưởng Trường Đại học Miền Nam Liên bang Nga về những đóng góp to lớn trong lĩnh vực nghiên cứu và sáng chế phương pháp chẩn đoán bệnh tim mạch (2013); Giải thưởng Đặng Văn Ngữ cho bài báo quốc tế có chỉ số IF cao nhất (2018)... Nở nụ cười hiền hậu, chị nói rằng đó là những thành tích nho nhỏ của mình mà chưa thể so sánh được với nhiều giáo sư, những người thầy, người bạn, đồng nghiệp. Với chị, giờ mới chỉ là chặng đường đầu tiên của sự nghiệp.
PGS, TS Nguyễn Thị Trang liếc nhìn đồng hồ với hàm ý đã tới giờ hẹn các giáo sư ở Hội Di truyền Y học Việt Nam. Trước khi chia tay, PGS, TS Nguyễn Thị Trang hóm hỉnh đùa rằng: "Thật vui khi em có chút thời gian thả lòng mình để nhớ. Nhớ những tháng ngày học tập ở Nga; nhớ những người bạn, những gia đình Nga. Nhớ sự tận tình của các thầy cô vì mình mà biết bao đêm cùng thức trắng bên bàn học, bên giá sách hay trong phòng thí nghiệm. Nhưng có lẽ, những câu hỏi "xoáy" của 24 giáo sư đầu ngành trong hội đồng tại buổi bảo vệ hai luận án tiến sĩ cùng cảm giác lâng lâng khi trở thành tiến sĩ kép về hóa sinh y học và di truyền học sẽ mãi là kỷ niệm đẹp, là hành trang theo em suốt cuộc đời".
Tổ chức LOAN Stiftung (CHLB Đức) tặng 10 suất học bổng cho sinh viên tỉnh Hà Giang Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang vừa tổ chức trao tặng 10 suất học bổng năm học 2020 - 2021 của Tổ chức LOAN Stiftung (CHLB Đức) cho các em sinh viên các trường Đại học của tỉnh Hà Giang. Căn cứ đề xuất của Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Giang, các đơn vị trường học và xét hoàn cảnh thực...