Nghe lớp học thông minh ‘kể chuyện’
Tạm gác lại bảng đen, phấn trắng, thay vào đó là các bài giảng được chuyển tải bằng các phương tiện kỹ thuật số.
Cánh cửa lớp học thông minh, phòng học thông minh mở ra, giáo viên và học sinh tương tác qua hình ảnh trực quan sinh động…
Lớp học thông minh với thầy và trò lớp 6B, Trường THCS Lý Thường Kiệt ( Hà Trung).
Tiết học của cảm xúc…
Gần 2 tháng nay, hơn 70 học sinh lớp 6 ở Trường THCS Lý Thường Kiệt (Hà Trung) đã được tiếp cận với lớp học 4.0. Không gian lớp học tích hợp đầy đủ các công cụ dạy và học và được kết nối các thiết bị như máy vi tính, màn hình tương tác… Máy tính được tích hợp đầy đủ các dữ liệu cần thiết: sách giáo khoa điện tử, giáo trình điện tử bộ môn…
Những tiết học diễn ra sôi nổi hơn nhờ lớp học thông minh này. “Tất cả chúng em đều bị cuốn hút bởi các yếu tố công nghệ thông minh đó là hình ảnh, đồ thị, video…, qua đó sẽ nắm bắt các khái niệm nhanh chóng hơn”, em Hoàng Ngọc Anh, học sinh lớp 6B, Trường THCS Lý Thường Kiệt phấn chấn cho biết.
Giờ Sinh học ở lớp 6B hôm nay có bài: “Từ tế bào đến cơ thể sinh vật”. Bài giảng sử dụng video. Khi học sinh quan sát video này, sẽ trả lời cho giáo viên hoặc làm nhiệm vụ ghi chép lại các đối tượng sinh vật xem có những hoạt động sống nào. Bài giảng sinh động, cắt ghép các vấn đề, học sinh quan sát xong sẽ đưa ra được những câu trả lời nhanh. Thầy giáo Nguyễn Văn Lâm, giáo viên môn Sinh học cho biết thêm: “Bài giảng có sự tương tác bằng bút cảm ứng sẽ thực hiện các lệnh rõ hơn. Ví dụ, so sánh giữa tế bào nhân thực và tế bào nhân sơ, muốn học sinh quan sát rõ, giáo viên có thể sử dụng bút cảm ứng tô các nội dung, chú thích trên kênh hình một cách trực quan giúp học sinh dễ hiểu. Điều này, nếu chỉ dùng máy chiếu như trước đây sẽ không làm được”.
Theo giáo viên dạy môn Địa lý của nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Thủy, ở lớp học thông minh, do có tính trực quan nên học sinh tiếp thu bài tốt hơn đồng thời rèn các kỹ năng thực tế hiệu quả hơn. Chị nói: “Ví dụ như bài “Sự chuyển động của Trái Đất quanh mặt trời”, khi chưa có lớp học thông minh, bài giảng sử dụng bằng tranh ảnh, mô hình như quả địa cầu. Còn bây giờ bài giảng đã được chuyển tải bằng các phương tiện kỹ thuật số với hình ảnh trực quan, học sinh thấy được sự chuyển động tự quay quanh trục của Trái Đất, rất sinh động, thực tế…”.
Hiện nay, cùng với lớp học thông minh thì mô hình phòng học thông minh cũng đã được xây dựng. Ngoài máy vi tính, màn hình tương tác, phòng học thông minh có thêm bục giảng thông minh, máy chiếu vật thể, camera trực… Mô hình là giải pháp cho phép tăng cường khả năng tương tác đa chiều giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh qua việc dạy nhóm, học nhóm, thảo luận nhóm thông qua phần mềm quản lý lớp học.
Trường TH&THCS Đông Thịnh, một trong 9 trường của huyện Đông Sơn đã xây dựng mô hình phòng học thông minh từ năm học 2021-2022. Một năm học qua đi, câu chuyện về phòng học thông minh đối với cô và trò ở ngôi trường này vẫn là một “đề tài” được nhắc đến nhiều nhất với hiệu ứng tích cực. Bởi, nếu so sánh giữa bài giảng theo giáo án điện tử power point và bài giảng ứng dụng công nghệ 4.0 thì bài giảng 4.0 có nhiều thuận lợi hơn cho việc dạy và học. Theo chia sẻ của cô giáo Lê Thị Hường, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A, Trường TH&THCS Đông Thịnh thì: “Học sinh rất thích học, mỗi tiết học đều để lại ấn tượng tốt, có cảm xúc với các em. Phòng học thông minh không dùng phấn mà là bút cảm ứng, rất nhiều tiện lợi cho cả cô và trò. Đối với bài tập của học sinh, cô giáo dùng máy chiếu vật thể để xuất hình ảnh bài tập đó ra ngoài màn chiếu. Như vậy tất cả học sinh trong lớp đều thấy ưu, khuyết điểm để cùng rút kinh nghiệm. Hoặc đối với bài trắc nghiệm, khi cô giáo đưa ra các đáp án thì ở dưới các em có thiết bị bấm lựa chọn…”.
Video đang HOT
Chung tay xây dựng mô hình
Xây dựng lớp học thông minh, phòng học thông minh trên nền tảng ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đồng thời gắn với đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, chưa có nhiều lớp học và phòng học thông minh, nhiều địa phương chưa xây dựng được mô hình này. Khó khăn bắt đầu từ câu chuyện kinh phí.
Để xây dựng một lớp học thông minh cần khoảng 35 – 40 triệu đồng, một phòng học thông minh lên tới vài trăm triệu đồng. Nếu không thực hiện công tác xã hội hóa thì mô hình khó được xây dựng.
Năm học 2022-2023, Trường THCS Lý Thường Kiệt, trường đầu tiên của huyện Hà Trung đưa vào sử dụng 2 lớp học thông minh ở khối 6 với tổng kinh phí 80 triệu đồng. Nói về điều này, thầy giáo Nguyễn Danh Hoàng, hiệu trưởng nhà trường vẫn còn phấn chấn bởi trong điều kiện một số khoản thu của năm học mới tăng thì việc được phụ huynh chấp thuận phương án, đây là một sự ủng hộ lớn. Thầy hiệu trưởng cho hay: “Ngoài sự đóng góp của phụ huynh, nhà trường còn nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp. Đây là điều bất ngờ. Thực tế, khi chúng tôi đi tham khảo, rất thích mô hình nhưng cũng nhiều băn khoăn vì với kinh phí đầu tư khá lớn như thế không biết có làm được không…”.
Dùng máy chiếu vật thể để xuất hình ảnh bài tập ra ngoài máy chiếu (tiết học Tiếng Việt của lớp 2A tại phòng học thông minh, Trường TH&THCS Đông Thịnh).
Tại huyện Đông Sơn, mô hình phòng học thông minh ra đời không dựa vào công tác xã hội hóa. Trong năm học 2021-2022, huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng chương trình chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin vào các trường học. Theo đó, với số kinh phí gần 3 tỷ đồng đã lắp đặt được 9 phòng học thông minh ứng dụng công nghệ 4.0. Ông Phạm Văn Dũng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đông Sơn, cho biết: “Sau khi đánh giá nghiệm thu hiệu quả các hoạt động dạy và học từ các phòng học 4.0, huyện sẽ tiếp tục đầu tư hơn 5 tỷ đồng để trang bị cho 26 phòng học còn lại của 26 trường với mục tiêu 100% các trường học, mỗi trường có 1 phòng học thông minh”.
Với tính năng vượt trội, phòng học thông minh, lớp học thông minh hướng người dạy và người học được tiếp xúc trực tiếp trong môi trường giáo dục của thời đại công nghệ thông tin 4.0. Dù vẫn còn nhiều bỡ ngỡ với phương pháp mới, tuy nhiên, từ những phòng học thông minh, lớp học thông minh này đã mở ra một “chân trời mới” mà ở đó góp phần rút ngắn khoảng cách thời gian giảng dạy của giáo viên nhưng vẫn đảm bảo được nội dung, lượng kiến thức truyền đạt nhiều hơn cho học sinh.
Lớp học 'trong gió' trên đỉnh Đun Pù
Ở đỉnh Đun Pù, xã Nam Xuân, huyện vùng cao, biên giới Quan Hóa (Thanh Hóa) có khu lẻ của Trường Mầm non Nam Xuân.
Cô và trò ở điểm lẻ mầm non trên đỉnh Đun Pù, xã Nam Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa).
Tại đây, chỉ có 16 trẻ, nhưng nhà trường phải bố trí 3 giáo viên để chăm sóc các bé hàng ngày.
Phòng học "trong gió"
Ông Lê Đức Hiếu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa nhất quyết phải đưa chúng tôi lên đỉnh Đun Pù. Bởi theo ông, "dù xã Nam Xuân cách trung tâm thị trấn Hồi Xuân chừng chục km đường nhựa, nhưng lại khác đặc biệt vì có 1 bản còn rất khó khăn. Mời anh em lên tận nơi xem những lớp học ở đây, khi thời tiết đang bắt đầu chớm Đông". Vậy là, chúng tôi cùng nhau lên đỉnh Đun Pù!
Cung đường từ chân núi lên điểm trường khoảng 5 km, là những khúc cua tay áo, xe máy chỉ có thể đi số 1. Những ngày này, thời tiết bắt đầu trở lạnh, trời mưa, đường trơn trượt, các cô giáo từ dưới trung tâm xã lên điểm trường này vô cùng vất vả và dễ gặp nguy hiểm.
Người dân ở bản Đun Pù, xã Nam Xuân phần lớn là người Thái. Đây cũng là một trong 36 bản đặc biệt khó khăn của huyện Quan Hóa chưa bị điều chỉnh bởi Quyết định 861/QĐ-TTg.
Trên đường đi, ông Hiếu tâm sự: "Cung đường lên Đun Pù không dài, nhưng độ dốc rất cao và quanh co, khúc khuỷu. Bây giờ, dù đường đã được đổ nhựa, nhưng mỗi khi trời mưa, mặt đường trơn trượt rất dễ xảy ra tai nạn. Các thầy, cô giáo chạy xe máy lên đây phải là người quen cách đi "ôm cua". Dẫu biết rằng, các thầy, cô lên đây công tác là rất vất vả, nhưng chẳng còn cách nào khác, vì không thể dồn điểm trường xuống trung tâm được".
Cô Hà Thị Lập - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Xuân cho biết, tại điểm lẻ Đun Pù, chỉ có 16 trẻ, nhưng nhà trường phải bố trí 3 giáo viên lên dạy. Bởi lẽ, do thiếu phòng học và cơ sở vật chất, nên các cô phải ghép lớp.
"Các cô giáo dạy 1 lớp ghép 3 độ tuổi và 1 lớp ghép bé 24 tháng tuổi với 36 tháng tuổi. Hàng ngày, trẻ được ăn, ngủ bán trú tại lớp học do giáo viên tổ chức nấu ăn. Điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, thiếu thốn nên cả trẻ và giáo viên đều thiệt thòi lắm", cô Lập chia sẻ.
Khó khăn là vậy nhưng 3 nữ giáo viên "cắm bản" ở Đun Pù vẫn luôn lạc quan, yêu đời và hết lòng vì con trẻ. Trong 3 nữ giáo viên, cô Cao Thị Tuần là người có gia đình ở bản Đun Pù. Cô Hà Thị Sen, Hà Thị Đại đều ở dưới xã Nam Xuân. Hàng ngày, các cô đi xe máy vượt qua những dốc quanh co, khúc khuỷu để đến lớp.
"Thời tiết thuận lợi thì các cô đi lại còn đỡ, chứ gặp những hôm trời mưa, dốc cao, quanh co, trơn trượt nên rất vất vả. Biết là khó khăn, nhưng ban giám hiệu nhà trường chỉ động viên các cô hãy cố gắng, để hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao phó", cô Lập tâm sự.
Ba nữ giáo viên mầm non ở điểm lẻ Đun Pù tự tặng hoa lau cho nhau ngày 20/10.
Chăm trẻ những ngày Đông
Ở điểm Trường Mầm non Đun Pù có 16 bé. Để duy trì sĩ số, những ngày trời mưa, cô giáo phải xuống tận nhà đón học trò lên lớp. Nhiều hôm, khi lên đến lớp, thì áo quần cả cô lẫn trò đều dính đầy bùn đất.
Cảm thương cô trò vất vả, đầu năm học 2021 - 2022, Trưởng bản Đun Pù đã vận động người dân trong bản đi rừng lấy luồng, tre, nứa, lá cọ... dựng cho các cháu phòng học tạm. Thế nhưng, dù có phòng học, nhưng gió vẫn lùa tứ phía, mặc dù mới bắt đầu chớm Đông.
Đối với việc nuôi ăn bán trú, hàng ngày phụ huynh thay phiên nhau xuống điểm trường chính nhận thực phẩm. "Mỗi người một ngày. Phụ huynh cứ luân phiên đi xe máy xuống điểm trường chính nhận thực phẩm rồi lên nấu ăn trưa. Cũng không còn cách nào khác, vì nhà trường tổ chức ăn bán trú theo hình thức "bán trú dân nuôi". Hơn nữa, trong số 16 trẻ, chỉ có 1 bé thuộc diện hộ thoát nghèo, còn lại là con em hộ nghèo và cận nghèo. Rất may là việc thay phiên nhau nấu ăn cho trẻ, đều được phụ huynh đồng thuận", cô Lập chia sẻ.
Cũng theo cô Lập, năm ngoái, có một tổ chức từ thiện lên thăm điểm trường và khảo sát để có kế hoạch hỗ trợ xây dựng thêm một phòng học. Thế nhưng, sau đó có thể do gặp trở ngại về kinh phí, nên tổ chức thiện nguyện này không thể thực hiện được.
"Năm nay, mùa Đông đến sớm, nhà trường đã lên kế hoạch mua một số bạt và vật liệu về để che chắn phòng học. Bởi lẽ, vào mùa Đông, nhiệt độ ở Đun Pù xuống rất thấp, trò ngồi học và ngủ trưa sẽ rất lạnh", cô Lập cho hay.
Theo ông Lê Đức Hiếu, trên địa bàn còn 50 lớp ghép ở 33 khu lẻ mầm non và 32 khu lẻ tiểu học. Một vấn đề nan giải nữa, là tình trạng thiếu giáo viên. Bên cạnh đó, nhiều trường không có phòng chức năng, thiếu đồ dùng, thiết bị dạy học.
Hơn nữa, chế độ chính sách đối với giáo viên còn bất cập, vì huyện Quan Hóa bị điều chỉnh theo Quyết định 861/QĐ-TTg, có nghĩa là không còn xã nào thuộc diện đặc biệt khó khăn. Vì lẽ đó, phụ cấp hàng tháng của hàng trăm giáo viên ở địa phương này bị cắt giảm, ảnh hưởng đến cuộc sống, dẫn tới công tác dạy và học ở huyện vùng cao, biên giới này đối mặt với nhiều thách thức.
"Là huyện vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn, vất vả kèm theo đó là lương giáo viên thấp, phụ cấp bị cắt giảm... nên không thể khuyến khích sinh viên mới ra trường, giáo viên miền xuôi lên công tác", ông Hiếu thông tin.
Mặc dù, điều kiện dạy, học khó khăn như vậy, nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền, tâm huyết của thầy cô giáo, mà những năm gần đây tỷ lệ chuyên cần ở khu vực vùng sâu của huyện Quan Hóa tăng lên đáng kể. Đó là điều đáng mừng khi nhận thức của phụ huynh, học sinh vùng cao, biên giới ngày càng thay đổi.
"Ở điểm trường có cô Cao Thị Tuần là người của bản nên chúng tôi đỡ vất vả hơn. Cô Tuần thường tranh thủ đến thăm các gia đình trong bản có trẻ theo học để động viên phụ huynh cùng chúng tôi chăm lo cho các bé. Bà con ở đây sống tình cảm và coi giáo viên như người trong nhà. Đó cũng là điều khích lệ, giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, để chăm sóc, nuôi dạy trẻ thật tốt", cô Hà Thị Đại - Trưởng khu lẻ Mầm non Đun Pù cho hay.
Đa chiều ý kiến về việc bố trí chỗ ngồi cho học sinh Mới đây dư luận xôn xao về yêu cầu bố trí chỗ ngồi của một hiệu trưởng khi hướng dẫn giáo viên thực hiện công tác quản lý lớp học. Tiết học vật lý của học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu. Không kỳ thị giới tính Theo đó, trong tin nhắn, hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức, TPHCM)...