Nghề giáo đã chọn tôi nhưng tôi yêu nghề
Tốt nghiệp THPT, tôi thi đậu vào một trường ĐH ở TP.HCM và một trường CĐ sư phạm ở tỉnh nhà. Giữa hai con đường tôi phải chọn một: Nghề giáo hoặc hướng dẫn viên du lịch.
Giáo viên, nếu sống lâu với nghề, lòng yêu nghề sẽ tăng lên (Ảnh minh họa) – ĐÀO NGỌC THẠCH
Học đại học theo ngành mình ưa thích để có thể thực hiện ước mơ từ thuở nhỏ là trở thành hướng dẫn viên du lịch thì phải đóng học phí cao. Học sư phạm tại tỉnh nhà không đóng học phí nhưng phải theo nghiệp “gõ đầu trẻ” – nghề mà tôi không thích cho dù cả ba và mẹ tôi đều làm nghề giáo.
Đứng trước sự chọn lựa cho tương lai quả thật nan giải nhưng rồi trước thực tế cuộc sống tôi đành phải chọn học CĐ sư phạm để sớm có nghề nghiệp ổn định và để ba mẹ tôi yên tâm lo cho những đứa em của tôi.
Suốt khoảng thời gian học sư phạm, tôi vẫn luôn trau dồi kiến thức của những bộ môn xã hội với hy vọng sẽ có cơ hội để đến với cái nghề mà tôi yêu thích.
Những ngày đầu tiên bước lên bục giảng, tôi thật sự thất vọng. Thực tế không giống như những phương pháp giảng dạy được tiếp thu tại trường sư phạm. Cảm giác lạc lõng và bi quan bắt đầu xuất hiện trong tôi. Cả ba và mẹ tôi hiểu được tâm trạng như thế và khuyên tôi rằng có những chuyện trong cuộc sống không như ý mình muốn nhưng phải biết chấp nhận và tìm ra những giải pháp tích cực.
Rồi tháng ngày trôi qua, tôi cảm thấy mình yêu mến và đam mê nghề dạy từ lúc nào không biết! Tôi luôn tìm những phương pháp dạy học tích cực để học trò mình hiểu bài và yêu thích môn học mình phụ trách hơn. Tôi học hỏi từ sách vở, đồng nghiệp, mạng internet… để làm phong phú thêm kiến thức chuyên môn của mình.
Học trò tôi có được những kết quả tốt khi dự những kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo chuẩn quốc tế, tài năng tiếng Anh và quan trọng hơn nữa là các em tự tin sử dụng vốn tiếng Anh của mình vào thực tế cuộc sống. Với những em học sinh vùng nông thôn, những thành tích như thế thật đáng trân trọng.
Bên cạnh đó, tôi cũng làm công tác tư vấn hướng nghiệp cho học trò mình để giúp các em có định hướng tốt khi bước chân vào đời. Vốn kiến thức tích lũy để mong trở thành hướng dẫn viên du lịch lại trở thành những kỹ năng mềm không những phục vụ cho công tác giảng dạy mà còn giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống.
Khi phải chọn nghề không đúng sở thích của mình nhưng nếu hoạt động với năng suất cao và khi ở lâu với nghề thì lòng yêu nghề sẽ tăng lên. Nghề giáo đã chọn tôi và tôi yêu nghề với những khát khao cống hiến giữ được ngọn lửa đam mê trong sự nghiệp “trồng người”.
Cô gái miền núi mang khát vọng đào tạo nông nghiệp công nghệ cao
Nông Thị Thư đến với nghề giáo từ chữ "Duyên". Cô hi vọng, sẽ giúp được nhiều học viên phát triển nghề nông theo hướng công nghệ cao.
Video đang HOT
Rưng rưng nghe học sinh gọi 2 tiếng "cô giáo"
Cô gái Nông Thị Thư (Bắc Kạn - SN 1998) tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, là giáo viên của trường Cao đẳng Bắc Kạn.
Việc trở thành giáo viên là ước mơ của nhiều đứa trẻ nông thôn như cô. Mặc dù không theo học ngành sư phạm nhưng cuối cùng Thư lại gắn bó với công việc giáo dục nghề nghiệp.
Cô giáo Nông Thị Thư
"Có thể nói, tôi đến với nghề như một mối duyên, càng làm càng say mê".
Thư đã theo đuổi con đường dạy nghề được 10 năm. Thế nhưng, kỷ niệm ngày đầu tiên đứng lớp vẫn luôn khiến cô nghèn nghẹn khi nhớ lại.
"Do đặc thù nghề nghiệp nên học viên trung cấp, cao đẳng có nhiều người lớn tuổi. Người lớn tuổi nhất tôi từng dạy là sinh năm 1963.
Lần đầu tiên lên lớp tôi gặp các học viên nhiều tuổi, mình lại mới ra trường, chưa có kinh nghiệm. Khi nghe hai tiếng "cô giáo" từ học viên, cảm giác rất khó tả, hạnh phúc xen lẫn tự hào", Thư kể
Trước khi chính thức nhận lớp, Thư tham gia học lớp nghiệp vụ sư phạm 3 tháng, sau đó về học việc tại khoa Nông lâm 4 tháng.
Cô được dự giờ những giáo viên có kinh nghiệm và được thầy trưởng khoa trực tiếp hướng dẫn từng bước như: Soạn giáo án, tập dượt làm giáo viên... Bốn tháng sau, Thư trải qua kỳ thi sát hạch đầu vào trước hội đồng của nhà trường.
Sự tự tin và cầu thị trong học hỏi đã giúp Thư nhận được đánh giá cao từ hội đồng.
Vậy nhưng, thời gian mới dạy, Thư thừa nhận mình gặp khá nhiều khó khăn trong cách tiếp cận phương pháp giảng dạy. Đam mê đã giúp cô tiến bộ từng ngày.
Công việc của Nông Thị Thư hiện tại là giảng dạy các môn học, mô đun thuộc chuyên ngành Trồng trọt và bảo vệ thực vật.
Ngoài giảng dạy lý thuyết, cô còn trực tiếp tham gia hướng dẫn thực tập sản xuất tại các mô hình nhà trồng nấm, nhà lưới...
Mỗi lần thu hoạch sản phẩm, cô và trò đều phải dậy từ 5 giờ sáng, để thu được những sản phẩm tươi ngon. "Công việc sản xuất vất vả nhưng rất vui", Thư nói.
Đào tạo nông nghiệp công nghệ cao
Nữ giáo viên tâm sự, xuất thân từ nông thôn nên từ nhỏ, cô đã yêu thích đồng ruộng, núi rừng.
Sau này Thư học đại học, được tiếp cận với những kiến thức về sản xuất nông nghiệp hiện đại, bảo vệ môi trường sinh thái về xuất khẩu nông sản... nên khi làm giáo viên dạy nghề cô mong muốn đem những kiến thức đó truyền đạt lại cho học sinh - sinh viên.
Cô Thư (đeo kính) cùng học viên tại nhà lưới sản xuất rau sạch
Như vậy, khi ra trường, các em có thể yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương thay vì đổ xô đi làm lao động phổ thông tại các khu công nghiệp.
"Cách làm nông nghiệp truyền thống, năng suất không cao, nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, khoa học phát triển, công nghệ cao đã hỗ trợ rất nhiều cho người nông dân, giúp họ tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cao", cô giáo sinh năm 1988 khẳng định.
Mười năm qua, cô giáo Thư đã nỗ lực không ngừng, bồi dưỡng kiến thức và nâng cao trình độ cho bản thân qua các khóa đào tạo nâng cao và kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời tích lũy kinh nghiệm từ đồng nghiệp.
Đối với công việc dạy nghề, thực hành đóng vai trò quan trọng. Mỗi giáo viên cần tìm ra phương pháp phù hợp cho nhiều đối tượng học viên khác nhau.
Học viên lớn tuổi, chưa thành thạo công nghệ và các thiết bị nghiên cứu, cô cố gắng truyền tải kiến thức bằng ngôn từ dễ hiểu, có ví dụ sinh động động...
Cô Thư mang những kiến thức của mình về nông nghiệp công nghệ cao truyền cho học viên.
Cùng với đó, cô hướng dẫn học viên trực tiếp trên mô hình sản xuất, đồng ruộng, tăng cường mối liên kết giữa học ở trường với sản xuất thực tế để các em phát huy được sở trường năng lực bản thân.
Trong những năm gần đây, lãnh đạo trường Cao đẳng Bắc Kạn đã quan tâm, đầu tư tập trung giảng dạy nông nghiệp hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao.
Các giảng viên chuyên ngành như Nông Thị Thư được đưa đến thăm quan, học tập kinh nghiệm tại các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Từ đó cô về xây dựng các mô hình như vậy tại nhà trường như: Sản xuất trong nhà có mái che (nhà lưới), sử dụng công nghệ tưới phun tự động, tưới nhỏ giọt.
Cô giáo trẻ cho biết thêm, sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới là xu hướng trong giai đoạn bùng nổ công nghệ hiện đại, kỹ thuật số.
Mô hình này giúp bảo vệ rau khỏi côn trùng phá hoại, giảm được tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, qua đó tránh được ô nhiễm môi trường và gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Công nghệ sản xuất này cũng bảo vệ rau khỏi thời tiết khắc nghiệt... Hệ thống tưới phun tự động giúp người nông dân không phải vất vả chăm sóc, tưới tắm cho cây, giảm công lao động và giảm giá thành sản phẩm.
Bên cạnh trồng rau, người nông dân cũng có thể áp dụng để trồng hoa, trồng các loại cây ngắn ngày, nhanh cho thu hoạch.
Mong các thầy, cô giáo luôn yêu nghề, giữ vững niềm tin Đất nước đang đặt ra trách nhiệm to lớn đối với sự nghiệp GD&ĐT, vì không có nguồn nhân lực chất lượng cao thì không thể đổi mới sáng tạo để đưa đất nước phát triển. Để đáp ứng được kỳ vọng đó của Đảng, Nhà nước, nhân dân, mong các thầy, cô giáo luôn yêu nghề, giữ vững niềm tin, nỗ lực...