Nghề đẳng cấp quốc tế, khái niệm mơ hồ, chỉ có ở Việt Nam
Gần đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội còn vẽ ra việc phát triển nghề có cấp độ quốc tế, khu vực và quốc gia. Một khái niệm mơ hồ chỉ có ở Việt Nam.
Chuyên gia chỉ ra những nhầm lẫn trong Luật giáo dục nghề nghiệpBộ Lao động – Thương binh và Xã hội phớt lờ Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Dạy nghề được coi là một trụ cột quan trọng của hệ thống giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên cả công tác tổ chức và triển khai của hệ thống này vẫn đang bộc lộ nhiều “khuyết tật”, dẫn tới lãng phí lớn.
Với mục đích góp phần giúp các cơ quan chức năng sớm nhận ra những yếu kém ấy, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi tới độc giả quan điểm của TS. Hoàng Vĩnh Giang – một chuyên gia đã có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu về hệ thống giáo dục Việt Nam.
Chồng chéo trong quản lý
Kể từ khí Chính phủ giao công tác quản lý nhà nước về dạy nghề, cơ sở vật chất của các trường nghề thay đổi chóng mặt với đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng, khác hẳn với giai đoạn trước đó. Có thể nói đó là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của Chính phủ nhằm phát triển hệ thống dạy nghề, đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Tuy nhiên, chính sự quản lý chồng chéo nhà nước về giáo dục nghề nghiệp nói riêng và về giáo dục đào tạo nói chung đã làm cho những lãng phí đầu tư công chồng lên lãng phí do cả Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động Thương binh – Xã hội đều làm những công việc gần giống như nhau trong công tác đào tạo nghề.
Lãng phí lớn nhất chính là ở công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch mạng lưới dạy nghề.
Video đang HOT
Trong khi nguồn tuyển sinh đầu vào các trường nghề có giới hạn, nhưng trên mỗi địa phương có đến hàng chục trường gồm dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, vài ba trường cao đẳng và đại học.
Sự cạnh tranh gay gắt nguồn tuyển sinh trong điều kiện số việc làm chưa được tạo ra tương ứng với người lao động trong độ tuổi gia nhập thị trường lao động, dẫn đến không ít trường nghề khó khăn trong tuyển sinh.
Trang thiết bị cơ sở vật chất đầu tư rất hoành tráng nhưng rồi thiếu người học, quản lý và đội ngũ giáo viên yếu kém… nên đành để cho bụi phủ, mạng nhện giăng đầy hoặc phải chuyển đổi cho chủ sử dụng khác.
Chính Thủ tướng đã lên tiếng về sự lãng phí: “Chúng ta còn lãng phí lớn lắm, đầu tư kém hiệu quả chỗ nào cũng có. Nơi thì thiếu phòng học, nơi phòng học không có học trò”.
Sự lãng phí không phải chỉ ở đầu tư ngân sách mà còn lãng phí nguồn đất đai để xây dựng trường nghề. Mỗi trường cao đẳng nghề ít ra cũng phải vài ba héc-ta đất ở nơi đô thị để xây dựng, nhưng rồi không ít trường vắng bóng người học.
Thiết bị dạy nghề ở tỉnh KonTum được đầu tư hàng trăm triệu đồng, nhưng không có học viên. ảnh: vov.
Việc quy hoạch và tổ chức mạng lưới dạy nghề không chỉ chồng chéo với các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng do ngành giáo dục quản lý mà còn chồng chéo các nghề, trình độ đào tạo nghề với các trường nghề do các bộ ngành, các tổ chức chính trị xã hội cũng có trường nghề trên địa bàn.
Chính vì thế Chỉ thị số 37 CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đào tạo nhân lực có tay nghề cao nhấn mạnh việc phải quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GDNN để tập trung nguồn lực tạo ra sự thay đổi đối với công tác đào tạo nghề.
Sự lãng phí không dừng lại ở đó nếu đề cập đến các dự án vốn vay của ngân hàng phát triển châu Á 121 triệu USD từ năm 1998. Có lẽ người ta đã rất khó để nhận ra những kết quả và những tác động của dự án đến với công tác dạy nghề trên phạm vi hệ thống.
Với mục tiêu tạo ra trên 300 chương trình dạy nghề gắn với năng lực và tài liệu liên quan… nhưng đến năm 2011 thì khái niệm chương trình khung đã biến mất trong Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020, điều đó cũng coi như đồng nghĩa với việc lãng phí các chương trình đã được xây dựng.
Trong khi chương trình kết cấu theo nguyên tắc xếp chồng module (theo Luật dạy nghề 2006) từ sơ cấp đến trung cấp và cao đẳng nghề thì kinh phí cho xây dựng chương trình sẽ giảm bớt rất nhiều. Nói cách khác thì khi đã xây nhà người ta xây móng rồi thì chỉ cần chồng tầng lên là đủ, nhưng đằng này lại xây móng một lần nữa – lãng phí sẽ nhân thêm.
Thông tư này đã làm cho mỗi chương trình Trung cấp nghề chi khoảng 450 – 475 triệu đồng (đơn giá/tiết học x tổng số tiết học). Còn chương trình Cao đẳng nghề thì chi khoảng 480 – 500 triệu một chương trình, với vỏn vẹn chỉ khoảng hơn chục trang giấy (số tiền gấp nhiều lần một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ).
Ấy vậy mà đến cuối năm 2012, Tổng cục dạy nghề qua một doanh nghiệp trong nước lại nhập khẩu 8 chương trình nghề từ Malaysia, (một cán bộ của Tổng cục dạy nghề cho biết: Những nghề đó Malaysia trong các cuộc thi tay nghề ASEAN không vượt qua Việt Nam), gồm các chương trình: Khai thác máy tàu thủy; Điều khiển tàu biển; Kỹ thuật xây dựng; Gia công thiết kế sản phẩm mộc; Chế biến thủy sản; Kỹ thuật chế biến món ăn; Quản trị khách sạn; Quản trị lễ tân.
Lãnh đạo của Tổng cục dạy nghề từng tuyên bố về việc Việt Nam luôn giành thứ hạng cao tại các kỳ thi tay nghề khu vực, vậy thì việc nhập khẩu chương trình của nước ngoài đã tự nói lên tất cả về sự thiếu nhất quán của người làm chính sách dạy nghề.
Vẽ rắn, thêm chân… vẫn mờ mịt
Gần đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lại còn vẽ ra việc phát triển nghề có cấp độ quốc tế, khu vực và quốc gia. Nhưng khái niệm nghề cấp độ độ quốc tế cũng rất mờ mịt, chẳng có quốc gia nào có khái niệm này trừ Việt Nam.
Đến khi hỏi lại thì những nghề ấy người lao động làm việc cho doanh nghiệp quốc tế nào, và cơ sở nghiên cứu nhu cầu thị trường lao động nào để phát triển thì hầu như không có các điều tra khảo sát nhu cầu ở các ngành kinh tế.
Ngay đến trên địa bàn Đăklak cũng thiết kế 3 nghề cấp độ quốc tế, 10 nghề cấp độ ASEAN nhưng người lao động sẽ làm gì, ở đâu khi học xong nghề thì chưa ai trả lời được…?
Nhiều lớp dạy nghề chỉ lác đác vài học viên như thế này. ảnh: Dantri.
Sự lãng phí còn tăng lên nhiều khi đầu tư ngân sách nhà nước về cho các trung tâm dạy nghề cấp huyện. Đầu tư thiếu đồng bộ cơ sở vật chất, con người và thiết bị, không hình thành được mạng lưới liên kết, học chữ tại các trung tâm Giáo dục thường xuyên tách rời với học nghề… dạy nghề theo kiểu phong trào cả làng học một nghề…
Trên phạm vi quốc gia, sự lãng phí còn thể hiện ở sự ách tắc trong phân luồng và hướng nghiệp do sự chia cắt trong quản lý hệ thống giáo dục đào tạo. Ngành lao động không thể nào can thiệp được vào các trường THCS và THPT để làm công tác dạy nghề hướng nghiệp do bất cập quản lý hiện nay.
Kết quả là thanh niên vẫn đổ xô vào học THPT, cố gắng thi vào Cao đẳng, Đại học để rồi học không nổi hoặc bỏ học hoặc thất nghiệp.
Một đất nước với 100 triệu dân trong một tương lai rất gần, nguồn lực còn phải thắt lưng buộc bụng cho các khoản chi khác mà hệ thống giáo dục đào tạo còn bị chia cắt như hiện nay, trong khi tỷ lệ lao động chưa có chuyên môn kỹ thuật rất cao đến trên 83% là thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Theo giaoduc.net.vn