Nghề buôn ‘hàng cáy’, chuyện bây giờ mới kể
Dù là sản phẩm bị cấm nhập khẩu, song lại không cấm bán nên thị trường nên “hàng cáy” vẫn có “đất” để người bán và người mua tìm đến nhau.
Khách hàng lựa chọn mua “hàng cáy” tại một cửa hàng trên phố Mê Linh, Hải Phòng
“Hàng cáy” hay còn gọi hàng “nghĩa địa”, hàng đã qua sử dụng được nhiều người lựa chọn không chỉ bởi chất lượng “nồi đồng cối đá” mà còn vì độ độc, lạ của nó. Dù là sản phẩm bị cấm nhập khẩu, song lại không cấm bán nên thị trường nên “hàng cáy” vẫn có “đất” để người bán và người mua tìm đến nhau.
Đồ cũ đắt hơn hàng mới
Từ lâu nay, có một cửa hàng buôn bán, sửa chữa đồ điện dân dụng trên phố Mê Linh (quận Lê Chân, Hải Phòng), dù không lớn nhưng luôn tấp nập người đến lựa chọn, mua bán.
Điều đặc biệt, những mặt hàng như: Nồi cơm điện, quạt, lò vi sóng, điều hòa, máy giặt… ở đây đều xếp thành đống, phủ một lớp bụi chứ không còn nguyên đai, nguyên kiện, nguyên hộp. Khách hàng tới đây tỉ mỉ lựa chọn đồ xong không mặc cả, trả tiền theo giá của chủ cửa hàng đưa ra bởi đại đa số họ là khách quen.
Lạ ở chỗ, giá mua những món đồ cũ này thậm chí còn đắt hơn mua một món đồ cùng loại trong siêu thị. Bình thường, chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng có thể mua được một chiếc quạt điện mới tinh, tuy nhiên, ở đây có khi khách hàng phải bỏ ra tới hơn 1 triệu đồng để có thể sở hữu một chiếc quạt cũ phủ bụi.
Một chiếc máy giặt National loại 10kg hàng nội địa Nhật cũng có giá lên đến gần 10 triệu đồng. Tương tự, những chiếc điều hòa, quạt cũng có giá ngang bằng với sản phẩm cùng loại được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng điện máy.
Điểm khác biệt duy nhất là những đồ điện cũ này đều là hàng nội địa (sản xuất, tiêu thụ trong nước) của Nhật Bản, Đức, Mỹ… Đa số khách hàng lựa chọn “hàng cáy” đều chia sẻ rất ưng với chất lượng “nồi đồng cối đá” của những sản phẩm này.
Cửa hàng nêu trên là một trong khoảng vài chục nơi chuyên bán “hàng cáy” ở Hải Phòng.
Đại gia cũng chơi “hàng cáy”
Anh Nguyễn Văn Hoàn ở phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội) là một tín đồ của “hàng cáy” Nhật. Chính vì quá “nghiện” loại hàng này nên khi xây nhà, anh Hoàn thiết kế 2 đường điện, loại 220V cho thiết bị điện thông thường và loại có biến thế chuyển đổi từ điện 220V sang điện 110V (do đồ dùng nội địa Nhật Bản sử dụng điện 110V).
Trong nhà anh, từ máy giặt, tủ lạnh, điều hòa, quạt… đều là “hàng cáy” Nhật Bản. “Các thiết bị điện tử, hàng gia dụng Nhật nội địa thực sự chất lượng. Có những chiếc xe máy Cub 50 mấy chục năm vẫn chạy tốt; cũng là cùng một hãng điện tử như Panasonic hay Daikin nhưng điều hòa, quạt điện hàng nội địa của Nhật chạy êm, mát sâu hơn hẳn hàng mới, xuất sang nước ngoài”, anh Hoàn nhận xét.
Cùng một người bạn đi chợ “hàng cáy” ở Hải Phòng, PV Báo Giao thông thực sự bất ngờ trước sự đa dạng của những mặt hàng gia dụng này. Phố Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền là nơi tập trung của “hàng cáy” buôn bán các mặt hàng máy giặt, tủ lạnh, điều hòa với đủ các thương thiệu từ Sharp đến National, Toshiba…
Với những người sành “hàng cáy”, chủ cửa hàng quen mặt, có thể đi thẳng vào kho chọn trong đống đồ phủ dày bụi. Tuy nhiên, chỉ sau vài động tác phun hóa chất, vệ sinh của thợ, những sản phẩm đó đã như mới.
Dân bán “hàng cáy” ở Hải Phòng không ai không biết một đại gia tên Quang trên Hà Nội. Cứ mỗi khi “hàng cáy” về, các tay buôn lại gọi điện thông báo cho đại gia hay. Một điều thật lạ, với ngôi biệt thự lớn, đẹp lộng lẫy có tiếng ở Hà Nội mà vật dụng trong nhà từ quạt điện, nồi cơm, đến hệ thống nghe nhìn… tất tật đều là “hàng cáy”.
Chia sẻ với thắc mắc của PV, vị đại gia bộc bạch: “Đó là cái thú lạ đời của tôi. Mê lắm. “Hàng cáy” gây nghiện cho tôi hơn 5 năm về trước… giờ trở thành thói quen, cứ về Hải Phòng là phải săn lùng “hàng cáy”.
Một thời vang bóng
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, trong giới sinh viên ở Hà Nội ai có chiếc đài quay băng, đĩa hiệu Sony hay Panasonic mở lên để học tiếng Anh, nghe nhạc được coi là sang trọng lắm. Cao cấp hơn, có thêm chiếc xe đạp mini “2 dóng” thì được coi là “sinh viên quý tộc”.
Vào nhà ai có những vật dụng như chiếc radio – quay đĩa National, tivi Panasonic đen trắng, xe Honda đời 78, Cub 82 “kim vàng giọt lệ” máy khâu “Con bướm” 5 ngăn, tủ lạnh Toshiba “Đầu gấu” 2 cửa… được coi là gia đình rất điều kiện.
Ở thời đó, nước ta mới bắt đầu mở cửa, rất ít doanh nghiệp sản xuất được mặt hàng điện tử, điện lạnh, công nghệ… thì những mặt hàng có xuất xứ từ nước ngoài là lựa chọn số một.
Khi đó, những chuyến tàu viễn dương sang Nhật Bản, Mỹ, Pháp… ngoài chở về những mặt hàng chính thức còn mang theo rất nhiều “hàng cáy” như: Ti vi, tủ lạnh, xe máy, quạt điện… Điểm đến của những loại “hàng cáy” này thường là thành phố cảng Hải Phòng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, ở phố Lạch Tray, quận Ngô Quyền chia sẻ: “Những năm 80 của thế kỷ trước, tôi là thủy thủ tàu Vosco chuyên “đánh hàng” sang Nhật.
Video đang HOT
Khi đó, cuộc sống của thủy thủ rất vương giả vì ngoài tiền lương rất cao so với mặt bằng chung, đại đa số đều đi buôn “hàng cáy”. Mỗi khi sang Nhật, được lên bờ chúng tôi đều tới những bãi rác lần tìm những đồ điện tử.
Ở đó xe máy, ti vi, tủ lạnh cũ nhiều lắm, chúng tôi chỉ việc bỏ ra số tiền rất nhỏ để “chi” cho người trông coi bãi rác rồi vác về tàu giấu, chuyển về nước. Do là hàng lậu nên có thể những mặt hàng này sẽ bị bắt, tịch thu nhưng nếu trót lọt thì đó là cả một gia tài”.
Sau những ngày lênh đênh trên biển, về tới đất Cảng, đa số “hàng cáy” sau đó được tập trung tại chợ Sắt (quận Hồng Bàng) để rồi từ đó tỏa đi khắp nơi. Trong suốt nhiều thập kỷ, những mặt hàng gia dụng mang tên “hàng cáy” đã tạo nên một tầng lớp những người giàu có ở Hải Phòng.
Thời đó, dân Hải Phòng truyền tai nhau câu nói: “Đẹp giai đi bộ không bằng anh rỗ đi “doa” (xe đạp Peugeot). Anh rỗ đi “doa” không bằng anh già đi cup. Anh già đi cup không bằng anh cụt Vosco (thủy thủ Công ty vận tải biển Vosco). Anh cụt Vosco không bằng bà bô chợ sắt…”.
Ở thời kỳ đa số người dân đều khó khăn, việc một vài thiếu niên ở Hải Phòng kiếm 1- 2 chỉ vàng chỉ bằng nghề xách “hàng cáy” là chuyện bình thường. Anh Nguyễn Trọng Đức ở phố Lê Lai, quận Ngô Quyền nhớ lại: “Khi tôi còn bé, mỗi lần chú tôi bảo đi “xách hàng”, lũ trẻ chúng tôi vui lắm.
Đêm xuống, chúng tôi tập kết tại cầu tàu, khi có “lệnh” là xuống tàu khuân hàng tới điểm tập kết. Lúc đó mỗi tiếng làm việc được trả vài chục nghìn đồng, chỉ cần làm vài giờ chúng tôi được trả công bằng 1 chỉ vàng.
Tới khi học đại học, mỗi lần về thăm nhà, khi trở lên Hà Nội, cánh sinh viên Hải Phòng chúng tôi thường mang theo chiếc xe đạp mini Nhật, chiếc đài cát-xét lên. Đó là những thứ hàng “hot” thời đó nên cứ mang lên là có người tìm mua. Tiền lãi cũng giúp chúng tôi sống khá sung túc so với mặt bằng chung của sinh viên thời đó”.
Buôn “hàng cáy” một thời tạo nên một lớp đại gia ở Hải Phòng. Họ là những người rất giàu có bởi buôn 1 vốn 10 lời. Ông Nguyễn Văn Vui ở phố Lương Khánh Thiện được biết tới là một trong những đại gia trong làng buôn này.
Ông Vui chia sẻ: “Khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, tôi chuyên nhập “hàng cáy” của các thủy thủ viễn dương. Những chiếc xe đạp, ti vi, tủ lạnh nhập về với giá tính theo USD, bán ra cho khách thì tính tiền Việt. Ngày đó, trung bình mỗi ngày tôi bán khoảng chục chiếc ti vi, tủ lạnh, xe đạp… trừ chi phí lãi vài cây vàng là chuyện bình thường.
Giờ đây, hàng hóa ê hề, thời của “hàng cáy” giữ vị trí độc tôn lùi vào dĩ vãng. Tuy vậy, tôi vẫn duy trì một cửa hàng buôn bán “hàng cáy” phục vụ những người có nhu cầu tìm mua như một thú vui. Giờ đây, thu nhập từ việc buôn bán có khi cả tháng lãi được khoảng 20 triệu đồng”.
Là "fan cuồng" của Muji nhưng bạn đã bao giờ nhẩm tính cần tốn bao nhiêu tiền sắm đồ để "hô biến" căn bếp nhà bạn thành bếp Muji?
Phải làm sao để nó gọn gàng nhưng vẫn đầy đủ dụng cụ? Phải trang trí thế nào để đồ đạc không bị lộn xộn về màu sắc hay phong cách?
Thật sự đây sẽ là những câu hỏi khiến cho người nội trợ cứ phải sửa đi sửa lại, thay đi thay lại mới có được sự hài lòng (hoặc thay hoài mệt quá nên đành chấp nhận).
Bạn hoàn toàn có thể hô biến căn bếp nhà mình thành một căn bếp toàn đồ đạc của Muji bởi cái gì họ cũng có bán. Muji sắp về Việt Nam, cánh nội trợ đang trông ngóng đến ngày "xả ví" nhưng cũng nên cẩn thận bởi sản phẩm của Mujicó giá thành không thân thiện lắm với người Việt.
Căn bếp là một khu vực trong nhà mà đối với đàn ông thì "sao cũng được" nhưng với phụ nữ hoặc những người có đam mê nấu nướng là một "thánh địa". Mọi công đoạn từ sơ chế, nấu ăn, lưu trữ thực phẩm hay chén bát đều nằm ở đây. Bếp không chỉ đòi hỏi sự tiện nghi mà còn cả thẩm mỹ.
Cũng vì thế mà những chủ đề về bếp, decor bếp, mua đồ bếp, yêu bếp luôn rất được các chị em quan tâm. Hẳn là bạn cũng đã từng trải qua giai đoạn bị stress vì căn bếp của mình.
Phải thừa nhận một điều, bếp là nơi khó để bạn thực hiện lối sống tối giản nhất, bởi nhu cầu và sự giới hạn về thời gian. Vì thế, những phong cách nội thất khác nhau chính là giải pháp có thể xem là toàn diện nhất cho đến lúc này. Những thương hiệu nội thất mà giá không quá đắt như JYSK hay Ikea là một ví dụ.
Với phong cách Bắc Âu, bạn sẽ khiến mọi thứ trở nên đồng bộ và đơn giản, còn lại phải tùy thuộc vào cách bạn bố trí và sắp xếp mà thôi.
Tương tự với Muji, thiết bị và dụng cụ bếp của Muji cũng được các chị em ưa chuộng vì mẫu mã và công năng. Bạn hoàn toàn có thể hô biến căn bếp nhà mình thành một căn bếp toàn đồ đạc của MUJI bởi cái gì họ cũng có bán.
Muji sắp về Việt Nam, cánh nội trợ đang trông ngóng đến ngày "xả ví" nhưng cũng nên cẩn thận bởi sản phẩm của Muji có giá thành không thân thiện lắm với người Việt.
Dụng cụ bếp rất nhiều và xinh, lại còn đồng bộ về chất liệu và chất lượng
Dạo qua những sản phẩm dụng cụ bếp như tô, chén, đĩa và muỗng, đũa, dao, kéo... bạn sẽ thấy cái gì cũng muốn mua về. Ví dụ như những chiếc muỗng (thìa) của Muji có thiết kế hơi khác biệt với những chiếc muỗng thông thường. Phần đầu muỗng được bo tròn nhiều hơn, trông vừa nịnh mắt mà khi sử dụng cũng thấy rất... vừa vặn. Muỗng, đũa đều có nhiều kích thước dài, ngắn, to, nhỏ tùy nhu cầu sử dụng.
Đây là một điểm khá hay với đồ bếp của Muji vì đa phần chúng ta hay nghĩ rằng muỗng, đũa có chung một kích thước cũng được. Nhưng các nhà thiết kế sản phẩm của Muji đã khảo sát trực tiếp với những khách hàng ở Nhật và biết được nhu cầu dùng nhiều muỗng, đũa kích thước khác nhau là ai cũng có. Sự dài, ngắn, to, nhỏ của muỗng, đũa hoặc nĩa cốt là để kết hợp với các loại tô, chén, đĩa khác nhau mà không gây mất thẩm mỹ.
Với các chất liệu có tính lâu bền, giá thành tất nhiên cũng không rẻ nếu như so sánh với các sản phẩm được bày bán trong siêu thị hay chợ. Muỗng và nĩa inox của Muji rất dài, không dễ bị bẻ cong, cầm trên tay rất vừa vặn, có giá tiền từ 150 yen đến 350 yen/chiếc chưa thuế (khoảng 32,500đ - 76,000đ).
Muỗng gỗ thì đắt hơn, có chất liệu bằng gỗ dẻ gai, giá từ 390 yen - 650 yen/chiếc tùy vào kích thước (khoảng 76,000 - 142,000đ). Đũa gỗ thì có 2 loại là gỗ sơn mài và gỗ phong (dùng được trong mấy rửa chén), giá từ 690 yen - 750 yen ( 149,000 - 162,000đ).
Tô và đĩa gỗ thì được sản xuất bằng gỗ sơn mài hoặc gỗ tràm. Cả hai loại này đều là chất liệu hạn chế ẩm, mốc hay xuống cấp. Các mặt gỗ đều được mài rất nhẵn, cho cảm giác rất êm mượt khi cầm trên tay. Gỗ sơn mài thì có giá từ 790 yen - 1790 yen (171,000đ - 383,000đ), gỗ tràm thì thừ 350 yen - 1990 yen (76,000đ - 432,000đ).
Tô, đĩa, khay sứ của Muji thì có 3 loại là sứ trắng (bóng), sứ màu be (mờ) và sứ xương (Bone China). Các loại tùy kích cỡ có giá dao động trong khoảng 250 yen - 1500 yen (55,000đ - 325,000đ).
Nói chung thì các dụng cụ dùng trong bếp của Muji có giá mỗi món trung bình khoảng 500 yen đến 1000 yen (109,000đ - 217,000đ). Và thiết kế của Muji một khi đã khiến bạn xiêu lòng thì bạn sẽ mua rất nhiều thứ cho đồng bộ. Vị chi chừng 100 chiếc muỗng, đĩa, tô, đũa... các loại trong bếp thì cũng đã phải tiêu tốn đến 22,000,000đ, một con số không nhỏ.
Thiết bị bếp nhìn là muốn mua ngay lập tức, nhưng nhìn giá xong phải suy nghĩ lại!
Các thiết bị điện gia dụng dùng trong bếp của Muji nổi bật nhất bởi thiết kế. Màu trắng, đen kết hợp với kính và inox tạo nên những hình khối rất nịnh mắt, đặc biệt là những chỗ bo tròn rất dịu dàng, khiến bạn có thể đặt chúng ở bất cứ không gian nào mà không gây cảm giác choáng chỗ hay thô thiển. Cùng điểm qua một chút về công năng cũng như giá thành nhé.
Nồi cơm điện
Đây là sản phẩm bạn nên cân nhắc nhất trong số những thiết bị điện dùng trong bếp của Muji. Với dung tích tối đa là 3 lon gạo (cho khoảng 3~4 người ăn/bữa) thì nồi cơm này rất thích hợp với những gia đình ít người hoặc những người sống độc thân. Vì phần lòng nồi chỉ dày 1,7mm nên nhiệt lượng không đồng đều được triệt tiêu rất nhiều, giúp hạt cơm nở mềm và đều.
Tuy nhiên, điểm mà rất nhiều nội trợ "chết" vì nồi cơm này chính vì ở trên nóc nồi có một phần khoét lõm để đặt được chiếc muôi (vá) xới cơm. Bạn đừng xem thường công năng này nhé, có rất nhiều người bị stress vì không biết giải quyết vấn đề chiếc muôi. Cắm ở bên hông nồi như rất nhiều loại nồi thì không thẩm mỹ, mà cái hộc treo ấy sẽ tạo chúng ta cảm giác rất lười lấy ra để rửa.
Giá của chiếc nồi xinh yêu này là 6990 yen (1,517,000đ), ngang với giá một nồi cơm đa chế độ (của hãng Sharp) có thể nấu được đến 10 lon gạo.
Lò nướng hai tầng
Đây cũng có một sản phẩm bạn có thể cân nhắc vì sự nhỏ gọn và tiện lợi, thích hợp cho nhà ít người. Việc dùng một chiếc lò nướng quá to vừa tốn điện mà vừa gây lười mỗi khi chúng ta cần nước một thứ gì đó nhanh chóng, đơn giản.
Giá của lò nướng là 4990 yen (1,083,000đ). Đây là giá khá rẻ cho thiết kế và nhu cầu sử dụng. Nếu so với chiếc lò dung tích 9L của Lock&Lock thì rẻ hơn rất nhiều.
Lò vi sóng
Lò vi sóng của Muji là loại kết hợp điện tử và cơ học, vẫn dùng bộ quay để cài thời gian nhưng có thêm tính năng thiết lập menu. Có 2 dung tích là 19L và 15L. Loại 15L thì có thêm chức năng nướng bánh mì, kèm vỉ.
Giá của cả 2 đều bằng nhau là 14,990 yen (3,253,000đ). Giá này khác đắt so với mặt bằng chung các loại lò vi sóng được sử dụng ở Việt Nam.
Ấm đun nước
Ấm đun của Muji có hình dạng giống một chiếc bình sữa dễ thương, dùng điện và có thời gian đun sôi siêu tốc. Bạn chỉ mất 80s để đun sôi một cốc nước. Máy cũng có chế độ ngắt điện khi sôi và hạn chế bốc khói.
Nhưng điểm đáng để suy nghĩ nhất chính là có vòi nhỏ. Các ấm đun bình thường vòi khá to, không thích hợp cho việc pha trà hay cà phê. Đây có lẽ là một giải pháp của thiết kế mà nhiều người Nhật ưa chuộng vì cách uống cà phê pour-over rất phổ biến. Tuy chiếc vòi của ấm Muji không đủ nhỏ và dài như ấm cổ ngỗng nhưng vẫn là một giải pháp chấp nhận được cho những người không cần quá chuyên nghiệp.
Nhưng giá cả thì lại là một điểm yếu của sản phẩm này. Giá của ấm đun là 4990 yen (1,083,000đ).
Tủ lạnh
Tủ lạnh của Muji có nhiều dung tích chính là 126L đến 355L. Các tủ lạnh của Muji chủ yếu là 2 cửa hoặc 3 cửa, chia thành 2 hoặc 3 ngăn tùy nhu cầu. So sánh những tính năng, đặc trưng trên web của Muji với các loại tủ lạnh thông thường thì không có gì khác biệt, nhưng thiết kế thì rất bắt mắt, hài hòa với mọi không gian.
Nhưng, lại là một chữ nhưng khi đọc đến giả cả của sản phẩm này. Giá của tủ lạnh từ 32000 yen đến 159000 yen (7,400,000đ đến 34,000,000đ).
Ngoài những món trên này thì đồ điện gia dụng của MUJI còn có rất nhiều thứ khác như lò nướng po-up, máy giặt, bếp ga mini, máy pha cà phê...
Tính ra thì nếu xét về tính năng thì sản phẩm của Muji không quá sáng tạo hay đặc biệt, những trang bị hoàn toàn là các nhu cầu thiết yếu, đúng như tiêu chí của hãng.
Nhưng thiết kế của Muji thì quả thực là một điểm "đánh đau" với túi tiền vì hầu hết các món đồ hình khối đều có cùng kích thước chiều rộng. Điều này sẽ khiến bạn đặt các thiết bị cạnh nhau hoặc chồng lên nhau mà không tạo ra sự lệch lạc, làm căn nhà trở nên rất ngăn nắp. Mà muốn vậy thì tất nhiên là phải mua cả bộ rồi.
Để xem, nếu tính sương sương những dụng cụ, thiết bị bếp của Muji khi gói mang về nhà nếu muốn cải tạo căn bếp thì tiêu tốn cả trăm triệu đồng là chuyện bình thường. Muốn bếp xinh bếp đẹp thì cũng không rẻ đâu. Nhưng trước mắt, có thể toàn bộ những món này sẽ chưa được bán ở Việt Nam.
Kinh nghiệm chọn mua nồi cơm điện - Nồi đắt tiền có cho ra bát cơm ngon hơn nồi rẻ tiền? Hãy cùng tìm hiểu xem sự khác biệt giữa chiếc nồi cơm vài trăm nghìn và vài triệu đồng. Cơm là thứ gần như không thể thiếu trong hầu hết các bữa ăn của người Việt. Đối với nhiều người, gần như có thể nói rằng ba bữa ăn không tách ra khỏi bát cơm. Thậm chí ngay cả khi đến nhà hàng...