Nghệ An cho phép trường mầm non mở cửa trở lại
Từ ngày 12/8, các trường mầm non có thể đón trẻ đến trường trong dịp hè nhưng phải đảm bảo các tiêu chí trường học an toàn về phòng chống dịch Covid – 19 và dịch mùa hè.
Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An vừa có văn bản hướng dẫn các trường học đảm bảo an toàn để tổ chức chăm sóc trẻ trong thời gian học hè.
Văn bản nêu rõ: Từ ngày 12/8, để đón trẻ đến trường trong dịp hè, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non phải đảm bảo các tiêu chí trường học an toàn về phòng chống dịch Covid – 19 và dịch mùa hè.
Để đón trẻ đến trường, các trường học phải tổ chức đo thân nhiệt hàng ngày cho trẻ. Ảnh: Đức Anh
Theo đó, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải cam kết bằng văn bản và chịu trách nhiệm các biện pháp đảm bảo an toàn cho giáo viên, nhân viên và trẻ khi hoạt động trở lại theo các tiêu chí trường học an toàn phòng chống dịch Covid -19. Bản cam kết phải nạp về phòng Giáo dục và Đào tạo theo dõi, chỉ đạo.
Giáo viên các trường tham gia vệ sinh để phòng chống dịch Covid -19. Ảnh: Mỹ Hà
Song song với đó, các trường mầm non làm tốt công tác tư vấn, tuyên truyền để phụ huynh, người chăm sóc trẻ phối hợp trung thực để khai báo lịch sử tiếp xúc dịch tễ, tình trạng sức khỏe của trẻ. Nhà trường không được chăm sóc trẻ đang trong thời gian áp dụng biện pháp cách ly hoặc có các biện pháp lâm sàng như sốt, ho, khó thở. Đồng thời giáo viên, nhân viên đi về từ các địa phương có dịch không được bố trí nhiệm vụ.
Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu hiệu trưởng và chủ cơ sở giáo dục mầm non phải báo cáo với Phòng Giáo dục & Đào tạo và tạm dừng ngay các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non nếu xuất hiện ca nhiễm tại cộng đồng tại địa bàn nơi trường đứng chân hoặc có chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.
Video đang HOT
Trước đó, từ ngày 29/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã có văn bản yêu cầu các trường mầm non tạm nghỉ học do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 bùng phát trở lại. Tuy nhiên, việc nghỉ học dài ngày khiến cho một số phụ huynh rơi vào bị động trong việc quản lý con. Ngoài ra, các trường mầm non (đặc biệt là mầm non công lập) cũng gặp một số khó khăn trong quá trình hoạt động, ảnh hưởng đến đời sống cán bộ, giáo viên.
Giáo dục mầm non Tân Kỳ với mục tiêu nâng cao chất lượng toàn diện
Giáo dục mầm non của huyện Tân Kỳ thực sự được nâng cao chất lượng toàn diện sau 5 năm thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2016 - 2020".
Ấn tượng những ngôi trường
Đến Trường Mầm non xã Tân An vào một ngày trung tuần tháng 6, trong thời tiết nắng nóng gay gắt, các giáo viên và học sinh vẫn miệt mài giờ học, chúng tôi thực sự ấn tượng với không gian xanh thoáng mát nhờ hệ thống cây xanh được trồng lâu năm và những bồn hoa đang khoe sắc làm sinh động lên khuôn viên với các thiết bị đồ chơi ngoài trời đáp ứng nhu cầu vui chơi, khám phá của trẻ.
Đến bữa cơm trưa, tất cả các cháu đều hào hứng với bữa cơm đủ chất dinh dưỡng, được tổ nuôi chế biến chu đáo, hấp dẫn... Phòng học, phòng ăn đều mát mẻ.
Giờ ra chơi của các cháu trường Mầm non xã Tân An. Ảnh Xuân Hoàng
Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Tân An - cô giáo Chữ Thị Hoài Thu cho biết: Từ việc ăn uống của các cháu, nhà trường đều lên thực đơn cụ thể, chi tiết theo từng tuần, nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho các cháu trong mỗi bữa ăn. Theo đó, tổ nuôi của trường hàng ngày chủ động mua các loại thực phẩm tươi ngon, đảm bảo chất lượng, đồng thời phải biết chế biến ra món ăn phù hợp với trẻ.
Được sự quan tâm của các cấp hội phụ huynh, các lớp học đã được đầu tư mua sắm quạt làm mát (hơi nước). Do vậy, vào các giờ học, bữa ăn và giờ ngủ trưa của các cháu không bị ảnh hưởng do nắng nóng. "Trong điều kiện được thuận lợi hơn bởi sự quan tâm của chính quyền địa phương và Phòng Giáo dục, tập thể nhà trường luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, tất cả vì các cháu học sinh thân yêu" - cô giáo Chữ Thị Hoài Thu chia sẻ.
Tập thể Trường Mầm non xã Tân An luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, tất cả vì các cháu học sinh thân yêu. Ảnh: Xuân Hoàng
Trường Mầm non thị trấn Tân Kỳ được đánh giá là "cánh chim đầu đàn" của giáo dục mầm non Tân Kỳ. Từ cơ sở vật chất đến trang thiết bị phục vụ dạy học ở đây đều được chính quyền địa phương, phòng giáo dục và hội phụ huynh quan tâm.
Cô giáo Dương Thị Dung - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Những năm qua, đơn vị thực hiện đúng quy định nền nếp chuyên môn và chương trình giáo dục mầm non; chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ và khuyến khích giáo viên tham gia các hội thi với chất lượng cao, năm học 2017 - 2018, trường có 3 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Nhà trường cũng luôn đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, lấy trẻ làm trung tâm, tạo điều kiện cho trẻ chủ động tham gia các hoạt động của nhóm, của lớp; giao tiếp - tương tác tích cực theo phương châm "học mà chơi - chơi mà học" phù hợp với từng độ tuổi và khả năng của trẻ. Kết quả 100% trẻ ngoan ngoãn, lễ phép, có kỹ năng sống cần thiết và phù hợp với độ tuổi, 100% số trẻ ăn bán trú tại trường, trong 3 năm học trở lại đây tỉ lệ suy dinh dưỡng đều giảm còn dưới 2,7%.
Điều đặc biệt của nhà trường hiện nay, được phụ huynh các lớp tự nguyện đóng góp tiền đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ dạy, học, còn quan tâm lắp đặt máy điều hòa trong các phòng học.
Khuôn viên Trường Mầm non thị trấn Tân Kỳ. Ảnh Xuân Hoàng
Với những hoạt động có chiều sâu, năm học 2018 - 2019 Trường Mầm non Tân Kỳ đạt danh hiệu xuất sắc cấp tỉnh; năm 2018, đạt đơn vị văn hóa và được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.
"Trẻ em như những mầm ươm, vì vậy, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục để trẻ phát triển toàn diện về cả thể chất, trí tuệ và nhân cách luôn được các trường mầm non chú trọng. Đặc biệt, tình yêu và lòng nhiệt huyết của các cô giáo mầm non sẽ giúp trẻ luôn vững vàng phát triển từ những lớp học đầu đời" - cô Dương Thị Dung tâm sự.
Được biết, hệ thống trường học mầm non của huyện Tân Kỳ những năm gần đây đã có sự thay đổi về chất lượng dạy và học, đó là kết quả sau 5 năm thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2016-2020".
Chuyên đề đổi mới chất lượng
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Kỳ - ông Phạm Tân Phương cho biết, giáo dục bậc mầm non là trường học đầu tiên của mỗi con người, là nền tảng đầu tiên của ngành; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non đảm bảo có tác dụng rất lớn đến chất lượng giáo dục cho các bậc học tiếp theo. Xác định tầm quan trọng đó, giáo dục mầm non huyện Tân Kỳ đã xây dựng và triển khai thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2016-2020".
Giờ ra chơi với nhiều hoạt động bổ ích của các cháu Trường Mầm non xã Tân Long. Ảnh Xuân Hoàng
Sau 5 năm triển khai thực hiện chuyên đề, đã nâng cao năng lực nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về nội dung chuyên đề, nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng, cải tạo ngày càng khang trang. Môi trường giáo dục trong lớp học được thiết kế sắp xếp khoa học, phù hợp, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của từng chủ đề, theo từng độ tuổi; đồ dùng, đồ chơi mang tính mở, hấp dẫn kích thích trẻ hoạt động tích cực.
Môi trường ngoài lớp học quy hoạch thiết kế khuôn viên sân vườn trường xanh, sạch, đẹp có đủ các khu vui chơi thực hành trải nghiệm, có đủ đồ chơi, đồ dùng đáp ứng nhu cầu hoạt động ngoài trời cho trẻ. Giáo viên được nâng cao kỹ năng lập Kế hoạch giáo dục; linh hoạt trong việc vận dụng phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm.
Trẻ hứng thú tích cực tham gia vào các hoạt động thực hành, trải nghiệm, các trò chơi, tích cực tương tác với đồ dùng, đồ chơi; hình thành, phát triển khả năng tư duy, nhận thức tích cực, chủ động trong việc lĩnh hội các kiến thức kỹ năng theo mục tiêu giáo dục đề ra. Phụ huynh đồng tình ủng hộ nhà trường về ngày công lao động vệ sinh khang trang trường lớp trồng cây, trồng rau, trồng hoa...
Giờ học múa của Trường Mầm non thị trấn Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng
Trong 5 năm, hệ thống giáo dục mầm non Tân Kỳ đã xây mới 54 phòng học, 37 phòng chức năng, 82 công trình vệ sinh của trẻ, 8 công trình vệ sinh dành cho giáo viên. 26/26 trường đều đã đầu tư thiết kế xây dựng cải tạo các khu vui chơi thực hành trải nghiệm ngoài trời cho trẻ và tu sửa mua sắm bổ sung thêm đồ chơi ngoài trời, các trang bị nội thất trong các nhóm, lớp đáp ứng nhu cầu phục vụ sinh hoạt vui chơi cho trẻ. Tổng kinh phí đầu tư hơn 86 tỷ đồng.
Ông Phạm Tân Phương cho biết thêm, kết quả nổi bật trong thực hiện chuyên đề chính là đối tượng trẻ trở thành trung tâm, trẻ phát triển khỏe mạnh, tích cực, hứng thú với các hoạt động trong môi trường phù hợp, mạnh dạn, tự tin; được rèn luyện và phát triển các tố chất cần thiết phù hợp với lứa tuổi, từ đó phát triển nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm và các kỹ năng xã hội. Những kết quả đạt được trong thực hiện chuyên đề, thực sự đã tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn huyện Tân Kỳ.
Hệ thống giáo dục mầm non Tân Kỳ hiện có 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó 97% giáo viên đạt trình độ trên chuẩn, năm 2018 có 10 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Các danh hiệu được khen thưởng: nhiều năm liền được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận xuất sắc lĩnh vực Giáo dục mầm non. Trong 5 năm qua, Tân Kỳ có 8 đơn vị được công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
Nghỉ hè, trường mầm non tại TP.HCM vẫn nhận giữ trẻ Từ ngày 16/7 đến 21/8, tùy điều kiện thực tế, nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh và giáo viên tự nguyện đi làm, các trường mầm non có thể tổ chức hoạt động hè. Đây là một trong những nội dung quan trọng mà phụ huynh cần lưu ý trong hướng dẫn về hoạt động hè cho các cơ sở giáo dục...